Trả Lại Em Yêu - Phạm Duy - Thái Thanh ca

 

Một thời … xe cộ

Xe cộ là phương-tiện để chuyên-chở người hay vật/đồ vật từ nơi này đến nơi khác. Ở mỗi  thời-kỳ trong cuộc sống, có những loại xe khác nhau, với những chuyện vui, buồn  đi kèm.

Dưới thời nước Việt Nam Cộng Hòa (1954 đến 30-4-1975) có một số loại xe cộ mà nhiều người sống ở Sài-Gòn chắc là còn nhớ. Bài này chỉ giới-hạn với một số loại xe rất thông-dụng trong đời sống thôi.

1-Xe lô-ca chân:  Đây là loại xe mà dân Sài-Gòn thứ thiệt nghe là biết liền. Loại xe này dù người giầu hay nghèo đều cần phải dùng đến, trừ những người bị tật-nguyền, hoặc bị lỏng gối quá hay hết xí-quách nên phải bò lết, mới không dùng đến thôi.

Xe “lô-ca chân” là tiếng lóng để chỉ đôi chân để đi bộ. Vì hầu như ai ai cũng có đôi chân nên vô tình nhiều người không để ý đến giá-trị “vô giá” của loại xe lô-ca chân này. Có thể nói là nếu không có loại xe lô-ca chân làm nền tảng thì chưa chắc đã có những phát-minh cho những loại xe khác.

Vào thời-kỳ này, xe lô-ca chân đã đi vào lịch-sử, làm nên lịch-sử và chuyên-chở những gánh nặng và trách-nhiệm của lịch-sử bằng loại nhiên-liệu là “mồ hôi, máu và nước mắt” .. “đi ta đi, lời thề nguyền …”, hoặc (có lẽ) thất-thểu, lờ-đờ, thờ-thẫn khi “xưa tan trường về, anh theo Ngọ về” ! Và còn nhiều, nhiều chuyện nữa liên-quan đến loại xe này.

Người ta thường hay nói là những gánh nặng này, trách-nhiệm nọ đè nặng trên đôi vai, nhưng đôi vai lại đè nặng lên đôi chân, cho nên cái xe lô-ca chân mới thật sự lãnh đủ !.

2-Xe hai bánh:


Bãi đỗ xe tại trung-tâm Sài-Gòn dịp Tết 1965


Xin kể ra một số xe với một số đặc-điểm sau:

Xe đạp: Đây là loại xe được dùng nhiều nhất vì phần đông dân-chúng có thể mua sắm được, mà lại đa dụng. Về mặt căn-bản, xe đạp chia làm 2 loại: xe đạp nam và xe đạp nữ.

Xe đạp nam: là loại xe mà hầu như phái nam dùng thôi, có khung xe nằm ngang. Cực kỳ hiếm phụ-nữ đi loại xe này. Xe đạp nam cũng là loại xe đạp đua nếu có tay lái cong xuống.

Xe đạp nữ: là loại xe được dùng nhiều nhất vì cả nam lẫn nữ đều dùng được, chứ chẳng phải chỉ dành riêng cho phái nữ. Loại xe đạp này có khung xéo từ tay lái xuống bàn đạp.
Để tránh cho xe khỏi bị mất cắp, các xe đạp thường có mấy loại khóa vòng để khóa bánh xe vào khung xe, hoặc khóa khung xe vào những loại cọc sắt nào đó. Tuy nhiên, loại khóa này thỉnh thoảng, dù hiếm, đã được một số thanh niên trẻ dùng làm vũ-khí để đánh lộn!


Xe Velo Solex:

Đây là loại xe do Pháp chế-tạo. Xe có thể dùng như xe đạp nếu máy xe không nổ được vì lý do nào đó hoặc bất ngờ bị hết xăng. Xe có máy đặt ở phía trước. Khi bắt đầu chạy thì phải đạp như xe đạp để lấy trớn, rồi một tay lái xe, tay kia hạ đầu máy xe xuống cho máy chạm vào và đè lên bánh xe trước, như thế máy mới nổ và xe mới chạy bằng máy được.

Thường thì trong khi xe chạy, người lái xe để hai bàn chân lên hai bàn đạp. Tuy nhiên, một số thiếu nữ trẻ mặc váy đầm hoặc quần tây dài, và một số nam thanh niên hay đàn ông trẻ lại để hai bàn chân lên chỗ miếng sắt ngang, dưới khung xe và gần hai bàn đạp. Những người này để chân như vậy vì nghĩ rằng thế mới là sành điệu, hợp thời !

Xe Mobylette:

Loại xe này cũng do Pháp sản-xuất. Xe có đặc-điểm là có một sợi dây cu-roa để kéo và chạy máy. Với xe này, khi máy móc chạy ngon lành thì không sao, nhưng lỡ mà máy không nổ, thường thì phải dựng chân xe lên rồi ngồi lên xe đạp như xe đạp, nhưng bánh xe sau không chạm đất, nên bánh xe sau mới quay được và làm cho máy nổ. Tuy nhiên, những ai đã có dịp đi loại xe này chắc đã có nhiều lúc đạp muốn xì khói khi cố đạp cho xe nổ máy.

Xe Mobylette có nhiều kiểu khác nhau tùy theo năm sản-xuất.

 

Xe máy hiệu Sachs và Goebel.



Đây là những xe do nước Đức sản-xuất. Các xe này có tiếng máy nổ mạnh-mẽ, ồn-ào và có lẽ vì thế phái nam dùng nhiều hơn là phái nữ.

 

Xe gắn máy hiệu Puch.

Loại xe này do Cộng Hòa Liên Bang Tây Đức sản-xuất. Xe này được giới nam thanh-niên ưa chuộng nhiều nhất. Loại xe Puch do nhà lắp ráp độc quyền của ông Đặng Đình Đáng làm chủ. Cơ-sở lắp ráp này nằm trên đường Võ Tánh nối dài, khoảng giữa ngã Tư Bảy Hiền và Lăng Cha Cả.

Vào khoảng từ năm 1963 trở về sau, khi xe gắn máy của Nhật được cho nhập-cảng nhiều vào miền Nam, các loại xe gắn máy của Âu châu kể trên đã không thể cạnh-tranh nổi với xe của Nhật. Thời đó, báo-chí có đăng tin ông Đặng Đình Đáng nhảy lầu tự-tử, có lẽ bị phá-sản vì sự độc-quyền nhưng không sống nổi trên thương-trường.

Cùng thời này, một chiếc xe gắn máy hiệu Rumie (?) mà nhạc-sĩ Y Vân đã mua cho em ruột là nhạc-sĩ Y Vũ lại có dính-dáng đến mối tình tuyệt vọng. Sau cơn say đầu đời để quên đời, khi tỉnh rượu, Y Vũ đã ôm đàn hát rồi viết thành một bản nhạc chỉ trong mấy giờ đồng hồ, và cũng chỉ trong vòng khoảng ba tháng sau, bản nhạc này đã trở nên rất thịnh-hành, từ đó … cho cả đến ngày nay. Đó là bài “Tôi đưa em sang sông”. (1)

So-sánh với những hiệu xe gắn máy của Nhật được nhập-cảng sau này, các loại xe gắn máy kể trên do các nước Âu châu sản-xuất, có kiểu dáng không đẹp, thế ngồi không vững, đèn chiếu sáng yếu-ớt, kèn xe kêu nhỏ, tiếng rè-rè.

Trong khi đó, những kiểu dáng, đặc-tính kỹ-thuật của xe gắn máy Nhật lại vô cùng vượt trội. Thế ngồi vững-vàng, đèn xe sáng như xe ô-tô, kèn xe nghe to và rất rõ, máy xe mạnh, các kiểu-dáng đều đẹp. Do đó, khi xe gắn máy Nhật được nhập vào ồ-ạt thì xe gắn máy của Âu châu xem như bị khai tử hoặc chết dần mòn trên thị-trường xe gắn máy ở miền Nam.

Tuy nhiên, vào thời đó, các xe gắn máy Nhật cho nhập-cảng tuyệt đại đa số chỉ là loại máy 50 phân khối thôi. Cho nên, có 2 loại xe gắn máy của châu Âu còn sống được là xe Vespa và Lambretta  của Ý sản-xuất vì 2 loại xe này có máy trên 100 phân khối.


Vespa


Lambretta

Về hai hiệu xe này thì Lambretta được giới trẻ hoặc người lớn có tâm-hồn trẻ trung ưa chuộng hơn là Vespa. Vespa được xem là dành cho người “đứng-đắn” hoặc già !

Cũng có một số xe mô-tô có máy phân khối lớn là những xe mô-tô cũ từ thời Pháp còn lại, những xe của cảnh-sát công-lộ, những xe mô-tô hộ-tống cho tổng-thống hoặc các phái-đoàn ngoại-giao các nước, và một số ít xe nhập-cảng bằng cách thức nào đó.


Xe gắn máy của Nhật


Honda Dame C-50

Kể từ năm 1963 trở đi, xe gắn máy Nhật được cho nhập-cảng nhiều vào miền Nam. Đại đa số đều là xe loại 50 phân khối. Đợt đầu là những xe Honda Dame C-50. Vì cách sang số xe và cách sử-dụng tay ga khá mới lạ nên trong thời gian đầu, có một số người gặp tai-nạn nặng, nhẹ vì chưa biết cách sử-dụng xe cho đúng. Các xe gắn máy của Âu châu kể trên đều là loại máy xe 2 thì, dùng xăng pha nhớt, chạy liên tục lâu thì máy bị yếu đi. Còn xe Honda C50 là loại xe máy 4 thì, chạy bằng xăng super không pha nhớt, xe chạy liên tục lâu mà máy không bị yếu đi như loại xe máy 2 thì. Tuy nhiên, ống bô xe Honda 4 thì chóng bị mục và phải vá ốp hay phải thay, trong khi các bô xe 2 thì không bị hư-hao như xe 4 thì.

Tương đương với Honda Dame C50 vào thời đó thì có Yamaha Dame và Suzuki Dame. Tuy nhiên, trong khi xe Honda Dame C50 đều được cả nam lẫn nữ dùng nhiều như nhau, thì Yamaha Dame và Suzuki Dame hầu như chỉ có phái nữ chạy là chính. Theo thiển ý, trong 3 loại xe Dame này, phụ-nữ chạy xe Yamaha Dame là đẹp nhất.

Có chút “chuyện… buồn” liên-quan đến chiếc Yamaha Dame và người viết là như thế này. Năm đó, người viết đang học tại đại-học XYZ. Trong lớp có một cô “sinh-diêng” thuộc loại (rất) đẹp. Người đẹp thì dễ khiến mình hay bất cứ ai để ý đến ít nhiều, là điều bình thường. Cô này lại ở gần nhà, thỉnh thoảng đi học và về cũng nhìn thấy nhau trên đường … “dzậy” thôi. Tuyệt đối không quen biết, không thèm và không dám mơ hoặc mộng gì cả vì biết mình mới lớn, còn đi học, chẳng có gì, nên chẳng là quái quỉ gì đối với một thiếu nữ trẻ đẹp ở lứa tuổi đó. Ở Sài Gòn, đàn ông, con trai thường mặc xà-lỏn và ở trần là chuyện bình thường. Nhưng một hôm, nhà ở trong hẻm và đang có chút việc sửa chữa dở-dang, nên mặc xà-lỏn, cầm cái sô nhựa ra đầu đường mua ít cát và xi-măng. Đang đi trên đường, bỗng người đẹp phóng xe ngang qua, mặt đối mặt. Tự nhiên, thân mình thấy lạnh toát. Chiếc quần xà-lỏn đang mặc vậy mà tưởng như chỉ có thể che được khoảng 1% thân-thể thôi ! Thiệt là “người đâu gặp-gỡ làm chi” … Quê cùng mình !!!

Với những xe gắn máy dành cho phái nam, có những hiệu xe Nhật, nhiều người dùng là: Honda, Suzuki, Yamaha, Bridgestone và
Kawasaki. Ngoại trừ xe Honda có máy 4 thì, còn những xe khác đều có máy 2 thì, dùng xăng pha nhớt. Trong chương-trình quảng-cáo thương-mại trên đài phát thanh dạo đó, có phần quảng-cáo về xe Suzuki như sau: “an-toàn trên xa lộ, thanh-lịch trên đường phố và tiện-lợi khi vào ngõ hẹp. Đó là những đặc-điểm của chiếc xe Suzuki.”



Các xe gắn máy phái nam có bình xăng ngang, như mô-tô lớn, yên xe đôi. Xe loại thể-thao (xì-po = sport) thì bô xe đều nằm ngang hay hơi xéo trên cao. Với hình dáng như vậy nên tuy là xe gắn máy nhỏ nhưng có thể chở nhiều người trên xe, tùy nhu-cầu cá-nhân, mà không bị cảnh-sát phạt gì cả vào thời đó.

Những xe gắn máy Nhật có nhiều phụ-tùng có thể tháo rời nên thường bị ăn cắp, như 2 kính xe trên hai bên tay lái, 2 miếng cao-su kẹp 2 bên bình xăng và 2 nắp nhựa 2 bên xe để che bình ắc-qui. Cho nên, sau nhiều lần nhiều xe bị ăn cắp các món này, người dùng xe phải tìm các cách gắn chặt vào xe, hoặc ít ra cũng làm cho việc ăn cắp giảm bớt được chút nào hay chút ấy.

3-Xe ba bánh
Những loại xe chạy bằng sức mạnh của bắp thịt, mồ hôi và có thể bằng nước mắt nữa, gồm có xe xích-lô đạp, xe ba gác, xe thổ mộ và xe bò (thường ở vùng ngoại ô thành-phố).

Ngày xưa, thỉnh thoảng nhìn thấy bụng con ngựa kéo xe bị trầy da, rướm máu do chiếc đai da nịt bụng cọ vào, miệng sùi bọt mép vì mệt nhọc, người viết lại thấy nhói lòng thương xót.

Còn cảnh người đạp xích-lô nữa. Người Việt vốn nhỏ bé, lại thường gấy yếu vì nghèo-khổ nên mới phải kiếm sống bằng nghề đạp xích-lô, vậy mà với sự “vô tư” của tuổi thơ và tuổi trẻ, mình vô tình không cảm và không nhận ra nỗi vất-vả, nhọc-nhằn của kiếp người. Đến khi lớn lên, hiểu biết hơn, lòng cứ băn-khoăn, ray-rứt vì sự vô tâm, hình như  bàng-bạc sự vô cảm và “vô nhân … đạo”. Tuổi thơ và sự ngây thơ chưa chắc đã đẹp như người đời thường tự nhận hoặc cố gán ghép !


Cũng may, xe ba bánh còn có loại xe ba gác gắn máy và xe xích-lô máy giúp cho thân xác và đời con người đỡ nhọc-nhằn được ít nhiều trong cái cõi … “đời là bể khổ” này.

Xe xích-lô đạp là biểu-tượng của sự nghèo-khổ, như thường nghe người đời nói, đại ý như “nhỏ mà không lo ăn học, lớn lên có mà đi đạp xích-lô mà sống”. Cho nên sau này ở nhiều nơi trong và ngoài nước, một số người cứ lấy hình ảnh chiếc xích-lô đạp như là một phần của nếp sống và văn-hóa Việt Nam nhưng người viết chẳng thấy đẹp hoặc hãnh-diện chút nào !

Còn đối với xe xích-lô máy rất quen thuộc với mọi người, đến độ là một cái gì gần-gũi và thân-thương nên hầu như chẳng mấy ai bận tâm đến sự an-toàn của loại xe này. Cho đến khi người viết đọc được một bài viết trên tạp-chí Thế-giới Tự-do thời đó mới nhận ra. Một người Mỹ khi di-chuyển bằng xe xích-lô máy đã hết hồn tả lại là hành-khách ngồi ngay trước mũi xe, không có gì che-chắn cả. Nếu có tai-nạn xảy ra, xe đụng trúng xe khác hay vật cản gì thì hành-khách ngồi ngay trước xe e “tới số” !!!

Riêng với loại xe thổ mộ (xe ngựa kéo) và xe bò, dù chỉ có 2 bánh xe nhưng lại có 4 chân nữa, nên xin tạm xem như loại xe ba bánh. Còn muốn cho chính-xác hơn thì gọi là xe hai bánh + 4 chân !

Với những ai có điều-kiện học hết bậc trung-học đệ nhất cấp, chắc chắn đã học và có lẽ nhiều người còn nhớ bài thơ “Thăng Long hoài cổ” của Bà Huyện Thanh Quan, trong đó có 2 câu thơ:

“Lối xưa, xe ngựa, hồn thu thảo
Nền cũ, lâu đài, bóng tịch dương.”

Tuy nhiên, hầu như chắc chẳng có ai biết hoặc hình-dung được những hình ảnh trong hai câu thơ này. Với lịch-sử cận-đại, lòng ngậm-ngùi, hoài-cảm may ra có thể được hiểu rõ hơn qua những lối xưa (2), xe ngựa (3), lâu đài (4) của hình ảnh dưới đây:

 

Một loại xe ba bánh cũng rất gần-gũi và đa dụng là xe lam ba bánh. Loại xe này vừa là xe chuyên-chở công-cộng, dễ đi đến nhiều nơi, vừa có thể chuyên-chở bất cứ thứ gì, từ người đến vật, đồ vật mà có thể chất lên xe được.


Khí-hậu Sài-gòn thường nóng nên các loại nước giải-khát uống với đá lạnh rất đã khát và rất ngon, nhất là đối với thanh niên nam nữ trẻ, mới lớn. Trong cái nóng hừng-hực mà tấp xe vào một xe giải-khát bên đường, gọi một ly nước giải-khát như đậu xanh bánh lọt, đậu đỏ bánh lọt, chanh muối, xí-muội sô-đa, v.v. tùy ý thích mỗi người, để uống cho  hạ nhiệt thì ôi thôi là … sung với sướng ! Nhưng dòng đời đã xô đẩy biết bao người ra xa khỏi Sài-Gòn. Cuộc đời với những thăng-trầm của đời người và đất nước, lòng sao tránh khỏi chẳng có những ngậm-ngùi khi “nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa”.

“Em còn uống xí-muội sô-đa ?
Uống lại môi em vị đậm-đà
Xí-muội chua-chua môi mọng ngọt
Nhưng đời đâu ngọt giống đường pha.”

(Ngõ trăng - thơ Nhược Thu – 6-12-2003)

Nguyễn Khắc Kình (cựu học trò các trường Tiểu-học Bàn Cờ, trường Di-chuyển Bàn Cờ và trường Phan Đình Phùng, khu Bàn Cờ, Sài-Gòn. Tốt-nghiệp Tiểu-học năm 1959). Cựu học-sinh Trung-học QGNT.SG 1966.
Melbourne, 31-1-2015. Tháng giữa mùa Hè.

Chú thích:
1-bài viết của nhạc-sĩ Trịnh Hưng.
2-lối xưa: đường Gia Long, Sài-Gòn.
3-xe ngựa: xe thổ-mộ.
4-lâu-đài: dinh Gia Long.
Các hình ảnh lấy trên internet.
Các câu viết trong ngoặc kép là của các vị: văn-sĩ, thi-sĩ, nhạc-sĩ.