Ngày ...tháng 3 – 1975
Khoảng giữa tháng ba, tôi từ Saigon trở lên Đà lạt lại. Lên Đà Lạt lại là vì trước đó một tuần tôi có về Saigon để tiễn TQN đi du học. Nam rời phi trường Tân Sơn Nhất hình như là ngày 13-3.
Về Saigon tiễn bạn QGNT 73 đi du học. TQN và Hạnh ở giữa là "Mười Năm Tình Cũ" 1975 - 1985
Như thường lệ khi tới Bảo Lộc, các xe đò dừng lại các quán cơm bên đường cho hành khách xuống xe ăn trưa, rửa mặt, uống thử trà...Vừa xuống xe tôi gặp một số anh em sinh viên Đà lạt bạn học sửa soạn leo lên chiếc xe ngược chiều về Saigon. Nhóm sinh viên này tôi quen thân vì cùng ở chung tại Đại học xá Trương Vĩnh Ký năm trước. Trong nhóm có anh Phạm văn Cực hay Nguyễn văn Cực gì đó, cái tên rất đặc biệt mà tôi nhớ đến bây giờ. Nhiều khi tôi nghĩ hay là tên anh này khi làm khai sanh họ ghi lộn dấu, nhưng có lẽ là không ̣đâu, vì tên Cực chỉ có thể có dấu sắc mà không thể có dấu gì khác hay không dấu, mà dấu sắc thì kỳ quá..
Đề cập tới Cực vì khi về Saì gòn, Cực có nhờ tôi lại nhà ở cư xá Lữ Gia và bà già Cực gởi tôi mang lên cho Cực gói lạp xưởng và mấy ngàn đồng. Khi gặp Cực, Cực chỉ nhận tiền còn gói lạp xưởng thì Cực cho tôi. Tôi tỏ vẻ ngạc nhiên vì sao các anh em này về Sài gòn lúc này và về chung một đám đông như vậy. Tôi không nhớ rõ là các bạn ấy trả lời ra sao.....
Tiễn các bạn ấy lên xe về lại Saì gòn tôi cũng không có một ý nghĩ hay thắc mắc gì và không biết rằng mình đã gặp Cực và các bạn lần này là lần chót.
Các bạn học đồng môn tại Đại Học Xá Trương Vĩnh Ký năm 1974. Các bạn đến từ Đà Nẵng, Nha Trang, Bảo Lộc, Sài Gòn, Rạch Giá.
Cơm nước xong xuôi, tôi lên xe tiếp tục đi Đà lạt. Lần nào cũng thế, khi chiếc xe đò bắt đầu vô tới thị xã Đà lạt, nhìn bên trái khi thấy thấp thoáng đỉnh tháp nhà thờ Con Gà, là tài xế hay anh lơ xe phát ra bài nhạc do ca sỹ Chế Linh hát : “ Thành phố buồn, nhớ không em, ngày Chủ nhật, ngày của chúng mình..Thành phố nào vừa đi đã mỏi...” Những lần trước, khi nghe bài nhạc này, tôi không bao giờ để ý, thế mà hôm đó một cảm giác buồn mang mác khi nhìn thành phố âm u trầm lặng và nghe những lời nhạc cũng buồn rũ rượi này...
Nhà thờ Con Gà , có con gà trên đỉnh cây thánh giá.
Ngày hôm sau, tôi đi học như thường lệ, để ý thấy như có vẻ ít sinh viên tới trường hơn, sinh hoạt học đường như có vẻ vắng lặng hơn. Quán nước trước cổng viện hôm nay vắng vẻ khác thường. Buổi chiều đang ngồi học trong lớp Anh Văn với giáo sư Tạ Tất Thắng thì đột nhiên nghe cái gì bên ngoài ồn ào, ai đó đang la lối ...mà trong lớp bà con cũng nhốn nháo nhưng không ai chịu ra ngoài xem xem cái gì đang xảy ra...Khi ra về sau giờ học, tuy không ai biết đích xác là chuyện gì đã, đang và sắp xảy ra...nhưng trên khuôn mặt ai cũng tỏ vẻ lo lắng.. Và tôi cũng không biết đó là lần cuối cùng tôi còn ngồi học tại Viện Đại Học Đà Lạt.
Những ngày sau đó tôi lang thang tá túc tại nhà Quý, một người bạn Đà Lạt mà tôi quen vì cả hai đều thích đàn địch ca hát. Căn phòng mà tôi thuê chung với ông anh văn nghệ ở khu bánh xèo Duy Tân gần đại học xá, ông ấy đã dọn ra khi tôi về Sài gòn và không báo trước cho tôi một tiếng. Nghĩ lại, phải chăng ông ấy đã biết trước ? Riêng tôi thì lêu bêu không nhà không cửa, may mà có Quý giang tay giúp.
Còn nhớ một buổi sáng tại nhà Quý, nghe radio đài Sài gòn đã có lệnh tổng động viên tăng lên một tuổi, mấy năm nay được ở nhà ăn học là nhờ cái án QGNT được tăng lên một tuổi so với các thanh niên cùng lớp khác. Bây giờ nếu mà tăng lên một tuổi cho mọi người thì tôi sẽ cầm chắc là gia nhập quân đội.
Hồ Xuân Hương, Vườn Hoa phun nước , Cầu Ông Đạo, Nhà Thủy Tạ trước 1975
Trong thời gian này rảnh rỗi tôi và Quý hay đi uống cà phê, khi thì Thủy Tạ vì rất gần nhà Quý, khi thì Hạnh Tâm ngay bờ hồ, nhưng nhiều nhất vẫn là quán TĐ gần khu Hoà Bình. Tôi là khách quen của quán này, uống cà phê có sổ bộ đàng hoàng, tức là có quyền ký sổ. Trong một dịp ngồi tại đây thì bà chủ ngỏ lời kêu tôi về ở, khi biết tôi lang thang lếch thếch. Bà đề nghị là tôi dọn về ở với đứa con trai út của bà, coi chừng quán và nhà cho bà, bà và gia đình sẽ di tản về Nha Trang. Bà còn hứa là khi có đột biến bà sẽ lo cho tôi và thằng con trai út dzọt ngay.
Ở với Quý thì vui nhưng tôi cũng ngại lắm vì gia đình Quý đông em, nay có người gọi mình về ở nhà rộng rãi lại có quán cà phê nữa thì còn gì bằng. Tôi đồng ý ngay sau khi đã bàn với Quý.
Thời gian này thì thỉnh thoảng tôi cũng gặp anh Ph, anh ấy rất mừng là tôi đã có nơi ăn chốn ở, trước đó thì anh ấy có vẻ “quê” khi gặp tôi, vì cái chuyện trả nhà mà không cho tôi biết. Anh ấy luôn luôn bảo tôi là tình hình không sao đâu, trường Võ Bị và Chiến Tranh Chính Trị vẫn hoạt động bình thường. Tôi không bao giờ biết đích xác là anh Ph đi làm cho cơ quan nào. Theo như anh bày tỏ thì có vẻ anh làm nhân viên “chìm” cho cơ quan nào đó trên thị xã. Anh luôn mặc đồ civil dân sự đi làm nên tôi tin là anh có biết về những “ tin tức sốt dẻo “ tại Đà lạt lúc đó. Anh hứa chắc nịch với tôi là khi Đà lạt có lệnh di tản là anh ấy sẽ lái xe zeep lại quán cà phê ̣̣đón tôi ̣đi ngay tuýt xuỵt.
Caphe Hạnh Tâm bên trái hình , bến xe đò bên phải của hình, có hai chiếc xe đò đang đậu.
Một buổi sáng tôi xách đồ ra bến xe đò định mua vé xe về Sài gòn, vì đi đâu gặp người quen họ cũng hỏi :" Sao ông còn ở đây.." làm mình cũng xốn xang. Ra bến xe thì tình cờ gặp Phong QGNT73. Không biết có ai QGNT74 còn nhớ anh Phong này không, anh là người rất ít nói, quần áo lúc nào cũng sạch sẽ chải chuốt, và thuộc loại đẹp trai. Phong cũng từ Sài gòn lên Đà lạt học như tôi. Có gặp nhau thường xuyên trên viện nhưng ít khi nói chuyện được lâu. Tại bến xe Phong và tôi ngán ngẩm nhìn bà con chen chúc trên những chuyến xe đò, hành khách ngồi cả lên trên mui xe..Không có một chuyến nào về Sài gòn mà chỉ có những chuyến ra Phan Rang hay đi Nha Trang. Ngay cả về Bảo Lộc cũng không. Hai thằng lủi thủi chia tay ra về.
Sau này khi về lại Sài gòn tôi có liên lạc với Phong, Phong ở một căn nhà tại khu Lê Văn Duyệt gần cống Bà Xếp thì phải. Tôi nhớ rõ vì phải đi qua cầu gỗ chênh vênh mới tới nhà Phong. Và một hôm thì nghe Phong chết vì điện giật khi hắn ta mới tắm xong mà cắm điện bàn ủi ủi quần áo ngay.
Ngày 30 tháng 3 – 1975
Tôi nhớ rõ ngày này vì nghe radio đâu đó từ đài cộng sản, tiếng cô xướng ngôn viên giọng đanh thép : “ Đà nẵng đã được hoàn toàn giải phóng..”
Thời gian này thì tôi “ngự trị” trên căn lầu của quán cà phê TĐ, quán đã đóng cửa. Ban ngày tôi cũng đi lòng vòng quanh phố vì chả biết làm gì nữa. Gần chợ thấy bà con mang những trái xúp lơ ra bán đầy đường, ít có người mua, dần dần họ lại mang những trái xúp lơ này bày bên lề đường từ Khu Hòa Bình xuống dưới đường dốc. Những người làm vườn này vì muốn bán tống bán tháo số rau xúp lơ nên họ bày bán tràn lên lề đường và cũng chả có nhân viên công quyền nào ngăn cản. Từ từ số rau xúp lơ này được bà con mua rẻ mang về nhà phơi khô ăn dần trong những ngày vô định không biết tình hình rồi sẽ ra sao.
Không khí Đà lạt trong những ngày này có vẻ yên lặng, ai rời khỏi được thì đã rời, mọi sinh hoạt phố chợ thì cầm chừng, nhiều hàng quán tiệm buôn đã đóng cửa. Mọi người như đang chờ một cái gì đó cực kỳ quan trọng xảy đến...
Hồ Xuân Hương và Nhà Thủy Tạ, tháng 2-2020.
Ngày ...tháng 4 - 1975
Cái cực kỳ quan trọng đó đã xảy đến trong một đêm khuya, khoảng 10 hay 11 giờ đêm, đang nằm ngủ trên lầu, tôi nghe những tiếng nổ kinh hồn, chát chúa như tiếng bom...vang vọng rất gần. Sau một hồi nấn ná không biết làm gì, tiếng nổ vẫn tiếp tục như thúc dục phải làm một cái gì đó, tôi xách cái túi có sẵn hai bộ quần áo mở cửa ra đường đi lên dốc về phía khu Hoà Bình, gọi là đi để mà đi vì mình cũng chả biết đi đâu. Lên khu Hoà Bình vì địa điểm này được coi như trung tâm của thành phố Đà lạt. Lên đây vì nghĩ có thể có tổ chức nào cứu trợ hay chỉ dẫn các tin tức cần thiết, cho mình biết là phải đi đâu làm gì trong tình thế dầu sôi lửa bỏng như vậy. Lên đây để may ra tìm được người quen nào không. Tới khu Hoà Bình thấy lác đác vài ba người mặt mày hớt hải, đăm chiêu, rõ ràng là họ cũng không biết phải làm gì như mình. Tiếng ̣nổ nghe rõ vọng từ khu thác suối Cam Ly vẫn ầm ầm liên tục và toả ra những ánh sáng màu vàng trên bầu trời.
Caphe Hạnh Tâm đèn sáng bên trái hình và vòng tròn nước phun ngay trung tâm.
Khoảng nửa giờ đồng hồ sau, những tiếng nổ nhỏ dần và im bặt trả lại cái không khí im lặng cho khu phố. Đứng trên khu Hoà Bình nhìn xuống phía công viên phun nước trước quán cà phê Hạnh Tâm, cả một vòm trời tối đen, dãy phố bên tay phải thỉnh thoảng có nhà có bóng ̣đèn leo lắt, bên tay trái nơi có những kios bán đồ kỷ niệm thì nằm im lìm. Xa xa về phía bờ hồ, một vài ngọn đèn đường còn sáng toả ra những ánh yếu ớt. Bên tay trái khu Hoà Bình nơi có quán Mê Kông, vài ngọn đèn đường cũng vàng vọt lúc cháy lúc mờ....tạo cho khung cảnh có vẻ ma quái và buồn bã không thể tả.
Khu Hoà Bình tháng 2 năm 2020
Chợt nhớ lại mình đang đứng trên khu phố sầm uất, khu trung tâm của thành phố Đà lạt, thành phố đẹp, nổi tiếng của Việt nam...Bây giờ nó vắng lặng dưới vài ba bóng đèn chớp tắt yếu ớt, như nhịp tim cùa người bệnh đang hấp hối, chờ đợi....
Chợt nhớ là chả có ai lại đón mình đi di tản như lời hứa của ông anh văn nghệ, của bà chủ quán cà phê, lúc này mới khám phá ra là thằng con út của bà đã ra đi từ lúc nào không biết, vì nguyên ngày ở nhà chả thấy nó đâu cả.
Đứng chờ một hồi nữa, tôi lững thững về nhà, lên giường nằm cuốn chăn và nghĩ không biết ngày mai sẽ ra sao, tưởng tượng nếu có đánh nhau, đạn pháo kích hay bom bỏ vô khu phố mình đang ở, có lẽ rồi mình cũng sẽ “ bỏ xác “ lại nơi thành phố hoa đào dấu yêu này.
Ngày hôm sau thành phố coi như vô chủ, ngoài đường không thấy lấy một bóng nhân viên cảnh sát hay quân nhân nào. Thỉnh thoảng nghe tiếng súng nổ dòn ở phía khu chợ. Một vài bà gánh hàng rong gánh những gánh rau trái vừa đi vừa rao bán. Khu chợ mới bên dưới lác đác vài bạn hàng. Khu phố trước và chung quanh khu Hoà Bình thì hoàn toàn đóng cửa. Lang thang về phía sau khu Hoà Bình thì thấy một số quán cà phê lề đường còn mở cửa, trong số này có quán Văn. Vài ba thanh niên ngồi chúi đầu hút thuốc uống cà phê. Tôi lựa một bàn sát hàng hiên ngồi nhìn ra đường xem xem có gặp người quen nào không.
Uống gần hết ly nước trà đầu tiên thì thấy Dũng và một anh bạn đi qua, mừng quá gọi hai ông “thầy” này vô ngồi uống cà phê cho vui. Dũng hôm nay cũng vẫn quần là áo lượt, giầy láng coóng. Dũng có đi lính nhưng tôi cũng không biết Dũng đi lính gì, quen nhau tại quán cà phê và Dũng luôn mặc đồ “civil” . Dũng thích đi nhảy đầm và hay lại quán TĐ vì có trồng cây si cô cashier, con bà chủ quán. Tôi thì ngồi quán này nhiều nên gặp mặt nhau riết rồi cũng quen thân. Tôi ngỏ lời rủ Dũng về ở chung tại quán cà phê cho vui..
Mấy hôm sau Dũng lại và đưa khoe tôi những gói giấy bóng nho nhỏ bằng móng tay màu xanh, đỏ, vàng... Nhìn vào là tôi đã đoán ngay là “ xì ke “ . Dũng nói hắn lấy được những gói này qua các người bạn cuả hắn lấy trên tòa án. Tôi còn nhớ lúc đó tôi có các đĩa nhạc "Let It Be" của Beatles, "Mother" của John Lennon, "Aubrey" của Bread và một vài đĩa khác . Nằm nghe "Let It Be" và "Accross the Universe" sao mà mệt mỏi và chán chường không chịu được. Không biết ngày mai ra sao, chừng nào mới về lại được Sài gòn với gia đình đây.
́
Ngày ...tháng tư – 1975
Sáng nay đang ngủ thì nghe có tiếng hô to bên dưới đường, tôi giật mình dậy và vén màn cửa sổ nhìn xuống đường. Tôi thấy có vài ông bộ đội cầm súng ̣đi hàng một về phía cuối dốc, khuôn mặt ai cũng có vẻ đăm chiêu, nhìn thẳng về phía trước. Theo sau có hai ba bà vừa đi vừa hô những khẩu hiệu mà tôi không còn nhớ là gì.
Một hồi sau thì có chiếc xe zeep chạy ngang qua với cái loa phóng thanh yêu cầu bà con tập trung lên khu Hòa Bình. Lúc đó tôi băn khoăn lắm, không biết ra ngoài đó có cái gì không, không ra thì lỡ có ai cầm súng gõ cửa hỏi sao không ra thì biết trả lời sao.
Tôi mặc áo quần chỉnh tề, khoác thêm chiếc áo len, hôm đó trời Đà lạt u ám và lạnh, thủ trong mình giấy tờ tùy thân, thẻ căn cước, thẻ sinh viên, giấy hoãn dịch vì lý do học vấn...Khóa cửa cẩn thận tôi theo dòng người đi ngược lên phố. Tới trước khu Hòa Bình đã thấy một số người đứng chờ sẵn, có một số thanh niên quàng khăn đỏ đứng rải rác, tuyệt nhiên không thấy bóng dáng một ông bộ đội nào. Trên mặt tiền khu Hòa Bình nơi vẫn có những “băng đờ rôn” quảng cáo phim cine, thì hôm nay thấy xuất hiện lá cờ màu xanh đỏ chính giữa là ngôi sao vàng, phía dưới có hàng chữ “ Không có gì quí hơn độc lậ̣p tự do “. Tôi không tìm thấy một khuôn mặt quen thuộc nào trong đám đông khoảng hai trăm người.
Khoảng 10:00 giờ sáng thì từ phía sau khu Hoà Bình có một chiếc xe zeep chạy tới và đỗ xịch trước sân khán đài. Một người mặc bộ quần áo xanh bộ đội, áo bỏ ngoài quần, không đội nón, đeo chiếc khăn quàng...từ từ tiến tới trước cái micro đã đặt sẵn. Ông ta nói đại khái là bây giờ Đà lạt đã được giải phóng, bà con yên ổn về nhà làm ăn, chờ đợi các thông báo mới của chính phủ cách mạng. Có những tiếng vỗ tay rời rạc tiếp theo đó...Nói chung ai ai cũng có vẻ băn khoăn, thụ động...không biết rồi sự việc gì sẽ xảy ra kế tiếp....
Những ngày sau đó Dũng và tôi đi lang thang qua nhiều hang cùng ngõ hẻm tới nhà những người quen của Dũng lấy về một số băng đĩa nhạc cũ. Lần nào thấy những chiếc xe zeep đi ngược chiều là hai thằng cũng mau mắn đưa tay lên vẫy. Đứa nào cũng có cảm tưởng là nếu không đưa tay lên vẫy thì mấy ông ấy sẽ cho là không ủng hộ cách mạng và sẽ gặp rắc rối. Để ý bà con đi ngoài đường, không ai bảo ai, ai cũng làm như mình....
Ngày ....tháng 4 – 1975
Thời gian này tôi gặp lại hai anh chàng dân chơi Đà lạt là Nh và D, Nh là một vũ sư hay xuất hiện ở vũ trường Đào Nguyên, Nh có đi lính và có vẻ như sống bụi đời. Còn D là người Việt gốc Hoa, gia đình có cơ sở làm ăn ngay phố. Hai anh chàng đều dong dỏng cao, khuôn mặt lộ vẻ phong sương lịch lãm. Khi biết tôi lúc đó đang một mình tạm trú tại quán cà phê, anh chàng D rủ tôi mở cửa quán cà phê lại bán lai rai cho vui. Dĩ nhiên tôi vui vẻ nhận lời ngay vì trong nhà còn đủ “vật liệu “ như đường, sữa đặc, cà phê, trà.v.v...
D là dân làm ăn buôn bán nên làm đâu ra đó, pha cà phê đầy đủ đậm đà ngon lành như xưa, nhạc thì để nhạc hoà tấu Paul Mauriat nhẹ nhàng, tôi còn nhớ là có cuộn tape nhạc “ Saigon 10 “ toàn là nhạc hoà tấu Paul Mauriat.
D lo chạy vòng ngoài còn tôi thì lo trong bếp. Ngày ngày anh em bạn đến uống cũng khá đông. Còn nhớ anh em có tin tức chiến sự gì mới thì vưà ngồi xuống ghế đã kể cho nhau nghe ngay. Thời gian này tin trận mạc ở Phan Rang và Long Khánh là sôi động nhất...
Ngày 30-4-1975
Một ngày như mọi ngày từ sáng cho tới chiều tối. Khoảng lúc trời nhá nhem tối, quán vắng khách, D và tôi ngồi tại bàn trong cùng, nơi chúng tôi vẫn ngồi tán dóc khi rảnh rỗi. Có hai bàn khách bốn thanh niên ngồi nói chuyện nho nhỏ vừa đủ nghe. Cửa quán chợt mở và anh chàng Nh xuất hiện, tay cầm chai rượu vang, từ từ tiến lại bàn tôi ̣đang ngồi, chậm rãi kéo ghế và ngồi xuống. Tay đặt chai rượu lên bàn và nhìn D và tôi chậm rãi nói : “ Tôi mới nghe đài BBC .”
Tự nhiên trong quán im bặt, không ai có thể thốt ra lời nào, ngay cả hai bàn đang có khách ngồi cũng im lìm. Cái im lặng kéo dài khoảng mười lăm hai mươi giây và tiếp theo là tiếng thở dài. “ Thôi, xong rồi.” Nh chợt mở miệng sau đó...
Ngày ...tháng 5 – 1975
Gia đình chủ nhà hôm nay về lại, lúc đó tôi mới biết là họ từ Saì gòn lên. Bà có kể chuyện Sài gòn, một lúc bà nói ...” Sao mà dại thế, chết làm chi, tội nghiệp cậu ấy , dân du học chứ có gì đâu mà tự tử....” Tôi hỏi bà khi nghe bà nói có một cậu du học Đài Loan, bà nói tên là TQC, tôi nghĩ ngay là anh C., anh của thằng bạn cùng lớp với mình là TAD, bà kể là gia đình này cả nhà tự tử ngay trong đêm 30. Tôi nghe xốn xang và hoang mang cùng cực, không biết tên D này ra sao.
Khoảng vài ngày sau thì tôi lên xe đò về Sài gòn, khi xe rời bến tôi còn cố ngoái lại nhìn lên khu Hoà Bình, quán cà phê Hạnh Tâm, khu rạp cine Ngọc Lan phía bên trên, nóc nhà thờ Con Gà, hồ Xuân Hương, vũ trường Đào Nguyên, khu nhà của Quý....Lần này không còn nghe bài nhạc “ Thành phố buồn, nhớ không em....” khi xe chạy qua khu đường này nữa....mà sao trong lòng thấy quặn đau.
Hết
Bấm PLAY nghe bài: Thành Phố Buồn - Chế Linh