|
Khoẻ Vì Nước - Học Sinh Petrus Ký
“Ôi cố hương xa nửa địa cầu
Nghìn trùng kỷ-niệm vẫn theo nhau”
(thơ Thanh Nam)
Vào khoảng cuối thập niên 50, tại Sài-gòn thời đệ nhất Cộng Hòa, các học-trò lớp nhất (lớp cuối bậc Tiểu-học) nếu đủ điểm cuối năm thì được miễn thi bằng Tiểu-học. Bộ Giáo-dục vẫn còn tổ-chức các kỳ thi lấy bằng Tiểu-học (primary education) cho những học-trò không được miễn thi và những người lớn tuổi (hơn tuổi học-trò). Vào khoảng thời điểm ấy, không phải ai cũng biết đọc, biết viết, chính-phủ còn phải tổ-chức những lớp “bình-dân học-vụ” ban đêm để xóa nạn mù chữ. Vì thế, bằng Tiểu-học vẫn có giá-trị ở một mức độ nào đó, và vẫn là một cửa ngõ mà học-trò phải vượt qua để đủ điều-kiện học tiếp bậc Trung-học (secondary education).
Tại Sài-gòn thời đó, muốn học trường trung-học công-lập, học-sinh phải qua một kỳ thi tuyển. Các trường nổi tiếng như Chu Văn An, Pétrus Ký, Gia Long, Trưng Vương năm nào cũng có cảnh “thi rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu”. Còn các trường ít nổi tiếng hơn thì tỷ-lệ số thí-sinh tương đối ít so với số học-sinh được nhận vào học nên việc thi vào học những trường này tương đối dễ hơn. Học trường công thì vừa “có tiếng” vừa không phải trả học-phí. Đây là một khoản chi-phí không nhỏ cho nhiều gia-đình mà theo truyền-thống Việt Nam thường chỉ có một đầu lương, và thường do người cha hay người rường cột gia-đình đi làm đem về, không chỉ nuôi cả gia-đình mà có khi còn phải giúp đỡ cho thân-nhân nữa.
Tại các trường trung-học công-lập, bắt đầu từ năm đệ Thất là năm đầu tiên, nam-sinh phải mặc đồng-phục: áo sơ-mi trắng, quần tây dài màu xanh dương đậm, còn nữ-sinh phải mặc áo dài trắng, quần mầu đen hay trắng cũng được. Học-sinh phải may vào túi áo (nam) hay trưóc ngực áo dài (nữ) tên của trường là một miếng vải nhỏ mầu trắng hình chữ nhật với tên trường thêu chữ nổi mầu đỏ. Tại Sài-gòn, hầu hết tại các trường công, học-sinh nam, nữ học riêng trường. Những trường nam trung-học nổi tiếng khoảng đầu năm 1960 đến 30-4-1975 là trường Chu Văn An ở Chợ Lớn, trường Petrus Ký trên đường Cộng Hòa (cạnh đại-học Khoa-Học Sài-gòn, và đối diện Tổng-Nha Cảnh-Sát Quốc-Gia Việt-Nam Cộng Hòa), trường Võ Trường Toản trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (đối diện sở-thú Sài-gòn ), trường Hồ Ngọc Cẩn gần chợ Bà Chiểu, trường Trần Lục ở Tân Định. Các trường nữ trung-học nổi tiếng là trường Gia Long trên đường Phan Thanh Giản và gần chùa Xá Lợi, trường Trưng Vương trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (đối diện sở thú) và rất gần trường (nam) Võ trường Toản, trường Lê văn Duyệt trên đường Lê Văn Duyệt (Gia-Định), gần cầu Bông và lăng Ông Tả Quân Lê Văn Duyệt. Một số ít trường trung-học công-lập có nam và nữ sinh học chung trường hoặc chung lớp là trường Mạc Đĩnh Chi tại Phú Lâm, trường Quốc-Gia Nghĩa-Tử (dành riêng cho con em tử-sĩ và thương phế-binh) đối diện sở chăn nuôi Tân Sơn Nhất và ở trên đường Võ Tánh nối dài, khoảng giữa Lăng Cha Cả và ngã tư Bảy Hiền (Gia Định).
Đặc-biệt có hai (2) trường trung-học kỹ-thuật là Cao Thắng và Nguyễn Trường Tộ thì học-sinh mặc đồng-phục áo xanh dương đậm khi có giờ học môn Công-Tác xưởng, còn bình thường thì vẫn mặc đồng-phục như các truờng công-lập khác. Hai trường này, ngoài tính chất đặc-biệt là chỉ có hai trường kỹ-thuật so với hàng chục trường trung-học phổ-thông công và tư, lại có chút ít tiếng tăm qua việc một số ít học-sinh tham-gia các vụ đánh lộn.
Tuy nhiên vì các trường Trung-học công-lập không đủ chỗ học cho số lượng học-sinh rất đông-đảo, nên nhiều trường Trung-học tư-thục đã được mở ra. Một số trường trung-học tư-thục mà chắc nhiều người đã qua cái “tuổi tri thiên-mệnh (50 tuổi)” có thể còn nhớ là: trường Nguyễn Khuyến ở ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt (nơi Thượng-Tọa Thích Quảng Đức đã tự thiêu) của giáo-sư / hiệu-trưởng Bùi Hữu Sủng; trường trung-hoc Hưng Đạo trên đường Cống Quỳnh; trường nữ trung-học Nguyễn Bá Tòng trên đường Bùi Viện; trường nữ trung-học Sương Nguyệt Ánh trên đường Sương Nguyệt Ánh và gần công-viên Tao Đàn; trường nữ trung-học Thánh Mẫu trên đường Lê Văn Duyệt, Hòa Hưng; trường nữ trung-học Thánh Mẫu trên đường Bùi Hữu Nghĩa , Gia Định (gần cầu sắt); trường trung-hoc Thượng Hiền trên đường Trần Quý Cáp (gần chợ Đũi và rạp xi-nê Nam Quang); trường trung-hoc Trường Sơn trên đường Lê Văn Duyệt, ở khoảng giữa 2 ngã tư Lê Văn Duyệt - Trần Quý Cáp và ngã tư Lê Văn Duyệt - Hồng Thập Tự và nằm cùng phía rạp xi-nê Nam Quang; trường Văn Học trên đường Phan Thanh Giản (gần ty cảnh-sát quận Ba) của giáo-sư / hiệu-trưởng Trần Bích Lan (dậy môn Triết) tức nhà thơ Nguyên Sa; trường Phan Sào Nam trên đường Phan Thanh Giản gần ngã Bảy và rạp xi-nê Long Vân; trường Đạt Đức trên đường Chi Lăng, Gia Định, gần hồ tắm Chi Lăng của giáo-sư / Hiệu-trưởng Trịnh Chuyết; trường Lê Bảo Tịnh trên đường Trương Minh Ký (Gia Định), trường Tân Khoa trên đường Ngô Tùng Châu, gần ngã tư Cây Quéo, Gia Định; trường Lạc Hồng của giáo-sư / hiệu-trưởng Đoàn Viết Lưu trên đường Trần Quốc Toản, gần Học-Viện Quốc-Gia Hành-Chánh; tại khu Tân Định gần rạp xi-nê Văn Hoa (trên đường Trần Quang Khải) có các trường tư-thục Văn Hiến, Văn Lang và Huỳnh Thị Ngà (các trường này nằm trên một số con đường nhỏ nên không phải ai cũng dễ biết, trừ những học-sinh theo học và cư-dân ở quanh đấy).
Tất cả các trường kể trên đều là trường Việt Nam và dạy bằng tiếng Việt. Ngoài ra, có một ít trường Tây và Tầu dậy bằng tiếng Pháp và tiếng Tầu. Tôi không đi vào chi-tiết vì hình như chương-trình giáo-dục và cuộc đời của các học-sinh của những trường này không gần-gũi lắm với những vui buồn, thăng trầm của đất nước, dù họ đang sống trên đất nước Việt-Nam Cộng-Hòa.
Ngoài việc học văn-hóa, khá nhiều học-sinh còn học thêm sinh-ngữ. Các trường dạy Anh văn nổi tiếng là trường Anh văn Nguyễn Ngọc Linh trên đường Phan Đình Phùng, Sài-Gòn, do ông Nguyễn Ngọc Linh và phu-nhân làm chủ và dạy luôn . Ông (cử-nhân, BA) và Bà (cao-học, MA) đều tốt-nghiệp ở Hoa-Kỳ. Trường Anh văn Ziên Hồng của giáo-sư Lê Bá Kông và bào-đệ là giáo-sư Lê Bá Khanh trên đường Kỳ Đồng, Sài Gòn. Hội Việt - Mỹ trên đường Mạc Đĩnh Chi (có nhiều giáo-sư Mỹ hay ngoại-quốc dạy). Thời ấy, tiếng Anh được nhiều người học nên có nhiều trường hơn. Về tiếng Pháp thì nhiều học sinh theo học tại trung-tâm văn-hóa Pháp. Hai sinh ngữ Anh và Pháp có nhiều học-sinh đi học thêm vì là hai (2) sinh-ngữ bắt buộc phải học và thi.
Một số thay đổi khác trong cuộc đời cắp sách bắt đầu ngay từ lớp đệ thất. Hầu hết thầy / cô gọi học-sinh là em, thay vì là trò như ở bậc Tiểu-học. Học-sinh đều dùng bút máy (fountain pen) hay bút nguyên-tử (ball pen) để viết. Trong khi tại các trường Trung-học công, nam-sinh và nữ-sinh phải mặc đồng-phục (uniform) theo như quy-định chung (ở trên) thì tại các trường trung-học tư, học-sinh không phải mặc đồng-phục, trừ vài ba trường trung-học tư dành riêng cho nữ-sinh, như Nguyễn Bá Tòng trên đường Cống Quỳnh, trường Sương Nguyệt Ánh trên đường Sương Nguyệt Ánh (gần vườn Tao Đàn), trường Thánh Mẫu trên đường Lê Văn Duyệt (Hòa Hưng) và trường Thánh Mẫu trên đường Bùi Hữu Nghĩa (Gia- Định). Nam-sinh vẫn có thể mặc quần soọc (thường chỉ vài ba năm đầu thôi); nữ-sinh có thể mặc quần áo bình thường, quần áo Tây, áo dài, áo đầm tùy tuổi tác, sở-thích, hoàn-cảnh gia-đình. Còn mầu sắc, kiểu cọ thì không bị giới-hạn, miễn đừng quá “không giống ai” hoặc đừng quá sexy thì thôi.
Về tuổi-tác, học-sinh thi đậu và học lớp đệ thất trung-học công thường ngang tuổi nhau, khoảng 11 hay 12 tuổi. Trong khi tại trường trung-học tư thì tuổi có thể chênh lệch khá nhiều. Có những nam, nữ-sinh trường tư học đến lớp đệ tứ (lớp 9 hiện nay) đã 17 hay 18 tuổi. Ở tuổi này và vào thời buổi chiến-tranh , thanh-niên 17 tuổi (nếu tình-nguyện) và 18 tuổi đã phải đi lính, bỏ dở việc học. Còn nữ-sinh cũng lắm người phải nghỉ học để đi làm hoặc “theo chồng bỏ cuộc chơi”.
Tuyệt đại đa số học-sinh Trung- học công tuần tự học hết 4 năm đầu Trung-học, thi bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp (Junior High School Certificate). Nếu thi đậu, học tiếp lên đệ Tam. Học xong đệ Tam và đệ Nhị thì thi bằng Tú Tài 1 (Baccalaureate I). Nếu thi đậu bằng Tú Tài 1 thì học tiếp đệ Nhất (lớp 12 bây giờ) rồi thi bằng Tú Tài 2 (Baccalaureate I I) là xong bậc Trung-học. Nếu thi rớt bằng nào thì học lại (nếu muốn hay còn đủ điều-kiện cá-nhân để học lại).
Vì lý-do chiến-tranh và hoàn-cảnh xã-hội đương thời, nên việc học tại những trường trung học tư-thục hơi khác. Có một số ít học-sinh nhiều tuổi hơn tuổi trung-bình ở các lớp trung-học nên có hiện-tượng học nhảy lớp hay thi nhảy (không phải là thi … nhảy đầm). Thí dụ: học-sinh lớn tuổi học lớp đệ Ngũ nhưng nếu có khả-năng, và học thêm bằng cách nào đó hoặc chỉ học chính là lớp đệ Tứ, vẫn có thể nộp đơn thi bằng Trung-Học Đệ Nhất Cấp (THĐ1C) mà không cần phải học đầy đủ 4 năm đầu bậc Trung học như những học sinh bình thường … Hoặc nếu đậu bằng THĐ1C rồi, có thể chỉ chuyên-chú học lớp đệ Nhị rồi thi bằng Tú Tài I, mà không cần theo học hay học đầy đủ lớp đệ Tam. Có một ít trường-hợp, tuy rất hiếm nhưng có thật, là có học-sinh lớn tuổi chưa đậu bằng THĐ1C nhưng rất cố gắng, chăm-chỉ nên một năm thi đậu bằng THĐ1C, năm sau đậu Tú Tài 1 và năm sau nữa đậu Tú Tài 2 !!!
Ngoài các trường trung-học phổ-thông tư-thục, có khá nhiều lớp luyện thi tư , chuyên dạy luyện thi Trung-Học Đệ Nhất Cấp, Tú Tài 1, Tú Tài 2 và luyện thi vào trường kỹ-sư Phú Thọ, đại-học Dược Khoa và Y Khoa. Các môn dạy chính là Toán, Lý, Hóa, Sinh ngữ Anh hay Pháp, Vạn Vật, Triết, tùy theo loại bằng cấp cần thi hay trường cần thi tuyển. Các lớp này thường rất đông học sinh, nhất là nếu có giáo sư nào nổi tiếng dạy. Thời đó, việc đi học luyện thi gần như là việc không thể thiếu được, vừa như một hiện-tượng, vừa như một loại “dịch học”, nghĩa là phải đi học thêm như vậy thì mới yên tâm. Các lớp luyện thi này đều tổ-chức vào buổi tối, còn gọi là lớp đêm, hoặc vào dịp nghỉ hè kéo dài 3 tháng. Tuy nhiên, không phải học-sinh nào cũng cần hay phải học thêm các lớp luyện thi hay sinh ngữ, mà còn tùy vào hoàn-cảnh tài-chánh của gia-đình, hoặc nếu chăm-chỉ và khá giỏi thì thôi.
Về thành-phần giáo-chức dạy các lớp trung-học tư hoặc luyện thi ở bậc trung-học, có một điểm đáng lưu-ý và rất lạ nếu so với ngày nay. Ngoài số giáo-sư tốt-nghiệp đại-học sư-phạm , tốt-nghiệp đại-học ở Việt Nam hay ngoại quốc rồi về Việt Nam dậy học, hoặc kém hơn chút nữa là một số giáo-sư trung-học tư có mấy chứng-chỉ đại-học-, còn có một số ít giáo-sư dạy nhưng không có ngay cả bằng Tú Tài 2. Lại có lớp luyện thi Tú Tài 1 hoặc 2 mà vị giáo-sư phụ-trách cũng chỉ có trình-độ tương-đương vậy thôi. Bây giờ đọc những dòng chữ này chắc có người không tin, nhưng thời đó nước Việt Nam Cộng Hòa mới được thành-lập, rồi chiến-tranh Quốc Cộng liên-miên nên đâu có đủ nhân-lực với bằng-cấp tương-xứng cho việc dậy học ở các cấp lớp.
Về cách xưng-hô ‘nôm-na’, giáo-chức nam thì gọi là “thầy”, giáo-chức nữ thì gọi là “cô”. Nhưng danh-vị chính-thức thì các thầy, cô dậy bậc tiểu-học gọi là “giáo viên”, các vị dạy bậc trung-học gọi là “giáo sư”. Danh-vị “giáo sư” cũng dùng cho những vị dạy bậc đại-học, nhưng nếu cần nói rõ hơn hay bày-tỏ sự tôn-trọng hơn đối với vị nào dạy ở đại-học thì nêu rõ hay giới-thiệu rõ là “giáo sư đại-học”. Vào khoảng thời-gian từ 1955 đến 30-4-1975, người dân nước Việt Nam Cộng Hòa, nói chung, thường tôn-trọng người có học-thức hoặc dạy học, trật-tự xã-hội tương đối đâu ra đó, nhất là về mặt giáo-dục, nên những vị dạy trung-học đều được mọi người gọi là “giáo-sư ”, không ai thắc- mắc gì cả. Dĩ nhiên, quý vị tốt-nghiệp đại-học sư-phạm và dạy trung-học thì chắc chắn là “giáo sư” theo quy-chế rồi. Nhưng sau 30-4-1975, tất cả giáo-sư trung-học đều được gọi là “giáo-viên”. Đối với đa số người Việt tỵ-nạn ra đi từ miền Nam đều gọi những thầy, cô cũ dạy trung-học là “giáo-sư” với sự kính-trọng. Nhưng ngày nay tại Melbourne và có lẽ ở khá nhiều nơi khác trên thế-giới và ngoài nước Việt Nam, có khá nhiều người Việt không thích hay tránh gọi những người Việt dạy trung-học là “giáo-sư” dù những giáo-chức này tốt-nghiệp đại học ở Úc hoặc các nước khác. Một số người lấy lý-do là bây giờ đảng và nhà nước Xã-Hội Chủ-Nghĩa Việt Nam gọi như thế thì mình gọi như vậy … là đúng quá xá rồi ! … Nhưng thật ra còn có lý-do khác !
Về mặt chương-trình học thì tất cả các cấp lớp từ bậc Tiểu-học đến hết bậc Trung-học đều giống nhau trên toàn thể lãnh-thổ Việt Nam Cộng Hòa, dù là trường công hay trường tư. Trong bảy (7) năm của bậc trung-học thì có bốn (4) năm đầu thuộc bậc Trung-học đệ nhất cấp (THĐ1C: junior high school), gồm các lớp: đệ thất, đệ lục, đệ ngũ và đệ tứ (sau này đổi lại là các lớp: sáu, bảy, tám và chín). Sau khi đậu bằng THĐ1C và nếu học tiếp, học sinh sẽ học ba (3) năm của bậc trung-học đệ nhị cấp (THĐ2C: senior high school), gồm các lớp: đệ tam, đệ nhị và đệ nhất (về sau đổi lại là: lớp mười, mười một và mười hai). Học-sinh thường phải chọn học một trong ba (3) ban: ban A (ban Vạn-Vật , với hai môn chính là: Vạn-Vật và Lý-Hóa ), ban B (ban Toán, với hai môn chính là: Toán và Lý-Hóa) và ban C (ban Văn-chương , với hai môn chính là Việt văn và Anh văn / Pháp văn ). Ngoài ra còn ban D, còn gọi là ban Cổ ngữ, dạy chữ Hán.
Vào thời đó, bốn ban này có một số đặc-điểm như sau: ban A thường có nhiều nữ hơn nam hoặc xấp-xỉ nhau; ban B có nhiều nam hơn nữ, khá rõ-rệt, vì cách suy-nghĩ thời đó là con trai phải học Toán mới thể hiện nam tính; ban C nhiều nữ hơn nam, con trai mà học ban này dễ bị xem là hơi yếu nam tính; ban D rất ít có trường mở vì quá ít học-sinh. Hầu hết thí-sinh thi Tú Tài 1 hay 2 của ban D thường là người lớn tuổi, đã đi làm hoặc đi lính. Nghe nói thi ban D tương đối dễ đậu, người đã đi làm cần có bằng-cấp Tú Tài 1 hay 2, dù ban D cũng được, để được thăng-tiến về cấp-bậc hay ngạch-trật.
Từ khi đất nước bị chia đôi vì Hiệp-định Geneva 1954, chiến-tranh Quốc Cộng liên-miên, và ngày càng khốc-liệt từ khoảng 1960 cho đến 30-4-1975, vấn-đề học-vấn và bằng-cấp (qualification) giữ một vai-trò khá quan-trọng trong cuộc đời của người dân, nhất là những nam công-dân của nước Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Ngoài vấn-đề truyền-thống văn-hóa xem trọng việc học và học-vấn là con đường tiến thân trong xã-hội, nam công-dân còn bị chi-phối bởi luật động-viên để phục-vụ trong quân-ngũ. Trừ một số ít trường-hợp được hoãn hay miễn dịch, tất cả nam công-dân từ 18 tuổi trở lên đến khoảng 45 tuổi đều phải đi lính, hoặc tình-nguyện hoặc bị động-viên. Ai không có bằng cấp đều phải đi lính với cấp bậc binh nhì (private), còn gọi là lính trơn là cấp thấp nhất của bộ-binh (Infantry, là binh-chủng chủ-lực và đông nhất). Ai có bằng Trung-Học Đệ Nhất Cấp thôi thì sẽ được huấn-luyện và mang cấp bậc Trung sĩ (sergeant), với tên trường khá quen thuộc là trường Hạ sĩ-quan Đồng Đế ở Nha Trang. Ai có bằng Tú Tài 1 sẽ được đào-tạo và đeo lon Chuẩn úy (warrant officer), với ngôi trường rất nổi tiếng vì có rất nhiều học-viên là Trường Sĩ-Quan Trừ-Bị Thủ Đức. Bình thường, người ta hay gọi cấp-bậc Chuẩn úy là sĩ-quan , nhưng cũng có người cho rằng Chuẩn úy là cấp-bậc cao nhất của ngạch hạ sĩ-quan chứ chưa phải là sĩ-quan. Vào thời-gian còn tổ-chức các kỳ thi Tú Tài 1, với bằng-cấp này các thanh-niên có thể theo học các khóa sĩ-quan bộ-binh hay phi-công. Tuy nhiên, sau khi có sự cải-tổ giáo-dục với việc bãi-bỏ việc thi các bằng Trung-Học Đệ Nhất Cấp và Tú Tài 1, muốn theo học những khóa hạ sĩ-quan, sĩ-quan Bộ-binh hay các khóa sĩ-quan của các binh-chủng khác như Không quân, Hải quân, Quân Y, v.v., các thanh-niên cần phải hoàn-tất những trình-độ học-vấn tương-đương hoặc có bằng Tốt-Nghiệp Trung-Học Phổ-Thông hay Kỹ-Thuật, tương-đương với bằng Tú Tài 2 trước đây. Trong quân-ngũ, việc leo lên từng cấp-bậc không phải là dễ, nhưng các bằng-cấp văn-hóa có trước khi nhập ngũ hoặc trong khi đang phục-vụ trong quân-ngũ, giúp cho việc thăng-tiến dễ-dàng hơn. Thí dụ: nếu một người đi lính từ lúc 18 tuổi với cấp bậc thấp nhất là binh nhì, muốn lên đến cấp Trung sĩ hay Chuẩn úy thường rất lâu, có khi hết cả đời quân-ngũ cũng không đạt được. Trong khi đó, nếu có bằng Trung-học đệ nhất cấp hay Tú tài khi nhập ngũ, sau khi mãn-khóa sẽ mang cấp-bậc Trung sĩ hay Chuẩn úy ngay. Tuy nhiên, những người có bằng Cử nhân, Cao học / Tiến sĩ đệ tam cấp và Tiến sĩ, nếu bị động-viên và sau khi mãn khóa cũng chỉ mang cấp bậc cao nhất là Chuẩn úy thôi.
Tuy rằng trong cuộc sống, mãnh-lực của đồng tiền lớn-lao lắm nhưng chẳng phải ai cũng lắm bạc nhiều tiền, nên trong đời thường, học-vấn và bằng cấp không chỉ có nhiều ảnh-hưởng trong cuộc sống, quân-ngũ, nghề-nghiệp, mà còn ảnh-hưởng nhiều đến tình-yêu và hôn-nhân nữa. Đàn ông, con trai mà có học, có bằng-cấp cao thường có vẻ dễ thương hơn, dễ có vợ đẹp, con nhà giầu. Một số đấng nam-nhi, dù có học cao hay không mà lấy được vợ nhà giầu, có thể được hay bị cuộc đời tặng cho cái bằng “kỹ-sư … đào mỏ”. Phụ-nữ mà muốn có tấm chồng có học-vấn cao thì cũng là chuyện bình-thường hợp lý thôi. Chẳng thế mà người xưa đã có câu “chẳng tham ruộng cả, ao liền … tham vì cái bút, cái nghiên anh đồ”, nhưng không biết gặp phải anh đồ gàn, bút với lại mực chả ra sao cả, thì … bao giờ ly-thân … rồi ly-dị !... hay đành phải hát câu “thôi cũng đành một kiếp rong-rêu, đời mình sẽ qua”. Song cái câu rất lơ-tơ-mơ (ambiguous) là “anh chưa thi đỗ … thì chưa động phòng” mới thật là căng-thẳng (stressfull) … vì không nêu rõ đòi-hỏi hay giới-hạn về tuổi-tác và bằng cấp gì trong một chuỗi bằng-cấp: Tiểu-học (10-11 tuổi), Trung-học đệ nhất cấp (14-15 tuổi), Tú tài 1 (16-17 tuổi), Tú tài 2 (17-18 tuổi), v.v., kể cả bằng lái xe mô-tô và ô-tô.
Trong văn-hóa Việt Nam, mẫu người “văn võ song toàn” vẫn là tiêu-chuẩn lý-tưởng, thể-hiện qua câu “văn không võ, văn thành văn nhược … võ không văn, võ hóa bạo-tàn ”, và trong lịch-sử đấu-tranh dựng nước và giữ nước, võ-học đã từng đóng vai-trò cực kỳ quan-trọng cho sự sống còn của đất-nước và dân-tộc Việt. Cho nên, nếu hoàn-cảnh cho phép, thanh-niên nam nữ, thường là nam nhiều hơn nữ, còn học thêm võ-nghệ.
Nước Việt Nam Cộng Hòa theo thể-chế tự-do nên võ-thuật không bị cấm-đoán. Các môn võ-thuật được tự-do phát-triển nên thanh-niên nam nữ, nếu hoàn-cảnh cá-nhân cho phép, không chỉ học một mà có thể học nhiều môn võ khác nhau. Ở bậc Tiểu-học, cơ-thể học-trò còn non yếu nên việc tập võ-nghệ ít được quan-tâm, trừ con nhà nòi. Nhưng ở bậc Trung-học, cơ-thể phát-triển hơn nên thích-hợp cho việc tập võ và các môn thể-dục, thể-thao khác.
Tại Sài-gòn, trước khi việc tập các môn võ phát-triển mạnh-mẽ vào khoảng năm 1960 cho đến 30-4-1975, đã có một ít lò võ dạy các môn quyền Anh (boxing) và võ tự-do (kick boxing). Các võ-sinh học hai môn này thường có khuynh-hướng đấu võ-đài, và võ-phục chính là quần đùi.
Một số võ-sư khác dậy Võ cổ-truyền Việt Nam, Thiếu Lâm Bắc Phái, Thiếu Lâm Nam Phái, v.v. nhưng thường dạy âm-thầm, không quảng-cáo rộng-rãi, không có võ-đường quy-củ như ngày nay. Các võ-sinh phần đông cũng chưa có võ-phục (uniform) đàng-hoàng, việc mặc quần đùi / xà-lỏn (short) khi tập là điều bình-thường. Việc phân-chia đẳng-cấp cũng không rõ-rệt, gần như là không có. Sau này, quý vị võ-sư dạy các môn võ cổ-truyền mới họp lại với nhau để thành-lập Tổng Hội Võ-Thuật Cổ-Truyền Việt Nam thì việc phân chia đẳng-cấp, mầu đai, võ-phục mới có quy-củ hơn.
Tại khu-vực Chợ Lớn, ngoài môn phái Thiếu Lâm mà nhiều người Việt khá quen thuộc hoặc tập-luyện, còn nhiều môn phái võ-thuật Trung Hoa khác như Nga Mi, Bạch Hạc, Không Động, Thái Cực Đường Lang (Praying Mantis), Võ Đang, v.v. cũng được dậy, nhưng thường giới-hạn nhiều trong giới Hoa-kiều … có thể vì khi dậy võ hoặc giảng-giải, các võ-sư nói bằng tiếng Quảng, Tiều, Hẹ , v.v. nên võ-sinh Việt không hiểu được. Tập võ mà không hiểu lời võ-sư để tập-luyện cho đúng cách, có thể bị “tẩu hỏa nhập ma” thì đời … còn gì nữa đâu !
Đối với những thanh-niên nam nữ có tập võ hoặc thích võ-thuật, hẳn còn nhớ hoặc nghe đến tên một số võ-sư và võ-đường ở Sài-gòn “hồi xưa”. Tại đầu đường Phan Thanh Giản nối dài, tiếp giáp với xa-lộ Biên Hòa, có võ-đường của võ-sư Hồ Cẩm Ngạc, dạy các môn võ Không Thủ Đạo (Karate Do), Nhu Đạo (Judo) rất sớm ngay khoảng năm 1952; sau có thêm võ đường Oh Do Kwan của võ sư Nguyễn Bình dạy các môn Nhu Đạo và Thái Cực Đạo (Tae Kwon Do). Sau này, Võ sư Nguyễn Bình có mở thêm võ-đường Oh Do Kwan trên đường Trần Hưng Đạo, Sài gòn, gần Sở Cứu Hỏa Đô Thành.
Gần đó và gần ngã tư Phan Thanh Giản và Đinh Tiên Hoàng, có võ-đường dạy Hiệp Khí Đạo Nhật Bản (Aikido) trên lầu đường Phan Thanh Giản của võ-sư Đặng Thông Phong (huyền đai đệ tam đẳng). Cũng gần đấy nữa có võ đường Quang Trung dạy Nhu Đạo của Thượng Tọa Thích Tâm Giác (huyền đai đệ tam đẳng), và môn Việt Võ Đạo (Vovinam) dạy tại sân vận động Hoa Lư trên đường Đinh Tiên Hoàng. Môn Vovinam có khá nhiều võ-sư nổi tiếng thời đó như võ-sư chưởng-môn Lê Sáng, võ-sư Trần Huy Quyền và bào-huynh là võ-sư Trần Huy Phong, võ-sư Mạnh Hoàng với cái chết không rõ-ràng (theo báo-chí thời đó) ở xa-lộ Sài gòn - Biên Hòa. Võ-sư Phạm Lợi (huyền đai tứ đẳng) dạy Nhu Đạo.
Đi về phía Gia Định, gần trường Mỹ-Thuật Gia Định, từ đường Chi Lăng đi sâu vào trong hẻm, có võ-đường Trung Sơn dạy Thiếu Lâm Bắc Phái của Đại Đức Thích Không Tánh (?). Trên đường Trương Minh Giảng, trong một con hẻm sát cạnh đại-học Vạn Hạnh, có võ-đường Chung Do Kwan của võ-sư Nguyễn Mười Nho chỉ dạy Thái Cực Đạo. Trên đường Lê Văn Duyệt, khoảng giữa hai ngã tư Lê Văn Duyệt với hai đường Phan Đình và Phan Thanh Giản có võ-đường Hwa Rwang Kwan của võ-sư Nguyễn Long Vân dạy Thái Cực Đạo, và hình như có dạy cả Nhu Đạo. Khoảng đầu năm 1970, trên đường Nguyễn Huỳnh Đức, Phú Nhuận, lần đầu tiên có mở một võ-đường dạy môn võ Hiệp Khí Đạo Đại Hàn (Hapkido).
Trong các môn thi của các bằng Trung -Học Đệ Nhất Cấp, Tú Tài 1 và Tú Tài 2, học-sinh được chọn một môn thi nhiệm-ý là môn Thể-Dục, nên nhiều học-sinh, nhất là nam-sinh đã chọn môn này. Lý-do là với môn thi này, nhiều học-sinh thấy bớt được chút áp-lực về học chữ, mà thầy / cô chấm thi cũng tương đối nới tay khi cho điểm. Môn thi Thể-dục gồm năm (5) môn thể-dục điền-kinh là: nhảy cao, nhảy xa, leo dây, ném tạ và chạy bộ. Để có thể thi môn Thể-Dục, học-sinh thường phải đến các sân vận-động để tập năm môn thi này. Có lẽ “những người muôn năm cũ” hẳn còn nhớ những sân vận-động Phan Đình Phùng (nằm giữa bốn con đường: Phan Đình Phùng, Công Lý, Trần Quý Cáp và Pasteur), sân vận-động Hoa Lư (trên đường Đinh Tiên Hoàng, Đa Kao), sân vận-động Lam Sơn (phía sau trường trung học Petrus Ký), sân vận-động Gia Định (gần ngã ba Cây Thị) và sân vận-động Cộng Hòa trên đường Nguyễn Kim (Chợ Lớn).
Tôi có ít kỷ-niệm khá vui về mấy kỳ thi môn Thể-Dục này. Năm thi Trung-Học Đệ Nhất Cấp, tôi thi tại sân Phan Đình Phùng. Đến lúc thi môn nhảy cao, nhóm chúng tôi toàn là con trai và thi ở bãi nhảy cao ở góc đường Công Lý và Trần Quý Cáp. Ở góc này có nhiều cây me, lúc đó đầy trái. Thấy cô giáo chấm thi đang có bầu khá lớn, chúng tôi hỏi cô có thích ăn me không thì chúng tôi hái cho cô. Tôi không nhớ rõ lúc đó chúng tôi đề-nghị như vậy vì tính hào-sảng của các đấng nam-nhi trước một phụ nữ có thai mà trông cũng hiền-hậu, hay muốn lấy lòng cô giáo, hoặc vì cả hai. Cô giáo đồng ý, thế là chúng tôi hái cho cô đầy một nón lá mà cô đội. Nhưng làm sao hái thì tôi không nhớ rõ lắm. Hình như chúng tôi lấy giầy dép ném cho những quả me rụng xuống. Và cuộc thi bắt đầu với không khí thoải-mái. Tôi có một người bạn tên Khuyến cùng thi môn này. Trong một lần chạy lấy đà để nhảy, anh mất trớn và chạy ào về phía cô giáo ngồi trên ghế cạnh một cái cột để chấm điểm, làm cô giáo hết hồn vùng bỏ chạy. Cả đám cười ồ lên và nhao-nhao chọc anh bạn: “Mày muốn giỡn mặt với cô hả ? ”, “Bộ mày muốn thi rớt hay sao ? ”, “Cô có bầu-bì thế này mà mày tông trúng thì làm sao cô chịu nổi hả mày ? ” , v.v. ... Người bạn tôi phải xin lỗi Cô rối-rít. Dĩ nhiên cô giáo và mọi người thông-cảm, cười nói vui đùa vậy thôi … Đến lần thi môn Thể-Dục cho kỳ thi Tú Tài 1 hay Tú Tài 2 gì đó, tôi không nhớ rõ, tôi thi ở sân vận-động Gia Định. Năm ấy phần vì không tiện đường để đến tập thường xuyên, phần vì không có bạn đi tập cùng, nên tôi đã không, ít hay gần đến ngày thi mới đi tập chút ít. Bởi thế các kỹ-thuật thi, cách vận sức cho các bộ môn, tôi đều kém. Hậu-quả là khi thi môn leo dây, phải dùng hai bàn tay không nắm lấy dây thừng để leo lên, leo xuống, tôi đã phải rất ì-ạch khi cố sức kéo cái thân mình lên, xuống bằng hai tay … Rồi đến môn thi nhảy cao, vì không hay ít tập trước cho nên tôi đã nhắm khoảng cách và lấy sức trước khi nhảy không chính xác cho lắm … nghĩa là có thể được ít điểm cho môn nhảy cao này vì cứ bị chạm dây thun căng ngang hoài. Đến lần nhảy độ cao sau cùng khoảng 160 cm hay hơn gì đó, và chỉ được nhảy tối đa 3 lần, nếu cả ba lần đều không nhảy qua được hay đều chạm dây là … tiêu tùng ! Cả hai lần nhảy đầ, tôi đều bị chạm dây. Vậy là chỉ còn một … lần cuối cùng thôi anh ơi !!! … Vừa quê xệ, vừa toát mồ-hôi lạnh, tôi nhủ lòng và ráng hết sức, chạy lấy đà và phóng được qua dây, đầu và vai lao xuống cát trước, lộn một vòng theo kỹ-thuật Nhu Đạo, và đứng dậy được … thành-công … mà không gẫy xương cổ ! … Lần nhảy cuối này, khoảng cách giữa thân mình và dây còn thừa khoảng 10cm hay hơn … Người cứ lâng-lâng như đi trên mây, sao thấy mình “siêu” quá vậy vì có thể nhảy cao hơn nhiều so với chiều cao ấn-định … Nên nhớ là hồi xưa, mình nhảy qua dây và ngã xuống cát, cho nên không chỉ lo nhảy qua được một chiều cao nào đó, mà phải lo cho sự an-toàn của thân mình khi rơi xuống … Ngày nay, xem các lực-sĩ thi nhảy cao , chỉ cần nhảy qua khỏi dây là có … tấm nệm dày cả thước, êm ru đỡ thân mình … lòng không thấy phục gì cả.
Ngoài việc tập võ và tập các môn điền-kinh để thi môn Thể-Dục, thanh-niên nam nữ ở lứa tuổi học-sinh Trung-học còn chơi hay tập nhiều bộ môn khác như: bóng rổ, bóng chuyền, bơi lội, cầu lông, bóng bàn, túc cầu, v.v. Đây là những bộ môn được nhiều người tham-gia, không đòi-hỏi nhiều về các điều-kiện này nọ.
Khoảng cuối thập niên 1950, lực-sĩ môn thể-dục thẩm-mỹ Nguyễn Công Áng từ Pháp về, làm dấy động lên phong-trào tập thể-dục thẩm-mỹ và được khá đông thanh-niên đương thời hưởng-ứng. Ngoài một vài phòng tập tư rất ít người biết vì phải đóng tiền kha khá, giới tập bộ môn này đều đến tập ở phòng tập tại sân vận-động Phan Đình Phùng. Ở đây tập miễn phí (hoặc chỉ đóng một khoản lệ phí rất nhỏ, nên cũng xem như miễn phí). Mỗi người chỉ cần ghi tên tập để làm thẻ và thủ-tục hành-chánh để điều-hành thôi. Đồ nghề đem đến phòng tập chỉ là chiếc khăn lông để mỗi người dùng riêng lót lưng khi tập các động-tác nằm trên ghế tập, mấy quả chuối và nước chanh đường. Môn thể-dục thẩm-mỹ dùng các loại tạ sắt và một số dụng-cụ khác để tập cho các bắp thịt phát-triển nhưng săn chắc. Người ta thường gọi nôm na là “tập tạ”, và nhiều người hay lẫn-lộn giữa hai bộ môn thể-dục thẩm-mỹ và cử tạ.
Môn Thể-dục thẩm-mỹ (body building) có mục-đích tập cho hầu hết những bắp thịt của cơ-thể vừa to ra, vừa săn chắc, tạo cho người tập có một thân hình của một lực-sĩ đẹp. Môn này phát-triển mạnh ở nhiều nước Tây phương từ lâu rồi, cả nam và nữ đều tập, nhưng nam vẫn nhiều hơn nữ. Trước 30-4-1975, đài truyền hình Sài-gòn vẫn có chương-trình biểu-diễn của những lực-sĩ thể-dục thẩm-mỹ, còn có tên gọi khác là các “kiến càng”. Ngoài các tư-thế phô-diễn các loại bắp thịt khác nhau, các “kiến càng” thường không thể thiếu việc biểu-diễn cách vận sức làm cho một số bắp thịt ở tay, nhất là ở ngực co giật tưng-tưng. Môn này hồi đó hoàn toàn không có phái nữ tập, có lẽ quan-niệm văn-hóa và thẩm-mỹ của người Việt về phái nữ vẫn phải là “thân em mong-manh , như một cành lan”.
Môn cử tạ (weightlifting) cũng tập với những đĩa tạ hay cục sắt, nhưng người tập không nhằm mục-đích có những bắp thịt và thân hình đẹp, mà nhằm tập để hai tay nâng được thanh sắt ngang với những đĩa tạ gắn hai bên, lên khỏi đầu, với thế đứng thẳng dạng hai chân, càng nặng càng tốt. Môn cử tạ xem như không có ở Sài-gòn dạo đó.
Vào khoảng thời-gian “hồi xưa” ấy, không phải ai cũng có thể học tiếp lên bậc đại-học vì nhiều lý-do. Bởi thế, chương-trình học ở bậc Trung-học phổ-thông đã giữ một vài-trò quan-trọng trong việc “trồng người”. Những môn học, những bài học không chỉ trang-bị cho học-sinh những kiến-thức về văn-hóa mà còn vun trồng cho những người con đang trưởng thành của đất nước những giá-trị nhân-bản, như: tính công-bằng, lòng nhân ái, tính tự-trọng hay biết tôn trọng người khác, tinh-thần trách-nhiệm, tính lương-thiện, lương-tâm, v.v. Không phải ai cũng tiếp-thu hết được những điều tốt đẹp trong việc học để rồi thành công hay thành nhân như nhau, nhưng cái nền tảng giáo-dục của một thời vang bóng ấy quả đã cống-hiến cho đời khá nhiều người có lòng, có lương-tâm, có tiết-tháo, sống không khom lưng, quỳ gối, “trên không đội , dưới không đạp”, “uy vũ bất năng khuất”, và dù có chết đi thì vẫn là “anh-hùng tử, khí hùng nào tử”. Cuộc bể-dâu đã chứng-tỏ qua việc sàng lọc !
Nguyễn Khắc Kình (cựu học-trò các trường tiểu-học Bàn Cờ, trường tiể- học di-chuyển Bàn Cờ và trường tiểu-học Phan Đình Phùng, khu Bàn Cờ, Sài-gòn. Tốt-nghiệp Tiểu-học năm 1959. Cựu học-sinh Trung-học QGNT.SG.). Viết xong tại Melbourne, ngày 31-12-2007, ngày cuối - tháng đầu mùa Hạ, 41oC)