|
Bấm PLAY nghe "Nhớ Người Thương Binh" của Phạm Duy do Lê Uyên hát.
Choang...
Tiếng rơi bể của cái ly trên sàn nhà làm Hạnh vội vàng chạy từ bếp lên, nàng ái ngại nhìn chồng đang vụng về xoay chiếc xe lăn cúi xuống dùng một tay còn lại cố gắng nhặt những mảnh vỡ.
- Anh để đó cho em.
- Anh xin lỗi em, anh vô tình quẹt trúng khi muốn lấy ly nước để uống.
Hạnh chảy nước mắt nhìn chồng, lòng xót thương vô hạn.
Trường là trung uý nhảy dù, anh bị thương trong trận chiến khốc liệt ở đồi Charlie, Komtum. Nơi đó có người trung tá tiểu đoàn trưởng can trường Nguyễn Đình Bảo, thương lính như anh em một nhà. Lính yêu quý ông gọi thân mật là anh Năm. Ông đã nằm xuống vĩnh viễn trên đồi Charlie. Và đồng đội của Trường rất nhiều người đã nằm lại, còn anh thì bị thương nặng ngất đi và được đưa về Tổng Y Viện Cộng Hòa.
Khi tỉnh dậy, anh đau đớn và tủi hận nhìn đôi chân bị cắt cụt đến quá đầu gối, một cánh tay cũng bị cắt cụt đến khuỷu tay.
Anh lặng người nhìn thân thể tàn phế, không biết mình sẽ làm sao sống trong tấm thân què cụt này. Hạnh đang gục đầu ngủ gục trên giường, mái tóc nàng xỏa dài trên nệm và cả trên cánh tay còn lại của anh. Anh xót xa nhẹ vuốt mái tóc mềm của vợ, mắt buồn nhìn vào khoảng không, anh hình dung đến những ngày đã qua.
Anh gặp Hạnh khi đang thụ huấn tại trường huấn luyện sĩ quan Võ Bị Đà Lạt. Hạnh đang học năm thứ ba Nhiệm Ý tại phân khoa Chính Trị Kinh Doanh của Viện Đại Học Đà Lạt. Trong một lần đi phố ngày Chủ Nhật cô đơn, đi ngang qua hàng bán bắp nướng, anh thấy Hạnh đang xuýt xoa vì bắp nóng khi đưa lên miệng cắn. Anh bị thu hút bởi mái tóc dài xõa ngang lưng và dáng thanh tao của Hạnh trong chiếc áo manteau mầu tím. Hạnh đang xuýt xoa thì có cảm giác như có ai đang nhìn mình, ngước lên, nàng gặp ánh mắt nhìn sâu và đẹp của Trường. Trường sững người nhìn khuôn mặt của Hạnh, một cảm giác rất bình an và lòng rung động.
Anh làm quen với Hạnh và những ngày Chủ Nhật sau đó anh và Hạnh bên nhau đi dưới những hàng cây Phượng tím, những cây Tùng vững chãi hoặc trên bãi cỏ mượt như nhung của Đồi Cù trong không khí lành lạnh của Đà Lạt.
Khi anh ra trường thì anh và Hạnh tổ chức đám cưới với sự ưng thuận của hai bên gia đình.
Sau đám cưới, Trường được biệt phái về tiểu đoàn 11 Nhẩy Dù nổi danh được mệnh danh là “Song Kiếm Trấn Ải” và lao vào cuộc chiến khốc liệt trong mùa hè đỏ lửa 1972. Hạnh ở lại học hết bằng cử nhân Chính Trị Kinh Doanh và về Sài Gòn làm cho ngân hàng Việt Nam Thương Tín.
Làm người vợ lính thật lo sợ, cảm giác bất an ngày từng ngày không biết chồng mình đang ở nơi nào trên 4 vùng chiến thuật. Sợ vô cùng khi nghĩ đến một ngày nào đó đồng đội anh đến gõ cửa báo tin...
Trường chiến đấu trên các chiến tuyến với hình ảnh của người vợ trẻ thân yêu trong trái tim...
Bây giờ anh nằm đây, tàn phế, bất lực và Hạnh, người vợ thân yêu của anh đó. Anh phải làm sao đây?.
Anh dùng cánh tay còn lại vuốt nhẹ trên tóc vợ, Hạnh giật mình tỉnh dậy nhìn anh ràn rụa nước mắt. Nàng choàng tay ôm chồng, đầu gục trên ngực anh. Hơi ấm của anh tỏa ra, Hạnh hít thở mùi quen thuộc của chồng. Hai vợ chồng nghẹn ngào trong nước mắt. Trường vuốt tóc vợ, giọng khàn đục.
- Em, em hãy quên anh đi! Em không thể sống với một người tàn phế như anh bây giờ.
- Anh, anh ơi! Hạnh nức nở, em chỉ cần có anh bên em, hạnh phúc của em là có anh bên cạnh. Trường chảy nước mắt nhìn vợ lòng nghẹn ngào thương vợ thương mình.
Ôi!
Cuộc chiến ý thức hệ tương tàn, khốc liệt, bàn cờ của thế giới đã gây biết bao thảm cảnh. Nếu chỉ nói về con số thương vong thôi thì đó chỉ là những con số thống kê. Phải là những gia đình có con, có chồng, có cha đã hy sinh nằm xuống hoặc để lại một phần thân thể cho quê hương mới cảm nhận được tất cả những xót xa, những đau đớn âu lo khi những người con, người chồng, người cha thân yêu đang gian khổ trong những cuộc hành quân, những trận chiến liên miên, ngày ngày trực diện với cái chết.
Rồi một ngày đau thương u ám, người con yêu thương của mình, người chồng mình đầu ấp tay gối của mình, người cha thân yêu của mình đang chiến đấu ở chiến trường đã anh dũng nằm xuống, vành khăn sô cho người vợ thân yêu, những vành khăn trắng chít vội vã lên đầu những đứa trẻ vô tội mới thấy được sự tàn nhẫn đến ghê rợn của chiến tranh..
Hạnh vẫn tiếp tục đi làm ở ngân hàng, Trường được gia đình hai bên giúp đỡ mở một tiệm sách nhỏ bán sách và dụng cụ học sinh gần một trường trung học nam. Nhìn những nam sinh trong quần xanh áo trắng đùa giỡn với nhau, Trường hình dung không biết tương lai của các em sẽ ra sao? Sẽ có bao nhiêu em sẽ đi lính, sẽ lao vào cuộc chiến và em nào còn lành lặn, em nào sẽ tàn phế như anh và em nào sẽ nằm xuống cho quê hương.
Trong muà hè năm 1974, được nghỉ 3 tháng hè. Tôi từ Đà Lạt về thăm gia đình ở Sài Gòn, tôi gặp chị Hạnh và anh Trường, anh chị ở cách nhà tôi 2 căn. Tôi cũng học Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt nhưng sau chị Hạnh hai lớp và một sự tình cờ khiến chúng tôi nhận ra đồng môn. Những buổi cuối tuần, chị Hạnh đẩy xe cùng anh Trường đi mua sắm thêm hàng hóa. Anh Trường ngồi xe lăn, Chị Hạnh mắt nhìn chồng âu yếm, tay xoa nhẹ trên bờ vai của chồng, anh Trường nắm nhẹ bàn tay của vợ bằng bàn tay còn lại. Hình ảnh thật đẹp, tôi ngưỡng mộ vô cùng. Tôi sực nhớ đến những câu hát trong bản Kỷ Vật Cho Em của nhạc sĩ Phạm Duy.
“Anh trở về trên đôi nạng gỗ
Anh trở về bại tướng cụt chân
Em ngại ngùng dạo phố mùa xuân bên người yêu tật nguyền chai đá”.
Nhưng không, hạnh phúc vẫn còn đó với anh chị Hạnh-Trường. Tình yêu và tình thương chân thật cùng tình nghĩa vợ chồng chan chứa trong từng mạch máu.
Tháng Tư 1975, Cộng Sản chiếm đóng miền Nam, thiết lập một chế độ hà khắc nghèo đói và vô nhân tính bao trùm miền Nam. Cả miền Nam đói, những người vợ, người mẹ ra chợ trời, đi buôn hàng chuyến, bó thịt vào bắp chân để qua mắt kiểm soát thị trường. Cả miền Nam ăn bo bo, bệnh tật lan tràn: Dịch đau mắt, dịch ghẻ, dịch sốt suất huyết...Những sĩ quan VNCH phải đi tù cải tạo chết lần mòn trong lao lực, đói khổ. Những nhà khá giả bị Việt Cộng lấy nhà đuổi đi kinh tế mới...
Tôi xúc động khi nhớ lại 1975, các anh Thương Phế Binh đang điều trị tại Tổng Y Viện Cộng Hòa bị Việt Cộng tàn ác vào đuổi ra khỏi nhà thương. Trên đầu, chân tay, thân thể các anh còn băng bó, còn máu me, khốn khổ, ánh mắt thất thần. Biết đi đâu, về đâu? Có ai cầm được nước mắt?
Dân miền Nam quằn quại sống trong đau thương, tủi nhục, không tự do.
Và rồi...
Dân chúng tìm cách ra đi bằng đường bộ, bằng đường biển cho dù có chết chóc, cho dù có bị hải tặc cướp bóc và chết đói, sóng gió bão bùng trên đường vượt thoát, nhưng vẫn còn hơn là sống rên xiết dưới chế độ Cộng Sản vô nhân tính.
Có câu nói:
“ Cái cột đèn nếu biết suy nghĩ cũng sẽ đi”
“ Một là con nuôi cá, hai là con nuôi má”
Tôi, sau bao lần vượt biển không thoát, được mẹ và em trai bảo lãnh sang Montreal, Canada. Những ngày đầu chật vật với cuộc sống nơi xứ người, làm việc bằng chân tay, phải quên đi quá khứ nhưng chúng tôi có tự do, có an ninh, con cái được theo học trong một môi trường văn minh tân tiến. Chúng tôi phải vừa làm vừa đi học lại nhưng dần dần cuộc sống ổn định...
Tôi cùng một số anh chị em tổ chức một nhóm thiện nguyện tên là Les Perles với mục đích giúp đỡ, chia sẻ đôi chút với những người bất hạnh, kém may mắn hơn mình. Chúng tôi đã tổ chức những buổi gây quỹ bán vé có văn nghệ hằng năm để giúp đỡ các người vô gia cư ở Montreal và cứu trợ đồng bào chiến cuộc Ukraine...
Tháng 9-2023, Les Perles đã tổ chức gây quỹ Bữa Tiệc Tình Thương cho Homeless và trợ giúp các Thương Phế Binh VNCH bằng cách tham gia bán đồ ăn trong hội chợ Vietfest vào ngày 1 Sept 23 và bán vé có văn nghệ gây quỹ vào ngày 24 Sept 23. Các nghệ sĩ Montreal đã trình diễn văn nghệ với một chương trình văn nghệ đặc sắc.
Trong phần văn nghệ chúng tôi có nhạc cảnh Nhớ Người Thương Binh với ba bản nhạc:
- Anh Đi Chiến Dịch
- Kỷ Vật Cho Em
- Nhớ Người Thương Binh.
Khi soạn nhạc cảnh, xem video trên YouTube của Theo Dấu Giầy Sô với những cảnh chiến tranh của Việt Nam, những cuộc chiến tái chiếm lại cổ thành Quảng Trị. Có những đoạn camera chiếu cận cảnh hình dáng, khuôn mặt của các anh chiến sĩ. Lòng tôi thật xúc động chảy nước mắt, không biết các anh lính ấy bây giờ ra sao? Còn sống hay đã hy sinh hay đã tàn phế. Rồi xem đến những hình ảnh cuộc sống khốn cùng vất vưởng mà các anh Thương Phế Binh phải chịu đựng sau 1975 thật buồn, mắt rưng rưng lệ.
Màn nhạc cảnh trình diễn: Cảnh tiễn đưa, tiếng máy bay, tiếng súng nổ, cảnh chiến trường, cảnh các anh ngã xuống được băng bó đã đưa khán giả trở lại những ngày tang thương của đất mẹ. Có nhiều người khóc lúc nghe hát:
“ Em hỏi anh bao giờ trở lại, xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về...”
Khi xem đến cảnh các anh: Người là Thương Phế Binh tàn tật đi bán vé số, người thì bị mù dạo đàn, người thì đi khập khiễng...Các anh nương vào nhau, dìu dắt nhau đi, rất nhiều khán giả đã xúc động chạy theo cho tiền.
Khán giả khóc, anh chị em diễn viên đóng cũng khóc.
Mới hay, tình thương dành cho các anh vẫn tràn đầy.
Thật may mắn, chúng tôi tìm được đúng nguồn lo cho các anh Thương Phế Binh, giúp chúng tôi gửi tặng được khoảng 30 anh Thương Phế Binh trong hoàn cảnh kiệt quệ nhất. Mỗi anh Thương Phế Binh nhận được 5 triệu đồng VN. Và chúng tôi cũng đã nhận lại được hình ảnh của các anh Thương Phế Binh đã nhận được tiền tặng của Les Perles.
Nhìn hình của các anh thương lắm, tất cả các anh đều đã rất già, sống rất nghèo khổ có những anh cụt tay cụt chân và mù cả đôi mắt, bịnh hoạn, ở nhà không ra nhà, lều không ra lều. Cho dù nhận được tiền nhưng các anh không thể nở một nụ cười. Tôi xót xa vô cùng!
Khi trận chiến khốc liệt, bạn bè tôi đang học phải dang dở việc học để tòng quân nhập ngũ. Có bao nhiêu bạn bè tôi trong số các anh Thương Phế Binh khốn khổ đó?
Nhìn một trong các hình nhận được, tôi giật mình khi thấy dáng quen quen của một anh bị cụt tay và cụt cả hai chân.
Bên cạnh anh là một người phụ nữ hom hem, mắt kèm nhèm, da đen sạm, tóc bạc và thưa. Nét mặt anh chị thấy rất quen. Không lẽ???
Tôi gọi điện thoại hỏi thăm người giao tiền thì được ông cho biết đó là anh chị Hạnh–Trường.
Trời ơi!Thực sự là chị Hạnh, anh Trường?
Thời gian và cuộc sống khốn khổ của người Thương Phế Binh dưới chế độ của Cộng Sản đã biến anh chị ra như thế này sao?
Người giao tiền kể:
“ Anh chị rất khổ, anh giờ đi bán vé số, chị bị mắt yếu kém và bệnh tật nên ở nhà cơm nước bữa rau bữa cháo tùy theo số tiền ít ỏi mà anh mang về được, anh chị không có con. Tuy cực khổ là thế nhưng anh chị rất thương yêu nhau. Anh với tấm thân tàn phế nhưng vẫn cố gắng lo cho chị, săn sóc khi chị đau yếu bằng cánh tay còn lại của mình.”
Tôi nước mắt ràn rụa thương anh chị, một đôi nam nữ thanh tú, tài năng. Vì chiến cuộc tương tàn của anh em kẻ Bắc, người Nam đã trở thành những người khốn khổ, sống ở mức tận cùng của xã hội. Niềm thương xót và thương cảm khiến tôi lặng người.
Anh chị em ơi! Tổ Quốc VN và chúng ta nợ các anh lính VNCH, các anh Thương Phế Binh nhiều lắm. Trong lúc chúng ta an bình ở hậu phương, an tâm ăn học thì các anh từng giờ, từng ngày trực diện với cái chết, tay cầm súng mà lòng khắc khoải ước mong có một ngày ngưng tiếng súng để các anh được trở về với gia đình...
Bản nhạc” Một Mai Giã từ Vũ Khí “ của nhạc sĩ Ngân Khánh có những câu trầm buồn như sau.
“Rồi có một ngày, sẽ một ngày chinh chiến tàn
Anh chẳng còn chi, chẳng còn chi ngoài con tim héo em ơi...
Rồi anh sẽ dìu em tìm thăm
Mộ bia kín trong nghĩa địa buồn
Bạn anh đó đang say ngủ yên
Xin cám ơn, xin cám ơn người nằm xuống...”
Hôm nay là cuối Thu, nhìn ra ngoài, cây cối đã rụng gần hết lá vàng, chỉ còn lác đác vài chiếc là mong manh còn đậu lại trên cành. Tôi liên tưởng đến các anh Thương Phế Binh VNCH, thân phận và cuộc sống của các anh cũng giống những chiếc là vàng héo úa kia. Rồi sẽ rơi rụng hết.
Thật buồn.
Kiều Sơn.
3 November 2023
Video về ca nhạc cảnh "Nhớ Người Thương Binh".