Nghe Radio, Mỹ Linh và Nhạc Hòa Tấu Paul Mauriat

Trong số báo Tết của tuần báo Người Việt Tự Do, có bài viết “Người Muôn Năm Cũ” của tác giả Cao Xuân Huy, có nói về một chương trình phát thanh của đài Mẹ Việt Nam thời trước 75, về giọng của cô xướng ngôn viên tên Hiền trong chương trình Sinh Bắc Tử Nam.

Cũng trong thời gian gần đây, bỗng ở San Jose này có đài phát thanh Việt Nam phát thanh 24/24. Có rất nhiều chương trình bổ ích cho mọi tầng lớp thính giả như: tin tức, học Anh Ngữ, đọc báo, vấn đề hôm nay; có các chương trình nhạc như nhạc yêu cầu, thế giới âm thanh và các phần quảng cáo. Để ý thấy phần đông các mẫu quảng cáo đều có phần nhạc đệm của Paul Mauriat đằng sau.

Tất cả những sự việc trên đây làm người viết nhớ lại quãng thời gian 1971-1973 và chương trình nhạc trẻ mỗi buổi trưa của đài phát thanh Sài Gòn do cô Mỹ Linh giới thiệu. Thời gian đó, người viết còn là một học sinh trung học quần xanh áo trắng, áo bỏ trong thùng, thời gian đẹp đẽ nhất đời người.

Thuở đó học sinh trung học Quốc Gia Nghĩa Tử, chỉ đi học buổi sáng từ 8 đến 12 giờ trưa, nhiều lắm thêm một tiếng nữa đến 1 giờ là nhiều, sau đó có quyền về nhà nghỉ nguyên ngày.Sướng quá, đi học về cơm nước xong xuôi, cái khoái nhất là được nằm xuống sàn nhà gạch bông mát mẻ nghe radio để chờ giấc ngủ trưa. Không còn nhớ lúc đó đài Quân Đội hay đài Sài gòn, trưa nào cũng thế, cứ từ 1:30 cho  tới 2:15, sau khi nghe phần tin tức và bình luận thời cuộc là có chương trình Nhạc Trẻ ngoại quốc do một cô có giọng nói thật là nhạc trẻ tên là Mỹ Linh mà giọng kể truyện, giọng tâm tình, giọng nỉ non, xướng ngôn của cô Mỹ Linh mà thằng nhỏ trưa nào cũng “dán tai “ nghe chương trình từ đầu đến cuối, nghe xong mới dám ngủ.

Hay môt cái là trong sáu ngày trong tuần từ thứ hai đến thứ bảy, mổi ngày đều có mỗi loại chương trình nhạc khác nhau. Thứ hai là ngày có nhạc chủ đề, thường là chủ đề về tình yêu, tương tự như chương trình nhạc chủ đề của Nguyễn Đình Toàn tối thứ năm. Nguyễn Đình Toàn thì cho hát nhạc Việt, còn Mỹ Linh thì để nhạc ngoại quốc, có thể là Mẽo, có thể là nhạc Tây. Trước khi vô một bài nhạc, người xướng ngôn viên sẽ “ngôn” một đoạn văn hay thơ nào đó về tình yêu, đại khái như :” Anh yêu dấu, ở một nơi nào đó, anh có biết chăng, trời bây giờ ở đây đang bắt đầu vào đông, cái se lạnh buổi sáng sớm và ban tối làm em chợt nghĩ, giá phải có anh bên mình thì hạnh phúc xiết bao, phải không anh .???". Tưởng tượng ở tuổi vừa lớn mà nghe được những câu ướt át như trên, qua một giọng nói cũng ướt át, nửa nũng nịu, nửa xa vắng như thế thì các chàng phải thích là cái chắc, dù rằng không biết “anh yêu dấu” này là anh nào đây....Rồi bài nhạc bắt đầu....cứ tuần tự cho đến hết chương trình.

Rồi ngày thứ ba hay thứ tư gì đó là ngày chuyên trị nhạc Pháp, thời đó là thời hoàng kim của Christophe. Vì được yêu chuộng nhiều nên một số bài ca của Christophe đã được phổ lời Việt. Ca sỹ Thanh Lan là ca sỹ đã hát những bài nhạc trẻ ngoại quốc đầu tiên, thí dụ bài Mal, tiếng Việt là Cơn Đau Tình Ái, câu đầu bài này là :” Đau....buồn quá trái tim ôi là đau (úi cha)...Bài Aline thì được phổ lời Việt với tên Gọi Tên Người Yêu và do Elvis Phương hát, đoạn giữa bài này có câu hét lên như vầy :” Rồi anh sẽ hét, sẽ hét lên thật to..Aline, Aline....Có một bài khác nghe tựa đề cũng rất là La mua tình sử địa “ Một thời để yêu và một thời để chết ”. Ngoài Christophe ra còn một số ca sỹ khác được nhiều người thích nghe như Sullivan với bài Adieu Sois Heuxreus, Sans Toi....Có một bài cũng Rumba chậm nghe rất tình không biết do ca sỹ nào hát, Elle Etáit Si Jolie, nhưng ở Mẽo này nhiều nam ca sỹ hát, có câu đầu lời Việt :” Vì nàng đẹp như một bông.... hồng, nên tôi không dám yêu nàng...” Chưa nghe thấy ca sỹ nữ nào ca bài này, có lẽ tại lời nhạc không hạp chăng, nếu ca..:”Vì chàng đẹp như một bông... hồng, nên tôi không dám yêu chàng...” thì “ngặt” cho chàng quá.

Rồi thứ năm có chương trình nhạc Top Hit, tức là những bài mới đang “hot” ngoài thị trường. Hồi đó cũng có đài radio Mẽo AFVN (American Forces Vietnam Network), nhờ đài này mà dân ghiền nhạc Mẽo có cơ hội được nghe những bài TOP 40 do Casey Kasim xếp hạng 40 bài hay nhất trong tuần. Thời gian này là thời gian cực thịnh của Bee Gees, Bread, Santana, Simon and Garfunkel, Carpenter, C.C.R., Jackson Five có anh chàng Michael Jackson...Lâu lâu Mỹ Linh lại làm một chương trình đặc biệt về một ca sỹ hay một ban nhạc nào ̣ó, nhớ rõ một lần có chương trình của những ban nhạc có tên bắt đầu bằng chữ B là các ban Beatles, Bread, Bee Gees, Beach Boys...

Rồi ngày thứ sáu lại có chương trình nhạc hòa tấu, thường là những bài phổ thông như Love Story, Doctor Zhivago, Godfather, Romeo and Julliet mà có đứa “náo nếu” dám phiên âm ra là “Rô bi nê và Toa lét “ hay là “ Romeo đi xe mô-bi-lét.....



Nói đến nhạc hòa tấu không lời là phải nói đến Paul Mauriat, theo người viết được biết thì bài nhạc hòa tấu đầu tiên đã làm cho Paul Mauriat nổi tiếng là bài Love Is Blue, đã được xếp hạng nhất năm 1968 ở Mỹ quốc. Như các bạn đều biết một bản nhạc muốn vô được Top Hit của Mỹ không phải là dễ, trước tiên nó phải được lăng xê trên radio, hồi đó chưa có music video như bây giờ, thiên hạ sẽ mở radio và nghe đi nghe lại, nếu thấy khoái là sẽ ra tiệm mua đĩa nhạc về nghe. Tùy theo số lượng của đĩa hát bán được mà người ta mới sắp hạng những bài hay nhất trong tuần, trong tháng, trong năm. Số bài nhạc hòa tấu không lời được vô Top Hit cho đến nay mới đếm được trên đầu ngón tay. Cái khó khăn nữa vì Paul Mauriat là dân ngoại quốc nên việc chen chân vào được thị trường âm nhạc của Mỹ một cách thành công như thế phải là chuyện hiếm hoi. Ngay cho tới ngày hôm nay, Paul Mauriat vẫn là người Pháp duy nhất có nhạc đứng số 1 của bảng xếp hạng Billboard của Mỹ.

Sơ lược về thân thế và sự nghiệp của Paul Mauriat: Paul Mauriat đã tốt nghiệp trường nhạc Conservatoir ở Marseille, một thành phố hải cảng phía nam của nước Pháp. Lúc đầu chàng định theo đuổi ngành piano concert, tức là dự ̣̣định sẽ ra đánh piano cho các dàn nhạc trình diễn nhạc cổ điển. Tới năm 17 tuổi, chàng bỗng thấy thích nhạc pop hơn và không học về piano concert nữa. Từ từ chàng thành lập được giàn nhạc riêng cho mình và trong thời gian đầu chuyên đi đệm nhạc cho các ca sỹ hát. Từ từ nhận thấy chỉ có Paris là nơi chàng có thể tạo được tên tuổi, chàng cùng bầu đoàn thê tử di tản về vùng kinh đô ánh sáng. Vừa tới Paris là đã bắt được cái job thơm phức là đệm nhạc cho ca sỹ nổi tiếng lúc bấy giờ là Charles Aznavous, anh chàng ca sỹ già rất được ái mộ ở Mỹ. Ở Việt nam thì dân biết đến Charles Aznavous qua bài Et Pourtant...

Dàn nhạc Paul Mauriat đã được biết đến nhiều và bắt đầu đi lưu diễn khắp Âu châu. Sau năm 1968 khi đã nổi tiếng như cồn với Love Is Blue thì Paul Mauriat và giàn nhạc đã đi lưu diễn khắp nơi trên thế giới. Và ở đâu bà con cũng đổ xô mua đĩa nhạc hòa tấu Paul Mauriat.

Cái hay của Paul Mauriat là anh ta có thể hòa âm và chơi được mọi thể loại của nhạc từ cổ điển, nhạc pop, nhạc country, nhạc soul, nhạc jazz, nhạc Nhật, nhạc Nga, nhạc Tây Ban Nha....Thường một bài nhạc lời sau khi được bà con thích, Paul Mauriat sẽ lựa ra và soạn lại hòa âm, phối khí. Giọng điệu chính của bài nhạc vẫn được giữ nguyên. Cái hay nữa là nghe một bài hòa tấu của Paul Mauriat nhiều khi thấy hay hơn bản original có lời. Thí dụ lấy bài “The Last Waltz” Bài Luân Vũ Cuối Cùng do Engebert Humperdink ca là đã thấy phê rồi, nghe bài này do Paul Mauriat hòa tấu thì ta lại thấy phê hơn nữa; nghe đúng là bài luân vũ, điệu valve chậm rõ ràng và đúng là bài luân vũ chót, bài cuối cùng; sau bài này là thôi, không còn bài gì nữa. Cách nay hơn mười năm, nam ca sỹ Linoel Richie của Mẽo có bài Hello, điệu nhạc nghe chậm buồn và rật thảnh thơi, qua tay Paul Mauriat hòa tấu không những bài nhạc nghe còn thảnh thơi lại thêm chút ẻo lả, lả lướt bằng những tiếng ngắt của đàn vĩ cầm....nghe nhức nhối không chịu được.

Trở lại chương trình nhạc trẻ của Mỹ Linh, trưa thứ bảy thường là chương trình nhạc yêu cầu của quý thính giả bốn phương, Mỹ Linh sẻ đọc một danh sách khoảng mươi mười mấy cái tên thính giả viết thư yêu cầu cho nghe, rồi theo lời yêu cầu của chàng này tặng cho cô nàng nọ; nghe vui đáo để. Tặng nhau một bài nhạc cho nghe đúng là vừa tình mà lại vừa free nữa, chỉ cần đối tượng chịu khó bật cái đài lên và chịu khó nghe dùm em chút xíu. Giống như trong một chương trình nhạc yêu cầu buổi tối gần đây của đài Việt nam, có anh chàng kia yêu cầu một bài nhạc riêng tặng cho một cô nàng đang làm việc ở một nhà hàng vào giờ đó, trước khi anh chàng này sẽ....ra đi thật xa....Đúng là quá la-mua tình-sử-địa, không còn gì có thể tình hơn, rồ mén tịch hơn.

Giống như tác giả Người Muôn Năm Cũ, người viết không biết giờ này Mỷ Linh, cô đang ở đâu; không biết nếu ở lại sau 75 cô có bị bắt đi học tập không, vì cái tội dám phổ biến, tuyên truyền nhạc “ngoại”, nhạc của đế quốc; hay cũng có thể cô đang yên ổn ở một nơi nào đó. Bây giờ ở đây, vùng Bay Area này, thiên hạ có khuynh hướng nghe lại nhạc xưa, tụi Mẽo nó gọi là Oldies. Có rất là nhiều đài phát loại nhạc này để thay thế cho những loại nhạc như heavy metal, nhạc rốc nhạc rap nghe rất ồn ào, chói tai. Sau ba mươi mấy năm, tôi vẫn nghe lại được những bài xa xưa ấy, vẩn Bread, Beatles, Carpenters, Santana, Neil Diamond, Carly Simon, Simon and Garfunkel.v.v....nhưng chắc chẳng có một disc jockey nào có cái giọng nồng nàn xa vắng như cô hồi xưa:”Anh yêu dấu, ở một nơi nào đó, anh có biết chăng
.....”

San Jose 18-8-06

mvk73
 

Trang Nhạc Ngoại Quốc