Banner designed by Ninh Quốc Bảo 73

QGNT CHUNG XÓM XƯA

 

Mai Cao Tăng mặc áo đen. Hà đứng dưới anh rất cao bên tay trái.

 

Nhìn các hình tất niên của các bạn 74, tôi thấy có ba người mà mình biết: là anh Mai Cao Tăng , anh Tường và anh Hà.

Không nhớ rõ họ của hai người này, có thể là họ Vũ. Cả ba anh này đều ở gần nhà tôi tức là khu Tân Sa Châu, ngày xưa người ta gọi là trại Tân Sa Châu, và theo hành chánh thì gọi là ấp Tân Sa Châu, xã Tân Sơn Hòa, quận Tân Bình.

Anh Mai Cao Tăng thì nhà ở mặt tiền đường, nếu đi từ hướng Lăng Cha Cả thì đi qua nhà thờ Tân Sa Châu có mấy căn là tới nhà anh. Thuở đó thì nhà mặt tiền đường hay trong hẻm thì cũng không cách biệt là bao, chứ bây giờ nhà mặt tiền là "tiền mặt", tức tiền cash, tiền tươi, thứ tiền đúng là tiền, mà ngày xưa ta hay nói là "tiền không..." khi nói về một thứ gì quý, đáng giá.

 

Nhà thờ Tân Sa Châu

 

Không hiểu sao quý cụ gọi tiềntiền bạc, chứ chữ “tiền” theo âm Hán Việt có nghĩa là những gì đã qua, đi trước như “tiền đề, tiền kiếp, ta thấy em trong tiền kiếp, tiền định.v.v...”.

Chữ “tiền” cũng có nghĩa là đằng trước như nhà mặt tiền, tiền đình....Chữ Nhật namae có nghĩa là tên, dịch theo tiếng Hán Việt là Danh Tiền. Người ta thường hỏi “ Quý danh của bạn là gì,?” chứ chưa bao giờ nghe “Danh Tiền của bạn là....”

Nhưng có khi chữ “tiền” này cũng gây rắc rối hiểu lầm. Có hai anh chàng nói chuyện với nhau về một người bạn sắp cưới vợ, Anh A nói:

Mẹ... đúng là duyên số, cứ tưởng là tụi nó không lấy nhau được...thế mà sắp đám cưới rồi đấy, đúng là có duyên tiền định.”

Anh B phản đối :

Tiền định cái khỉ khô, phải nói là duyên TIỀN định mới đúng. Mày biết không, vợ sắp cưới của nó ...tiền không. “ Tức là Tiền định đoạt tất cả...

Nói dóc chút xíu chơi cho vui.

Tôi nhớ nhà Mai Cao Tăng, vì khi Tăng tử trận tôi có đi ngang nhà khi gia đình đang lo việc ma chay. Thật là buồn, là QGNT, cha đã tử trận, bây giờ con cũng tử trận.

Nhà của hai bạn Tường và Hà thì tôi không biết, nhưng chắc cũng chỉ trong khu vực chung quanh gần nhà thờ thôi. Dân ở Khu Tân Sa Châu phần đông di cư vào Nam năm 1954 từ làng Sa Châu ngoài bắc, vô trong nam thêm chữ Tân thành Tân Sa Châu. Hầu hết là theo đạo và vị linh mục cai quản lúc đầu là Cha Mai Ngọc Khuê.

 

Tường đang khum lưng

Hồi còn sống bà cụ tôi có kể là làng Sa Châu có năm họ, hai họ Vũ, họ Mai, họ Trịnh và một họ nữa mà tôi đã quên...Cho nên chỉ đoán hai bạn Tường và Hà họ Vũ.

Khu Tân Sa Châu theo địa hình thì chia ra hai khu vực rõ rệt, khu 2 hình tam giác, nếu đứng nhìn từ ngã tư Trương Minh Ký và Thoại Ngọc Hầu về phía Lăng Cha Cả, thì là đường Trương Minh Ký có mặt tiền nhà thờ, là cạnh đứng.

Cạnh nằm ở đáy tam giác là đoạn đường Thoại Ngọc Hầu từ Trương Minh Ký tới Bùi Thị Xuân. Bùi thị Xuân như cạnh huyền chạy dài từ Thoại Ngọc Hầu ra tới đường Trương Minh Ký.

Con đường Bùi Thị Xuân như chia đôi trại Tân Sa Châu và trên con đường này có ít ra là hai gia đình có con em học QGNT: nhà chị Đỗ Mơ, Mai và gia đình anh Vũ Ngọc Thu với các em gái Vũ Thị Thơ, Thêu, Hà...và hai người em nữa.

Khu bên kia đường Bùi Thị Xuân tôi không nhớ rõ lắm về địa hình, nhưng chắc chắn là trại nằm sát khu nghĩa địa Thánh Minh Tương Tế, các nhà dọc theo khu nghĩa địa này thường khá dài từ mặt trước ra mặt sau, và người ta xây thành hai gian, gian trước là nhà chính, gian sau sát nghĩa địa người ta làm nhà phụ hay cho thuê.

Tôi đã từng ở một gian sát nghĩa địa như vậy và chưa bao giờ nghĩ là mình sợ ma cả. Chiều chiều còn ra sân ngồi uống cà phê nữa.

Biết là nhà anh Mai An Toàn ở lòng vòng đâu đó nhưng không chắc là có phải khu sát nghĩa địa không, chứ nếu là sát nghĩa địa và gia đình anh còn có người ở nhà này thì đúng là ...tiền không...vì nghe nói bây giờ người ta thay nghĩa địa bằng một ngôi chợ và các gian nhà sát nghĩa địa nay bỗng trở thành ...tiền mặt ...tức là mặt tiền.

 

Mai Cao Tăng trong Ban Đại Diện Học Sinh Niên Khóa 1971 - 1972

 

 

Đọc Thêm:

Mai Cao Tăng là 73 hay 74 ? Các emails của Nam Thanh và Phạm Hữu Thừa có thể giải thích


Chào các Huynh trưởng.
Nghe bảo anh chàng MCTăng này học lớp 73, nhưng zì mến Thầy Cô nên ảnh ngồi lại học chung với 74. Nhưng buồn là MCTăng đã lìa xa bạn bè trong nk 73-74.

 

- Chào các bạn, nếu trí nhớ của tôi không "phản bội" lại mình thì chuyện như sau:
- Niên khoá 65-66, tôi nhập học lớp Đệ Thất 13 với một số bạn (còn nhớ được): Trần bình Lý, Phạm văn Định, Lê hoàng Bảo, Nguyễn quốc Thới, Trần xuân Hùng, . . . . cùng hai anh em tên Phượng và Hoàng.

- Năm sau, niên khoá 66-67, Đệ Lục 7, lớp tôi có thêm một số bạn mới-vài bạn từ lớp Đệ Lục năm vừa rồi-, trong số đó có Trần ngọc Bân và Mai cao Tăng.

Và cũng từ năm học này, tôi "bị" quyến rũ nên bắt đầu tập đá banh bởi tính tình vui vẻ, hoà nhã và những phản ứng nhanh lẹ trên sân cỏ của Mai cao Tăng dù anh có một chiều cao khá khiêm nhường.

Nói chính xác hơn, Mai cao Tăng chính là "thầy và là thần tượng" của tôi lúc đó. Rất tiếc, học trò của anh rốt cuộc cũng chỉ quẩn quanh trong vai trò "cầu thủ dự bị" mà thôi.

Mãi đến ba năm sau, năm đang học lớp Đệ Tứ, lần đầu tiên rất "vinh dự" được phát cho đôi giầy đá banh thứ thiệt để tập dợt. Và "hình như" sau niên học đó, Mai cao Tăng không còn học chung lớp nữa, có lẽ anh "chán chúng tôi" nên muốn tìm thêm các bạn mới . . . .lên!!!

Tôi rời trường vào mùa hè năm 1972, không còn có dịp gặp Tăng nữa mặc dù cũng vẫn còn thích đá banh nên thỉnh thoảng vẫn có dịp "đá chùa" ở vài nơi.

Cũng nhờ vậy sau năm 1975, số phận đưa đẩy, được cất nhắc và giúp đỡ để sống còn trong thời gian "tranh tối, tranh sáng" nhờ biết đá banh. Sẽ có dịp chia sẻ vào một dịp khác.

Trở lại chuyện Mai cao Tăng, tôi không nhớ rõ khi được tin hai bạn "đá banh" ngày xưa cùng tử trận: Nguyễn đức Chí và Mai cao Tăng; ai là người từ giã cuộc chơi trước.

Ngày đưa tiễn Mai cao Tăng, đã lâu lắm mới có dịp ghé lại căn nhà ở đường Thoại ngọc Hầu, phía trước là tiệm hớt tóc, đằng sau là nơi đám chúng tôi hay tụ họp vui chơi.

Hôm đó, tôi và một người bạn đến nơi đã thấy rất nhiều bạn bè cùng trường cũ có mặt, có những khuôn mặt thân quen: Nguyễn tri Phương, Lê hoàng Thắng (?), Nguyễn đức Dũng (?), . . . . . . Trước đó vài tháng, chúng tôi cũng vừa từ giã một bạn học cùng lớp: Trần xuân Hùng.
Vài giòng nhắc nhớ đến các bạn học cũ một thời!!!

Thân,
PhT