Banner designed by Ninh Quốc Bảo 73
Đặc San Quốc Gia Nghĩa Tử 2025
Nửa Thế Kỷ Xa Trường.
Đóng góp bài vở cho ĐS 2025Bài vở xin gởi về địa chỉ email: dacsan2025@quocgianghiatu.com |
Cuối tháng 10 là Halloween hay Lễ Ma Qủi ở xứ Cờ hoa. Tên này thu gọn từ ba chữ All Hallows Eve (Đêm trước ngày lễ các thánh) theo đạo Thiên Chúa. Theo truyền thống đây là ngày tưởng nhớ những người đã chết và người ta đi nhà thờ, đến nghĩa trang thắp nến trên các ngôi mộ . Ngoài ra người đời cũng dùng ngày này để chế riễu cái chết, chống lại sự chết. Nhưng ở Cờ Huê chuyện vui đùa này dần dần bị thương mại hóa, khai thác từ những thương vụ bán bánh kẹo, quần áo hoá trang . . . mỗi năm. Dịp này những người muốn hoá thân trở thành những nhân vật nổi tiếng ngoài đời, trong phim ảnh, phim hoạt hình như nàng tiên, thiên thần, ma quỉ, phù thủy . . . Dân chơi đi dự maskerade, vũ hội hoá trang . . . Trẻ em tha hồ mặc đồ hoá trang đi trick or treat xin kẹo khắp xóm. Nghe nói bi giờ dân Tây và người giàu ở VN cũng nhào dzô ké.
Nói sơ về chuyện ma qủi bên Tây xong bạn bè ta muốn nhắc nhở qúi bạn nhà Q cũng có thể dùng đề tài ma qủi để viết và gửi cho ĐS2025. Nhớ lại hồi xưa ta từng đọc qua truyện ma quái như Liễu Trai Chí Dị của bồ Tùng Linh, coi phim Dracula, phù thủy, qủi nhập tràng, ma trơi, ma da . . .
Sẵn đây lai rai về chiện ma luôn.
Ma da là ma ở dưới nước, chưa ai thấy nó bao giờ nhưng mỗi khi ai chết đuối thì người ta kết luận là bị ma da lôi, dìm xuống nước để hù con nít đừng tắm ao, hồ, sông, biển . . .
Ma trơi là ánh sáng chập chờn ngoài xa có lẽ từ những con đom đóm chớp tắt, bay vật vờ ban đêm nơi đồng trống.
Bá tước Dracula là truyện ma cà rồng nổi tiếng với tài tử Christopher Lee cao nhòng, mặt lạnh như xác chết nhe nanh cắn cổ hút máu nạn nhân. Người bị hút máu cũng trở thành ma cà rồng .
Từ ma cà rồng dân chơi đọc từ phiên âm chữ vagabond thành ma cà bông, ma cà chớp, ma cà chớn, ma mãnh . . . luôn chỉ những người không đàng hoàng. Và chữ vagabond : kẻ lang thang không nhà, không liên hệ gì với ma hay qủi hết.
Trên vùng rừng núi Việt bắc người Thượng có thờ ma xó để canh nhà cửa . . . vân vân và vân vân . .
Một lần nữa mời viết cho ĐS cũng như cám ơn tất cả luôn luôn ủng hộ̣ ĐS/Q2025
Chào cố gắng,
Bạn Bè Ta
- Gửi bài cho ĐS: dacsan2025@quocgianghiatu.com
- Địa chỉ đóng góp : ủng hộ ĐS : Peter Mai-Duc. 10357 Hite Circle. Elk Grove, CA. 95757. Cách chuyển tiền lẹ nhất là sử dụng Zelle qua số điện thoại của anh Phú : (916) 825-3143 hoặc dùng email : maid3717@yahoo.com
Chuyện ma nhà Q
Nói về truyện ma nhà Q. Trên ĐS 2007 có đăng hai truyện ma : Con Ma Tây Đen của Ngọc Yến. Nhưng rất tiếc truyện này dài quá, không pdf , không cóp dê được. Truyện thứ hai là Cầu Cơ ngắn hơn do Khánh Hoà Q71 kể lại hồi học nội trú. Xin gửi cả nhà xem để lấy hứng viết cho ĐS chúng ta.
Chuyện cầu cơ
Khánh Hòa Q71
Nói về chuyện ma chắc các bạn không quên được chuyện cầu cơ. Một tờ giấy gồm bảng chữ cái những dấu sắc, huyền, hỏI, ngã, nặng và đặc biệt thêm những chữ THẦN, TIÊN, MA, QỦY.
Có một bạn mang vào mà trái tim bằng gỗ mà theo lời kể của bạn đó là nắp ván thiên bằng gỗ quan tài.
Trời đã khuya đợi cô Giám thị điểm danh xong vô phòng . . . tất cả các bạn chìm sâu vào giấc ngủ . . . cả bọn như đã hẹn trước chờ tiếng đằng hắng nho nhỏ . . . tất cả đều rón ré chui ra khỏi mùng, lén lút như ăn trộm lò dò xuống cầu thang mà tim đập liên hồi phần thì sợ các cô giám thị, phần thì nghĩ không biết sẽ nhân vật nào sẽ nhập vào đây. . . Buổi chiều đã bàn kỹ nếu thần tiên thì được còn như nếu là ma cũng hơi hơi được nhưng nếu là quỷ thì . . i dza . . i dza . . . Nhưng mà chắc không gặp quỷ được đâu vì qủy là chúa các loài ma như nước có một ông vua vậy dễ gì gặp !
Gầm cầu thang tối om . . . dưới ánh sáng chập chờn của ngọn nến nhỏ không biết có phải vì gió thổi xuyên qua áo hay không mà lưng thì lạnh mà mồ hôi thì lấm tấm “căng thẳng”.
Hai đứa được phân công phải nhắm mắt lại hai ngón tay trỏ run run đặt trên quả tim gỗ, cả nhóm còn lại lâm râm đọc một bài dành cho cầu cơ ( không biết có bạn nào còn nhớ không)
Chỉ một lúc sau con cơ tự nhiên chuyển động ra khỏi chỗ . . . .và con tim đập to gần bằng tiếng trống trường . . . một bạn run run hỏi xin cho biết hồn là ai ? Cơ xoay mòng mòng rồi từ từ tiến đến hàng chữ THẦN, TIÊN, MA, QỦY. Cả nhóm nín thở . . . mũi nhọn của cơ chỉ thẳng vào chữ QỦY . . . Tiếng hét chưa kịp bật ra . . . ngọn nến đã tắt ngỏm tự bao giờ . . . vừa khóc vừa chạy . . . không biết làm sao cả nhóm lại có thể lết được về tới phòng và cũng không còn nhớ bằng cách nào có thể qua được cái đêm cầu cơ đó.
Kỳ này xin cà kê dăm chiện giông bão. Vâng, vừa rồi hai cơn bão Helene và Milton bên miền đông và đông nam HK đã và đang làm hàng triệu người khốn đốn, chết người, nhà cửa tanh banh, và sợ nhất là cúp điện . . ! Xin gửi lời thăm hỏi đến các ACE và gia đình trong các vùng ảnh hưởng đó.
Chiện địa cầu hâm nóng làm càng ngày càng có nhiều bão, và cường độ những trận bão cũng tăng dữ dội hơn. Không tin chỉ nhìn vào tiền bảo hiểm nhà cửa tăng vọt, vài hãng bảo hiểm cuốn gói chém vè, may ra thức tỉnh. Ở Mỹ mùa bão bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 11 nơi vùng Đại Tây Dương, trung nam HK (Texas, Louisiana), đông nam HK, xuống vùng biển Ca-ríp-bê và Trung Mỹ . . . , vịnh Mễ Tây Cơ ngay bên cạnh cũng là một đồng phạm. Từ đây hai, ba luồng cuồng phong thổi lên đất Mỹ, gặp nhau tạo thành hành lang lốc xoáy nơi vùng lân cận ! Thường thường mỗi năm mấy ông bà khí tượng chọn sẵn 21 tên cho các cơn bão. Chia ra trung bình 1, 2 tháng lại có cơn bão. Riêng năm 2021 xảy ra 23 cơn bão làm họ phải đặt thêm hai cái tên mới !
Tháng 7 vừa rồi giữa mùa hè tóe lửa dân vùng Houston trong đó có nhiều ACE nhà Q, bị cơn bão Bery làm xất bất sang bang cả tuần lễ. Bão mạnh cấp 1 (category 1: thổi từ 74 dặm - 95 dặm/giờ) nhưng vì nhiều cây cối, một số cây lớn gẫy, cộng nhiều cột điện ngã đổ lên đường giây địên khiến 2 triệu người mất điện, chưa kể lụt lội ở những chỗ thấp . Cái khổ của dân Mỹ là đã quen xài máy lạnh, khi không điện, không máy lạnh người người đều điêu đứng dưới sức nóng trên dưới 100 độ. Một số các vị bô lão, người đau yếu sẵn đã chết vì nóng, không điện chạy máy trợ tim, dưỡng khí . . . Những người có chuẩn bị trước đã thủ máy điện nhỏ để xài tạm cho đèn, tủ lạnh, máy lạnh nhỏ . . . Tuy nhiên tiếng máy điện kêu ầm ĩ như tiếng máy cắt cỏ đêm ngày gây khó chịu không ít cho những người chung quanh.
Vài ngày sau khi hết bão, FEMA , Cơ quan Cứu trợ Khẩn cấp Liên bang đã bay tới lập văn phòng lưu động để giúp đỡ những nạn nhân imeo, gọi tới. Các biện pháp cứu trợ đã ban ra tùy theo hoàn cảnh, hên thì được ngay hôm sau, xui thì vài ngày, vài tuần mới được. Nên thông cảm vì chỉ vài chục người mà phải nói chuyện, phục vụ 2 triệu người không phải là chuyện dễ . Mỗi gia đình được 700 đô tiền cứu trợ khẩn cấp, tiền mướn hotel để tạm thời tá túc được hoàn lại, tiền mua máy phát điện ngay lúc đó cũng được cho lại . . . Qua cơn mưa trời lại sáng, hưởng chút quyền lợi cũng đáng tiền . . .đóng thuế . Xin cám ơn những người thợ điện ngày đêm đi sửa hệ thống điện, và hoan hô FEMA đã cứu trợ chơi đẹp.
Thấy bão ở Mỹ bạn bè ta chợt nhớ về những cơn bão miền trung mà thương, tội cho quê mình trăm bề thiếu thốn. Lúc đó khoảng 56, 57 sau khi di cư vào Nam, gia đình bạn bè ta theo đơn vị của bố đi lòng vòng mỗi nơi vài tháng từ Nha Trang vô Tuy Hoà, Qui Nhơn . . . , cuối cùng dừng chân tại Sơn Trà, Đà Nẵng. Đây là một bán đảo nhỏ với làng xóm bên trái, sông Hàn bên cạnh chảy ra biển, bên kia là thành phố Đà Nẵng , phía đông là bãi biển Mỹ Khê nhìn ra Thái Bình Dương, phía bắc là ngọn Sơn Trà hay núi khỉ vì có nhiều khỉ, đi thẳng lên là bãi, cảng Tiên Sa nhìn sang ngọn Hải Vân .
Bãi biển Mỹ Khê bi giờ là bãi biển dài đẹp nổi tiếng đầy những khách sạn 4, 5 sao. Nhưng lúc đó vắng hoe chỉ độc một trại gia binh cho gia đình binh sĩ cư ngụ . Trại gồm mấy dãy nhà tôn, tường cũng bằng tôn bao quanh nên nóng khủng khiếp.
Ai cũng biết miền Trung bị bão thường xuyên. Trong bản Hội Trùng Dương, tiếng sông Hương nhạc sĩ Phạm Đình Chương từng than thở :
“Trời rằng . . . trời hành cơn lụt mỗi năm . . khiến đau thương thấm tràn . . .”
Khi sắp bão, để phòng chống các ông lính bố đóng cọc thật sâu qua lớp cát cột chặt xà , nóc nhà xuống bằng những sợi kẽm gai ngang dọc, chằng chịt. Đi đứng, qua lại phải dòm chừng nếu không sẽ vấp té liểng xiểng.
Rồi bão đến. Đây là trận bão đầu đời những đứa trẻ 7, 8 . . . tuổi đã lãnh đủ. Gió mạnh rung chuyển, cửa nẻo kêu phần phật, gió rít từng cơn, lên, xuống luồn vào nhà mang theo cát bụi. Tiếp theo là cơn mưa đổ xuống, tiếng mưa to lộp độp như tiếng búa gõ trên mái tôn , ai cũng lo sợ tưởng chừng nhà mình sắp vỡ ra hay bị bay mất . . .
Sáng hôm sau gió lặng, nghe nói bão quẹo ra biển, mọi người thở phào nhẹ nhõm bước ra. Bên ngoài cảnh hoang tàn xơ xác bày ra, đồ đạc rải rác đó đây, vài miếng tôn lớn , nhỏ lung tung khắp nơi. Nghe nói có miếng tôn đã bay loạn, chém người. Mức độ thiệt hại ra sao không nhớ và lâu quá rồi không rõ.
Tháng ngày như gió như mây. Chiện bão tố, cuồng phong cũng xong, xin ngưng ở đây. Xin qúi ACE nhớ tiếp tục gửi bài cho ĐS/QGNT2025 cũng như xin cám ơn tất cả đã, đang và sẽ ủng hộ cho ĐS
Chào cố gắng,
Bạn Bè Ta
Gửi bài cho ĐS: dacsan2025@quocgianghiatu.com
Địa chỉ đóng góp : ủng hộ ĐS : Peter Mai-Duc. 10357 Hite Circle. Elk Grove, CA. 95757. Cách chuyển tiền lẹ nhất là sử dụng Zelle qua số điện thoại của anh Phú : (916) 825-3143 hoặc dùng email : maid3717@yahoo.com
Thu là mùa đẹp nhất trong năm với lá vàng rơi, gió heo may, mây xám giăng đầy trời . . . làm rung động, hao tổn bao bút mực của thi nhân . . . Đặc biệt hôm nay để tìm lại những cảm xúc, thân thương của các thi nhân nhà Q, những người một thời đã cùng ta chia sẻ vui buồn nơi ngôi trường thân yêu. Xin mời cả nhà xem lại những vần thơ mùa thu của những tên tuổi thân quen trên DĐ như : Bích, ĐàLạt, Hải Âu, Kim Tiếng, Klan, KS, NNH, Phạm Vũ Quê Hương, Võ Đình Tiên, Như Liên,, Thu Tâm, Trần Ý Thu, T.T T.V , TV . . .
Trước hết là giây phút giao mùa khi hè nhường lối cho nàng thu bước vào. Miền Nam, vùng đồng bằng chỉ hai mùa mưa, nắng. Nhiều khi đất trời còn nung nóng làm ta khó cảm nhận. Nhưng trên cao nguyên 4 mùa rõ rệt để thi nhân “ĐàLạt” cảm nhận ngay được giây phút giao mùa :
. . .
Em vẫn còn mong giọt nắng thu
hay là quên hẳn thu sang rồi
nghe như trong thu niềm rạn vỡ
một chút về em khi giao mùa
Trở về miệt dưới, khi nàng thu đang e dè chưa muốn đặt nhẹ gót hài làm nhiều người mỏi mòn mong đợi, trong đó có Kim Tiếng, nàng thơ quá cố được bạn bè luôn thương nhớ, từng than thở trong “Sao thu chưa đến ” :
mùa thu của tôi . . đang ở đâu
tôi theo tiếng thu tìm lá rơi
vẳng xa vọng lại xa xôi quá
tôi đi tìm thu qua lá rơi
. . . .
Một người khác như NNH cũng đồng cảnh ngộ thấp thỏm mong đợi mùa thu:
. . .
nơi đây không có lá vàng rơi
chắc là Thu không đến đây rồi
tôi nghe trong gió buồn man mác
mùa vào Thu hay lòng vào Thu
. . .
Rồi đợi mãi chưa thấy NNH đã tự hỏi điều gì khiến nàng thu chưa chịu ra mặt :
Thu ở đâu ? người ở đâu?
lẻ loi soi bóng ... Trăng khuyết vơi
xa kia có lẽ trăng tròn lắm
trăng của mùa thu xưa ước mơ . . .
Dĩ nhiên dù muốn dù không cuối cùng thu cũng đến, thu có mặt trên lối đi, nơi cổng trường như Phạm Vũ Quê Hương bày tỏ cảm xúc trong “Em và ngày chớm thu”
..
từng lá vàng rơi trải khắp đường
mỗi ngày đi học thấy thương thương
em sợ chân em vô tình dẫm
những lá vàng rai rác cổng trường
...
Hay khi đất trời bắt đầu trở lạ̣nh trong bài “Một sớm Thu” :
...
chạm vào mai sớm một chớm thu
sáng nay nhạt nắng buổi giao mùa
em nghe trong gió hơi sương lạnh
đất trời như thể đã sang thu
. .
Lưu lạc bên trời Canada tuyết đổ, đất trời sầu thảm, gió bấc lạnh căm khiến chàng thơ KS cũng chạnh lòng nhớ lại mùa thu nơi trường cũ trong bài “Sắc thu“:
. . .
em đời xanh ngát biển hương
ta chim vò võ mười phương lạc đường
tìm đâu dấu vết làn hương
tìm đâu thu lại giấc nồng ngày thơ
một đời trôi nổi còn mơ
một đời xào xạc ngây ngô sân trường
….
Nhìn lại thấy mình bơ vơ nơi xứ lạ quê người KS càng thổn thức hơn :
. . .
tuổi thơ nốt nhạc rơi dòng
âm vang một thuở bềnh bồng viễn du
. . .
hôm nay lại tím tâm tư
nhắc chi ảnh cũ hồn thu học trò
. . .
Vâng . . .thu đẹp lắm phải không, đẹp lắm làm bao người luyến tiếc những mùa thu đi qua. Khi lớn khôn, ra đời Kim Tiếng càng nhớ những mùa lá vàng nơi sân trường :
. . . .
đã mấy mùa thu lá vẫn rơi
ý thơ trau chuốt những vơi đầy
lòng xa luôn nhớ thời con gái
một thuở sân trường áo trắng bay
. . .
Nói đến thu mà không nhắc đến “ Giọt mưa thu “ là một điều thiếu sót. Và khi mưa thu rỉ rả thì Hải Âu, chàng thi sĩ nhà Q với nhiều bài thơ buồn chất ngất đã để lòng chùng xuống, phiền trách “Chỉ tại mùa thu” :
….
hôm nay gió lành lạnh sang mùa
thu đến rồi chăng , lất phất mưa
thu xưa xa lắm người cũng thế
biết mấy người đi nhớ cho vừa
….
Trời mưa ai mà không buồn, và mưa thu chắc còn buồn hơn, với chàng Hải Âu thì đỉnh sầu cao ngất :
. . .
tại giọt thu sầu em đánh rơi
làm cho thấm ướt cả hồn tôi
bao mùa mưa nắng chưa quên được
một giọt sầu thu , ướt cả đời
. . .
Người buồn cảnh có bao giờ vui đâu. Với nàng thơ Trần Ý Thu thì mùa thu là nỗi thương nhớ ai đó đang ở nơi xa trong “Mùa thu thương nhớ cho người” :
ngắm trông phong cảnh mỹ miều
trời cao xanh biếc anh ơi nơi nào
. . .
cây hoa màu tím dạt dào
anh ơi thương nhớ nỗi nào trong tim
để em khắc khoải đi tìm
nhìn trong đôi mắt lặng im sầu buồn
hôm nay nước chảy thành nguồn
mùa thu vừa tới lệ tuôn cho người
Với Klan cũng vậy. Trong bài “Thu nhớ - mùa mưa” nàng thơ đã tiếc nhớ một chiều gió lộng khi chàng cầm tay:
anh nắm tay em buổi gió nhiều
câu thương câu để : tiếng tình yêu
. . .
vẫn thế mình em ngõ nhỏ
bao mùa phố lạ anh tiếc đau ?
đường chung lối cũ, còn nhung nhớ
thu lại sang rồi anh ở đâu
Rồi với nàng thơ Bích thì chuyện xưa xa cách khó mà quên được trong một ngày áo tím xa xưa:
. . .
áo tím ngày xưa anh nhớ không
kể từ xa cách giữa Thu Hồng
em về rũ áo trong thương nhớ
nhặt lá thu vàng nhớ chuyện xưa
. . .
Mùa thu đem gió lạnh về để nàng thơ Thu Tâm cũng nhớ ai, nhớ đến bối rối đọc không xong một bài văn, chẳng hiểu được gì chỉ vì “Thu sầu” dâng ngập lối đi:
. . .
lòng nhớ ai sao cứ hoài bối rối
đoạn văn buồn đọc mãi chẳng nhớ chi
không biết giờ đây nơi đó người đi
có gió lạnh, có Thu vàng lá rụng
. . .
chân đợi ai trên đường về lối nhỏ
bước ngập ngừng trong từng thoáng miên man
chiều vào thu lá từng chiếc, chiếc vàng
rơi hờ hững trong đìu hiu gió cuốn
. . .
Với T.T TV thì mùa thu sầu não hơn, làm đau lòng đến rơi lệ như tiếng thổn thức trong bài “Biệt thu”
. . .
đông sang rồi nắm níu chút chia phôi
vướng bụi tàn phai cay mi mắt
dìm vệt hằn thật sâu rồi quay mặt
biệt thu vàng khép lại nửa bài thơ
. . .
và nỗi đau lớn hơn với “Nẻo không mùa”
. . .
. . .
nẻo không mùa chỉ có trăng cùng sao
mong mỏi ngóng mặt trời bên kia biển
xin một lần điều đã thành miên viễn
trở lại đời để biết vẫn còn đau
. . .
Tuy nhiên với nàng thơ T.V thì thu lại nhẹ nhàng, mông lung như sương khói xa vời cô đọng thành lời trong bài “ Thu vọng tưởng” :
mùa thu mang sương khói
em nỗi nhớ không lời
như chim buồn không hót
gió chiều tím buông lơi
. . .
thu ơi em hoài nhớ
tiếng chiều ngày xưa đâu
Tuy nhiên yêu thu, mong đợi mùa thu cũng không đến nỗi đất trời sầu thảm mà lại là chuyện ngâm vịnh lý thú khi Võ Đình Tiên xướng lên :
thu đã đến rồi bạn biết chưa
ngàn cây chuyển sắc lá vàng mơ
mây bay vơ vẩn khung trời lạ
gió thoáng lững lờ mảnh đất thơ
. . .
và Như Liên thấy vậy đã họa lại :
bên đó mùa thu đã đến chưa
nơi đây vàng úa ngập đường mơ
trăng soi dốc núi ghi lời nhạc
nắng trải dòng sông chép ý thơ
. . .
Đến đây vần thơ mùa thu nhà Q tạm dừng. Như đã biết vườn hoa nhà Q khá lớn nên chuyện lục tìm còn nhiều thiếu sót, thành thật xin lỗi nếu tên, thơ của vị nào không được đề cập tớ́i. Một lần nữa xin cám ơn qúi ACE đã, đang, sẽ luôn gửi bài cũng như ủng hộ cho ĐS/Q2025.
Chào cố gắng,
Bạn Bè Ta
- Gửi bài cho ĐS: dacsan2025@quocgianghiatu.com.
- Địa chỉ đóng góp : ủng hộ ĐS : Peter Mai-Duc. 10357 Hite Circle. Elk Grove, CA. 95757. Cách chuyển tiền lẹ nhất là sử dụng Zelle qua số điện thoại của anh Phú : (916) 825-3143 hoặc dùng email : maid3717@yahoo.com
Kính thưa qúi thầy cô,
ACE thân mến,
Thoáng cái nhà Q chúng ta lại hội ngộ vào năm tới. Trong qúa khứ các lần hội ngộ đã được thực hiện tại nam, bắc Cali và Texas . . . nơi có đông đảo ACE cư ngụ. Nhưng kỳ này để không khí sinh độ̣ng, mới lạ hơn nhà Q sẽ tổ chức một cuộc hội ngộ trên du thuyền NAVIGATOR OF THE SEAS của công ty Royal Caribbean. Đây là cơ hội tốt để các ACE và gia đình gặp gỡ, hàn huyên với nhau suốt cuộc hải trình vui tươi , thích thú từ nam Cali, ra hải đảo Catalina, vòng xuống phố biển Ensenada, Mễ Tây Cơ rồi trở về điểm xuất phát.
Dù là trên bờ hay dưới nước hoặc ở bất cứ nơi đâu thì linh hồn của chuyện hội ngộ vẫn là cuốn Đặc san QGNT. Nhìn lại khoảng thời gian qúa dài từ 1975 đến 2025 phải xa ngôi trường thân yêu BCH, BTC và BBT đã mạn phép chọn chủ đề ĐS là : Nửa Thế Kỷ Xa Trường. Đây là những trang giấy cho chúng ta chia sẻ, giãi bày tâm sự, cảm xúc yêu thương gia đình, thầy cô, bạn bè nơi trường xưa . . . , cũng là món qùa tặng qúi thầy cô và các ACE tham dự . BBT rất mong được ACE gửi các sáng tác, hồi ký, truyện ngắn , thơ , nhạc, kịch , hội hoạ, hình ảnh . . . về địa chỉ kèm bên dưới (Hạn chót gửi bài là ngày 30 tháng 3 năm 2025), và nếu có thể trong khả năng của mình, xin qúi ACE trợ giúp thêm cho việc ấn loát ĐS.
Tôn trọng sự thuần khiết trong tinh thần yêu thương, xây dựng của nhà Q, chúng tôi xin từ chối các bài vở mang nội dung đả kích, ám chỉ cá nhân, tổ chức, chính trị . . . đồng thời dành ưu tiên cho các bài viết về nhà Q ; bài vở chưa đăng trên các phương tiện truyền thông ; đặc biệt bài nào đã đăng báo xin ghi rõ tên để tránh ngộ nhận. Xin qúi ACE thông cảm và cám ơn tất cả.
Chào cố gắng ,
BTC và BBT Đặc san QGNT 2025
Địa chỉ đóng góp :
- Ủng hộ ĐS : Peter Mai-Duc 10357 Hite Circle. Elk Grove, CA. 95757.
Cách chuyển tiền lẹ nhất là sử dụng Zelle qua số điện thoại của anh Phú : (916) 825-3143 hoặc dùng email : maid3717@yahoo.com
Riêng ủng hộ đặc san 2025 , chúng tôi đã nhận từ :
- Thầy Nguyễn văn Thơm $200
- Chị Ngọc Ánh Q72 $200
- Thầy Nguyễn thành Khiết $100
- Chị Lê Kim Loan Q!75 $100
- Chị Đỗ Nguyệt Nga Q75 $200
- Chị Trần Kim Khánh Q75 $200
Tổng cộng tới nay : $1000
Xin chân thành cám ơn quí Thầy và quí vị Mạnh Thường Quân.
Cầu chúc ACE luôn vui khỏe .
MDP
Như chúng ta đã biết Đặc san là linh hồn của các đại hội, họp mặt, hội ngộ . . . nhà Q. ĐS rất quan trọng, mỗi lần hội ngộ BCH, BTC và BBT đều phải bằng mọi cách phải thực hiện một cuốn.
Sau khi thông báo về chuyến hội ngộ năm tới trên du thuyền, gọi tắt là Qruise25, mấy ngày nay BCH, BTC và BBT zoom tùm lum, gọi hỏi um sùm mí nhau để tìm cách hoàn tất nhiệm vụ này. ĐS là linh hồn buổi hội ngộ, ĐS là cuốn báo đầy tình nghĩa thầy cô, anh chị em của trường chúng ta. Nhưng về thực chất đặc san chỉ là cuốn báo trường, báo “chùa” cho một cộng đồng nhỏ vài trăm người. Nhà Q là tổ chức bất vụ lợi, non profit organization, nên ngân qũi rất khiêm nhường , chả cần tưởng tượng cũng biết đôi khi nó lăn ra thoi thóp muốn đứt hơi , ngừng thở. Có thực mới vực được đạo, có gạo mới có cơm, có rơm mới có lửa . . . phải có tiền để trả nhà in mới có cuốn ĐS dày mỏng, trắng đen, màu mè lung tung và trong thời buổi gạo châu củi quế hiện nay chuyện in, ấn càng mắc hơn, khó hơn .
Đi một đường “động não” bỗng nhớ ra nhà Q cũng có nhiều bạn khấm khá, thành công trên thương trường, có nhiều đại gia lắm không tin lên thử “Fê, Gram hay Đàn . . . * ” . . . hỏi vòng vòng thì ra ngay. Vậy xin mời các đại gia nổi tiếng của nhà Q giơ tay tình nguyện ủng hộ quảng cáo cho ĐS trước khi vào một ngày đẹp trời tư gia, biệt thự láng coóng, cáo cạnh của qúi vị bị phái đoàn nhà Q ghé vô vừa ăn vạ vừa hô to : no money no honey, không xanh ** ” không về !
Riêng các ACE khác từ nay khi lang thang tới những cơ sở thương mại quen biết chợ Tây, chợ ta, thuốc nam, cao đơn hoàn tán, nhà hàng, bác sĩ, nha sĩ . . .nhớ ca dùm bài con cá nó sống vì nước để xin quảng cáo cho báo nhà Q .
Ngoài ra từ nay cũng còn khá lâu mới đến ngày hội ngộ năm tới, trước mua vui sau làm việc nghĩa ACE nào kêu bạn tới nhà họp mặt bỏ túi nhớ thêm vô một màn đấu giá mini với chai rượu, bức tranh, lấy xâu binh xập xám, bài cào, karaoke. . . để gây qũi ủng hộ cho ĐS nhe. Đến đây xin tạm ngưng và cám ơn tất cả
Chào cố gắng
BBT/ĐS25
Chú thích :
* Fê, lên Gram, lên Đàn : Face Book, Instegram, Diễn Đàn”
* * xanh : đô la xanh , từ chữ green buck chỉ đô la màu xanh
Giá tiền quảng cáo trên ĐS/Q25
1 trang màu 400
1/2 trang màu 200
1/4 trang màu 100
Đen trắng 1/2 giá trang màu.
Trang bia ngoài 500
Trang bìa trong 450
Vậy mà đã qua tháng 9, phượng hồng đã tàn và mùa hè xa rồi . Nhưng . . . buổi sáng bước ra sân, thay vì gió heo may nhè nhẹ, mây xám giăng khắp trời ta tưởng nàng thu vừa đến thì cái nắng vẫn nóng chang chang đổ lửa làm người ta bật ngửa. Thật là vô duyên. Người thì nói đây là hiện tượng địa cầu hâm nóng. Đám học trò già nhưng tâm hồn vui trẻ, yêu đời thì cười : “nắng mưa là bệnh của Trời thương mong da diết là ta nhớ trường ”. Riêng xứ Cờ huê xum xuê hợp chủng này người ta gọi đây là Indian summer, hay “mùa hè Da đỏ” tức hè trễ, hè muộn, mùa hè dùng dằng, nấn níu ở lại không chịu lỉnh đi cho thiên hạ đỡ xuất hạn đổ mồ hôi hột. Hồi 90 một cuốn phim cùng tên Indian Summer kể lại chuyện một nhóm thanh niên , thiếu nữ đã rong chơi bên nhau để tận hưởng chút nắng hè còn lại.
Tháng 9 sắp vào mùa thu, cũng là mùa tựu trường, học trò khắp nơi lũ lượt cắp sách đến trường mỗi ngày. Buổi sáng thấy đám con cháu học trò cắp sách đi học đầy đường, hay đi ngang trường học thấy phụ huynh đưa con, cháu đến trường ta bỗng bùi ngùi sống lại những ngày khai trường thuở nào, gặp lại thầy cô, bạn bè trong niên học mới.
Tháng 9 khai trường bạn nhớ ko
Hè qua không gặp bao nhớ nhung
Áo ai trắng xóa bay trong gió
Ngớ ngẩn nhìn theo vui quá đi
Ngày khai trường là ngày vui nhất năm học, vui hơn ngày tan trường vì tan trường buồn thấy mồ nếu ta bị ở lại lớp hay biết trước có thể trượt vỏ chuối kỳ này. Bên nữ sinh khoe nhau áo dài trắng mới, xách cặp táp nhét đầy sách vở và không quên mấy cục xí muội, me chua . . .. Còn đám nam sinh thì chững chạc lên áo trắng, quần xanh, tóc tai mới toanh. Moị người xúm lại rân ran nói chuyện quên thôi. Mấy bạn mới e dè đứng xa xa, một hồi cũng áp vô nói luôn, ma mới hay ma cũ đều ào ào như nhau. Khỏi noí ai cũng nhớ rõ mồn một nơi tọa lạc của trường ta. Nhưng ôn lại chút xíu cũng là cách “động não” cho dễ nhớ như vè sĩ hay ca nhạc rap:
“Trường trên đường Võ Tánh, bên trái cái nghĩa địa Tây, Sở Chăn nuôi phía trước, lưng vào sân bay . . .”
Bạn bè ta nhớ mãi ngày xưa ở đầu trường là văn phòng thầy giám thị, qua hành lang nhỏ đến phòng giáo sư, phòng thầy hiệu trưởng . . . .tuốt bên kia. Nhưng chỗ nhỏ nhất khó quên tên để bạn bè ta đến “nhập quan diện bích” vào chủ nhật chính là phòng cấm túc, bi giờ nhắm mắt lại cũng vô đúng chỗ liền. Hai buyn-đinh với ba tầng uy nghi là nơi bọn học sinh chúng ta dùi mài kinh sử hàng ngày. Các lớp nhỏ thất, lục . . . tầng dưới, các lớp lớn tam, nhị . . trên lầu 2, lầu 3. Khoảng năm 63, 64 khu Nội Trú còn đang xây cất dở dang, chỉ có bọn yêu nhạc yé yé giờ ra chơi lui tới đờn ca, nhảy múa để tránh làm ồn ào, gây phiền phức.
Qúi bạn thân mến,
Mùa tựu trường này là đề tài phong phú mà ta có thể nhớ viết cho ĐS/Q2025. Nếu bạn đã lỡ viết rồi thì vẫn còn vớt vát được bằng cách quay lại chuyện ba tháng hè ở nhà phụ gia đình, hay đi rong chơi. Một lần nữa xin cám ơn qúi ACE đã, đang và sẽ ủng hộ cho ĐS2025
Chào cố gắng,
Bạn Bè Ta
- Gửi bài cho ĐS: acsan2025@gmail.com
- Địa chỉ đóng góp : ủng hộ ĐS : Peter Mai-Duc. 10357 Hite Circle. Elk Grove, CA. 95757. Cách chuyển tiền lẹ nhất là sử dụng Zelle qua số điện thoại của anh Phú : (916) 825-3143 hoặc dùng email : maid3717@yahoo.com
Hôm nay lai rai về chuyện báo bổ, báo biếc, bích báo . . . xin vặn máy thời gian lùi về mấy chục năm trước khi còn cắp sách đến trường.
Vâng . . . nhớ mãi lần đầu tôi làm bích báo khoảng năm 60, 61 đó khi mấy tên học sinh đệ thất, đệ lục chúng tôi hẹn nhau tới nhà thằng bạn cùng lớp Đinh Văn Tài. Đương sự là một tay có máu văn nghệ từ khi mới lên trung học, được cả lớp bầu làm trưởng ban văn nghệ vì nhiều người biết lúc đó mới 12, 13 tuổi hắn đã ôm hai bút hiệu : một là Đinh Tấn để viết những bài đàng hoàng, hai là Đinh Ba-Toong để viết truyện vui cười vớ vẩn. Ngoài ra hắn còn vẽ, viết truyện bằng tranh truyđ-ãện ma, truyện đường rừng . . . như loại comic book bi giờ. Nghe kể hắn đã có bài đăng trên Tuổi Hoa, Thằng Bờm . . . mấy tờ báo dành cho giới thiếu niên của Dòng Chúa Cứu Thế trên đường Kỳ Đồng .
Tài hiền khô, ăn mặc lè phè, tóc tai chải qua loa, đôi khi bờm xờm, có lần chơi bạo đã hớt trọc đầu chỉ để lại một chòm tóc như thằng bờm hay trái đào. Có hôm dậy trễ hắn mặc áo rộng thùng thỉnh như pi-ja-ma nhét trong quần đi học. Áo có 3 túi, túi trên ngực mang huy hiệu tên trường dán bằng cơm nguội để né tầm radar của thầy giám thị nghiêm nghị luôn sẵn sàng cảnh cáo lần đầu và đuổi về nhà thay áo lần sau. Hai túi dưới hắn nhét trong quần đúng điệu đồng phục quần xanh, áo trắng nam sinh trường công lập, đặc biệt có bữa hai túi dưới Tài bỏ cơm nguội vô để móc ra ăn lén trong lớp. Chiện ăn lén cơm nguội có một không hai này càng làm mọi người “kính nể” vẻ lập dị của Tài.
Trở lại chiện bích báo, hay trang báo lớn treo tường cho độc giả xem. Hôm đó ngày chủ nhật, toán làm bích báo chúng tôi thằng trước, thằng sau kéo tới Nhà Tài ở một xóm đạo ven đô Sè Goòng. Sau 8 giờ sáng hắn mới đi lễ sớm về, ngồi chờ sẵn. Chúng tôi thằng mang viết đỏ, thằng mang thước cây, thước sắt, bút nguyên tử (ball point), viết chì, cục tẩy . . . kẻ góp công, người góp sức. Riêng Tài đã mua sẵn 1 tờ giấy dầy cứng, khổ 60 x 80 cm (poster board) gì đó để làm bích báo. Thời gian 1960, sau chiến tranh đa số dân chúng đều nghèo, nhất là dân Bắc di cư mới vô Nam còn lầm than hơn, nhà không bàn ghế, chỉ kê 2, 3 giường để ăn, ngồi, ngủ, nghỉ nên tờ bích báo sắp thành hình của lớp tôi được trân trọng đặt giữa giường. Bài vở là những trang giấy học trò do anh em viết , xin lỗi thiếu chữ chị vì lớp tôi không có nữ sinh nên tất cả đã ca bài “độc cô sô-lô” từ lâu. Chúng tôi bàn soạn, so sánh ai chữ đẹp, chữ xấu , sắp đặt lên xuống, trái phải . . . một lúc như những tay graphic artist chuyên nghiệp làm báo trước khi điện toán đẻ ra cadcam .
Cuối cùng tất cả đồng ý 2 người “đủ tư cách” được nằm lên giường viết bích báo. Tài sẽ vẽ và trình bày, layout bích báo, còn tất cả đứng chầu rìa bên ngoài. Moị người chăm chú nhìn bạn mình đang nắn nót trên giấy. Một hồi mỏi tay lại đến người khác lên giường viết tiếp. Chúng tôi mê say làm đến chiều mới xong. Nghĩ lại với lòng say mê, kinh nghiệm viêt lách thì đây là công lớn của Tài.
Hôm sau Tài “khiêng” tờ bích báo vô cho cả lớp coi sơ rồi nộp lên ban văn nghệ của trường. Sau khi cô giáo và ban căn nghệ chấm điểm kết qủa được công bố ngay : báo các lớp đệ tứ, đệ ngũ đứng đầu, các lớp nhỏ thất lục đứng hạng chót. Các báo sau đó được đưa tới treo trên tường phòng ra chơi, kiêm sinh hoạt hiệu đoàn, kiêm bàn bóng bàn . . . ở cuối trường. Lúc đó trường trung học đệ nhất cấp chúng tôi còn nhỏ chỉ có 8 lớp : 4 lớp sáng, 4 lớp chiều nên cuộc triển lãm bích báo chỉ có 8 tờ đọc mệt nghỉ.
Đến nay đã quá lâu tôi không thể nhớ hết nội dung tờ bích báo. Tới giờ Việt văn cô giáo khen mọi người đã đóng góp và làm tờ bích báo đầu tiên. Phê bình nội dung bài vở, cô nói truyện đường rừng tình tiết lê thê của Tài quá vớ vẩn, hoang tưởng so với tuổi học sinh đệ thất. Bài tìm hiểu “Cái miếu bên đường” của tôi thì tốt, được xem như một thứ phóng sự nhí , tìm hiểu lý do tại sao lâu lâu lại thấy một cái miếu nhỏ trên QL 1, nơi xảy ra những tai nạn đụng xe chết người khiến hàng năm đến ngày giỗ gia đình người chết đã đi tới để nhang đèn cúng kiếng.
Tháng ngày qua mau như nước chảy hoa trôi, tôi lôi thôi vớ vẩn kể chuyện hồi đi học chúng tôi mần bích báo vớ vẩn trong hoàn cảnh thiếu thốn, thiếu người giúp đỡ hồi xưa hy vọng ACE nhà Q nhớ đào sâu trong ký ức để viết lách cho ĐS/Q25. Sẵn đây xin cám ơn qúi thầy cô, các ACE mạnh thường quân đã, đang và sẽ ủng hộ cho ĐS25 cũng như lần hội ngộ trùng dương tháng 5 năm 2025
Chào cố gắng.
Thân mến,
bạn bè ta
1992: Đặc San và Đại Hội : Vinh Danh Các Thầy Cô - Trở Về Trường Cũ
1993: Đặc San và Đại Hội: Nối Lại Vòng Tay
1995: Đặc san: Mẹ Việt Nam - không có đại hội
2003: Đại Hội Tương Phùng - Đặc San: Tương Lai và Hy Vọng
2005: Đặc San và Đại Hội: 30 Năm Nhìn Lại 1975-2005
2007: Đặc San và Đại Hội: Vẫn Giữ Niềm Tin
2009: Đại Hội: Ngày Hội QGNT - Đặc San: Vẫn Giữ Niềm Tin
2011: Đại Hội và Đặc San: Nối Chặt Vòng Tay
2013: Lễ Kỷ Niệm và Kỷ Yếu: 50 Năm QGNT 1963-2013
2013 Tập Văn Thơ : Một Thời Để Nhớ
2015: Đại Hội và Đặc San: Cha
2017: Hội Ngộ Lần Thứ 10. Đại Hội và Đặc San: Mẹ
2019: Đại Hội và Đặc San: Trường Cũ..Thầy Bạn Xưa
2023: Đai Hội và Đặc San : 60 Năm Trường Xưa
2025: Hội Ngộ 50 Năm Quốc Gia Nghĩa Tử và Đặc San :Nửa Thế Kỷ Xa Trường.
Vài Suy Nghĩ Về "Nửa Thế Kỷ Xa Trường"
Một số các đặc san, giai phẩm QGNT trước và sau 1975 .
Tủ Sách Quốc Gia Nghĩa Tử có lưu trữ các Đặc San 2023, 2019, 2017, 2015, 2013, 2011, 2009, 2007, 2005.... và các Giai Phẩm Xuân trước năm 1975 như: Giai Phẩm Xuân Phổ Thông các năm 1967, 1971, 1973, 1974, Giai Phẩm Xuân Kỹ Thuật năm 1973, Giai Phẩm Tổng Hợp...
Tủ sách cũng có Tập "Thơ Văn Vinh Danh Me"̣ 2008 và "Một Thời Để Nhớ" 2013
Click hình dưới.
Sử dụng cell phone: Khi click hình Tủ Sách bên trên, trên cell phone sẽ hiện ra hình có ba quyển đặc san 2023, 2019, 2017. Dùng ngón tay đẩy màn hình từ phải qua trái sẽ thấy ba quyển kế tiếp. Cứ tiếp tục đẩy màn hình sẽ thấy các quyển sách khác.
Click vô quyển sách mình muốn đọc, sách sẽ mở ra và ta có thể đọc. Dùng hai ngón tay mở lớn ra đọc cho dễ, đọc xong dùng một ngón click hai lần, sau đó có thể sang trang sau hay trở về trang trước.
Nói chung, hãy sử dụng "bàn tay năm ngón kiêu sa" để click, rê qua rê lại, hai ngón để mở màn hình lớn ra, double-click cho màn hình về dạng cũ.v.v...
Sử dụng trên computer hay IPAD: chỉ cần dùng mouse click, rất dễ đọc.
Bấm PLAY nghe bài Thương Mái Trường Xưa của Nguyễn Thế Dũng
Các hình ảnh Trường Cũ..Thầy..Bạn Xưa
Đóng góp bài vở cho ĐS 2025
Bài vở xin gởi về địa chỉ email: dacsan2025@quocgianghiatu.com
Hạn chót nhận bài: 30-3-2025