Besame mucho-Andrea Bocelli
- Căn nhà nhỏ nằm ở vùng ngoại ô trung tâm thành phố, chung quanh nhà được bao bọc bởi hàng rào lưới với các cánh hoa morning glories màu tím bò lượn chung quanh.
Đằng sau hàng rào có tiếng sủa ăng ẳng của chú chó nhỏ mà cứ tưởng mình là bự lắm. Đàng sau chú chó có ai đó đang chải tóc là một bà khá lớn tuổi mà lại nghĩ là mình trẻ mãi không già.
- “Dạ chào bà ạ, thưa bà cháu đến từ văn phòng Kiểm Tra Dân Số đây ạ.”
- “ Kiểm Tra Dân Số? Ồ hay quá! Vô nhà chơi cậu, vô đây. Mấy đứa con gái nhà tôi sẽ tiếc hùi hụi là không chịu ở nhà hôm nay. Tụi nó thích lắm...”
- “Thích việc kiểm tra dân số, hở bà?”
- “Nói chung thì chúng nó thích những ai lịch sự, hiền lành.”
- “Cám ơn bà nhiều. Thế bà đã điền tờ khai dân số chưa ạ?”
- “Tờ khai gì? Ồ phải rồi, tờ khai....Tôi rất là mệt với mấy tờ giấy quảng cáo ngày nào cũng nhận được, quảng cáo thuốc, quảng cáo nhà đòn, bảo hiểm...bao nhiêu thứ khác nữa, chả có thời giờ đâu mà đọc hết các quảng cáo, phải không cậu?”
- “Dạ cháu rất đồng ý với bà, bà có thể cho cháu xin tờ khai ạ?”
- “Ồ xấu hổ quá. Nhưng cậu cũng biết là đôi khi cũng có sự sơ xuất ngoài ý muốn. Hôm đó tôi đang định điền tên tuổi vào tờ khai, thì thằng cháu mắc dịch, con của chị ruột tôi, chị ấy góa chồng.....
......Thằng con dịch dzật ấy lỡ tay làm đổ bình mực tôi đang chấm, mà bình mực này tôi phải mượn của ông bán tạp hóa ngoài đầu đường đó. Đúng là xui xẻo quá trời luôn!”
- “Không sao đâu bà, đây cháu có sẵn tờ khai khác và bút máy đây. Như vậy ai là chủ gia đình mình đây bà?”
- “Chồng tôi.”
- “Chồng bà tên gì vậy ạ?”
- “Trước đây tên là gì mới đúng, cậu ơi, phải nói là tên trước đây, vì ông ấy đã theo ông bà rồi. Thật ra ông ấy còn khỏe lắm, khỏe như tôi với cậu bây giờ đây nè, nhưng khi đi bác sỹ khám, ông bác sỹ đoán sai bệnh hay sao ấy, tới khi gọi được ông thầy pháp tới thì đã quá trễ rồi.....
.....Ông thầy pháp cột con gà mái màu trắng vào chân trái ông ấy cốt để cơn bệnh của ông ấy truyền qua con gà, nhưng lúc đó đã quá trễ: con gà đẻ ngay ra quả trứng còn ông nhà tôi thì ngừng thở luôn vậy đó.”
- “Dạ, xin chia buồn với bà chuyện không may. Như vậy bây giờ ai là chủ gia đình?”
- “Thì cũng là ông chồng quá vãng của tôi. Tôi đã có hứa là không bao giờ tôi bất phục tùng ổng, cũng vì hồi đó ổng dễ nổi nóng lắm vì mẹ con tôi không chú ý gì đến ổng....
....Nhớ lại một lần ổng như điên lên vào dịp trình diễn xe hoa Carnival năm 1898, vì tôi hóa trang thành một vũ nữ ballerina....Dĩ nhiên ai ai cũng biết là ông ấy có tật ghen tuông ghê lắm, dù chả có chuyện gì ầm ỹ xảy ra cả.”
- “Xin lỗi bà, vậy bây giờ thì có những ai đang sống trong ngôi nhà này?”
- “Cũng chỉ có mẹ con chúng tôi thôi, còn ai nữa vào đây? Cho tới năm ngoái thì có một gã người Ý ở đây, gã ta chỉ mướn phòng thôi, mà cậu biết đó, dân Ý là như thế nào rồi. Nelida con gái lớn của tôi, nó đang học nghề may đó, lúc đó có nói chuyện phải trái với gã người Ý khiến hắn bị quê độ và dọn đi. Ô, để tôi bật radio lên nhé, ngại cậu nghe riết rồi chán.”
- “Đừng, đừng bật bà ơi! Xin lỗi bà lần nữa, hiện tại thì có ai đang sống trong căn nhà này?
- “Từ khi gã người Ý dọn đi, chỉ có mẹ con chúng tôi ở đây thôi. Có một thời gian thì có người bạn cũ của tôi ở đây, nhưng vì trong xóm này có nhiều ông bà lắm chuyện quá, cứ soi mói hết người này tới người kia, với lại đứa con gái út của tôi, con Adelita, nó nhìn giống ông ấy như đúc, giống quá sức...”
- “Như vậy, bà đang sống ở đây với cô con gái?
- “Cũng chỉ trong thời gian này thôi, vì từ ngôi nhà này đi đến khu trung tâm phố xá quá là xa. Tôi luôn bảo với các cháu là mình nên dọn vào một căn apartment có máy sưởi và có nước nóng ở khu trung tâm cho sung sướng mí người ta. Cậu có nghĩ là như vậy tốt hơn không?
- “Dạ, cũng tùy, bà.”
- “Dĩ nhiên rồi, khi cậu nói ”cũng tùy” là rất thích hợp cho con Noemi, nó mà nghe chắc nó khoái lắm, vì nó có đứa bạn trai đang ở trong lò nướng, cho nên nó không muốn rời khỏi đây đâu.”
- “Ủa cô ấy giữ bạn trai cô ấy trong lò hả? Cậu ấy có bị phỏng không?”
- “Cũng chỉ là cách nói cho vui thôi: cậu ấy đang làm cho một lò sản xuất gạch, suốt ngày cứ ở trong lò nung; người cũng hiền lành chăm chỉ nhưng không thấy có tương lai.”
- “Thưa bà, bà trả lời thẳng vào các câu hỏi của cháu đi thôi.”
- “Tôi thấy tôi cũng đâu có dấu diếm gì cậu đâu: Tôi nói chuyện với cậu như là người thân trong gia đình vậy mà.”
- “Dạ vâng, thế thì xin bà cho biết quý danh?”
- “Casilda Ortigosa de Salvatierra, Salvatierra lấy từ tên họ nhà tôi, ông ấy mất rồi, tên ông ấy là Bartolomé Salvatierra. Ông ấy từng là người đánh xe ngựa cho ông Tướng Mitre, ông tướng vùng này rất là vui vẻ hòa nhã; thế cậu có gặp ông ấy bao giờ chưa?”
- “Không có đâu bà, cháu còn nhỏ quá....”
- “Đương nhiên rồi, cậu nhìn cứ như là con nít mới lớn...Còn độc thân phải không?”
- “Dạ không bà, đã có gia đình.”
- “Dỡn hoài cha nội! Mần sao mà một người vui vẻ tươi rói lại ăn bận ngon lành lịch lãm như vậy lại có dzợ rồi?. Chắc là chưa có con cái đâu hả?”
- “Dạ, ba đứa ạ.”
- “Sinh ba.”
- “Dạ không, mỗi lần một đứa.”
- “Cậu có coi cái phim có cô nàng Dionne sinh bốn chưa? Đàn bà con gái chúng tớ thích đi xem phim lắm: phim cine thể hiện giá trị đạo đức rất cao cho các gia đình. Những buổi picnic ngoài trời cũng vui lắm. Còn cậu, nếu không có gì ngại, chắc cậu làm lương cao lắm, phải không?”
- “Thưa bà, cháu đang làm việc kiểm tra dân số đây.”
- “Xin lỗi cậu, nếu tôi có làm phiền cậu, nhưng vì cậu hỏi tôi nhiều quá, tôi nghĩ tôi cũng có thể hỏi lại cậu một đôi câu chứ, phải không?”
- “Dạ, không phiền gì cả, nhưng cứ với đà này thì không bao giờ xong được việc cả.”
- “Tôi hiểu; cậu phải vội vã cho xong việc để về nhà với vợ, với con, hoặc với ai nữa...nhìn cậu thấy cậu có vẻ “hư” lắm đấy nhé. Nhưng mà cậu có thái độ kỳ cục sao sao ấy: các người chồng không bao giờ nên làm gương xấu. Hồi xưa, tôi luôn luôn nhắc ông chồng của tôi như thế, nhưng ông ấy không chịu nghe tôi mà cứ đi tán tỉnh hết cô này tới cô kia, rốt cuộc bị dính chấu với vụ “ngoại tình bột bắp”...”
- “Dạ đúng rồi bà. Dạ bao nhiêu tuổi ạ?”
- “Ồ, con nhỏ chắc phải là phải hai mươi, mặc dầu nó nói nó mười tám. Con nhỏ đúng là dân đứng đường thứ thiệt.”
- “Bà đang nói cô nào đấy?”
- “Dĩ nhiên là cái cô trong vụ ngoại tình bột bắp đấy. Tôi thì không muốn kể ra đây làm chi, chỉ cho có chuyện mà nói thôi. Chứ cái việc bắt ông nhà tôi nuốt bột bắp mà bố của cô gáí kể thì hơi quá đáng. Khi kể lại cho ông Tướng Mitre nghe chuyện này, ổng ấy cười quá trời quá đất.”
- “Bà có thể trả lời câu hỏi cho xong đi đã rồi kể gì thì kể, thưa bà?”
- “À, tôi chỉ ngắn gọn như vầy, là cái ông mắc dịch nhà tôi ấy, lại đi ngủ với đứa con gái của ông chủ nhà xe ngựa, rồi ông chủ này biết được. Đến một hôm, lúc ông chồng tôi mang chiếc xe ngựa của ông tướng tới nhà xe, thì ông chủ nhà xe này đã chờ sẵn, tay cầm chiếc cào dài, loại cào để cào lúa, cào bắp đấy. ...
....Rồi ông ấy trói ông nhà tôi vào cái máng chứa đồ ăn. Sau đó bắt ông nhà tôi phải ăn hết một ký bắp bột mới được thả ra.”
- “Trời, ghê quá!”
- “Cũng may đó là bột bắp thôi.”
- “Cũng may.... Rồi bi giờ bà có thể cho biết tuổi được chưa?”
- “Chắc chắn rồi! Thế cậu đoán xem tôi được bao nhiêu cái xuân xanh nào?”
- “Thưa bà, cháu không phải là thầy bói.”
- “Nhưng cậu cũng có thể đoán tôi khoảng bao nhiêu chứ? Người ta thường nói là tôi khéo giữ gìn và nhìn trẻ hơn là tuổi thiệt nhiều.”
- “Cháu không chờ được nữa, bà khỏi vòng vo tam quốc gì hết, bà cho biết ngày, tháng, năm (mà đối với cháu thấy thiệt là mệt) ...bà đã được sinh ra.”
- “À, tôi được sinh ra vào ngày kính thánh Saint Casilda, cho nên mới được đặt tên là Casilda. Mà má tôi thì lại muốn gọi tôi là Dosia, tên một nữ anh hùng trong truyện má tôi hay đọc. Còn ba tôi, gốc là Mason, lại thích đặt cho tôi là Luz de Oriente, tức là Ánh Sáng Phương Đông đấy. À mà cậu có gốc là Mason không?”
- “Không thưa bà, cháu chỉ là người đi làm kiếm đồng lương nuôi gia đình. Nhưng bây giờ chắc phải xin nghỉ việc thôi. Và rồi chắc là từ nay vợ con sẽ phải ăn bột bắp suốt đời.”
... Nói xong, chàng nhân viên kiểm tra dân số ba chân bốn cẳng dzọt ngay đi, theo sau là con chó và bà Dona Casilda la lớn:
“Chắc là cậu ấy có bị con muỗi nào châm đây!.”
Hết
Phỏng dịch theo "Por Qué Muchas Personas No Figuran En El Censo" por Conrado Nalé Roxlo, nhà văn Á Căn Đình.