Banner designed by Ninh Quốc Bảo 73

Luận Về Nhân Vật Quan Công
của Truyện Tam Quốc Chí

Thiện Nhân Nguyễn Khánh Do

 


 


1. Tam Quốc Chí của La Quán Trung.

Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa, gọi vắn tắt là Tam Quốc Chí, của La Quán Trung là một tác phẩm lớn của văn học Trung quốc, lớn về nhiều khía cạnh: hình thức, nội dung, gía trị văn chương, và ảnh hưởng đối với dân tộc.

Về hình thức, đó là một tác phẫm đồ sộ gần hai ngàn trang. Về nội dung, đó là một truyện dã sử ghi dấu khoảng thời gian ngót ba phần tư thế kể của thời "Tam Quốc" bên Tàu, với hàng nhiều chục nhân vật chính và nhiều trăm nhân vật phụ. Các diễn biến, tình tiết,... phức tạp và nhiều đếm không xuể, được ngòi bút La Quán Trung diễn tả thần tình, sắc sảo, không rối loạn.

Về gía trị văn chương cũng như gía trị tổng quát, việc Thánh Thán chọn và xếp Tam Quốc Chí đứng đầu "thất tài tử thư" của văn học Trung Quốc đủ là một bảo đảm (1).

Người ta thấy rõ ảnh hưởng của Tam Quốc Chí đối với dân tộc Trung Hoa qua sự kiện nhân vật Quan Vũ được người Hoa tôn lên hàng thánh và lập đền thờ.

Trong hàng nhiều trăm nhân vật của Tam Quốc Chí, người Hoa đời sau lọc ra 3 nhân vật đặc sắc nhất gọi là 3 đại kỳ nhân: đệ nhất gian hùng là Tào Tháo, đệ nhất mưu trí là Khổng Minh và đệ nhất trung nghĩa là Quan Vũ. Trong ba kỳ nhân đó, Quan Vũ được tôn sùng hơn cả. Là nhân vật trong tác phẩm được La Quán Trung tô điểm, đưa lên hàng thánh, Quan Vũ thực ra là một kẻ không có danh gì trong chính sử Trung Quốc. Thời xưa ở miền Hoa Bắc người ta thờ Nhạc Phi và ở Hoa Nam người ta thờ Quan Công trong võ miếu (2). Sự kiện một nhân vật tiểu thuyết được sùng bái, tôn thờ như vậy không phải chỉ hiếm có trong lịch sử Trung Quốc mà còn hiếm có cả trong lịch sử nhân loại.

Nhạc Phi là một danh tướng có thực, từng chống xâm lăng phương bắc thời nhà Tống, được người Hoa tôn thờ là điều có thể hiểu, nhưng Quan Vũ chỉ là một nhân vật tiểu thuyết, hoặc nếu là một nhân vật thực thì cũng không có công trạng gì đối với dân tộc Trung Hoa, tại sao lại được thánh hóa như vậy? Sự kiện này có một nguồn gốc sâu xa trong lịch sử mà ta sẽ xét sau đây.

 2. Tại sao Quan Vũ được tôn lên hàng thánh?

Nhà Thanh vốn là một dị tộc từ phương bắc xâm chiếm Trung Quốc và đặt nền cai trị. Vào thời gian đầu người Hoa chống đối rất kịch liệt. Các tổ chức phản Thanh phục Minh nổi lên ở nhiều nơi. Nhưng mấy vua đầu của nhà Thanh (Thuận Trị, Khang Hy, Ung Chính và Càn Long) là những người thông minh, chủ trương gây thiện cảm với dân bản xứ bằng chính sách cai trị mềm dẻo, và thực tình chăm lo cho dân được sống yên ổn.

Họ kiểm soát cẩn thận việc hành chính ở các địa phương, trừng phạt các tham quan, diệt các tệ nạn hà hiếp dân, giảm thuế má, xá tù tội, giải phóng ách nô lệ cho những kẻ bị bạc đãi vì thành kiến xã hội, v.v... (3). Đối với giới sĩ phu họ mở nhiều khoa thi để tuyển chọn nhân tài cho tham dự việc cai trị.

Tập trung các danh sĩ về kinh đô để làm những công tác văn hóa đồ sộ, với hậu ý vừa để dễ kiểm soát hành động, vừa để làm mất ý chí chống đối chính quyền, đồng thời ngấm ngầm tiêu hủy những tác phẩm đề cao tinh thần dân tộc (4). Chính do những chủ trương này mà có chuyện thánh hóa Quan Vũ.

Các hội kín phản Thanh phục Minh chủ trương đề cao tinh thần trung nghĩa của Quan Vũ, lập miếu thờ để làm chỗ ngụy trang cho các cuộc hội họp chống Mãn Thanh. Thanh triều (thời vua Thuận Trị) bèn tương kế thổi phồng địa vị của Quan Vũ, đưa ông ta lên hàng thánh, bằng cách giáng chỉ cho toàn quốc lập miếu thờ - kể cả ở Mãn Châu, nước gốc của nhà Thanh.

Vua Càn Long đẩy mạnh thêm sự sùng bái trong giới người Hoa bằng cách sắc phong Quan Vũ là "Trung Nghĩa Vũ Thần Đại Đế". Việc thờ Quan Vũ tiến thêm một bước biến thành thói cúng bái mê tín.

Đền thờ Quan Công lúc nào cũng có khói hương nghi ngút; người ta đến không phải chỉ để chiêm bái mà còn để cầu may, xin phúc, thề thốt,..."Đức thánh Quan" trở thành một thần linh được rước cả về nhà để thờ, và người thờ tin rằng "ngài" có thể ban lộc, xá tội hoặc vật chết những kẻ nhạo báng!

Người ta có thể thắc mắc: tại sao biết các hội phản Thanh phục Minh dùng miếu thờ Quan Công làm nơi họp kín, chính quyền nhà Thanh không cho quân vây bắt để tiễu trừ, hoặc cho gián điệp trà trộn vào để phá vỡ mà lại chọn phương cách, có vẻ mâu thuẫn và khó hiểu, là thúc đẩy thêm sự sùng kính Quan Vũ?

Chính ở điểm này người ta nhận ra sự thông minh, khôn ngoan và có phần thâm hiểm của bốn vị vua đầu của nhà Thanh. Họ đã chọn chiến lược thổi phồng Quan Công để phá vỡ ý chí phục Minh của người Hoa một cách không đổ máu thay vì chiến thuật khủng bố để tiêu diệt các tổ chức chống đối.

Chiến lược này vừa giảm căm thù trong lòng người Hoa vừa gây thêm thiện cảm vì đã đề cao một nhân vật của dân bản xứ. Việc đề cao Quan Vũ, như vậy, vuốt ve tự ái dân tộc cho người Hoa, lại tránh được sự đề cao tinh thần dân tộc vì Quan Vũ chẳng là một anh hùng cứu quốc hay chống xâm lăng gì cả mà chỉ là một... nhân vật tiểu thuyết!

Sự mê tín, sùng bái Quan Công càng nhiều càng làm cho dân Hoa quên dần chuyện phân biệt Mãn, Hán. Một sự kiện đáng lưu ý nữa là khi chiếm Trung Quốc, cũng như thời gian sau đó, quân đội nhà Thanh rất hùng mạnh.

Các vua Khang Hy, Ung Chính, Càn Long cho quân chinh phục nhiều nước lân bang, mở rộng bờ cõi Trung Quốc, khiến đế quốc Trung Quốc chưa thời nào rộng lớn bằng. Những tổ chức phản Thanh phục Minh vì vậy chỉ gây rối chứ không thể là mối đe dọa sự nguy vong của triều Thanh.

Và cũng vì thế Thanh triều đã chọn giải pháp mềm dẻo đối phó với họ để thu phục nhân tâm. Những chủ trương khôn ngoan của 4 vua đầu nhà Thanh qủa thật đã được đền đáp xứng đáng: sau một thế kỷ rưỡi do người Thanh cai trị, tinh thần bài Mãn của người Hoa đã giảm
nhiều. Người Hoa đã chấp nhận nhà Thanh như một dòng họ của Trung Quốc, nhiều nhân tài người Hoa như nhóm Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, v.v.. đã thật tâm cộng tác với Thanh triều, giúp đối phó với những khó khăn do các nước Tây Phương và Nhật Bản gây ra trong thế kể thứ 19.

 3. Quan Vũ của Tam Quốc Chí.

 Theo Tam Quốc Chí của La Quán Trung, Quan Vũ tên chữ là Thọ Trường, sau đổi là Vân Trường, quán làng Giải Lương, huyện Bồ Châu, tỉnh Hà Đông. Vì trót giết một kẻ có thế lực nên sợ bị tù phải bỏ xứ mà đi.

Quan Vũ cùng với Lưu Bị (thuộc dòng hoàng tộc nhưng đã biến thành dân gĩa, làm nghề buôn dép và dệt chiếu) và Trương Phi (một chủ quán bán thịt heo và rượu) kết nghĩa anh em để cùng chung lo việc dẹp loạn và giúp nhà Hán gây lại uy thế.

Trải qua nhiều gian khổ, nhờ có sự phụ giúp tích cực của 3 quân sư Từ Thứ, Khổng Minh, Bàng Thống, nhất là Khổng Minh, cùng các tướng tài Triệu Vân, Mã Siêu, Hoàng Trung, Ngụy Diên, bộ ba Lưu-Quan-Trương dành được đất Ba Thục ở phía tây Trung Quốc, cùng với họ Ngô ở phía đông và họ Tào ở phía bắc lập thành thế chân vạc 3 nước Ngụy Thục Ngô, đó là thời "Tam Quốc" bên Tàu (thế kể thứ 3).

Sau khi lên ngôi Lưu Bị phong cho Quan Vũ đứng đầu "ngũ hổ tướng" gồm Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu, Hoàng Trung, và cho trấn ở Kinh Châu, căn cứ địa của Lưu Bị trước khi chiếm Ba Thục.
Qua bút pháp của La Quán Trung, Quan Vũ là một tướng có nhiều ưu điểm: giỏi cả võ lẫn mưu, tính thẳng thắn, cương nghị, giữ lễ nghĩa, ân oán phân minh, biết phục thiện, và luôn luôn tận trung với chủ. Nhưng cũng có nhiều nhược điểm như thiếu thâm trầm, hiếu thắng, kiêu căng, thích được khen, ưa so đọ cá nhân,...

4. Quan Công trong đại chúng người Hoa và người Việt

Tục thờ kính Quan Công được người Hoa truyền sang Việt Nam. Đền thờ Quan Công ở Chợ Lớn có đôi câu đối sau đây:

- Sinh Bồ Châu, sự Dự Châu, trấn Kinh Châu, chiến Từ Châu, vạn cổ thần châu hữu nhất;

- Huynh Huyền Đức, đệ Dực Đức, thích Mạnh Đức, sát Bàng Đức, thiên thu thánh đức vô song.

 Dịch:

- Sinh Bồ Châu, thờ Dự Châu, đóng Kinh Châu, đánh Từ Châu, vạn cổ thần châu chỉ một;

- Anh Huyền Đức, em Dực Đức, tha Mạnh Đức, giết Bàng Đức, ngàn năm thánh đức không hai. (5)

Một sự thật có thể làm ngạc nhiên nhiều người nhưng khó chối cãi là từ thời nhà Thanh trở về sau người Hoa tôn sùng Quan Công hơn Khổng Tử nhiều! Khổng Tử chỉ được giới sĩ phu, thuộc thành phần thiểu số, thờ ở văn miếu và hàng năm chỉ được họ cúng tế một lần.

Quan Công, trái lại, được đông đảo dân, có lẫn cả nhiều sĩ phu, sùng kính, lập đền thờ ở nhiều nơi, thờ cả trong nhà, và cúng bái thường xuyên. Một sự kiện khác mà Khổng Tử không thể nào sánh với Quan Công là sự kính chuộng của đại chúng thể hiện qua sự trình diễn điển tích trên sân khấu, phương tiện quảng bá hấp dẫn và hữu hiệu ở cổ thời.

Không thấy có tuồng tích nào liên quan tới tiểu sử Khổng Tử nhưng tiểu sử của Quan Công thì được đặt thành tuồng có đến một chục vở! Có lẽ không có nhân vật nào khác của Trung Quốc có tiểu sử được soạn thành tuồng tích nhiều như vậy!
Việc diễn các tuồng về nhân vật Quan Công cũng có chỗ lạ lùng so với những nhân vật khác. Trong các vở tuồng này người kép đóng vai Quan Công phải giữ gìn thân thể sạch sẽ, kiêng cữ đủ thứ. Khi trang điểm để ra tuồng phải tô mặt đỏ chót như son, đeo râu dài thâm thượt
(6).

Trước khi vai Quan Công xuất hiện lần đầu, từ trong cánh gà của sân khấu người ta phải đốt một nén vàng lá để cúng, rồi người kép lấy một khăn che mặt, từ từ bước ra, chờ cho nén vàng cháy hết mới được bỏ chiếc khăn để cho khán gỉa thấy mặt. Đó là một dị đoan, một thói quen các ban tuồng đều giữ rất nghiêm, vì sợ nếu sai quấy vai kép sẽ bị "ngài" vật chết! Có bao nhiêu tuồng tích về Quan Công ở Trung Quốc thì không rõ nhưng trong giới tuồng Tàu, hát chèo cổ, hát bội ở Việt Nam có thể kể ít vở sau đây:

- Đào viên kết nghĩa, diễn sự tích Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi kết nghĩa anh em ở vườn đào của Trương Phi.

- Tam anh chiến Lã Bố, diễn tích ba anh em Lưu-Quan-Trương hợp sức đánh nhau với Lã Bố.

- Quan Công thất thủ Hạ Bì, diễn tích Quan Vũ bị Tào Tháo vây ở thành Hạ Bì, đành phải hàng.

- Quan Công phò nhị tẩu, diễn tích Quan Công dẫn hai chị dâu (Cam và Mi phu nhân, hai vợ của Lưu Bị) về kinh đô sau khi thua ở Hạ Bì.

- Quan Công quá ngũ quan trảm lục tướng, diễn tích Quan Vũ bỏ Tào đi tìm Lưu Bị, qua 5 cửa quan chém 6 tướng của Tào Tháo.

- Hoa Dung tiểu lộ, diễn tích Quan Vũ đóng quân ở đường hẻm Hoa Dung, chặn đường chạy trốn của Tào Tháo.

- Quan Công đơn đao phó hội, diễn tích Quan Vũ cùng dăm cận tướng can đảm vác đao qua sông gặp các tướng của Giang Đông ở bến Lục Khẩu.

- Quan Công thủy chiến Bàng Đức, diễn tích Quan Vũ đánh nhau với Bàng Đức.

- Quan Công cạo xương chữa thuốc, diễn tích Quan Vũ ngồi đánh cờ, đưa tay cho Hoa Đà lóc thịt, cạo chỗ xương bị tên có nọc độc bắn trúng.

- Quan Công hiển thánh, diễn tích Quan Vũ hiển linh ở núi Ngọc Toàn sau khi bị Đông Ngô bắt và giết.

5. Quan Vân Trường, một trung nghĩa đại kỳ nhân?

Khi đề cập tới những ưu khuyết điểm của nhân vật Quan Vũ ta cần lưu ý là đang nói về một nhân vật tiểu thuyết, những hay dở của nhân vật đó đều do ngòi bút La Quán Trung tạo nên.

Các dữ kiện, vì vậy, đều được rút ra từ tác phẩm Tam Quốc Chí. Vì Quan Vũ được đề cao là đệ nhất trung nghĩa kỳ nhân nên trước hết ta hãy nhận xét về hai đức tính "trung" và "nghĩa" của Quan Vũ; sau đó sẽ đề cập tới những ưu khuyết điểm khác.

Vào thời Tam Quốc, chữ "trung" được quan niệm ra sao?
Thời Xuân Thu, Khổng Tử (giữa thế kỉ thứ 6 trước Tây Lịch) quan niệm "trung" là giữ một lòng với vua, nhưng vua phải ra vua. Nếu vua biết dùng "lễ" sai khiến bày tôi thì bày tôi phải "trung" với vua (7). Về sau Tử Tư, cháu nội
của Khổng Tử, nhấn mạnh thêm: vua không phải chỉ cần giữ lễ với bày tôi mà còn phải kính trọng bày tôi nữa, có thế bày tôi mới phải hết lòng trung với vua.

Tới thời Chiến Quốc, Mạnh Tử (cuối thế kể thứ 3 trước Tây Lịch) quan niệm mạnh mẽ hơn nữa: dân là quí, đất nước đứng sau, vua là nhẹ. Bày tôi chỉ cần trung với vua nếu vua biết tôn trọng quyền lợi của dân của nước. Nếu vua làm trái lại thì bày tôi có quyền trừ khử (8).

Thời nhà Hán, sau biến cố chôn nho đốt sách của Tần Thủy Hoàng, đám Hán Nho vì mục đích siểm nịnh cầu vinh đã biến đổi quan niệm về "trung" thành hết lòng hết dạ với vua một cách mù quáng (9).

Sống ở thời Hán mạt (đầu thế kể thứ 3), Quan Vũ đã giữ chữ trung như thế nào? Hiến Đế, vị vua cuối cùng của nhà hậu Hán, nhu nhược, luôn luôn bị những viên thừa tướng khống chế cho đến lúc mất ngôi, một bóng mờ trong truyện Tam Quốc Chí, là người Quan Vũ không có một cử chỉ hay hành động nào tỏ ra là muốn giữ lòng trung cả.

Chữ trung theo quan niệm của Khổng Tử không được Quan Vũ áp dụng ở đây. Trái lại có một sự kiện chứng tỏ Quan Vũ đã không giúp nhà Hán, qua đại diện là vua Hiến Đế. Tào Tháo làm thừa tướng, là một gian thần hiếp vua. Khi đánh Đông Ngô, bại trận, phải dẫn đám tàn quân chạy vào đường hẻm Hoa Dung. Quan Vũ được lệnh của quân sư Khổng Minh dẫn quân chẹn đường để tiêu diệt.

Trước khi đi Quan Vũ đã viết giấy cam kết nếu tha "quốc tặc" sẽ chịu chém đầu, thế mà khi nghe Tào Tháo kể lể sự trọng đãi thuở trước Quan Vũ đã tha ngay cho họ Tào. Chỉ vì để đền đáp tình riêng Quan Vũ đã bỏ trách nhiệm lớn lao chung, có ảnh hưởng tới vận mệnh đất nước, và cơ đồ của nhà Hán.

Trong Tam Quốc Chí, Quan Vũ có nói "giang sơn của nhà Hán há nhường tấc đất cho ai?" nhưng đó chỉ là lời nói ngụy biện để khỏi phải trả đất chứ không là "vì nước".

Cuộc khởi quân cùng Lưu Bị với mục đích mang lại ổn định cho dân nếu tạm coi là "vì dân" thì có thể coi họ Quan được một phần nhỏ chữ trung theo quan niệm của Mạnh Tử. Nhưng chữ trung này rất khiêm nhượng, không hơn gì một số nhân vật đồng thời.

Riêng đối với Lưu Bị, quả thật trước sau như một, Quan Vũ hết lòng giữ dạ sắt son. Dù đang được Tào Tháo hết sức trọng vọng, khi hay tin Lưu Bị ở với Viên Thiệu là Quan Vũ đi tìm ngay. Cho nên có thể nói Quan Vũ hết lòng “trung thành với chủ” là Lưu Bị.

Nhưng Lưu Bị không bao giờ là vua của Trung Quốc, và lúc lên tới tột đỉnh vinh quang họ Lưu cũng chỉ cai trị được một phần ba nước Tàu. Vậy có thể hiểu là họ Quan đã giữ chữ trung theo quan niệm của đám Hán nho. Hiểu như thế thì họ Quan cũng không hơn một số thủ túc thân tín khác của Lưu Bị như Trương Phi, Triệu Vân, Khổng Minh, v.v...

Tóm lại, xét nhân vật Quan Vũ và quan niệm về chữ trung trong thời đại của ông ta: trung với dân, trung với nước, trung với vua và trung với chủ, Quan Vũ đã giữ chữ trung sau cùng. Phải chăng đó là lý do người ta đã tôn ông lên hàng "đệ nhất trung"? Hay vì hậu ý thâm hiểm của nhà Thanh, đề cao một kẻ trung thành với chủ lên hàng thánh để người Hoa sùng bái mà quên đi cái trung đối với dân tộc và đất nước? Người viết nhận là nghiêng về lý do sau.

Đó là đức trung của Quan Vũ, bây giờ ta xét tới đức "nghĩa". "Nghĩa" theo nho gia là điều làm hợp với đạo lý, với lẽ phải. Trong xã hội, con người làm trách nhiệm của mình vì đạo lý mới gọi là đúng với nghĩa, nếu làm trách nhiệm vì lý do khác, dù trọn vẹn, vẫn là không hợp nghĩa. Với quan niệm đó "nghĩa" đối lập với "lợi" (10). Nếu làm trách nhiệm lớn lao hợp với đạo lý và ảnh hưởng tới đại chúng thì gọi là "đại nghĩa".
Với quan niệm của "nghĩa" theo nho giáo thì Quan Vũ chỉ giữ được điều nghĩa nhỏ giữa cá nhân với cá nhân, như nghĩa bằng hữu, nghĩa chủ tớ, nhưng chẳng có gì gọi là "đại nghĩa" để xứng với cái danh đệ nhất trung nghĩa kỳ nhân.

- Sau đây ta sẽ xét đến những ưu khuyết điểm khác của Quan Vũ.

Về "dũng", Quan Vũ quả thật là có ý chí, can đảm và sức mạnh. Về can đảm, chuyện cắp đao sang phó hội ở Giang Đông, hay chuyện ngồi thản nhiên đánh cờ để cho Hoa Đà lóc thịt trị thương là những thí dụ.

Về võ nghệ, sức mạnh có lẽ Quan Vũ chỉ thua duy nhất có Lã Bố.

Về "mưu", Quan Vũ cũng có chút mưu lược, đôi lần bày mưu thành công. Nổi danh nhất là mưu khơi nước sông Tương Giang làm úng thủy Phàn Thành do đó bắt được hai tướng của quân Tào là Vu Cấm và Bàng Đức.

Nhưng tính hiếu thắng, kiêu căng, khinh địch cũng đã khiến Quan Vũ thành thấp mưu, bại trận, làm hỏng đại sự. Chính việc thấp mưu, dốc quân đánh Phàn Thành, khinh thường tướng trẻ Đông Ngô là Lục Tốn mà Quan Vũ đã làm mất Kinh Châu. Cho nên, về mưu, những thành công nhỏ của Quan Vũ không đủ bù lại với cái thấp mưu to lớn làm mất đất và hại thân.

Về "trí", Quan Vũ rất hẹp hòi, thiển cận tuy có biết phục thiện. Khuyết điểm này cộng với tính hiếu thắng, kiêu căng, ưa được tâng bốc khiến Quan Vũ trở thành kẻ nông nổi, ích kỉ, hám danh, khinh người, và khinh địch.

Chính những nhược điểm này dẫn đến cái chết của Quan Vũ, kéo theo một chuỗi biến cố tai hại, nghiêm trọng: mất Kinh Châu, Lưu Bị và Trương Phi vì nóng lòng báo thù cho ông ta nên cũng chết theo. Sau đây là vài dẫn chứng. Thói khinh địch khiến Quan Vũ nhiều lần bị tên bắn. Một lần được Hoàng Trung tha chết, cố ý bắn tên vào chỏm mũ. Hai lần bị trúng tên độc khi đánh Phàn Thành, chỉ vì thân đại tướng mà khinh xuất.

Là trấn thủ Kinh Châu, coi một vùng rộng lớn, trách nhiệm quan trọng, thế mà chỉ muốn tỉ võ để thỏa mãn tính hiếu thắng. Nghe Mã Siêu được khen là một dũng tướng, lúc đó đang ở với Lưu Bị tại Tây Thục, Quan Vũ bèn đòi tỉ võ với Mã Siêu. Sau nhận được thư Khổng Minh vuốt ve tự ái "...Mã Mạnh Khởi tuy hùng dũng hơn người nhưng chỉ đáng xếp vào hạng Kinh Bố, Bành Việt, đua tranh với Dục Đức thì được chứ sánh sao được với ông râu đẹp..." Quan Vũ khoái chí đưa cho các quan xem rồi vuốt râu cuời nói "Khổng Minh biết bụng ta lắm!"

Lần khác, Quan Vũ đang vây đánh Phàn Thành thì quân tiếp viện của phía Tào đến. Bị Bàng Đức (tướng tiên phong của quân Tào) khiêu khích, Quan Vũ bèn giao việc đánh Phàn Thành cho Liêu Hóa rồi vác đao ra đấu với Bàng Đức. Đấu mãi chẳng thắng được, lại còn bị Bàng Đức giả bộ dùng thế đà đao, miếng võ ruột của Quan Vũ, rồi bất ngờ bắn tên trúng vào cánh tay. Nếu Bàng Đức không bị Vu Cấm đố kị thì Quan Vũ đã chết dưới đao của Bàng Đức rồi.

Thói khinh người đến lố bịch của Quan Vũ được lộ ra trong hai trường hợp. Khi được Lưu Bị phong đứng đầu ngũ hổ tướng Quan Vũ không chịu nhận, lấy cớ là không thèm đứng chung danh với tên lính gìa Hoàng Trung!

Đến khi được Phí Thỉ vuốt ve "... ông là em Hán Trung Vương, hay dở có nhau, phúc họa cùng chia, thì chức tước đâu có đáng kể ...", lúc đó bùi tai mới chịu nhận tước phong. Tôn Quyền là chúa Đông Ngô muốn cầu thân với Quan Vũ bèn xin hỏi con gái của Quan Vũ cho con trai mình. Quan Vũ trả lời "con gái ta ví như loài hổ, lại thèm kết duyên với loài chó sao?".(11)

 Kiêu căng, hiếu thắng là khắc tính của "nhẫn", khinh người là khắc tính của "lễ", cho nên có thể nói Quan Vũ không có hai đức tính này.

Đến đức "nhân", là yêu người, thương tha nhân, trong truyện Tam Quốc Chí chỉ thấy Quan Vũ, với thanh long đao và ngựa xích thố, giết hết tướng này tới tướng khác.
Nhiều khi giết người chỉ để khoe võ công tài giỏi,
để đền đáp ơn nghĩa riêng, hoặc để chứng minh lòng trung thành với chủ là Lưu Bị, chứ không phải chiến đấu với quân thù trên chiến địa.

Việc Quan Vũ giết hai tướng Nhan Lương, Văn Sú của Viên Thiệu là để đáp ơn nghĩa riêng với Tào Tháo, giết Sái Dương ở trước Cổ Thành là để minh chứng với Trương Phi rằng mình vẫn
trung thành với Lưu Bị. Những việc có lợi cho bản thân mà hại đến sinh mạng người khác, như các sự việc vừa kể, người có đức nhân không làm.

*

Nếu căn cứ vào những sự kiện xẩy ra theo truyện Tam Quốc Chí của La Quán Trung thì cái lầm lẫn to lớn nhất của Quan Vũ là việc tha Tào Tháo ở đường hẻm Hoa Dung.
Tuy chỉ là một lầm lẫn chiến thuật nhưng nó đã xoay chuyển cả cục diện thời hậu Hán, và Quan Vũ làm việc này chỉ vì giữ "nghĩa khí vặt", vì kiêu hãnh bản thân mà quên đại nghĩa.

Lầm lẫn lớn kế sau đó là việc gây thù oán với Đông Ngô, trái hẳn với lời dặn chiến lược của Khổng Minh, với kế hoạch phòng thủ rút gọn trong cẩm nang 8 chữ: "đông hòa Tôn Quyền, bắc cự Tào Tháo".

Quan Vũ đã làm ngược kế hoạch đó. Đông thì bất hòa với Tôn Quyền và Bắc thì dốc toàn lực đánh Tào Tháo! (Cự là chống đở, tức là thủ, chứ không phải tiến đánh, tức là công).

Vì Quan Vũ không đủ tài trí và mưu lược, lại thêm những nhược điểm kiêu căng, khinh địch nên lầm lẫn chiến lược này đưa đến họa sát thân và gây mầm xụp đổ cho Ba Thục. (12)

Cho nên về nhân vật Quan Vũ, trong Tam Quốc Chí của La Quán Trung, ta có thể nói: Quan Vũ chỉ biết trung với chủ mà ít lưu tâm tới trách vụ với dân, với nước. Chỉ biết giữ nghĩa khí hẹp mà quên đại nghĩa. Có dũng nhưng mưu tồi. Trí đoản và kiêu căng quá lố. Không biết nhẫn, kém lễ và thiếu lòng nhân.

 Ngoài sự kiện nhà Thanh đề cao việc sùng bái Quan Công vì hậu ý chính trị như đã nói ở trên không biết còn nguyên nhân nào khác không? Nhưng một đại tướng, giả sử là một nhân vật có thật, có những lầm lẫn lớn lao đến làm hỏng đại cuộc, gây họa sát thân mà được tôn lên hàng thánh phải kể là một sự lạ lùng.

Thờ một nhân vật tiểu thuyết với đầy dẫy những khuyết điểm như Quan Vũ lại càng lạ lùng hơn. Đến như người Trung Hoa, một dân tộc thông minh đứng hàng đầu ở Á đông, lại có chuyện thờ phụng, sùng kính một nhân vật như vậy mới thực là lạ lùng hi hữu nhất!

 ---------------------------------------------------------

(1) Thánh Thán, nhà phê bình lừng lẫy nhất của thời cận kim ở Trung Hoa, đã đọc và lọc ra từ rừng tác phẩm văn thơ Trung quốc, 7 tác phẩm ông cho là xuất sắc nhất, xuất hiện theo thứ tự thời gian gồm có: Nam Hoa Kinh (Trang Tử), Văn Ly Tao (Khuất Nguyên), Sử Ký (Tư Mã Thiên), Thơ Đỗ Phủ (Đỗ Phủ), Tây Sương Ký (Vương Thực Phủ), Thủy Hử (Thi Nại Am) và Tam Quốc Chí (La Quán Trung).
Về gía trị Thánh Thán ca tụng Tam quốc Chí là "đệ nhất tài tử thư".

(2) Khổng Tử và 72 môn đệ được thờ trong văn miếu.

(3) Vợ con những kẻ trộm cướp, tử tù; những kẻ
nhiều đời làm đầy tớ; con cháu những kẻ trước kia đầu hàng quân Kim ở đời Nam Tống;...

(4) Những công việc đồ sộ về văn hóa này đã mang đến những tác phẩm lớn cho văn học Trung Quốc như các bộ Cổ Kim Đồ Thư Tập, Bộ Văn Vận Phủ, Tứ Khố Toàn Thư, và nhất là bộ Khang Hi Tự Điển. Đồng thời khi cho soạn Tứ Khố Toàn Thư nhà Thanh cũng đã tiêu hủy 538 bộ sách, cộng 13862 quyển, có liên hệ tới tinh thần Hán tộc (theo Trung Hoa Sử Cương của Đào Duy Anh).

(5) Đôi câu đối này do cố thi sĩ Trần Doãn Lập đọc và nhớ được. Bồ Châu là quê của Quan Vũ. Dự Châu là quê của Lưu Bị. Kinh Châu là nơi Quan Vũ trấn thủ. Từ Châu là nơi đầu tiên Lưu Bị được trao chức thứ sử từ Đào Khiêm. Huỳnh Đức là tên chữ của Lưu Bị, Dực Đức là tên chữ của Trương Phi, Mạnh Đức là tên chữ của Tào Tháo, Bàng Đức là bộ tướng của Mã Siêu, sau
theo Tào Tháo.

Về cách dùng chữ, diễn ý, đặt câu phải nhận rằng đôi câu đối này thật hay. Nhưng "vạn cổ thần châu hữu nhất" đã ghê, đến "thiên thu thánh đức vô song" thì thực là qúa đáng!

(6) Theo Tam Quốc Chí Quan Công có tướng mặt đỏ như son, râu dài hai thước, được Hán Đế khen là "mỹ nhiệm công", được Tào Tháo tặng túi gấm để bọc râu về mùa đông!

(7) Sách luận Ngữ, chương Bát Dật, Vua Định Công nước Lỗ hỏi Khổng Tử "vua sai bầy tôi, bầy tôi thờ vua, phải thế nào?" Khổng Tử đáp "vua sai bầy tôi phải biết giữ lễ, bày tôi thờ vua phải hết lòng" (Định Cộng vấn: ể quân sử thần, thần sự quân, như chi hà?ể Khổng Tử đối viết: ểquân sử thần dĩ lễ, thần sự quân dĩ trungể). Vua sai bày tôi dựa vào lễ chứ không dựa vào quyền, bày tôi thờ vua cốt ở trung không cốt ở nịnh.
Cũng chương Bát Dật sách Luận Ngử, Khổng Tử còn nói "kẻ thờ vua mà chỉ cố giữ nghi tiết (lễ) là kẻ nịnh hót" (Sự quân tận lễ, nhân dĩ vi siểm gĩa)

(8) Sách Mạnh Tử, chương Tận Tâm (hạ): Lấy dân làm qúy, xã tắc thứ yếu, vua là nhẹ, nên có được lòng dân mới xứng làm thiên tử (Dân vi qúy, xã tắc thứ chi, quân vi khinh, thị cố đắc hồ kì dân nhi vi thiên tử).

(9) Khổng Học Đăng, Phan Bội Châu, trang 159, 160, 161

(10) Trong Luận Ngữ, chương Lý Nhân, Khổng Tử nói "quân tử biết rõ về nghĩa, tiểu nhân biết rõ về lợi" (Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi)

(11) Đây có lẽ là điều kiêu ngạo lố bịch nhất của Quan Vũ. Tôn Quyền thuộc dòng giõi danh tướng nhiều đời, lại là đương kim chúa tể Đông Ngô, sánh ngang với Lưu Bị, nếu không muốn nói là hơn; còn Quan Vũ chỉ là một gã tử tội phải bỏ xứ bôn đào, nhờ thời thế được làm trấn thủ vùng Kinh Châu (đất mượn của Tôn Quyền) mà khoe con mình là loài hổ còn khinh con người là loài chó thì thật là qúa quắt!

(12) Một sự kiện lý thú là cả hai lầm lẫn lớn lao của Quan Vũ đều do Khổng Minh cố ý dàn xếp! Biết Quan Vũ có tính khí khái vặt mà Khổng Minh vẫn sai Quan Vũ chặn đường Tào Tháo ở Hoa Dung; biết Quan Vũ không đủ tài đánh Tào Tháo mà Khổng Minh vẫn khuyên Lưu Bị sai Quan Vũ đánh Phàn Thành. Có dịp người viết sẽ xin bàn về "kỳ nhân Khổng Minh" này.

 

Sách tham khảo:

- Tam Quốc Chí (các bản dịch của Phan Kế Bính; Tử Vi Lang; và Tử Mỹ) - Trung Hoa Sử Cương của Đào Duy Anh

- Khổng Học Đăng của Phan Sào Nam

- Mạnh Tử của Nguyễn Hiến Lê

- Luận Ngữ bản dịch của Đoàn Trung Còn

- Nói Chuyện Tam Quốc của Vũ Tài Lục - Bách Gia Chư Tử của Trần Văn Hải Minh

- Các tự điển: Hán Việt của Nguyễn Văn Khôn; Việt Nam của Lê Văn Đức