Lời ngỏ: Trên diễn đàn Gia Đình QGNT, có thành viên gởi chia sẻ tấm hình trên, thì có một thành viên khác tưởng tượng con tàu này là tàu vượt biên và mơ ước: "Nếu Hoa Kỳ, Gia Nã Đại và Úc Đại Lợi nhận các thuyền nhân Kim, Putin, và Tập làm thường trú nhân tị nạn Chính trị thì thế giới lập tức sẽ có thái bình thịnh vượng."
Và có bạn muốn kể về tàu vượt biên thứ thiệt như sau:
Chiếc Xà Lan Ở Dàn Khoan Giữa Biển
Tàu tụi này đã rời Lam Sơn gần Bà Rịa Vũng Tàu đi về phía nam được ba ngày ba đêm, tới ngày thứ tư khoảng hai hay ba giờ chiều, đột nhiên thấy từ rất xa một đốm khói trắng bốc lên. Đi đã hơn ba ngày biển rộng mênh mông không thấy gì nay tự nhiên thấy đám khói, tức là có sự sống nên con tàu cứ theo hướng khói đó mà hướng tới.
Con thuyền giữa biển được chụp từ giàn khoan
Dần dà thấy đám khói càng lúc càng lớn ra và nhận ra đám khói này phát ra từ một ngọn lửa ngay trên mặt biển. Trên tàu ai cũng lộ vẻ phấn khởi chắc là có cái gì người ta mới đốt lửa giữa biển rộng mênh mông này.
Khi trời bắt đầu nhá nhem tối mới thấy ngọn lửa này sáng rực màu vàng màu xanh. Phải đi thêm vài tiếng đồng hồ nữa mới thấy được bên ngọn lửa là một chiếc tàu lớn bên trên đèn điện sáng choang. Không cần phải nói bà con trên tàu vượt biển này ai cũng lộ vẻ vui mừng ra mặt.
Anh lái tàu cho tàu từ từ cập sát con tàu lớn. Và bên trên tàu lớn may sao đã có người đứng hướng dẫn ra tay chỉ chỏ để cho con tàu nhỏ cập vào sát con tàu lớn, nơi có sẵn những sợi dây thừng được đan lại vuông vức như những tấm lưới đánh cá. Các sợi dây lưới này được truyền từ trên tàu lớn xuống tận mặt nước biển.
Tuần tự mọi người bám vào dây thừng leo lên. Đúng là từ cõi chết lên cõi sống. Tự hỏi là sao con tàu lớn này biết là tàu nhỏ vượt biên mà chịu hướng dẫn cho lên tàu lớn. Sau khi lên tàu lớn rồi mới biết là con tàu lớn này đã cứu vớt một thuyền vượt biên khác mới cách nay một tuần, nên chắc họ có "kinh nghiệm".
"DỤC TẤT BẮT ĐẠT"
Con tầu cứu thuyền nhân này thực ra không phải là con tàu, mà là một xà lan, loại chở hàng hoá, vật liệu giữa đất liền và dàn khoan giữa biển này. Ngọn lửa lúc nào cũng cháy bừng sáng rực cả một vùng trời chính là nơi có dàn khoan này đây. Nhân viên trên dàn khoan này là những thanh niên người Mã Lai hay Indonesia. Và mình đoán đây là vùng biển của Mã Lai.
Khi mọi thuyền nhân an tọa ngồi trên sàn tàu xà lan rồi, anh Phụ Tài, không nhớ anh ta tên gì, nhưng là người rất năng nổ. Gọi là Phụ Tài vì có lúc anh lái tàu phụ anh tài chính cũng là người chủ tàu. Người chủ tàu trông rất thư sinh, hiền lành. Còn anh Phụ Tài này thì mặt mũi đã đen, còn đen hơn tui nữa, lại còn hay la lối um sùm. Hồi xưa hình như người ta rất ngại hay sợ những người có khuôn mặt đen, dù là đen dòn, hay có nước da bánh mật. Còn nhớ năm đệ thất, đi trại hè Vũng Tàu, nhân lúc múc nước giếng lên tắm, có mấy anh bạn cùng lớp tranh nhau cái gầu nước, sanh ra cãi nhau và sửa soạn ra tay uýnh nhau. Còn nhớ có anh tên Bỉ chỉ ngay mặt mình và nói:" Đừng tưởng mày đen mà tao sợ mày đâu đấy nhá.."
Trở lại anh Phụ Tài thì ngoài việc phụ tài anh ta còn được coi như "Trưởng Ban An ninh Trật Tự " trên tàu, tức là anh ta sắp xếp cho mọi người thay phiên nhau, lúc thì được lên trên thuyền ngồi cho thoải mái, lúc thì xuống ngồi dưới hầm tàu. Dĩ nhiên ai cũng muốn được lên trên ngồi cho mát mẻ, nhìn ngắm trời mây...còn số đông thì phải ngồi dưới hầm tàu rất chật chội, khó thở, nặc mùi xăng dầu và lúc nào quần áo cũng ướt vì phải ngồi trên vũng nước pha trộn với xăng dầu bị rỉ ra từ máy tàu. Lâu lâu còn phải lấy thùng nhựa tát nước ra ngoài nữa.
Anh ta còn phụ trách cho việc phân phát đồ ăn và quan trọng là nước cho mọi người. Nói chung thì cả tàu nhờ anh Tài Phụ này rất nhiều.
Sau khi lên trên tàu xà lan, lúc mọi người đang hoàn hồn và đang thả hồn theo những cảm giác tuyệt vời nhất trên đời thì anh Phụ Tài lớn tiếng ra lệnh:
" DỤC hết, DỤC hết quần áo dơ xuống biển, quần áo gì mà dầu mỡ không, làm dơ tàu người ta, ... DỤC hết, DỤC hết, bà con ơi.."
Đang là hạnh phúc như trên mây như vậy nên nghe anh Tài Phụ nói thấy cũng có lý, bây giờ thì cái quần cái áo nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ nữa, thôi nghe lời anh ấy vất đi, mai mốt sẽ có đồ mới mặc, lo gì.
Có rất nhiều người dục quần áo xuống biển tối hôm đó, và cả ngày hôm sau nữa, sau khi đã tắm rửa thay bộ quần áo sạch.
Sau khi vô trại tỵ nạn thì nhiều bà con dục áo quần này phải chịu tình huống "dzách y dzách guởn, hay là nhất y nhất quẩn, một áo một quần.." trong một thời gian khá lâu, trước khi có tiếp tế quần áo khác của Ban Xã Hội. Đã "dzách y dzách guởn" mà guởn không được là quần dài nữa, chỉ là cái quần đùi, quần cụt, quần xà loỏng. Quần cụt bây giờ thì dài tới đầu gối, chứ quần cụt lúc đó rất là cụt, không che được cặp đùi đen đủi có ghẻ do ngồi dưới hầm tàu với dầu nhớt suốt mấy ngày.
Nhớ lại chuyện này bỗng thấy cái câu :"Dục Tất Bất Đạt" đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
"COI DZẬY MÀ KHÔNG PHẢI DZẬY"
Ở trên tàu xà lan này đúng một ngày một đêm thì buổi tối hôm sau, xà lan này bắt đầu di chuyển nói là sẽ chở bà con đi trại tỵ nạn.
Phải nói là con tàu vượt biên này quá là may mắn, đi có hơn ba ngày được tàu quý nhơn cứu vớt. Sau khi nói chuyện và trình bày việc cần làm trước mắt với họ̣, các thủy thủ trên tàu hứa là sẽ giúp đánh điện tín cho thân nhân của các thuyền nhân khi tàu của họ vào bờ nay mai. Thật vậy, sau này các thân nhân cho biết có nhận được điện tín báo tin gia đình đã được tàu lớn vớt và đưa tới đảo. Họ còn mời hút thuốc lá của Indonesia, loại thuốc đầu to đầu nhỏ, có vị ngọt khi chạm lưỡi.
Chiếc xà lan đi nguyên đêm, sáng sớm hôm sau tàu tới đảo Pulau Bidong, thuộc Mã Lai. Nhìn hòn đảo từ xa, đã thấy trên bờ nhiều người đã kéo ra đứng chờ xem. Sau này mới biết là mỗi khi có tàu chở người mới ̣đến như vậy, thì Ban Thông Tin với dàn loa bắt chung quanh đảo, sẽ phát một bài hát mà khi nghe là người ta biết có tàu mới đến, cũng như khi có tàu tiễn người ̣rời đảo cũng nghe được một bài hát : Hẹn nhé, hẹn nhé...rất hay và dễ thương. Nghe bài hát bên dưới.
Khi những thuyền nhân từ từ bước qua cây cầu lên tới đảo, thì chung quanh hai bên có những em thanh niên trẻ nói năng rất lễ phép có vẻ như dặn dò chia sẻ kinh nghiệm là: "Các anh khi vào gặp phái đoàn, nhớ là đừng khai làm nghề "hốt rác" nghe, ai mà làm "hốt rác" thì sẽ bị ở đảo lâu lắm đó."
Nghe thấy làm lạ, mới chân ướt chân ráo, nhưng nghĩ chắc OK thôi, mình có làm nghề "hốt rác" đâu mà khai mí không khai.
Sau khi làm mọi thủ tục nhập trại thì mỗi người được hướng dẫn về chỗ ăn chỗ ở tại các dãy nhà dài được chia ra thành khu A tới khu F.
Phải một thời gian sau tìm hiểu về ̀ hai chữ "hốt rác" này được nhiều thuyền nhân nhắc đến thì mới biết là: Thường các thuyền nhân tùy theo quốc gia nào mình muốn đi, thì xin phỏng vấn với phái đoàn nước đó. Rất nhiều người xin đi Mỹ nhưng vì không đủ tiêu chuẩn sao đó, họ xin đi các nước khác như Úc, Pháp, Canada.v.v..
Tùy theo tiêu chuẩn ưu tiên như Úc hay nhận nguyên gia đình, hay vợ chồng, còn độc thân thì phải khá Anh Văn chút xíu. Cho nên ưu tiên thấp nhất là các anh độc thân, không thân nhân ở nước ngoài. Tôi có biết một em chỉ cần cho phái đoàn Mỹ coi tờ giấy chứng nhận ba của em là lính là họ nhận ngay. Cũng chứng kiến phái đoàn Úc phỏng vấn một anh độc thân, ông người Úc tháo cái đồng hồ đang đeo trên tay ra và đặt ngay trước mặt anh thuyền nhân này, hỏi mấy giờ rồi và chỉ cần anh này trả lời được là nhận ngay. Nhưng anh này cứ ngập ngừng...
Thường các thanh niên hay thiếu niên trẻ độc thân ở đảo rất lâu và sau cùng Mỹ cũng chấp nhận cho các anh em này đi Mỹ. Vì vậy mà có hai chữ "hốt rác", tức là phái đoàn Mỹ̃ "hốt" hụi chót đám "rác" này vì không còn nước nào nhận hết.
Những anh em trẻ này nhất là khi đó còn tuổi vị thành niên, chắc không hiểu "hốt rác" là gì mà thấy sao mình ở đảo lâu, rồi sau cùng cũng sẽ đi thôi....
Hết