Banner designed by Ninh Quốc Bảo 73

   

Trường Làng Tôi - Hợp Ca

“Một Thuở ... học trò”

 

Vào thời tôi học Tiểu học thuộc những năm đầu của hậu bán thế-kỷ 20, có sự phân-biệt rõ-ràng về từ ngữ: học trò (pupil) dùng cho bậc Tiểu học, học sinh (student) dùng cho bậc Trung học và sinh viên (university student) dùng cho bậc Đại học. Với cái đầu đề là “Một thuở .. . học trò”, tôi chỉ muốn giới-hạn bài viết về ít kỷ-niệm bậc Tiểu họ , còn thời học sinh và sinh viên tôi sẽ viết trong các bài khác là Một thuở ... học sinhMột thuở ... sinh viên. Đấy là trong phạm-vi trường học. Nhưng có một loại trường khác rộng lớn hơn là trường đời, tôi sẽ viết trong bài Một thuở ... sinh tiền. Ngoài ra, khi viết về thời Tiểu học, tự nhiên tôi thấy thích cái đầu đề trên, nhưng sực nhớ lại là có nhà văn nào đó đã viết bài với đầu đề này, nếu tôi lấy cùng đầu đề có thể mang tiếng là “chôm” văn của người khác dù chỉ là một cái đầu đề không đăng-ký độc quyền. Cho nên tôi đã dùng các dấu “...” để bày-tỏ sự tôn-trọng tác-giả và cho biết phần nào nguồn-gốc của đầu đề này.

Sống trong những xã-hội có cuộc sống khá đầy-đủ về mặt vật-chất như hiện nay ở Úc, Mỹ, Anh, Pháp, v.v., việc đi học là chuyện tự nhiên và có thể còn là bắt buộc đến một trình-độ học-vấn nào đó. Nhưng trong nhiều xã-hội khác, nhất là cách nay hàng nhiều chục năm, không phải ai cũng được đi học, còn nói gì đến việc được hưởng những phương-tiện học tập phong-phú và đẹp-đẽ như trường lớp, học-cụ tại Melbourne hay tại các xã-hội tương tự. Những tháng năm được đi học đã để lại biết bao kỷ-niệm trong đời các học sinh, trong đó có người viết, và qua những kỷ-niệm của đời học trò, người đọc có thể hiểu và hình-dung được phần nào những khía cạnh của nhiều xã-hội qua những giai-đoạn vui buồn, thăng trầm bao trùm một cá nhân nhỏ bé ... và hình như hơi lẩm-cẩm.

Vào cái thuở chập-chững đi học thì mẹ tôi đã sớm lìa đời khi tôi được khoảng bốn tuổi và đứa em trai kế chỉ mới ra đời có mấy tháng. Bố đi lính ở xa, tôi sống với ông bà nội mà tôi là cháu đích tôn. Nhưng rồi gia-đình ông bà nội tôi cũng tan nát luôn vì Việt Minh tịch-thu hết nhà cửa, ruộng vườn. Ông nội tôi được vào “học-tập cải-tạo” tại “trường” Lý Bá Sơ ở Thanh Hóa - một “ngôi trường” nổi tiếng nhất trong lịch-sử Việt-Nam cận đại, và đã được mô-tả kỹ-càng trong truyện “Trại Đầm Đùn” của tác-giả Nguyễn Văn Thái. Phần đứa cháu đích tôn cùng với đứa em trai theo bà nội lưu-lạc đến sống nhờ và được đi học tại làng H.Th, một ngôi làng khá nổi tiếng vì đã sản-sinh ra nhiều nhân-vật tiếng-tăm thuộc một số lãnh-vực hoặc giữ nhiều chức-vụ quan-trọng trong các chính-phủ của hai nước Việt-Nam trước ngày 30-4-1975.

Lớp học đầu tiên của tôi không phải ở trường mà là ở nhà của một người nào đó nên không có bàn, ghế, bảng đen và phấn trắng. Khi đến “lớp”, mấy cái cánh cửa bằng gỗ được người lớn nhấc ra khỏi bản lề và đặt nằm xuống nền nhà để học trò dùng làm bàn. Học trò không ngồi học mà cúi khom lưng hay nằm xấp trên nền nhà để viết. Ngoài việc học chữ, học trò còn được dạy hát, song những bài hát lúc đó rất đặc-biệt. Tôi vẫn còn nhớ lời một bài hát là: “Nào cố bần, trung nông ta cùng tranh-đấu. Lòng căm-hờn quân thù địa chủ ghi sâu. Đoàn-kết mau toàn dân và đảng Lao-Động. Tay cầm tay, cùng nhau sống đời tự-do”.

Trong bài hát này có hai chữ “địa chủ” đã gây cho tuổi thơ của tôi ít nhiều sợ-hãi khi đi học. Lý-do là mặc dù lúc đó nhà cửa và tất cả tài-sản của gia-đình ông nội tôi đã bị Việt Minh tịch-thu nhưng tôi vẫn còn có 1 cái bao nhựa trắng (mà ngày nay là cái bao ny-lông trong suốt, thường dùng để đựng giấy tờ cho khỏi bị bẩn hay ướt), 1 chiếc cặp đi học bằng nhựa, có màu mè, hình vẽ mà trẻ em ngày nay đi học thường dùng, và mấy viên bi bằng thuỷ tinh. Khi đến “lớp”, tôi đã mang theo một hay nhiều thứ trên với tâm-hồn trong sáng của tuổi thơ. Tuy nhiên, với những ánh mắt căm-hờn và những lời kết-án là “đồ con nhà địa chủ” chỉ vì mấy thứ học-cụ này, tôi đã phải để ở nhà. Thay vào đó, tôi dùng những hột nhãn, những cục gạch hoặc những cục đá nhỏ đem mài cho tròn, hay dùng đất sét làm thành những viên bi tròn rồi đem phơi khô để chơi bắn bi.

Đáng lý ra thời-gian thường làm phai nhạt đi một hay nhiều chuyện đã qua trong đời, nhưng vào ngày lễ Lao-Động 1-5-1975, khi bị bắt buộc tập-họp trước dinh Độc-Lập ở Sài-Gòn và phải nghe cái âm-thanh chát-chúa phát ra từ các chiếc loa được mở lớn hết cỡ những lời hát “Thề giết Mỹ, thề giết Mỹ, giết Mỹ luôn, phải giết Mỹ ngay ...” thì lời bài hát thuở xa-xưa “Nào cố bần, trung nông ta cùng tranh-đấu. Lòng căm hờn quân thù địa chủ ghi sâu ...” lại sống lại mãnh-liệt với nỗi hoang-mang của tuổi thơ và sự chán-chường của thời-thế lúc đó. Và ngày nay, những khi đi dạo trong các siêu-thị hay tiệm tạp-hóa ở Melbourne, tôi vẫn thường ngắm nhìn những viên bi đủ màu sắc, lớn bé; nếu không cầm lòng được chắc tôi đã mua ... và mua thật nhiều ... những viên bi xinh đẹp, vô tội thường chỉ dành cho tuổi thơ ngây, nhưng đã khiến cho tôi phải hoang-mang, sợ-hãi với những ánh mắt căm-thù hay lời kết-án dành cho “đồ con nhà địa chủ”.

Rồi theo vận nước nổi trôi, sau khi “tốt-nghiệp trường Lý Bá Sơ” và cho về “quản-thúc tại gia” ở quê làng, trong một đêm tối đen, ông nội tôi đã phải bỏ lại tất cả vợ con và những người thân yêu khác, dắt-díu đứa cháu đích tôn chạy trốn khỏi ... quê-hương và người đồng loại ... Sau bao nhiêu hiểm-nguy trên đường vượt thoát, chúng tôi đến được Hòn Ngọc Viễn Đông. Tại đây, tôi bắt đầu học lớp năm, lớp đầu tiên của bậc Tiểu học mà ngày nay gọi là lớp một, tại trường tiểu học công lập Bàn Cờ, khu Bàn Cờ , Sài-Gòn.

Tuy rằng ở vào cảnh tương-tự như “nước mất, nhà tan” và những bỡ-ngỡ khi đến sống tại một “xã-hội khác”, việc đi học của tôi thoải-mái hơn rất nhiều so với lúc trước. Đi học thì tất cả học sinh đều mặc đồng-phục là áo sơ-mi trắng cụt tay và quần soọc màu xanh dương đậm. Tuy rằng tất cả học sinh đều là người Việt nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn phải chịu sự kỳ-thị Nam Bắc, tương-tự như sự kỳ-thị chủng-tộc mà bản thân và một số người Việt sống tại Melbourne hay một số nước khác đã gặp phải.


 

 

 

Mỗi khi đến trường và trước khi bước vào lớp để học, các học sinh phải đi qua vô số hàng quà bánh trước cổng trường ... Ôi sao quà bánh ở đâu mà nhiều thế, mà món nào hầu như cũng hấp-dẫn cả. Nào là: ổi, cóc, tầm ruột, mận (quả roi), xoài, mít, kẹo kéo, cà-rem, đủ thứ chè, nước đá nhặn, xi-rô, xá-xị, nước đá chanh, nước mía ép, nước hạt é, đậu xanh bánh lọt, đậu đỏ bánh lọt, đậu phộng luộc, hột mít luộc, bắp luộc, khoai lang luộc, khoai mì hấp, bánh mì lát chiên tôm, bánh mì thịt ổ, các loại cháo, bò bía, gỏi cuốn, gỏi đu-đủ, khô mực nướng thơm phức, các loại xôi đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, khoai mì , v.v. và v.v. Những học trò nào mà được gia-đình cho kha khá tiền túi khi đi học hẳn khó thể nào quên được cái thiên-đường quà bánh này. Nhiều học trò thành-công trên đường học-vấn sau này và được gọi là người “có ăn học”, chẳng biết có phải là vì thường được “ăn” nhiều trước khi vào lớp để “học” hay không ? Mà theo kinh-nghiệm sống, hình như tỷ-số học trò được “ăn” nhiều để “học” ... thường thành-công về học-vấn nhiều hơn số học trò ít được “ăn” hay không có “ăn” để mà “học”.

Nhưng có lẽ hai chữ “ăn học” hay đi đôi với nhau nên việc “ăn” không giới-hạn ở cổng trường mà còn theo học trò vào tận lớp “học”. Học trò thường đem theo thức ăn và uống vào lớp, dấu trong cặp hoặc để trong ngăn bàn, nhất là những học trò ngồi ở các bàn cuối lớp, mà tên riêng dành cho mấy bàn này gọi là “xóm nhà lá”. Thời của tôi, các lớp học thường xấp-xỉ cỡ 50 học trò cho mỗi lớp. Dù thời đó kỷ-luật trong lớp rất nghiêm nhưng lớp đông quá nên các thầy / cô cũng khó mà kiểm-soát hết được. Hơn nữa, hầu như việc thầy/ cô phải viết bài trên bảng làm mất khá nhiều thời giờ nên thường khi thầy / cô mà quay lưng lại là thế nào cũng có một vài học trò ... trổ tài “ăn học” lai rai .

Trong lớp, thầy / cô viết bài trên bảng rồi học trò nhìn và chép vào vở. Khi chép bài, học trò thường im-lặng viết, song cũng có một vài học trò vừa đọc khe-khẽ vừa viết. Điều này thầy / cô và các bạn khác không phàn-nàn gì cả. Tuy nhiên, năm học lớp Nhất (tiểu học), tôi thích và nhớ mãi chuyện này. Tôi ngồi cạnh mấy bạn tại “xóm nhà lá” (vì thân người tôi hơi cao, phải ngồi sau để khỏi che mắt các bạn nhỏ con hơn, chứ không phải vì bê-bối). Có một anh bạn tên là L. thuộc loại con nhà giàu (con chủ lò bánh mì Gia Long ở Ngã Bảy, Sài Gòn), chữ viết đẹp và sách vở giữ-gìn rất kỹ-lưỡng. Tôi không nhớ rõ lắm, song đại-khái là một hôm có một bài gì đó, một bạn tên K. (không phải là tôi) ngồi cạnh vừa đọc ê a theo trên bảng vừa chép. Nhưng anh này thấy anh L. không nhìn lên bảng mà cứ nghe và viết theo lời mình đọc bèn nổi tính nghịch-ngợm. Anh này đọc sai nhưng viết đúng, trong khi anh L. nghe sai nên viết sai . Thí dụ: đáng lý trên bảng viết “ông Phan Đình Phùng, người anh-hùng bãi sậy ...”, tuy bản thân viết đúng nhưng anh bạn nọ đọc sai là “ông Phan Đình Phùng, người anh hùng bãi sinh lầy ...” và thỉnh thoảng lại đọc sai mấy chữ, anh L cứ nghe sao viết vậy. Mấy bạn khác ngồi cạnh chỉ nhìn nhau cười tủm-tỉm thôi. Chép hết bài cả đám phá ra cười. Mới đầu anh L. chả hiểu gì cả nhưng lát sau mới khám-phá ra, và đối với một người viết và giữ-gìn sách vở đàng-hoàng thì những chữ viết sai như vậy là chuyện rất bực mình. Anh này nổi cáu lên và phán nhẹ, hình như là “Mày dám chơi ông hở ! Ra chơi ông sẽ giết mày chết, con ạ !”. Nhưng anh bạn kia trả lời với đầy tự-tin và hậu-thuẫn của bạn bè: “Ơ hay, tao có nói mày phải viết sai đâu. Tao đọc cho tao viết chứ bộ. Mày hỏi xem mấy đứa khác có nghe tao và viết sai như mày không ?”

Thuở ấy, học trò đi học đều đem theo lọ mực để viết, mà lọ mực thường bằng thủy tinh nên thỉnh thoảng bị rơi và vỡ làm mực văng bắn tung-tóe hoặc lọ mực bị đổ trên bàn học, khiến cho vở viết hoặc quần áo bị dính đầy mực, thật khốn-khổ. May là ít lâu sau đó người ta chế ra được loại bình mực không đổ, không bể. Thật là một phát-minh kỳ-diệu ! Loại bình mực này làm bằng loại nhựa mềm nên khi bị rơi xuống nền cứng, bình mực không bị vỡ như lọ mực thủy tinh. Nhưng đặc-biệt hơn cả là bình mực này dù mở nắp và lật ngược lại thì mực vẫn không bị chảy ra.

Về loại mực viết thì hầu như tất cả học trò đều bắt buộc phải dùng loại mực màu tím. Mực có thể mua chung với lọ mực có sẵn mực rồi. Khi dùng hết mực trong lọ, học trò thường mua những viên mực khô, đem về hòa tan với nước rồi đổ thêm vào lọ mực. Và cái mầu tím của mực đã từng là mầu tiêu-biểu cho những gì dễ thương, ngây-thơ liên-quan đến đời học trò. Song cũng mầu tím này đối với các thanh niên, thiếu nữ lại thể-hiện cho sự lãng-mãn trong tình-yêu. Những chiếc áo sơ-mi, áo bà ba, áo dài màu tím khoác trên người các thiếu nữ, phụ nữ đã có thời khiến cho nhiều đấng nam nhi phải mê-mẩn thần hồn. Chả biết có tôi trong số các “đấng nam nhi” đó không vì thời gian và không gian xa quá rồi ... không nhớ chính xác lắm.

Thời gian và cuộc đời thường làm cho phấn nhòe, hương nhạt. Mỗi năm khi Hè về tại Melbourne vào các tháng 12, 1 và 2 Dương lịch, hoa phượng vĩ lại nở rộ trên nhiều con đường, song có rất ít hoa phượng mang mầu đỏ như ở Sài-gòn mà hầu hết đều có mầu tím. Và cái mầu tím thuở học trò tưởng như đã nhạt-nhòa theo năm tháng lại vẫn còn đầy trong trí nhớ, dù thực-tế có làm phai đi màu mực cũ.

“30 năm thư còn đây chưa gửi ,
Giấy úa vàng và mực tím cũng phai !
Em làm thơ để riêng tặng cho ai ?!
Vì mực tím còn hoài trong nhung nhớ !”
(Mực tím – thơ Linh Đắc – Georgia , USA , 26-3-2005)

Ngoài mực nước mầu tím là loại mực tiêu-chuẩn, thỉnh thoảng học trò còn dùng mực mầu đỏ. Loại mực mầu đỏ pha và bán sẵn hay những viên mực khô màu đỏ đem về pha với nước là chuyện bình thường. Điều đáng nhắc lại là có một số học trò dùng ngay loại thuốc đỏ (dùng bôi lên các vết trầy-trợt hoặc đứt tay để sát trùng) để viết. Thời ấy, hầu hết các gia-đình đều mua để sẵn trong nhà loại thuốc thông-dụng và rẻ tiền này. Và vì vừa có sẵn trong nhà vừa rẻ tiền nên một số học trò dùng luôn thuốc đỏ làm mực đỏ ... cho tiện !

Vì loại mực nước khi viết xong không khô ngay cho nên hầu hết học trò đều dùng giấy thấm để thấm cho khô mực sau khi viết xong, nếu không, mực còn ướt có thể làm lem bẩn vở viết. Thời tiểu học của tôi, thầy / cô chỉ có phấn (chalk) để viết trên bảng đen, chứ không có bảng mầu xanh (viết bằng phấn)  hay bảng sơn trắng bóng và dùng loại bút whiteboard marker để viết như ở Melbourne hiện nay. Bởi thế, phấn viết bảng là một phần không thể thiếu của cả thầy / cô và học trò. Với đặc-tính thấm nước, nhiều học trò cũng dùng phấn lăn qua những chữ mới viết còn ướt để làm khô, thay vì dùng giấy thấm. Việc này có thể xem là một phần đời học trò của những ngày tháng cũ.

Về bút dùng để viết, học trò không được phép viết bằng bút nguyên-tử (ngày nay gọi là bút bi: ball-point pen) và bút máy (fountain pen) với lý-do mà nhà trường đưa ra là học trò viết bằng các loại bút bị cấm này sẽ làm hỏng chữ viết tay (handwriting), mà phải dùng loại bút có cán và ngòi bút rời cắm vào đầu cán bút rồi chấm vào lọ mực để viết. Nếu ngòi bút lỏng lẻo thì lấy miếng giấy nhỏ chêm vào đầu cán bút để giữ cho chắc. Sau khi chấm ngòi bút vào lọ mực, lúc rút ra, phải gạt đầu ngọn bút vào miệng bình mực cho bớt mực đi, nếu không, mực còn đọng lại sẽ làm thành một giọt mực trên trang giấy khi bắt đầu đặt bút viết ... chứ không phải để làm cho “Mực đọng trong nghiên sầu”. Dạo ấy, chữ viết tay rất quan-trọng. Học trò phải viết cho đàng-hoàng, ngay-ngắn. Chữ mà viết như gà bới hay cẩu-thả có thể khiến cho các bài vở bị trừ điểm khá nhiều.

Ba loại ngòi bút thông-dụng là ngòi bút tre bằng thép cứng, ngòi bút bầungòi bút bằng nhôm mà tôi quên tên gọi. Vì dùng cái bút chấm vào lọ mực rồi viết, nên hầu như  mấy ngón tay cầm bút luôn dính mực, rất khó tránh cho mực khỏi dính vào các ngón tay này. Điều đáng nhắc lại là hầu như tất cả học trò tại Việt-Nam phải viết bằng tay phải, chứ không như học trò tại Melbourne hầu hết đều viết bằng tay trái. Ngoài ra, học trò nào khéo tay, viết chữ đẹp còn dùng thêm loại ngòi bút rông, đầu ngòi cắt ngang, để viết loại chữ thư pháp Tây (calligraphy) cho các tiêu-đề, v.v.  Loại ngòi bút tre bằng thép cứng không phải chỉ dùng để viết mà thỉnh thoảng các học trò nam còn phóng bút cắm vào mặt bàn gỗ như một cách thể-hiện tính cứng-cáp của ... con nít ... hay tính nghịch-ngợm của tuổi thơ.

Đi học thì phải học bài và trả bài. Nhưng cách học của thời tôi và thời nay tại Melbourne khác nhau xa lắm. Thời của tôi, học trò phải học thuộc lòng (learn by heart) các bài thầy / cô dạy và cho chép tại lớp. Mà để học thuộc lòng các bài, đa số học trò nam thường gào to lên khi học, bây giờ nghĩ lại thấy tức cười quá. Nhà nào mà có vài ba đứa con trai học tiểu học thì sáng sớm là mấy cái miệng nhóc tì thường gào lên ... chẳng biết hàng xóm có phiền lòng không, nhưng hình như thời ấy mà học như thế thì người ta cho là con nhà chăm học, ngoan, v.v. Nếu mấy nhà cạnh nhau cũng có con em học tiểu học thì có thể xảy ra hiện-tượng các con gà trống tranh nhau tiếng gáy. Nếu mấy con gà trống bên nhà này gào to một thì gà các nhà khác lại cố gào to hơn mấy lần !!!  Còn học trò nữ thường học nhỏ-nhẹ hơn, có lẽ phù-hợp với bản-tính con gái chăng ? Tôi cũng đã gào lên học như thế và làm hết các bài tập phải làm tại lớp hay ở nhà. Kết-quả là vào năm lớp nhất (lớp cuối của bậc tiểu học), tôi được khá nhiều giấy khen thưởng, hình như giấy khen được phát hàng tháng, và được miễn thi tốt-nghiệp tiểu học. Như vậy, tôi thuộc loại học trò khá. Nhưng có điều lạ-lùng mà tôi còn nhớ là tuy được nhiều giấy khen và được miễn thi tốt-nghiệp Tiểu học, tôi chả có ý-niệm thế nào là mình giỏi hay khá gì cả. Tôi chỉ cố làm hết bổn-phận của người học trò thôi. Có lẽ lúc ấy trí-óc tôi còn non-nớt quá chăng ?

Vào thời gian ở bậc tiểu học, có hai quyển sách mà tôi rất thích đọc, đã từng nhiều lần khóc và nay vẫn còn ứa nước mắt vì cảm-động khi đọc. Đấy là các quyển Dưới mái học đườngTâm-hồn cao-thượng của dịch-giả Hà-mai-Anh. Nhiều người hay coi thường bậc Tiểu học song ít ai để ý rằng những gì xảy ra vào cái thuở đầu đời ấy ảnh-hưởng rất nhiều cả cuộc đời của người ta. Những câu chuyện kể về những việc làm tốt đẹp và thể-hiện những tâm-hồn cao-thượng trong hai quyển sách này đã ảnh-hưởng mạnh-mẽ đến lối sống của tôi từ ngày rời mái trường tiểu học Phan-đình-Phùng. Tôi đã và luôn cố-gắng làm nhiều điều tốt đẹp, nếu có thể được, dù nhỏ-nhặt, như ăn xong một bữa ăn ở tiệm KFC thì phải đem đổ phần còn lại vào thùng rác, rồi để cái khay vào đúng chỗ ... đến những việc lớn-lao hơn với một tâm-hồn ... cao-thượng, hoặc ít ra luôn nhủ lòng cố tránh để đừng quá ... kém cao-thượng ... Nhưng rất nhiều khi ... phải, rất nhiều khi “CHÍ ta, ta biết; LÒNG ta, ta hay” thôi.


Hiện nay, ngôi trường tiểu học ấy vẫn còn đó. Sau bao nhiêu tang thương, dâu bể của đời mình và vận nước, tôi đã có dịp trở lại mái trường xưa nhưng chỉ có thể đứng ngoài nhìn vào vì cổng đóng, then cài ... Trường đang nghỉ Hè ... Chẳng biết tôi còn có dịp trở lại và bước vào ngôi trường cũ với nỗi xúc-động của một học trò trở về thăm lại mái trường xưa ... hay một lần ra đi là ... ngàn năm vĩnh-biệt.

“Thời-gian đã bạc bao lần tóc ?
vẫn ngỡ mình như chẳng mất nhau
đâu biết lần đi là vĩnh-biệt
nhớ sao cho đủ chuyện ban đầu ? ”

(Bất chợt bâng-khuâng nỗi nhớ nhà - thơ Mường Giang)

Nguyễn Khắc Kình (cựu học-trò các trường Tiểu học Bàn Cờ, trường Tiểu học Di Chuyển Bàn Cờ và trường Tiểu học Phan-đình-Phùng, khu Bàn Cờ, Sài-Gòn. Tốt nghiệp Tiểu học năm 1959. Cựu học-sinh Trung-học QGNT.SG. ). Viết xong tại Melbourne ngày 31-12-2005).