Hoa Lan Quỳnh


Bài nhạc Classical Guitar: Feste Lariane

 

Hình do Nguyễn Ngọc Quỳnh QGNT72

QUỲNH

LAN

 

Đức Hà
Việt Mecury - Số 210 - Thứ Sáu, 31 Tháng Giêng, 2003

Người yêu Quỳnh Hương

Đàn ông trên thế gian này thường có một "tật xấu" rất dễ thương là thích yêu hoa. Có người yêu nhiều, người yêu ít nhưng Nguyễn Ngọc Quỳnh thì yêu mê mẩn, nồng cháy, điên cuồng, không ngưng nghỉ để có thể nói không sai là Ngọc Quỳnh có thể sống trên cõi trần nay không tiền nhưng không thể thiếu quỳnh. Khó tính hơn mọi người, anh chỉ thích hoa có tên đẹp mà thôi: Lan và Quỳnh.

Quả vậy, nếu có người thích sưu tầm bonsai, sách báo, dĩa nhạc, tem thư... và xem đó như một thú tiêu khiển, một đam mê, một cách thoát ra khỏi những căng thẳng của cuộc sống đời thường, thì Nguyễn Ngọc Quỳnh lại thích sưu tầm hoa lan và hoa quỳnh. Lan và quỳnh của Nguyễn Ngọc Quỳnh là cả một gia tài, chắt góp, sưu tầm từ hơn 10 năm nay.

"Có phải tại tên Quỳnh nên thích quỳnh không?"
Anh trả lời:
"Chỉ là trùng hợp thôi; thiếu gì người tên Quỳnh mà lại thích Hồng thì sao."

Nhưng cũng có điều khác lạ là tuy còn ít tuổi anh đã bắt đầu sưu tầm quỳnh từ nhiều năm nay; vậy có quá sớm không?
Anh trả lời:
"Lúc trẻ mà không yêu quỳnh thì lúc già làm sao có sức bê được quỳnh?" Ý anh muốn nói đến những chậu quỳnh lớn hoàn toàn không còn nằm trong tầm tay của các vị cao niên.

Với hơn 100 loại quỳnh và 50 chậu lan trong khu vườn sau nhà, anh cho biết vẫn chưa đủ, vẫn muốn thêm nữa tuy rằng hiện nay anh đã có thể được xếp hàng đầu trong số người Việt tại San Jose chơi lan và quỳnh.

"Ngoài mấy nơi bán hoa thì chắc không ai có nhiều lan và quỳnh hơn tôi," anh nói.

Vì anh trân trọng, cưng chiều và có thể cả thầm yêu trộm nhớ những cây quỳnh trong nhà nên với anh, Quỳnh phải viết bằng chữ hoa, y như Quỳnh Hương được Trịnh Công Sơn nhắc đến trong ít nhứt ba tác phẩm của ông. Và Nguyễn Ngọc Quỳnh vẫn sống độc thân, hàng ngày mơ tưởng chở một Quỳnh Hương trên yên sau của xe Honda, miệng cười khúc khích: "Ta mang cho em một đóa Quỳnh, Quỳnh thơm hay môi em thơm. Em mang cho ta một chút tình, miệng cười khúc khích trên lưng."

 

Nguồn gốc

Cây quỳnh (Epiphyllum) nguyên gốc từ tiếng Hy Lạp, gồm chữ Epi là "trên" và phyllum là "lá"; như vậy epiphyllum là "trên lá"; hoa, trái và hạt, cành của cây quỳnh đều bắt đầu ngay ở lá. Tuy nhiên gọi là lá cũng không đúng vì quỳnh chỉ có cành, và cành biến thể trông giống như lá vậy. Cây quỳnh nguyên giống chính là cây dại mọc bám vào thân cây trong rừng nhiệt đới tại vùng Trung và Nam Mỹ.

Theo sách Epiphyllum của tác giả người Đức Marga Leue thì hoa quỳnh được các thủy thủ người Âu khám phá lần đầu tiên tại nam Mỹ cách nay 250 năm nhưng chỉ một thế kỷ sau đó hoa mới được biết nhiều tại Anh trước tiên rồi sau đó lan tràn sang Pháp, Đức và toàn Châu Âu. Thập niên 1920 hoa quỳnh mới sang tới Mỹ và trở thành lò sản xuất hoa quỳnh pha giống (hybrid) hàng đầu thế giới.

Phần lớn cây quỳnh thường thấy ngày nay là quỳnh hybrid, tiến triển qua nhiều năm ghép phấn của các loại hoa quỳnh.

Cây quỳnh dại mọc trên thân cây khác, sống nhờ chất đất mùn ở vỏ cây, chứ không phải là loại cây sống nhờ vào cây khác bằng cách hút nhựa của cây mọc nhờ. Tuy sống trong thiên nhiên, nhưng không khí nóng và khí hậu ẩm ướt không làm thối rễ cây vì nước chảy thoát va cây quỳnh được tàn lá che khuất tia nắng nóng của mặt trời. Vì vậy khi trồng quỳnh, người ta phải tìm chỗ mát với ánh sáng đã được gạn lọc cho cây có điều kiện sống hệt trong thiên nhiên.

"Nói vậy chứ Quỳnh không khó tính lắm đâu," Ngọc Quỳnh cho biết. Hoa quỳnh không cần nhà kiếng (greenhouse) chỉ cần mái che mưa nắng, sương gió và khí lạnh tuy quỳnh cũng chịu đựng khô hạn rất khoẻ và sống dai trong môi trường thiên nhiên với đất trong chậu phải xốp và thoát nước.

"Ướt át là em không chịu, ẩm là tốt nhất và chịu khó bón thì em mới chịu ra hoa và sống trên chục năm là thường," anh nói.

Ngay cả có bỏ bê thì quỳnh vẫn sống nhưng không thể "khai hoa nở nhụy."

Hiện nay người Mỹ và số đông người Việt thích loại quỳnh hybrid vì đủ màu sắc (ngoại trừ màu xanh dương) và hoa có thể sống đến vài ba ngày thay vì chỉ vài tiếng đồng hồ như quỳnh Việt Nam có tên La Tinh epiphyllum oxypetalum và chỉ có một màu duy nhất là trắng.

Theo hội Epiphyllum Society of America, hội quỳnh hương lớn nhất của Mỹ có trụ sở tại Monrovia gần Los Angeles thì hiện nay có khoảng hơn 10,000 loại hybrid có đăng ký bản quyền và có tên gọi riêng của mình. Khi thấy chữ epiphyllum ghép với một từ khác không phải La tinh như epiphyllum Saigon, epiphyllum Madonna... thì đó là loại quỳnh lai giống.

Người Việt và hoa quỳnh

Nếu đã chơi quỳnh thì không thể không biết đến cụ Trần Trọng Quang ở San Diego, qua đời ở tuổi 74 nay đã sáu năm. Là một nhà thầu khoán được nhiều người biết ở Sài Gòn trước năm 1975, cụ đã đưa đại gia đình với chín người con an toàn ra khỏi Việt nam năm 1975 để đến định cư tại vùng San Diago từ đó. Khí hậu San Diego lý tưởng với mưa nắng và khí lạnh đều hòa đã khiến cụ Quang trở thành người Việt đầu tiên và duy nhất ở Mỹ trồng quỳnh để bán kể cả gây giống vài loại quỳnh mới.

"Hội hoa quỳnh San Diego Epiphyllum Society cho biết hiện nay nhiều người đã nhái giống epiphhyllum Saigon của ông nhà tôi nhưng vẫn lấy tên đó để bán ra thị trường," cụ bà Trần Trọng Quang, 79 tuổi kể lại từ căn nhà ở San Diego nơi cụ ông có vườn quỳnh đến hơn 700 cây lúc sinh thời.

Cụ Quang đã gây giống được mấy loại hybrid mà cụ đặt tên Việt Nam như Epiphyllum Saigon, Epiphyllum Biên Hòa, Epiphyllum Sông Hương... tên hoa đã được đăng ký và sẽ lưu truyền mãi mãi trong thết giới người sưu tầm quỳnh hương khắp thế giới.

Vào năm 1990 cụ Quang theo lời mời của ông Hoàng Xuyên, chủ tịch Hội Hoa Vàng lúc bấy giờ đã đưa vài trăm chậu quỳnh lên trưng bày trong cuộc triển lãm đầu tiên và cũng duy nhất về hoa quỳnh tại San Jose.

Có hai cách trồng quỳnh: cắt một nhánh quỳnh, ghim xuống đất và đợi khoảng ba năm thì có hoa hoặc lai giống bằng cách lấy phấn hoa này rắc lên hoa khác, đợi hoa khô thành trái lấy hột và gieo; trường hợp thư hai phải đợi ít nhất 5 năm quỳnh ra hoa mới biết đẹp hay không để giữ và đăng ký giữ bản quyền.

Quỳnh và trà

Trồng hoa thì phải thưởng thức hoa vì thế nhóm của Nguyễn Ngọc Quỳnh cũng có những buổi mạn đàm để chia xẻ niềm vui của hoa quỳnh và cũng để khen thưởng lẫn nhau. Vì thế cụ Trần Trọng Phúc, bà Đỗ Thục Anh, ông Lê Điểu, Phan Ngọc Nhân mới có dịp ngồi với nhau và chuyện gẫu về nỗi niềm của cuộc sống tại Thung Lũng Điện Tử này. Lẽ dĩ nhiên chỗ ngồi phải là ngoài vườn cạnh những chậu lan quỳnh và không thể thiếu một bình trà Thiết Quan Âm nóng với những tách gan gà nhỏ xíu.

"Thức khuya đợi hoa quỳnh nở ban đêm mà không có trà thì thiếu hẳn thi vị," anh nói và giới thiệu chiếc bình trà làm từ Trung Quốc và mỗi bình trị giá 500 đô la hoặc hơn.

"Hoa quỳnh nở, rực rỡ, mầu trắng tinh khiết, hương thơm tỏa ngát, tách trà đậm đà thấm giọng, có gì trên đời này đẹp và thái bình như vậy không?" anh hỏi.

Bà Anh phát biểu: "Tôi rất lấy làm lạ là phụ nữ chúng tôi ít người thích quỳnh, rủ đi đáng bài thì bà nào cũng sẵn sàng đi nhưng chơi hoa thì không."

Ông Điểu phụ họa: "Đúng rồi, các bà chỉ thích chưng diện và đi mua sắm mà thôi."

Ông Nhân đổi đề tài: "Khi buồn bực, thấm thía những khó khăn của cuộc sống ngoài xã hội thì khi ra vườn chơi với hoa, người ta lại cảm thấy thanh thản, thư giãn và yêu đời trở lại."

Câu chuyện cứ thế nối tiếp, lâu lâu có pha lẫn giọng cười hay tiếng rú thích thú trong gió ban mai rì rào lành lạnh: một bầu không khí nhẹ nhàng thơ thới tách biệt hẳn xã hội ganh đua bên ngoài. Khi hỏi ra mới biết cụ Phúc, bà Anh đã hưu trí, ông Điểu, ông Nhân và chủ nhà Nguyễn Ngọc Quỳnh đều thất nghiệp từ nhiều tháng nay.

Ba chuyên viên viện tử lâu năm tại San Jose cho biết "vào lúc kỹ sư còn đi xin job của technician thì làm sao chúng tôi xin job được, thôi đành ở nhà chơi với quỳnh."

Vì thế họ thật bình thản, thật kiên nhẫn, lúc nào cũng cười vui với những gì đang có để không làm buồn những lan và quỳnh trong vườn nhà ai.

Sau cùng, khi hỏi Nguyễn Ngọc Quỳnh rằng đến khi nào trong nhà sẽ có Quỳnh Hương biết nói thì anh chỉ cười.

"Chỉ sợ Quỳnh biết nói ghen với Quỳnh Hương ngoài vườn thì khổ."

  ---------------------------------------------------------------