Banner designed by Ninh Quốc Bảo 73
Thuyền Viễn Xứ - Phạm Duy - Lệ Thu

Đồng Môn
Đồng Hội
Đồng Thuyền


Trong bữa cơm chiều hôm qua, cả nhà đang nói chuyện về buổi hẹn ăn trưa vào thứ ba tới với một số bạn bè và người thân trong gia đình. Nhân nói đến là bác Ph có người quen biết hồi xưa làm trong công ty Đường, đang ở bên vùng Đông, qua đây chơi và đang ở gần nhà anh Trung trên Freemont; đột nhiên đứa nhỏ nói :” Ba với bác Trung học chung trường lại ở chung đảo...”.

Cứ mỗi lần có hội họp QGNT tại nhà tôi là có anh Trung đến và hàng năm vào dịp cuối năm là chúng tôi những người ở trại tỵ nạn cùng thời và thân nhau lại hẹn gặp nhau năm nay thì ở nhà người này, năm sau thì qua nhà người kia ...mà mấy đứa nhỏ gọi là "party của thuyền nhân chung đảo".

Nghĩ lại mới thấy là không những anh Trung và mình đã học cùng trường, ở chung đảo...lại còn làm chung một hãng, ở chung một trại tỵ nạn, rồi bây giờ lại sống cùng một vùng ở bắc California.

Hồi còn học QGNT thì anh Trung học bên Kỹ Thuật, và tới năm 1972 thì đi du học Đài Loan khóa 2. Về nước dĩ nhiên là anh đi làm cho công ty Đường tại nhà máy đường Bình Dương hay Biên Hòa.


Thẻ sinh viên ở Đài Loan


Sau 75 khoảng năm 78, 79 gì đó, Công ty Đường có tuyển học viên cho một lớp học về ngành cơ khí, để huấn luyện trở thành những công nhân sửa chữa và bảo trì các máy móc thiết bị cho các nhà máy đường. Đặc biệt họ tuyển ưu tiên cho các con em của những người đang làm trong công ty đường, cũng nhờ sẵn có ông anh đang làm và vậy là tôi được tuyển vào làm học viên của lớp cơ khí này.

Sau khi mãn khóa thì tôi được đi làm ở nhà máy đường Bình Dương, và thời gian này thì anh Trung đang làm Trưởng Phiên hay Tổng Điều Độ ở nhà máy Bình Dương này. Còn nhớ là ngày đầu tiên đi làm, đêm trước tôi lại nhà anh Trung ngủ để sáng hôm sau anh dẫn tôi ra và chỉ cho tại ngã tư Phú Nhuận là chỗ xe đưa rước công nhân từ Sài Gòn lên nhà máy đường Bình Dương.

Và cứ thế tôi làm công nhân viên ở nhà máy với anh Trung cho tới khi đi vượt biên.

 


Trại tỵ nạn Pulau Bidong, Mã Lai. Thuyền nhân thường tụ họp tại bãi biển để đón người mới đến hay đi lấy nước ngọt.


Qua tới đảo Pulau Bidong ở Mã Lai ngày 2 tháng 6 năm 1981, thì chỉ chừng một hai tháng sau, một buổi sáng hay trưa gì đó đang lòng vòng ngoài khu bãi biển để lấy nước (thường khoảng 1 hay 2 tuần gì đó, có tàu chở nước ngọt từ đất liền đến cung cấp nước cho dân tỵ nạn trên đảo) thì tự nhiên gặp anh Trung, hai anh em gặp nhau mừng quá sức tay bắt mặt mừng, thăm hỏi về người này người kia. Thời gian này cũng gặp một anh bạn cà phê học ở Tabert cũng mới lên đảo.

 

 


Lớp học trên đảo Bidong từ trên đồi cao nhìn xuống biển. Đồi cao này gọi là Đồi Tôn Giáo vì trên đây có ngôi nhà nguyện và ngôi chùa, cũng như các lớp học Anh Văn.


Rồi thời gian cuối năm 1981, chương trình đón tiếp người tỵ nạn chấm dứt chương trình đi thẳng từ đảo qua Mỹ, mà từ đây, người tỵ nạn phải qua trại Bataan ở Phi Luật Tân hay Galang của Indonesia Nam Dương để học một khóa Anh Văn và C.O. Cultural Orientation Hướng Dẫn về Văn Hóa.

Thời gian trước đó thì sau khi phỏng vấn ai được nước nào nhận thì đi ngay nước đó, bà con gọi là đi thẳng. Bây giờ bỗng có lệnh mới, ai mà được nhận đi Mỹ thì bắt buộc phải qua Phi hay Indo học một khóa trước khi được đi định cư ở Huê Kỳ. Bà con gọi là đi quẹo, hay đi goẹo.

Khóa học này chỉ chừng ba tháng và được khai giảng tùy theo sự sắp xếp của hai nơi trại chuyển tiếp này. Người tỵ nạn nào qua đúng lúc lớp khai giảng thì chỉ phải ở lại ba tới bốn tháng là đi định cư, lâu nhất là sáu tháng nếu phải chờ cho có lớp.

 



Sau khi được chuyển qua trại chuyển tiếp ở Bataan Phi Luật Tân được khoảng vài tháng thì anh Trung cũng qua tới. Ở trại tỵ nạn Bataan này nói chung bà con sống khỏe lắm, ngày cơm ba bữa, cà phê cà pháo quán xá nhạc nhiếc đầy đủ, chiều chiều đi tắm suối...chỉ có phải đi học lớp Anh Văn và lớp Văn Hoá mỗi ngày một buổi thôi. Nói chung là không phải lo gì hết ngoài cái lo ...phải sửa soạn để mà đi Mỹ. Nói lo là vì nhiều người nhất là những ai độc thân không có sẵn thân nhân bên Mỹ, không biết rồi qua đó mần cái gì mà sống. Cũng có những anh rất là hồ hởi phấn khở́i, khi chia tay rời trại hẹn nhau tới năm sau năm 1982 sẽ hẹn gặp tại Los Angeles nhân dịp thế vận hội Olympics sẽ được tổ chức ở đây. Nghe cứ y như là thiệt vậy.

 


Các căn nhà cho người tỵ nạn, Để ý các cây gỗ bắt chéo trước cửa nhà để chống động đất vì nghe nói vùng này hay xảy ra động đất.



Lớp học Anh ngữ và Hướng Dẫn Văn Hoá do các giảng viên ngoại quốc hay người Phi dạy bằng tiếng Anh. Mỗi lớp đều có người Việt phụ tá thông dịch.

 

Ngày 18 tháng 5 năm 82 thì tôi rời trại Bataan đi Hoa Kỳ. Anh Trung có nhờ khi qua tới Cali thì nhắn tin cho người em là Nghĩa 74  cũng ở vùng Bay Area, bắc Cali là anh cũng sẽ qua định cư một ngày rất gần.

Qua tới vùng bắc Cali thì tôi và anh Trung cũng xém là đồng nghiệp mí nhau ở một nhà máy đường có tên là Spreckels Sugar tại thành phố Manteca, cách San Jose khỏang 1 tiếng lái xe. Sau khi biết tôi vào làm cho hãng đường này, anh cho biết là anh cũng từng xin làm việc ở đây nhưng không được, anh có kể rõ là tại thành phố nhỏ này, gần cổng nhà máy có một tiệm tạp hóa do hai mẹ con người Việt làm chủ. Thành phố nhỏ chỉ có vài người Việt mà có tiệm của người Việt như vậy, quả là hiếm hoi. Có lần rảnh rang mở quyển niên giám điện thoại ra tìm tên người Việt, thấy duy nhất chỉ có một tên người Việt, liền gọi hỏi thăm và đến tận nhà chào hỏi.

Nghĩ lại cuộc đời có những điều, những sự việc liên quan với nhau, có trước có sau. Cũng có lẽ nhờ trong resume, mình khai có kinh nghiệm làm hãng đường ở VN mà được gọi đi phỏng vấn, rồi khi vào phỏng vấn với ông Plant Engineer, ổng nhận vào làm liền.

 


Nhà máy đường Spreckels Sugar ở Manteca, California thời thập niên 1980s

Đúng là nhờ trời hay không bằng hên, vì là người rất dở về ăn nói mà khi vô phỏng vấn xin việc lại ăn nói trả lời rất là trôi chảy, ông phỏng vấn chỉ ngồi nghe gật gù có vẻ chịu lắm. Đề cập tới chuyện này vì đây là cái "job thơm" đầu tiên có được ở Huê Kỳ mà lại làm cho nhà máy đường, nên có liên hệ tới anh Trung.

Như vậy anh Trung và tôi cùng là đồng môn QGNT, đồng nghiệp ở nhà máy đường Bình Dương, tuy không đi đồng thuyền vượt biên, nhưng đồng đảo ở tại đảo Pulau Bidong, Mã Lai, đồng trại ở trại Bataan, Phi Luật Tân, và bây giờ sống đồng vùng tức là cùng cư ngụ tại vùng Bay Area, miền bắc California và đồng hội của hội Gia Đình Quốc Gia Nghĩa Tử.

Còn một cái đồng khác, tuy anh học hơn tôi một lớp, anh 72, tôi 73...nhưng anh và tôi lại đồng tuổi, tức là cùng sinh một năm, có lẽ mình học dở quá nên bị chậm lại một năm, cũng may nhờ cái án QGNT nên được hoãn dịch vì lý do học vấn thêm 1 năm.§

 


Anh Huỳnh Khương Trung, hình giữa và các anh du học Đài Loan khóa 1, 2 và 3.


Hình có anh Phú, anh Trung và Phúc du học Đài Loan khóa 1, 2 và 3 cùng các anh và chị Kim Anh đã làm việc tại công ty Đường ở Việt Nam.