Thầy Thiệu, thầy Hồ, thầy Liêm

 

MỘT


Năm tôi hai mươi chín tuổi, một ngày của tháng sáu, với tư cách trưởng-nam, tôi đứng ra làm lễ an táng cho mẹ tôi. (Ba tôi đã về miền nước Nhược trước năm năm). Đó là một trong những ngày sầu thảm nhất trong đời. Tôi đứng ra chôn cất mẹ tôi. Tôi với mẹ tôi là hai, nhưng không phải vì hai mươi chín năm về trước, lúc tôi còn ở trong bụng mẹ, mẹ tôi với tôi là một. Khi tôi được hình hài một tháng trong bụng mẹ, lúc bấy giờ tôi chỉ bằng hạt đậu trắng, mẹ tôi với tôi là một.

Khi mẹ tôi mới mang thai tôi một ngày, mẹ tôi với tôi không thể phân biệt được. Khoa học ngày nay chia một giây thành những phân cực nhỏ. Trong một phần tỷ, tỷ, tỷ...của một giây mẹ tôi vừa mới mang thai tôi, tôi với mẹ tôi không khác.

Cái sát-na tôi mở mắt chào đời, cất lên tiếng khóc đầu tiên, cái sát-na ấy - tôi đến thế gian một mình - đánh dấu bước thứ nhất, cái sát-na tôi rủ thân tứ-đại - tôi rời thế gian một mình - cũng đánh dấu bước thứ nhứt, cả hai lần đều giống nhau vì sự khởi sự cất bước.

Khi tôi vừa mới chào đời, mẹ tôi với tôi là hai. Nhưng không bao giờ là hai, mẹ tôi với tôi vẫn cứ là một. Tôi không thấy lằn mức giữa một và hai, tôi không thấy nó bằng lý-trí, bằng trí-năng, bằng trực-cảm, bằng tưởng-tượng, bằng liên-tưởng, bằng tình-cảm hay bằng bất cứ một quan-năng nào hạ-liệt nhất hay siêu-việt nhất trong tôi. Tôi muốn thấy ranh-giới bằng con mắt khác, nhưng khốn thay trong tôi chỉ có con mắt thi, nhục-nhãn (1) thì làm sao tôi có thể thấy nó được.

Tôi còn nhớ lúc tôi được hơn bốn tuổi, một buổi sáng thức dậy tôi cảm thấy nhức đôi mắt, tôi nhắm nghiền mắt lại, không thể nào mở mắt ra được, mí trên và mí dưới dính chặt vào nhau. Tôi khóc lớn, gọi Ba, gọi Má, gọi chị. Ba tôi vắng nhà vì phải đi làm từ sớm. Trong nhà chỉ còn mẹ tôi và hai người chị. Mỗi lần cố gắng mở mắt ra, Ánh sáng đập thẳng va mạnh vào mắt làm tôi cảm thấy nhức buốt. Mẹ tôi vạch mắt tôi ra nhỏ vào đó một thứ thuốc mước đựng sẵn trong chai, sau này tôi mới biết đó là thuốc trị bịnh mắt đỏ của Pháp, nhưng vô hiệu. Tôi tiếp tục khóc. Mẹ tôi lân la dò hỏi lối xóm, trở về nhà bồng tôi lên xe ngựa. Trên đường đi, từ xóm Chiếu Khánh Hội đến Thị nghè, tôi vùi mắt vào bụng và ngực mẹ tôi. Tôi ôm ghì lấy mẹ tôi. Tôi cầu cứu nơi mẹ tôi. Tôi vừa khóc vừa nói :"Má ơi! Má ơi!..." Chữ Mẹ, Ma Ma, Má, Maman, Mère, Mom, Mommy, Mother, Mather, Mater, Mutter, Meter, Mathir, Mama, Mai,Mom, Màmá....được phát âm hết sức dịu dàng, ngọt lịm và hồn nhiên trên những cặp môi mềm mại của trẻ thơ cũng như của tất cả mọi người.

Tôi tiếp tục khóc. Mẹ tôi luôn miệng dỗ tôi. Người vừa dỗ tôi vừa khóc. Lúc ấy đâu có sự phân biệt nào giữa mẹ con chúng tôi. Chính mẹ tôi và chỉ có mẹ tôi mới làm cho tôi hết nhức mắt, ý nghĩ đơn sơ ấy dường như thoáng qua trong trí trẻ thơ của tôi lúc bấy giờ.

Ông đông y sĩ ở Thị Nghè đắp vào mí mắt tôi một loại thuốc nhờn nhờn, tôi cảm thấy đôi mắt của tôi mát và lạnh, bớt nhức nhối. Lớn lên tôi mới biết rằng thuốc ấy được bào chế từ lá nha-đam. Hai ngày sau đôi mắt của tôi trở lại bình thường. Cả nhà đều vui mừng. Lúc tôi lớn lên, mẹ tôi nói với tôi rằng phần đông lúc bấy giờ con nít cùng xóm đều bị bịnh đau mắt như tôi do hơi độc của bom Nhật thả xuống bừa bãi khắp nước Việt Nam để đảo chánh Tây. Vài ngày sau cũng trên chiếc xe ngựa, còn gọi là xe thổ-mộ, đi từ nhà đến Thị-Nghè để khám lại cặp mắt của tôi, mẹ tôi vừa bồng ẵm tôi, vừa chỉ cho tôi xem nhà cửa, xe cộ, cây cối, ruộng vườn. Những giây phút trong vòng tay âu yếm, nâng niu của mẹ, bây giờ nhớ lại thật là êm đềm, thần tiên làm sao.

Sau đó cũng bởi giặc Nhật, tôi bị đưa về Bến Tre sống với Dì và Cậu tôi. Thời gian qua, không rõ bao lâu, một hôm mẹ tôi về thăm tôi, tôi ôm chăt cổ mẹ, tôi tưởng chừng không có sức mạnh nào có thể gỡ ra được.



Thầy Liêm (mặc veston)

Rồi thời gian qua, tôi lớn lên, lớn lên như thổi, lớn lên như điên, lớn lên với một tâm thức u-trệ, đần-độn, lớn lên để mà tự thấy rằng cứ mỗi năm qua mình tự đào lỗ chôn mình một tuổi, lớn lên sống dật dờ như con tàu phiêu bạt giữa đại dương mênh mông không bờ bến, lớn lên như một kẻ lạc vào mênh mông khôn cùng. Chưa từng có một ngày cắp sách đến trường - Mẹ tôi ra đời vào đầu thế kỷ này, lúc bấy giờ Pháp chưa lập trường học cho con gái - nhưng mẹ tôi có đầy đủ đức độ, khiêm cung, tế nhị trong cách xử thế mà cho đến bây giờ đầu tôi đã lốm đốm muối tiêu, chừng như muối nhiều hơn tiêu, tôi cũng chưa được như người.

Chín tháng cưu mang, chịu cho con chòi đạp trong bụng, khổ cực trăm bề để rồi tới ngày "sanh con ba đấu máu ra, ví lẽ ấy hao mòn cơ thể" (2), và sau đó "Mẹ nằm chỗ ướt, con nằm chỗ khô (3), theo thời gian mẹ còn tận tụy, nuôi dưỡng, dậy dỗ cho cả bầy con. Tình thương của mẹ rải xuống cho con thật là rộng hơn biển, cao hơn núi.

Cổ tích Hy Lạp kể chuyện rằng: "Ngày xưa có một nàng dâu sống chung với mẹ chồng. Khi chồng vắng nhà, nàng dâu và mẹ chồng thường có đôi điều xích mích, cãi cọ vu vơ, không đâu. Bỗng một hôm nàng dâu cảm thấy ghét bà mẹ chồng đến nỗi muốn giết bà ấy vì nàng ta nghĩ rằng nếu không có mẹ chồng, vợ chồng sống với nhau tràn trề hạnh phúc. Một hôm, hai vợ chồng về nhà cha mẹ vợ, người vợ bỗng lên cơn đau bụng dữ dội, cô ta rên la thảm thiết. Người chồng lo lắng hỏi :"Em cần thuốc gì anh đi kiếm cho, dù tốn bao nhiêu anh cũng không ngại." Người vợ rên rỉ nói :"Chắc em phải chết vì thuốc ấy rất khó kiếm". Người chồng van nài :" Dù cho khó đến đâu anh cũng phải kiếm cho được. Lần đau bụng trước em đã uống thuốc gì?" Cuối cùng người vợ nói :" Em chỉ ăn trái tim của bà già thì em mới khỏi bịnh". Nói xong người vợ ôm bụng giả đò rên la thảm thiết dữ dội hơn lúc trước. Người chồng nghe vợ nói vậy chạy như bay như biến về nhà, giết mẹ, cắt lấy trái tim của mẹ, cầm trên tay chạy thật nhanh đến nhà vợ. Vì chạy quá nhanh, anh chàng vấp té. Trái tim của mẹ chàng hãy còn nóng hổi rớt kế bên tai của anh ấy. Tự trong trái tim cất lên tiếng nói hết sức dịu dàng, âu yếm của mẹ :" Con ơi! Con ơi! Con trai yêu quí của mẹ ơi! Con té có đau không?".

Nhân tiện đây tôi kể thêm chuyện cổ tích nữa biểu lộ tình mẹ thương con như trời cao biển rộng: sau khi chết người mẹ vẫn còn dùng hết tinh lực của mình để nuôi con. Đó là truyện " Đứa con của người đàn bà đã quá vãng " do Phạm Duy Khiêm kể (4) : " Ngày xưa có một người đàn bà gần đến ngày sinh nở bỗng nhuốm bịnh nặng. Người chồng lo chạy thầy chạy thuốc, nhưng bịnh của vợ không thấy thuyên giảm. Biết mình sắp chết người vợ trối trăn với chồng : " Phải nuôi dưỡng đứa con !". Nói xong người vợ chết. Người chồng lo chôn cất vợ và dĩ nhiên chôn luôn đứa con chưa kịp chào đời.

Gần nghĩa địa trong làng có một quán lá nhỏ. Một hôm vào lúc xế trưa, khi quán vắng khách, có một người đàn bà đến quán mua mật ong. Mua xong rồi quầy qủa bỏ đi. Vài lần như vậy, bà chủ quán nhìn kỹ người đàn bà. Hóa ra không ai xa lạ chính là người đàn bà đã được chôn cất cách đó vài ngày cùng với đứa con trong bụng. Bà đưa mắt theo dõi người đàn bà ấy thấy bà ta đến một ngôi mộ rồi biến mất. Bà chủ quán liền tới nhà người chồng thuật rõ đầu đuôi. Người chồng đến quán núp vào cánh cửa. Quả nhiên gần đến xế trưa, vợ anh ta đến mua mật ong - Mua xong rồi người vợ bương bả đi ngay đến mộ rồi biến mất - Người chồng vội vã chạy đến mộ, kề tai sát xuống nấm mồ, anh ta nghe rõ ràng tiếng trẻ con khóc. Anh ta vội vã chạy về nhà mướn người tớí đào mộ vợ. Nắp quan tài được bật ra, da thịt của vợ vẫn còn tươi thắm. Đứa con trai kế bên, miệng đầy mật ong. Anh ta bồng đứa con ra khỏi quan tài, vái lạy vợ rồi chôn vợ lần thứ hai. Mấy ngày trước, người chồng thường thấy vợ về trong chiêm bao, nhưng từ ngày chôn vợ lần thứ hai anh ta không còn thấy vợ hiện về trong chiêm bao nữa. Người ta nói rằng sau vài ngày hiện về mua mật ong nuôi con, người vợ không còn đủ tinh-lực nữa. Người chồng đem con về nuôi, trẻ con hàng xóm không chơi đùa với nó vì nóí nó là con của ma. Người chồng ở vậy nuôi con. Đứa con rất thông minh, lớn lên đỗ đạt làm quan, thờ cha rất chí hiếu.

Khi tôi đã cảm thấy hối hận - tôi muốn quì dưới chân mẹ tôi, tôi muốn lạy mẹ tôi xin mẹ tôi tha thứ cho tôi, tôi muốn nằm dài trước mặt mẹ tôi để mẹ tôi vừa dùng roi đánh tôi vừa dạy dỗ tôi như lúc tôi còn thơ ấu, tôi muốn ôm chầm lấy mẹ tôi thỏ thẻ bên tai người : Mẹ ơi, Mẹ! Con biết suốt cả cuộc đời mẹ đã khổ sở cực nhọc lo lắng cho bầy con của mẹ - thì mẹ tôi đã không còn trên thế gian này nữa.



Thầy Thơm và thầy Khiết thăm viếng gia đình thầy Liêm.


Một buổi sáng sau khi vợ tôi làm qua quít món ăn, tôi đứng bên giường thưa với mẹ tôi : " Má ơi, dậy ăn sáng với con, vợ con đã làm sẵn món ăn rồi, mà sao hôm nay mẹ dậy trễ vậy?" Không nghe tiếng trả lời, tôi vén mùng lên, kêu to :"Má ơi!...". Và mẹ tôi không bao giờ còn trả lời cho tôi nữa. Mẹ tôi đã ra đi vào lúc giữa khuya, không một lời trăn trối. "Má ơi! Má ơi!...": hai chữ đẹp nhất trên môi của một người, của tất cả mọi người, qua trăm muôn ngàn kiếp, trong bất cứ hoàn cảnh nào, trong bất cứ không gian nào, và trong bất cứ thời gian nào...

Lúc tôi còn nhỏ, buổi sáng mẹ tôi thường căn dặn :"Con ở nhà, chút nữa mẹ về!" "Chút nữa mẹ về" có nghĩa là má đi chợ trong một thời gian ngắn rồi má sẽ về với con. Sáng nào mẹ tôi cũng đi chợ về với những giỏ xách nặng trĩu trên tay cùng với xôi, bánh in, hoặc bắp (bắp cháy hoặc bắp nhựa với đường cát mỡ gà), một ít đậu phọng, vài sợi dừa khô trắng phếu, không dùng muỗng thiếc, muỗng sành hay đùa để ăn, người bán đưa cho một miếng bẹ lá dứa dài độ hai lóng tay, cái muỗng này bốc mùi thơm dìu dịu của dứa. Bắp nấu, món ăn thuần túy quê hương mà hơn hai chục năm nay tôi chưa từng được thưởng thức lại.

Kể từ ngày hôm ấy mẹ tôi không bao giờ trở về với tôi nữa không giống như ngày xưa mẹ tôi đi chợ rồi trở về nhà. Cả chục năm sau, đọc kinh Tâm Địa Quán, một dạ chú tâm lắng nghe đức Phật thuyết về chữ hiếu, trong số những lời thuyết giảng ấy có câu sau đây: "Cha mẹ khó gặp gỡ!" câu thuyết giảng ngắn gọn của đức Phật xoáy thẳng vào tận cùng tâm khảm của tôi, khiến tôi xót xa cùng cực. Sau khi cha tôi đã khuất núi, mẹ tôi đã qua đời, cho dù tôi đi khắp cả thế gian, chạm mặt bốn hay năm tỷ người, tôi không bao giờ gặp lại một người như cha tôi, một người y hệt như mẹ tôi. Sau khi mẹ tôi mất, tôi gặp lại người dì của tôi, chị ruột của mẹ tôi, tôi cố gắng tìm nơi dì tôi những nét giống hệt như mẹ tôi, nhưng dì tôi là dì tôi, mẹ tôi là mẹ tôi, không ai có thể thay thế được mẹ tôi, không ai có thể y hệt như mẹ tôi, không ai có dáng đi, giọng nói, nụ cười, ánh mắt, và nhất là những ý nghĩ đơn sơ, mộc mạc, quê mùa, tiếng rày la dạy dỗ con cái, giọng hát êm đềm ru con, tiếng kể chuyện cổ tích, tiếu lâm êm như ru của mẹ tôi, những chịu đựng đắng cay, những giọt nước mặt sầu tủi lăn dài trên cặp má nhăn nheo. Không, không, trên cõi đời này cho dù tôi sống thêm vạn tuổi nữa, tôi không bao giờ gặp lại mẹ tôi, cha tôi. Cha tôi, mẹ tôi là hai người độc nhất và qúi giá nhất
trên đời này. Năm chữ: "Cha mẹ khó gặp gỡ" âm vang trong tôi một nỗi buồn triền miên không dứt như những đợt sóng đều đều của trùng dương từ năm này qua năm khác, từ kiếp nọ sang kiếp kia. Năm chữ ấy sẽ theo sát bên tôi đến hơi thở cuối cùng.

Nhắc lại tôi vén mùng lên, tôi bỗng kêu lên hai tiếng: "Má ơi!", tôi biết rằng mẹ tôi không còn bao giờ thấy buổi sáng ngày hôm ấy, hoặc buổi sáng của những ngày kế tiếp, cũng không bao giờ thấy lại cảnh vật quen thân, cũng không bao giờ gặp lại bất cứ người nào thân yêu nhứt trên cõi đời này.

Cách đó vài ngày, trên bàn ăn mẹ tôi nói: "Lúc má còn sống.....". Nghe câu ấy tim tôi nhói lên, ruột tôi quặn thắt, tôi buông đũa, ôm lấy đôi vai gầy gò xương xẩu của mẹ tôi: " Má còn sống với con đây mà, Má nói gì kỳ lạ vậy?". Mẹ tôi ngập ngừng: "À, má muốn nói lúc má còn nhỏ.....". Rồi mẹ tôi kể tiếp những kỷ niệm xưa của mẹ tôi mà mẹ tôi đã từng kể đi kể lại. Phải chăng câu nói: "Lúc má còn sống...." là một điềm báo vài ngày sau mẹ tôi ra đi vĩnh viễn sau giấc ngủ mà tất cả con cái không ai đoán được.

Năm 1981, tại trại tị nạn trên quần đảo Pulau Galang, Nam Dương, tôi dự lễ Vu Lan tại chùa Quan Âm (Những lúc rỗi rảnh tôi thường đến chùa này, thỉnh thoảng tôi ngủ trưa trước điện thờ đức Quan Thế Âm. Thức dậy, chép kinh Diệu Pháp Liên Hoa, bản in tại Việt Nam do Thầy Thích Thiện Trì đem qua, mang về barrack phòng nhỏ chứa bốn người tị nạn lơ láo-để đọc.)

Một phật tử đến hỏi tôi:
- Chú còn mẹ không?
Tôi lắc đầu:
- Không.....đã từ lâu....
- Con gắn cho chú cái bông hồng nhưng màu trắng!
Than ôi! đã gọi là hồng sao lại trắng! nhìn quanh, đa số là được gắn bông hồng. Nhìn bông hồng màu trắng trên áo tôi, tôi nhớ thương mẹ tôi vô cùng, tôi gọi thầm: "Mẹ ơi! Má ơi!....", tôi không cầm được nước mắt.

Tại Mỹ, trong một buổi ăn trưa, trước ngày lễ "Các Bà Mẹ"(Mother's day), tôi nói với ông Zamorano, giáo sư tại trường trung học R.L.Turner, Carrollton:
-Tại Việt Nam chúng tôi chỉ tổ chức ngày lễ để tưởng nhớ công ơn của "Các Bà Mẹ" (ý tôi muốn nói đến ngày lễ Vu Lan), mà không có tổ chức ngày lễ để tưởng nhớ công ơn của người cha, như ngày Father's day tại Mỹ.
-Sao vậy?
-Vì người mẹ mang nặng đẻ đau, chín tháng cưu mang, khi sanh nở như "heo,dê bị thọc huyết ...", cho con bú mớm suốt cả bao năm, săn sóc con từng giây, từng phút một không lúc nào rời....(5)
-Nhưng mà tại sao Việt Nam không có ngày lễ để tưởng nhớ công ơn của người cha? nếu không có người cha thì đâu có đứa con. Người cha cũng làm lụng vất vả, cũng cực nhọc như "trâu", cũng lo lắng đủ thứ cho đứa con....
-Chúng tôi cũng nhắc nhở con cái công lao cao vời vợi như núi của người cha, như ông biết, mỗi dân tộc đều có phong tục, tập quán riêng, có những ngày lễ đặc biệt trong năm mà dân tộc khác không có.

Chúng tôi cùng nhau cười xòa, vả lả.

Đến ngày hôm nay, thân tứ đại của mẹ tôi chỉ gồm một ít tro được đựng trong cái hũ sành. Nhúm tro ấy là mẹ tôi. Tôi nhìn thấy trong ấy giòng sữa đã nuôi nấng tôi, vòng tay âu yếm đã bồng bế tôi, những giọt nước mắt đã rơi xuống thân tôi, những khi tôi đau ốm, những lời nói dỗ dành, khuyên lơn, dạy dỗ, những câu hát ngọt ngào, dịu dàng.....Trong cái nhúm tro đó đã từng hiện hữu một vi thể cực nhỏ, nhỏ hơn cực vi trần là chính tôi. Mẹ tôi với tôi là Một, niên viễn không khác.

Rồi một ngày kia tôi rũ thân tứ đại, tôi sẽ trở về với mẹ tôi, với cha tôi. Chết tức là khởi sự đi tìm cha, tìm mẹ. Chết tức là được trở về với mẹ, với cha. Lúc bấy giờ tôi sẽ được gặp mẹ tôi, cha tôi tức khắc hay tôi phải đợi cho đến lúc cái nhúm tro của tôi theo thời gian tự rã tan, sẽ thành bụi, nhỏ hơn bụi, nhỏ hơn một triệu lần, một tỷ lần, một tỷ, tỷ, tỷ...... lần của bụi, tôi sẽ được gặp lại mẹ tôi, cha tôi. Cái khoảng thời gian từ lúc rũ thân tứ đại cho đến lúc ấy, chừng như một chớp mắt.

Thiện Hỷ
(Carrollton, TX ngày 22 tháng 11,1994)

Chú thích:
(1) Có năm loại mắt: nhục nhãn, huệ nhãn, phÁp nhãn, thiên nhãn, và phật nhãn. C.T.Shen trong Mayflower II, on the Buddhist Voyage to Liberation viết: "What are the five eyes? Buddhism classifies the eye into five categories; namely, the physical eye, heaveanly eye, Wisdom eye, Dharma eye, and the buddha eye. Rồi từ đó C.T. Shen luận bàn cặn kẽ về năm loại mắt ấy từ trang 1 đến trang 16. (nhà xuất bản Torch of Wisdom PublishingHouse, 1983)

(2) (3) Kinh Vu Lan

(4) Légendes des terres sereines (Những truyện cổ tích của Trung Hoa và Việt Nam, những xứ sở (thời) thanh bình, an lạc) do Mercure, Paris xuất bản vào giữa thập niên bốn mươi, được tái bản nhiều lần. " Légendes des terres" sereines gồm những truyện cổ tích Trung Hoa và Việt Nam: Trương Chi, Từ Thức, Chữ Đồng Tử, Nguyễn Kỳ và nàng Kỹ Nữ, Triết gia và con cá, Người thợ may và ông quan, Đứa con của người đàn bà đã quá vãng, sau cùng là tự truyện của tác giả: Xuất bản con nhà nghèo, cố gắng học hành....Ông còn viết truyện dài "Nam et Sylvie", cuộc tình lãng mạn, thơ mộng, đẹp đẽ giữa Nam và cô gái trẻ Pháp Sylvie nghe những kỷ niệm ở quê nhà cùng nỗi nhớ niềm thương quê hương của anh chàng trai xa xứ.....Hai người yêu nhau tha thiết tưởng chừng gắn bó keo sơn, nhưng cuối cùng cả hai đành ngậm ngùi chia tay vĩnh viễn: nàng "cuốn gói" về nhà chồng. Phạm Duy Khiêm là anh của Phạm Duy Cẩn, tức nhạc sĩ Phạm Duy.Ông sống độc thân, về miền nam nước nhược tại Paris, đầu thập niên bảy mươi.

(5) Kinh Vu Lan.


Ngợi Ca Mẹ - Trần Quảng Nam - Thanh Vân trình bày.