Banner designed by Ninh Quốc Bảo 73

 

Ơn thầy

“Ải vân vời vợi đèo mây.
Khôn lớn chữ thầy, áo mẹ, cơm cha”

Câu ca dao đã thấm vào cuộc đời của tôi từ những ngày còn nằm nôi, qua điệu ru hời của mẹ. Và sẽ mãi lắng đọng trong tim tôi những ân tình kính yêu, những lời tri ân lặng thầm, và thấy cay ở mắt mỗi khi nhớ về. Người ta thường ví von Thầy cô là người đưa đò. Đưa hểt lớp này đến lớp khác đến bến bờ tri thức, chắp cánh cho họ vào đời. Còn người lái đò vẫn ở lại bến cũ để tiếp tục công việc, và trong bao lớp người qua sông đó! Có ai còn nhớ về người lái đò thầm lặng. Nhớ những kỉ niệm của một thời cắp sách thật êm đềm hạnh phúc như trường giang lặng lẽ trôi xuôi trong buổi trưa hè nắng ấm với những gợn sóng nhấp nhô dồn dập vỗ nhịp đôi bờ . Nhớ những ngày niên thiếu hiền lành như cỏ cây hoa lá, chăm chỉ nhận từng con chữ, từng con số, từng nhận thức về thế giới mình đang hiện hữu, về thiên nhiên vạn vật,  núi cao, sông dài, biển rộng, về những thành phố dân tộc, đất nước, ngôn ngữ, văn hoá, lịch sử… và nhất là những bài học đạo đức cũng như triết lý sống làm người!

Tôi đã được học với nhiều thấy cô giáo, mỗi một người thầy đều để lại những kỉ niệm khó quên. Nhưng ấn tượng nhất là với cô giáo dạy tôi hai năm liền. Lớp nhì và lớp nhất. Năm đó nhà tôi từ vùng sâu ra khu vực đầu Kinh 8 để ở, ngày ngày tôi phải lội bộ 2 cây số để ra đầu Kinh 3 để học lớp nhì trường tiểu học Thạnh Đông. Cũng năm đó cô Huệ vừa tốt nghiệp trường sư phạm Vĩnh Long, được bổ nhiệm về dạy lớp tôi. Cô Huệ người miền nam dân Vĩnh Long chính hiệu, chỉ mới đôi mươi, đẹp đơn sơ tinh khiết như tên cô: Huệ. Là một cô giáo trẻ, khoẻ, đầy nhiệt huyết, cô muốn truyền hết cho chúng tôi những gì cô có, cô hiểu. Nhưng trong lớp tôi có nhiều đứa ngỗ nghịch “nhất quỷ nhì ma thứ ba…” chúng chọc ghẹo cô, nhiều khi tức quá không làm sao được, cô ra đứng sau bảng khóc tấm tức, lúc đó tôi thấy thương cô và giận bọn kia lắm. Là cô giáo xa nhà đi dạy học, từ Vĩnh Long về đến trường tôi ở Kiên Giang cách hơn 100 cây số và phải qua phà Cấn Thơ. Cô thuê một túp lều tranh gần trường để ở. Ngày chủ nhật nghỉ, chắc buồn nên cô thường gọi mấy đứa chúng tôi cả trai cả gái đến phòng trọ cô để chơi. Cô bày cho bọn con gái làm một số món ăn như: đổ bánh xèo nhân thịt chuột, hay nấu canh chua cá lóc… xong cả cô trò đều thưởng thức, rất là ngon. Nhất là món bánh xèo nhân thịt chuột. tôi được cô cưng vì vài lẽ, có lần cô đố cả bọn: cá thở bằng gì? Cả bọn tịt mít, có mình tôi trả lời được, cô khen rối rít làm tôi phổng cả mũi. Thực ra tôi cũng chẳng giỏi gì, mà đã tình cờ đọc được trên tờ báo “Tuổi hoa”-tờ báo học trò thời bấy giờ. Một điểm nữa cô thấy tôi co khiếu văn nên khuyến khích dữ lắm. Chính cô là người giới thiệu lối hành văn của nhóm “Tự lực văn đoàn” cho tôi, nhất là nhà văn Thạch Lam, mà trong sách quốc văn lớp nhất có trích truyện ngắn “Nhà mẹ Lê” trong tập “Gió đầu mùa” của ông làm bài đọc cho học sinh. Và tôi đã yêu quí những tác phẩm của nhóm này từ đó. Có khi cô hát cho chúng tôi nghe những tình khúc thịnh hành hồi đó như: “Ai lên xứ hoa đào” hay “Thương về miền trung”. Cô giống như một người chị cả đảm đang, dìu dắt đàn em mình, năm sau tôi lên lớp nhất, cô cũng được đón lên dạy lớp tôi. Thời điểm đó học lớp nhất thì phải lấy bằng tiểu học rồi mới học lên trên. Riêng các trường công lập được miễn thi, những ai muốn lên trung học thì phải thi tuyển vào đệ thất (lớp sáu bây giờ). Việc thi tuyển rất gay go như hồi tôi thi là sáu chọi một. Vì cả một quận Kiên Tân chỉ có một trường công lập, mỗi năm tuyển khoảng 100 học sinh vào 2 lớp đệ thất, thi đỗ vào trường này rất vinh dự: vừa đỡ tốn tiền cha mẹ vừa được học với chất lượng rất cao. Năm lớp nhất đó, nghỉ hè cô không về quê ngay mà ở lại dậy cho chúng tôi ôn thi vào đệ thất. Hồi đó chúng tôi phải thi 3 môn: Toán, Văn & Câu hỏi thường thức. Ngày thi cô đi theo chúng tôi lên quận; đến trưa cô đón chúng tôi dắt đi ăn rồi hỏi về 2 môn thi buổi sáng và căn dặn về môn thi còn lại. Cuối ngày, trên đường về cô hỏi lại tôi về 3 môn thi, tôi nói những gì mình làm được, cô nhẩm tính rồi bảo: “Chắn chắn em sẽ đậu!”

Sau ngày đó, cô về quê nghỉ hè, mấy tuần sau có kết quả thi và đúng như cô nói, tôi và một vài bạn đã trúng tuyển, tôi đậu khá cao 51/100. Và mùa hè đó, do công việc của Ba tôi thay đổi nên gia đình chúng tôi di chuyển về sống ở vùng ngoài thành Sài Gòn, bỏ luôn cái học bổng đệ thất trung học Kiên Tân, thật tiếc ơi là tiếc. Mùa hè năm sau tôi tìm về trường cũ để thăm cô, thì thật buồn khi bạn bè cho biết cô cũng đã được đổi về dạy gần nhà, không ai biết được địa chỉ cô, và cũng bặt tin cô từ đó. Bây giờ nếu có duyên may được gặp cô, tôi sẽ thưa với cô rằng: “Cô ơi! Em được nên người ngày hôm nay, ngẩng cao đầu làm người, có công lao của cô nhiều lắm đó…”

 

Các hình thầy cô QGNT bên dưới:


Hình có các Thầy Do, thầy Thơm, thầy Khôi, thầy Thịnh.

 

Năm 1970, tôi vào học trường QGNT Sài Gòn, được học với nhiều Thầy cô kính mến mà cho đến bây giờ sau mấy chục năm, tôi vẫn có thể hình dung được dáng vẻ và cá tính từng thầy: như Thầy Trương Thế Khôi hiền hoà, đẹp trai với mái tóc bồng bềnh, Thầy Nguyễn Khánh Do thật hiền, nhưng cũng thật nóng tính, Thầy Lý Công Chuẩn dậy Anh Văn không bao giờ đụng đến rượu bia, thuốc lá. Thầy Thịnh dạy Anh Văn cao ráo đẹp trai hay mắng những anh học trò lười: “học được thì học, không học thì làm cái thằng nông dân đi..!” (tôi và Phạm Đức hay nhái câu này của thầy để trêu nhau), Thầy Thọ dạy Triết, có lần trong giờ lên lớp Thầy đã đọc cho chúng tôi nghe “Mùa hè đỏ lửa” của Phan Nhật Nam. Hai Thầy Trần Ngọc Hồ và Thầy Trần Quốc Giám vừa có bằng sư phạm vừa có bằng cử nhân Luật giảng bài thao thao bất tuyệt… Số báo Xuân của trường năm 70 hay 71 Thầy Trần Ngọc Hồ có dịch một trích đoạn trong bài thơ “Lời Dâng” của Tagore với tựa là “Lời nguyện cầu” mà cho tới bây giờ tôi vẫn còn nhớ được vài câu:
“Cầu cho được tài hoa lỗi lạc,
Để đem thân gánh vác việc đời
Lòng ta nguyện với lòng trời
Gần đời cao thượng xa đời nhỏ nhen…”

Rồi tôi ra trường, rồi chính biến 30-4, tôi lưu lạc tha phương kiếm sống, không có dịp về lại trường xưa, không gặp lại Thầy cô bạn bè. Cho đến khi may mắn vào cuối năm 2007. Trần Quảng Nam đi tìm và gặp lại tôi. Ôi buổi hạnh ngộ mà không biết dùng ngôn từ gì để diễn tả được niềm vui của tôi, đánh thức cả một quãng đời học trò, thời gian học ở trường chỉ 3 năm ngắn ngủi nhưng chưa đựng bao nhiêu kỷ niệm khó quên, bùi ngùi được tin bạn bè người còn kẻ mất, Thầy cô cũng có người đã đi vào cõi vĩnh hằng.

Nhưng có một niềm vui vô hạn. Anh chị em QGNT ngày xưa ở trong nước hay hải ngoại đã đi tìm nhau, kết nối lại thành một đại gia đình đông đúc, với những sinh hoạt, hoạt động tương trợ nhau, mang ý nghĩa thiết thực rất đáng trân trọng như: Vinh danh mẹ:  các bà mẹ một đời tảo tần nuôi con khôn lớn, những ngày tuổi cao bóng xế, được các con các cháu đến chúc mừng, tặng quà, thật không gì vui sướng hạnh phúc hơn; học bổng cho các cháu học sinh, sinh viên nghèo hiếu học, tuy còn hạn chế, nhưng cũng kịp thời tiếp sức cho các cháu vượt qua giai đoạn khó khăn, rèn ý chí để hướng đến một tương lai tốt đẹp.

Tôi xin trở lại với câu chuyện công ơn Thầy, thì đây ở Việt Nam các anh chị em trong Ban đại diện đã làm được mà làm được một cách rất hoàn hảo rất chân tình cảm động; tôi đã được tham dự 2 lần: đó là Lễ tri ân Thầy cô. Thầy trò gặp nhau tay bắt mặt mừng, cùng ôn lại những kỷ niệm ngày xưa, và cùng thưởng thức chương trình văn nghệ đặc sắc mà các anh chị em trong ban văn nghệ đã công phu luyện tập suốt mấy tháng trời. Tôi thấy các Thầy cô cảm động và hạnh phúc lắm.

(Anh Nguyễn Quang Nghinh, (hàng đứng thứ hai từ phải qua), tham dự Mừng Họp Mặt QGNT 73 năm 2007.

 

Khi tôi viết bài này, sắp đến ngày 26-11-2011 là ngày tổ chức Lễ tri ân Thầy cô ở Việt Nam. Đỗ Ngọc Anh cho biết năm nay có mời một số các cháu hậu duệ là SV, HS nghèo vượt khó được học bổng của gia đình Q về dự; tôi thấy không còn cách giáo dục cho các cháu về tôn sư trọng đạo nào hay hơn nữa!

Tôi là con chiên đi lạc mới về đàn rất tâm phục những việc mà anh chị em đã làm được cho gia đình QGNT, nhưng cũng có một thoáng buồn, vì thấy hình như trong anh chị em có một chút gì đó bất đồng quan điểm, trong tận cùng sâu thẳm tâm thức, tôi thầm cầu mong các anh chị em dẹp bỏ những thành kiến cá nhân, cùng nắm tay nhau đưa sinh hoạt gia đình Q ngày càng tốt đẹp hơn. Và tôi nghĩ các Thầy cô cũng sẽ rất vui và hãnh diện về học trò của mình. Tôi xin bật mí cho các Q không tham dự Lễ tri ân Thầy cô ở VN ngày 26-11-2011 và các Q hải ngoại, nôi dung tâm tình chia sẻ của cô Cao Thị Thuỷ Tiên (đại diện cho các Thầy cô) nói với học trò Q trong buổi lễ: “Nhà giáo chúng tôi rất vui mừng và cám ơn khi các em còn nhớ đến chúng tôi, và vui mừng hơn nữa khi thấy trong các em, có nhiều em đã thành danh, có những em chưa thành đạt nhưng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con cháu học hành đỗ đạt, nhiều gia đình có đến 3, 4 con học hết đại học. Rồi các em biết tương trợ lẫn nhau; những em khá giả giúp các em khó khăn, rồi ma chay hiếu hỷ các em cũng đến với nhau! Nhưng có một điều mà chúng tôi rất buồn là các em “chưa hoà thuận” với nhau, các em quên đi rằng ngày xưa dưới mái trường thân yêu, các em đã đoàn kết yêu thương nhau như thế nào…”

Tôi xin mượn một trích đoạn trong bài “Lời dâng” của Tagore (bản dịch Đỗ Khánh Hoan) để thay cho lời kết bài này.
“Xin tận diệt, tận diệt trong tim tôi mọi biển lận tầm thường.
Xin cho tôi sức mạnh thản nhiên để gánh chịu mọi buồn vui.
Xin cho tôi sức mạnh hiên ngang để đem tình yêu gánh vác việc đời.
Xin cho tôi sức mạnh ngoan cường để chẳng bao giờ khinh rẻ người nghèo khó hay cúi đầu khuất phục ngạo mạn đầy quyền uy.
Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai để nâng tâm hồn vươn lên khỏi ti tiện hang ngày
Và cho tôi sức mạnh tràn trề để âu yếm dâng mình theo ý người muốn…”

Nguyễn Nghinh

(Anh Nguyễn Quang Nghinh, (số 1 từ phải qua), là Trưởng Ban Báo Chí trong Ban Đại Diện Học Sinh niên khóa 1971-1972)