|
Hòa tấu Paul Mauriat "Thais Meditation"
Thân Tâm An Lạc là một lời chúc đơn giản phổ thông gói ghém sâu đậm ý nghĩa và triết lý cuộc sống. Câu chúc này có thể được hiểu như một lời chúc cho cả thể chất lẫn tinh thần được bình an vui tươi hạnh phúc. Hạnh phúc thường được coi như thuộc về lãnh vực tinh thần và an mạnh thuộc về thể chất của con người, nhưng Hạnh phúc và An mạnh ở đây được nhấn mạnh cho cả thể chất lẫn tâm linh. Câu chúc đơn giản cổ xưa này phản ảnh rõ nét văn hóa Đông phương coi nội tâm quan trọng như bóng hình đi đôi với thế giới vật thể chung quanh.
Trước nay Đông phương có quan niệm tính tình tâm linh con người phát nguồn từ trái Tim hay Tâm can, nhưng khoa học thực nghiệm Tây phương đã chứng minh dần với hình chụp từ PET và fMRI cho thấy những phần khác nhau của não bộ bị đổi màu khi chúng ta có sinh hoạt lý trí hay có sinh hoạt cảm tính nghệ thuật và lương tri…
Ngoài ra người ta có thể thay tim cho bệnh nhân với những máy bơm máu tạm thời đơn giản mà không ảnh hưởng trực tiếp tới tâm thần hay các sinh hoạt tâm lý bệnh nhân. Chúc cho Thân Tâm An Lạc cũng là chúc cho cơ thể nói chung và bộ chỉ huy não bộ.
Các phương tiện văn minh di chuyển và các trao đổi dịch vụ kinh tế hoàn cầu hiện nay đã mang lại sự gặp gỡ trên nhiều lãnh vực của hai nền văn hóa Á và Âu. Chúng ta mượn lời chúc cho Thân Tâm An Lạc để khai triển sự tương quan giữa tâm linh, thể chất và sự gặp gỡ Đông Tây.
Trước nay văn hoá Tây phương có khuynh hướng coi trọng và dành nhiều nỗ lực nhằm phát huy các văn minh tiện nghi vật chất trong khi văn hóa Đông phương chú trọng vào các sinh hoạt có giá trị tinh thần truyền thống lễ nghi.
Gần đây những khám phá tiến bộ về y khoa và tâm lý học nối liền các bệnh trạng ngoài thể lý với các nguyên do có nguồn gốc từ tâm lý như âu lo phiền muộn và đau khổ vì mất mát hay thất bại … đã mang hai nền văn hoá vốn xa lạ khác biệt ngày một gần nhau hơn.
Sự trao đổi gặp gỡ đụng chạm của hai nền văn hoá về phương diện này mang lại nhiều phúc lợi và những xung khắc mâu thuẫn cần thiết cho quá trình cải thiện tiến hóa của ngành y khoa. Biên giới giữa thể chất và tâm linh đang trên đà gặp gỡ hoà nhập và nhạt nhòa dần. Chúng ta sẽ bắt đầu từ những kiến thức căn bản sinh lý, sự kiện, kết quả cụ thể có hệ thống để đi dần đến những nhận xét so sánh có tính trừu tượng, mang nhiều sắc thái kết hợp của hai ngành y khoa Á và Âu làm sáng tỏ thêm những tương quan giữa Thân và Tâm.
Cơ thể con người thường được chia làm nhiều hệ thống và cơ quan có trách nhiệm rõ rệt để duy trì bảo tồn sự sống, chữa thương, hay chống đỡ ngăn chặn bệnh tật. Các cơ quan hệ thống này được điều hành một cách tinh vi quy củ nhận lệnh từ não bộ và hệ thần kinh.
Vì vậy ngoài sự đảm trách và là trọng tâm của tư tưởng tâm linh, não bộ còn đóng một vai trò điều hành thể chất thường nhật không sai trật một ly cho từng giây phút từng nhịp tim hơi thở của cuộc sống mỗi người.
Ngoài hệ thống xương, da, và hệ thống bắp thịt là những hệ thống chúng ta thường trực tiếp và có khả năng huy động điều khiển mỗi ngày, cơ thể còn nhiều hệ thống trực tiếp điều hành bởi não bộ hay gián tiếp qua tiềm thức không do chúng ta trực tiếp nhận thức hay điều hành; các cơ phận hệ thống đó tiêu biểu như sau:
Hệ thống tiêu hoá gồm một số cơ quan liên kết làm việc với nhau để chuẩn bị hay nhai nghiền thực phẩm, phân hoá bằng dịch vị hóa chất, hấp thụ chất dinh dưỡng, phế thải các chất dư thừa khó tiêu hay độc hại và thanh lọc tái dụng lượng nước của cơ thể.
Hệ thống tiêu hóa bao gồm răng miệng thực quản bao tử ruột non ruột già hậu môn; gan và tuyến tụy cũng góp phần cho sinh hoạt tiêu hoá cung cấp các hoá chất dịch vị cần thiết.
Cơ thể gồm có rất nhiều tế bào, nhưng số lượng vi khuẩn vi trùng sống trong và trên người chúng ta còn nhiều hơn số lượng các tế bào. Các nhà vi trùng học cho rằng mỗi người có khoảng từ 3 tới 6 kí lô vi trùng. Nhiều vi trùng sống trong ruột già giúp chúng ta tiêu hoá và có nhiệm vụ chế tạo các loại sinh tố cần thiết cho cơ thể như sinh tố K và B12 … Vì vậy ngay trong phân người có khoảng hơn một phần ba là các vi trùng.
Hệ thống luân lưu giúp chuyển tải các chất dinh dưỡng, dưỡng khí thán khí, kích thích tố, kháng sinh kháng trùng, độc tố, chất dư thừa hoặc phế thải … đi khắp châu thân để nuôi dưỡng chữa lành các tế bào hay mang các độc tố và chất phế thải ra khỏi cơ thể.
Hệ thống quan trọng này gồm có các phần tử chính là tim, mạch, và máu. Cơ thể mỗi người có khoảng 5 lít máu và sẽ chết nếu bị mất từ 2 tới 3 lít. Sự khác biệt của các loại máu A, B, O … cho tới nay vẫn còn là đề tài nghiên cứu sôi nổi trong ngành di chuyền và tiến hoá vì sự cần thiết và vai trò quan trọng của máu trong sự nuôi dưỡng, chữa thương và chuyền bệnh trong cơ thể chưa kể đến sự nguy hại cho tính mạng khi chuyền máu cấp cứu không đúng loại vào cơ thể con người.
Vai trò của máu ngày nay trở nên quan trọng hơn khi người ta đã tìm ra cách thử nghiệm máu cho các bệnh ung thư và tìm ra nhiều căn bệnh ngặt nghèo vì máu đọng hay kém luân lưu. Tại nước Úc có một vị tên James Harrison năm nay 78 tuổi. Ông James sau khi được chuyền máu lúc 18 tuổi được thử nghiệm cho thấy trong máu của ông có một chất đạm đặc biệt.
Chất Đạm này có công dụng giúp khoảng 17 phần trăm phụ nữ Úc có hệ miễn nhiễm tìm cách tiêu diệt các tế bào hồng huyết cầu của thai nhi được di chuyền từ người cha nên khác với của mẹ. Từ đó ông James đã hiến máu mỗi tuần trong 60 năm qua.
Nhờ loại máu đặc biệt của ông người ta ước đoán tính đến nay đã có khoảng trên 2 triệu trẻ em sơ sinh được cứu sống nhờ vào lượng máu ông James hiến mỗi tuần.
Một thí nghiệm gần đây khi người ta thay máu của chú chuột già vào trong cơ thể chú chuột trẻ và thay máu chú chuột trẻ vào trong cơ thể chú chuột già thì không lâu sau óc chú chuột già bắt đầu tái sinh và óc chú chuột trẻ bị lụn bại.
Các cuộc thí nghiệm theo sau cho thấy nguyên nhân từ một vài chất đạm trong máu chú chuột trẻ đã giúp cho bắp thịt tim của chú chuột già co nhỏ lại và bơm máu mạnh hơn gián tiếp giúp cho óc đã già cỗi bỗng có nhiều nhiên liệu sinh hoạt mạnh và các tế bào não bộ tái sinh …
Các khoa học gia ngày nay đang chạy đua tìm cho ra những chất đạm có công dụng cải lão hoàn đồng này dù rằng công việc nhận diện chất đạm này không mấy đơn giản vì trong máu có hơn 100.000 các chất đạm khác nhau.
Hệ thống hô hấp làm việc và phối hợp trực tiếp chặt chẽ với hệ thống luân lưu bao gồm các cơ phận như miệng, mũi thanh quản và phổi. Nhiệm vụ chính của hệ thống hô hấp là lấy dưỡng khí từ môi trường chung quanh và đào thải thán khí do cơ thể tạo ra qua các phản ứng cung cấp năng lượng cần thiết cho sự sống hay các phản ứng tạo hóa chất chữa bệnh hay các kích thích tố hóc môn cần thiết cho sinh hoạt của cơ thể.
Con người thở khoảng 20.000 lần mỗi ngày trong các hơi thở đó cơ thể bị mất đi khoảng một lít nước. Thiếu thực phẩm người ta có thể sống khá lâu, thiếu nước uống con người có thể tồn tại được vài ngày, nhưng thiếu không khí thì não bộ và con người sẽ chết sau vài phút.
Hệ thống tuyến mạch gồm 8 mạch chính tiết ra các kích thích tố trong máu để điều hoà các sinh hoạt và các giai đoạn phát triển tăng trưởng sinh lý của mỗi người. Hệ thống này còn chịu trách nhiệm phân phối, thu hồi, dự trữ các chất chống bệnh hoạn và làm việc mật thiết với thận và gan để điều hoà các sinh hoạt này.
Hệ thống phế thải gồm có thận và bong bóng nước tiểu chịu trách nhiệm duy trì huyết áp, lượng muối, các chất i ôn và chất đạm trong máu. Áp huyết cao nguy hại cho tim óc và những chất muối lượng nước không điều hoà cân bình sẽ gây thiếu nước hại chết tế bào nhưng dư nước làm bể cũng hại chết các tế bào.
Thận làm việc không nghỉ mỗi ngày để lọc khoảng 200 lít máu, thải ra khoảng gần 2 lít nước tiểu chứa đựng các độc tố hay hoá chất thặng dư có hại cho cơ thể.
Hệ thống não bộ và thần kinh phối hợp mật thiết điều hành mọi sinh hoạt của cơ thể. Máu và dưỡng khí là hai yếu tố chính nuôi dưỡng cung cấp nhiên liệu cho não bộ hoạt động như một nhà máy phát điện thông minh gởi ra các dòng điện tín hiệu cần thiết qua hệ thần kinh những mạch điện chằng chịt từ cột xương sống chuyền đi khắp châu thân để điều hành và nhận các tín hiệu hay báo động từ các giác quan của cơ thể hay từ các cơ phận bị thương tổn hay bị xâm nhập bởi các vi sinh vật nguy hại … hầu đối phó cứu nguy.
Não bộ ở đây đóng vai bộ chỉ huy tối cao của quốc gia và quân đội. Hệ thống tinh vi nhỏ bé mềm mỏng bầy nhầy này được đặt trên điểm cao nhất của cơ thể và bảo vệ bằng bộ xương sọ vững chắc. Ngay cả các chất cần thiết trong việc nuôi và duy trì các sinh hoạt của não do máu mang tới óc cũng được kiểm soát nghiêm nhặt bằng hàng rào máu.
Chính vì sự bảo vệ nghiêm mật này, các bệnh tình liên can hay nằm trong não bộ thường khó chẩn đoán và điều trị vì hàng rào máu có khuynh hướng khả năng ngăn cản các loại thuốc men thông thường.
Những sinh hoạt điện lực của não bộ đòi hỏi rất nhiều nhiên liệu và dưỡng khí, vì vậy khoảng một phần tư lượng máu lượng đường lượng dưỡng khí hấp thụ mỗi ngày được luân lưu qua óc để được trưng dụng cho các phản ứng sinh hoạt của não bộ. Và cũng cơ quan nhỏ bé này chính là trọng tâm của mọi sinh hoạt từ trí nhớ cho tới những khái niệm chân thiện mỹ, các sáng tạo nghệ thuật và lòng từ bi trắc ẩn yêu thương.
Tất cả các hệ thống của cơ thể chỉ có thể hoạt động hữu hiệu duy trì sự sống và sức khỏe cho con người khi được cung cấp những yếu tố và nhu liệu cần thiết. Dưỡng khí, Nước, các loại Thực phẩm và ngay cả Đường trong máu là những nguyên liệu chính cần thiết cho sự sống đã được nhận biết từ nhiều thế kỳ.
Các cơ phận có nhiệm vụ quan trọng cho sự sống như tim óc phổi và gan cũng được nhận biết từ ngàn xưa, nhưng mãi đến năm 1941 chính phủ Hoa Kỳ mới chính thức phát hành danh sách cho RDA viết tắt cho Recommended Dietary Allowances liệt kê lượng trung bình các chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe con người gồm 18 sinh tố và khoáng chất; và mãi đến năm 2002 chính phủ Hoa Kỳ mới hoàn chỉnh thêm thành một danh sách tương đối tổng quát đầy đủ những số lượng căn bản cần thiết cho con người từ tinh bột, ca lô ri, chất bã, chất đạm, chất cồn và sự vận động tối thiểu để duy trì sức khỏe và tránh giảm bệnh hoạn.
Vì cơ thể mỗi người mỗi khác từ trọng lượng tuổi tác gen di chuyền sắc tộc loại máu … tất cả những số lượng đề nghị vẫn chỉ mang tính tương đối và trung bình. Tuy nhiên, sự cần thiết của chúng trở nên tuyệt đối khi vì lý do khác nhau cơ thể bị suy thoái bệnh hoạn đưa đến sự thiếu hụt hay thừa những chất những yếu tố được liệt kê.
Ngoài nhiên liệu để nuôi dưỡng, cơ thể còn cần những yếu tố và hoá chất nhất định không thể thiếu này để chế tạo những chất kháng sinh, chất đạm, kích thích, chữa trị, xây dựng … các tế bào của cơ thể. Thành phần chính của máu là các hồng huyết cầu có nhiệm vụ hấp thụ chuyển tải dưỡng khí và thán khi đi khắp châu thân. Dưới áp huyết và đường dẫn li ti của tim mạch các tế bào hồng huyết cầu to lớn nhưng mềm xộp này chỉ tồn tại khoảng 120 ngày tương đương khoảng 75000 chu kỳ máu được bơm qua tim.
Khi những mạch máu bị ngăn cản vì bệnh trạng hay tư thế đứng ngồi, sinh hoạt vận động khác thường ... thì các tế bào hồng huyết cầu lớn và xốp này bị chèn nén thêm nên hư hỏng thường xuyên và cần phải được chế tạo thêm và loại bỏ vì hư hỏng để tiếp tục duy trì sự sống.
Quan niệm Đông phương lấy khí huyết điều hoà làm trọng tâm của sức khỏe con người cũng được Tây phương ngày một quan tâm khảo cứu, chứng nghiệm được khá nhiều các căn bệnh thời đại gây ra do sự cản trở máu huyết lưu thông vì nhu cầu việc làm hay tư thế thói quen đứng ngồi không thích nghi. Phương pháp khí công hay tập thở dưỡng sinh từ Á châu cũng được Tây học tìm hiểu khám phá thêm những tương quan mật thiết giữa khí, huyết, và sức khỏe của con người.
Dù cơ thể có thể chế biến cấu tạo nhiều chất đạm kháng tố hay tế bào khác nhau từ những đơn chất hợp chất phổ thông, nhưng cơ thể cần 20 loại axít amin khác nhau mà chỉ có thể tự cấu tạo bào chế được 11 loại, tương tự có những chất béo cần thiết cho cơ thể nhưng cũng chỉ có được từ thực phẩm bên ngoài ăn vào để nuôi dưỡng cho cơ thể.
Thiếu những axít amin hay các chất béo này không lâu cơ thể sẽ sinh bệnh, yếu ớt và mai một. Trong mỗi giọt máu có khoảng 5 triệu tế bào hồng huyết cầu, nhưng nếu hồng huyết cầu chỉ thiếu một chất axít amin thì chúng sẽ không có khả năng chuyển tải thán khí ra khỏi cơ thể duy trì sự sống.
Danh sách liều lượng những chất cần thiết cho cơ thể được chính phủ Hoa Kỳ bổ túc cải thiện đến nay phản ảnh những kiến thức và khám phá của y khoa; nhưng những số lượng cần thiết cho cơ thể được đề nghị này vẫn chỉ là những con số trung bình không hẳn phù hợp cho mọi người vì những dị biệt cá nhân; quá thiếu sẽ sinh bệnh, nhưng quá dư thì đòi hỏi các hệ thống phải thanh lọc dự trữ làm việc nhiều hơn tạo sự mất quân bằng nguy hại hơn cho sức khỏe và các cơ quan như gan thận tim mạch và tính mạng.
Nguyên tắc liều lượng, trung bình, hay moderation của Tây phương ở đây so ra không mấy khác biệt với thuyết Trung Dung điều độ của Á Châu vì ngay cả những thực phẩm thông thường như trứng, sữa, đậu phọng … đôi khi trở nên chất gây dị ứng nguy hại. Lạ nhất là tới nay đã có khoảng hơn 50 người trên thế giới được định y là bị dị ứng với nước.
Một trong căn bệnh hiểm ác khó chữa của cơ thể được chú trọng nhiều hiện nay là bệnh ung thư. Chứng bệnh quái ác này đã hiện diện từ nhiều ngàn năm trước đây. Bệnh phát tác khi các tế bào sinh sôi nẩy nở bất thường và tước lấy hết chất bổ hay ngăn chặn nguồn bổ dưỡng nuôi các cơ phận hệ thống của cơ thể làm cho các cơ phận và con người bị chết vì thiếu dinh dưỡng.
Trong người chúng ta ít nhiều lúc nào cũng có sự hiện diện của các tế bào ung thư nhưng chúng không phát triển được khi cơ thể khỏe mạnh, não bộ và hệ miễn nhiễm hoạt động hữu hiệu.
Khi các hệ thống của cơ thể bị suy nhược vì thiếu dinh dưỡng hay bị các tác nhân tai hại như hoá chất, phóng xạ, thói quen xấu thiếu ngủ hay điều dưỡng nghỉ ngơi … thì tạo cơ hội cho các tế bào ung thư phát triển hoành hành lan tràn khắp châu thân. Các chuyên gia cho rằng có khoảng 40 phần trăm bệnh ung thư là do các thói quen xấu và khoảng 15 phần trăm do sự di truyền.
Vai trò quan trọng của não bộ được thể hiện rõ ràng hơn qua những thử nghiệm lúc người ta nghỉ ngơi dưỡng sức nhất là lúc ngủ. Để theo dõi nghiên cứu sinh hoạt của não bộ người ta dùng những máy EEG viết tắt cho electroencephalography để đo các tần số và điện thế thâu lại các dữ kiện phát ra từ bộ óc lúc chúng ta tỉnh thức, sinh hoạt trí tuệ, và lúc chúng ta say ngủ.
Những máy đo này hiện nay khá phổ thông và tương đối rẻ và tiện dụng cho những cá nhân hay tư nhân sử dụng để tự tìm hiểu khám phá.
Đối với các khảo cứu công trình quy mô hơn, người ta sử dụng theo dõi trực tiếp hình ảnh hay màn hình từng phần của não bộ trong các sinh hoạt liên can đến sức khỏe thể chất và tâm linh. Hai phương cách kỹ thuật thường được nhắc đến là PET và fMRI viết tắt cho Positron Emission Tomography và functional Magnetic Resonance Imaging.
Nhờ hai kỹ thuật này người ta có thể nghiên cứu kiểm chứng các sinh hoạt của óc khi lao tâm, lúc thiền định, khi ngủ nghỉ, hay chữa trị thuốc men …
Giấc ngủ của chúng ta cần thiết để cơ thể bồi dưỡng tu sửa tẩy độc và chữa bệnh. Mỗi giấc ngủ thường được chia ra làm nhiều chu kỳ khoảng 90 phút cho một chu kỳ. Mỗi chu kỳ 90 phút này lại chia làm nhiều giai đoạn khác nhau với tần số điện phát ra từ não bộ có thể theo dõi và đo rất chính xác bằng phương pháp EEG.
Giai đoạn đầu cơ thể từ từ thư giãn nhịp tim đập chậm dần, giai đoạn thứ hai và thứ ba bộ óc thay đổi từ nhịp khá nhanh Beta từ 13-30 nhịp mỗi giây lúc tỉnh thức bình thường xuống dạng Alpha khoảng 7-13 nhịp và tới Theta khoảng 4-7 nhịp cho tới khi hầu hết các sóng điện từ óc xuống tới nhịp Delta khoảng 1-4 nhịp giai đoạn thứ tư của chu kỳ ngủ.
Qua các giai đoạn này tim đập và hơi thở chậm dần; huyết áp và nhiệt độ cơ thể cũng từ từ hạ thấp. Người ta càng lúc càng say ngủ khó thức dậy hơn. Các người tình nguyện cho các thí nghiệm về óc cho thấy khi họ tập luyện thiền định, hay hút cần sa nhịp điện từ óc giảm xuống tới nhịp Alpha 7-13 nhịp; và khi họ vận dụng trí óc nhiều thì nhịp điện óc thường tăng nhanh lên tới dạng Gamma 30-70 nhịp.
Trong bốn giai đoạn của chu kỳ ngủ 90 phút kể trên, cơ thể trải qua các quá trình điều dưỡng chữa trị và bổ xung … theo một đồng hồ sinh lý nhất định dựa vào những tế bào nhậy bén với ánh sáng màu xanh tím trong mắt mặc dù các tế bào này không liên can tới thị giác nhưng đo ánh sáng mặt Trời ban ngày ra tín hiệu cho não bộ tiết ra chất hoóc môn giúp chúng ta buồn ngủ dễ ngủ khi thấy ánh sáng ngày xanh tím bị biến mất và màn đêm kéo xuống.
Trong các giai đoạn đó số lượng máu luân lưu qua óc giảm xuống khoảng 40 phần trăm và được chuyển đi lo cho các sinh hoạt dưỡng thương bồi dưỡng cho các hệ thống cơ quan của cơ thể lo chế tạo các chất kích thích tố hoóc môn cần thiết cho sự tăng trưởng và khi tỉnh thức.
Một trong những sinh hoạt quan trọng trong giấc ngủ là sự tái tạo các tế bào của hệ thống miễn nhiễm bạch huyết cầu phát sinh từ tuỷ sống. Giai đoạn cuối của các chu kỳ ngủ 90 phút được gọi là REM tạm dịch là giai đoạn con mắt di động nhanh chóng.
Giai đoạn REM quan trọng này bắt đầu khi bộ óc ra lệnh tiết ra các kích thích tố làm cho cơ thể và các bắp thịt tạm thời bị hoàn toàn tê liệt nhằm bảo vệ cơ thể khi ôn lại những hình ảnh ký ức và tiềm thức của các kinh nghiệm biến động trong ngày và trong quá khứ hầu có thể tẩy xóa hữu hiệu chuẩn bị cho nhu cầu tương lai.
Sự tê liệt cần thiết này giúp chúng ta tránh sự kinh động phản ứng mạnh nguy hiểm trong khi mơ ngủ nhất là khi ôn lại và xóa các ác mộng khỏi ký ức hay tiềm thức…
Cũng trong giai đoạn REM cuối của mỗi chu kỳ ngủ, sinh hoạt của não bộ trở nên mãnh liệt hơn với lượng máu bơm nhiều hơn về não bộ và hình ảnh từ PET và fMRI cho thấy vùng ký ức và tiềm thức của não bộ có nhiều tác động đổi màu.
Vai trò quan trọng của giấc ngủ còn được thể hiện rõ ràng khi người ta đo được sự xuất hiện của các tế bào sát thủ hay T-cells được chuyển đi khắp cơ thể để truy lùng tiêu diệt các tế bào ung thư khi say ngủ.
Người thức khuya đi ngủ trễ sau 3 giờ sáng, cho thấy cơ thể sản xuất ít đi một phần ba số lượng các tế bào sát thủ quan trọng này; đồng thời số lượng hai phần ba còn lại cũng không mấy mạnh mẽ hiệu quả trong việc tiêu diệt các tế bào ung thư trong cơ thể.
Qua những thí nghiệm công phu, người ta cũng khám phá được những sự tinh vi của các đạo quân của hệ miễn nhiễm dưới sự điều động chỉ huy của não bộ trong việc ngăn ngừa chống ung thư.
Có những đạo quân đi do thám để thông báo cho não bộ các sinh hoạt khả nghi, và não bộ ra lệnh cho các tuyến hạch chế tạo, gởi những đạo quân làm bia bám chặt vào các tế bào cần phải bị tiêu diệt trước khi đạo quân các tế bào sát thủ ra tay cách chính xác hữu hiệu gọn gàng.
Gần đây người ta đã tìm ra sự tinh vi không kém lợi hại của các tế bào ung thư khi chúng biết ngụy trang cho giống như các tế bào Bạch huyết cầu để đánh lừa cơ thể và đột nhập vào các tuyến hạch cơ phận quan trọng trong cơ thể chúng ta cách nhanh chóng và chết người.
Theo tin báo chí Việt Nam cho rằng Vị y sĩ Đông y trẻ tuổi nổi tiếng Phùng Tuấn Giang đã chữa khỏi hàng ngàn bệnh nhân ung thư đến từ các quốc gia khác nhau trên thế giới.
Chính vị y sĩ này cũng công nhận vai trò quan trọng của não bộ và dinh dưỡng trong việc trị thương chữa lành bệnh: “ … có người bị ung thư nhưng nhờ ăn chay niệm Phật mà tự khỏi bởi vì cơ thể là một bộ máy điều chỉnh hoàn hảo.
Quy luật sinh học, y học và môi sinh tự đào thải vật lạ chất độc ra khỏi cơ thể. Ngày nay, con người mắc bệnh mang lại bởi thức ăn không an toàn, ăn quá mức, sai nguyên tắc, ô nhiễm môi trường …
Vì vậy cần phải có sự thay đổi căn bản từ gốc của bệnh đó là từ sự ăn uống. Phương pháp chữa của tôi là thay đổi cơ thể theo đúng với quy luật của tự nhiên, tạo hóa. Ngoài ra niềm tin tiết ra chất hoóc môn nội sinh làm đào thải vật lạ. Thuốc chỉ là một biện pháp nên kết hợp với các phương pháp dưỡng sinh, khí công, yoga, ngồi thiền, tập luyện khoa học ăn uống ….”.
Sự thành công và phương cách điều trị của vị lương y trẻ tuổi này qua dư luận báo chí dù sai đúng ít nhiều và chưa được kiểm chứng vẫn cho thấy sự suy luận dựa được trên nền tảng Thân và Tâm tương quan mật thiết và kiến thức Đông và Tây quả thực đều hữu ích và không mấy khác biệt.
Các y dược thuốc men có hiệu lực hiệu quả tốt ngày nay thường được theo dõi bằng PET và fMRI qua hình ảnh cho thấy những tác dụng ảnh hưởng của thuốc trực tiếp đến não bộ và gián tiếp tới hệ thống miễn nhiễm của cơ thể.
Một kết quả khảo cứu gần đây cho thấy sau khi bị bệnh nặng như sởi thì hệ thống miễn nhiễm của cơ thể cần một vài năm mới khôi phục lại như trước. Cách trị liệu các căn bệnh ngặt nghèo ung thư tại Tây phương trải qua nhiều giai đoạn phát triển tinh lọc và phối hợp với nhau, nhưng cho tới nay vẫn chưa có phương thức nào vẹn toàn.
Các cách trị liệu trước đây dựa vào phương pháp giải phẫu để cắt bỏ những cơ phận bị tế bào ung thư lan tràn và cắt luôn những tế bào kế bên để không sót các tế bào ung thư e chúng tái sinh nẩy nở, rồi tới phương thức hóa trị dùng thuốc hay hóa chất cực mạnh để giết các tế bào ung thư và giết lây nhiều tế bào khác của cơ thể, kế đến là dùng tia laser như những lưỡi dao bén nhọn bằng ánh sáng để cắt và đốt những tế bào ung thư nhằm giảm thiểu sự tiêu diệt lây các tế bào lành mạnh.
Các biện pháp này ngày càng được chọn lọc phối hợp để giúp sự trị liệu ung thư thêm phần hữu hiệu, nhưng gần đây y khoa có những khám phá và khai thác mới trong ngành Miễn Dịch Học gọi chung Immunology và Imunotherapy. Phương cách này dùng các vi khuẩn chích vào gần các vùng bị ung thư để cho hệ miễn nhiễm tấn công và diệt luôn các tế bào ung thư kế bên. Phương pháp này đã được dùng chữa lành nhiều chứng ung thư óc và một số các chứng ung thư đã quá nặng vô phương chữa trị trước nay.
Tương tự với phương thức kích động hệ miễn nhiễm kể trên, các khoa học gia ngành y khoa cũng đã đạt nhiều kết quả khả quan bằng cách bồi bổ tăng cường cho hệ miễn nhiễm với các chất dinh dưỡng và sự nghỉ ngơi cần thiết. Một cách điều trị các chứng dị ứng của Tây phương khá hiệu nghiệm là dùng chính những chất gây ra dị ứng với nồng độ tăng dần cho cơ thể hay hệ miễn nhiễm quen dần và không còn có phản ứng mãnh liệt bộc phát ngoài da hay ngộp thở … như khi bị dị ứng. So với phương cách Dĩ Độc Trị Độc của Đông phương hay cách kích thích các huyệt mạch như châm cứu bấm huyệt, thì sự kích thích và tăng cường hệ miễn dịch có nhiều nét giống nhau.
Một cuộc gặp gỡ Đông Tây về Y học được thể hiện thật rõ ràng với công trình khảo cứu và sự nghiệp của bác sĩ Ted Kaptchuk. Tốt nghiệp trường thuốc Bắc tại Ma Cao chuyên về khoa châm cứu, bác sĩ Kaptchuk đã hành nghề dùng dược thảo và kim châm cứu rất thành công và ông cũng đã xuất bản sách y dược Trung Hoa từ năm 1983.
Chính sự thành công về khoa châm cứu trị bịnh này cũng lại là nguyên nhân làm cho ông bỏ nghề thầy thuốc để đi theo đường khảo cứu y học Tây phương tại trường đại học Harvard Medical School từ năm 1995.
Theo lời thuật của bác sĩ Kaptchuk thì hầu hết các bệnh nhân tới cho ông điều trị khi còn hành nghề thì đều được kết quả tốt và khôi phục ít nhiều, nhưng có một số bệnh nhân làm cho ông rất áy náy là vì họ bắt đầu khỏe và khôi phục trước khi ông ra tay điều trị cho họ.
Sự áy náy bất ổn lương tâm thầy thuốc này đã thúc đẩy cho ông ngừng hành nghề chữa bệnh để tiếp tục tìm hiểu học hỏi nghiên cứu về bệnh và vai trò của tâm linh qua các tiện nghi phương thức của Tây phương. Sự thay đổi y học từ Đông sang Tây của bác sĩ làm cho sự gặp gỡ phối hợp giữa Đông và Tây Y trở nên đúng nghĩa không thể phủ nhận.
Sau hơn 15 năm khảo cứu với các phương tiện văn minh tại trường y khoa Harvard, kết quả những khám phá ông vừa công bố làm giới y khoa kinh ngạc và hứng khởi về ích lợi và những hứa hẹn công trình khảo cứu của bác sĩ Kaptchuk đã đem đến cho y khoa.
Thí nghiệm kỳ lạ với kết quả bất ngờ làm nhiều người kinh ngạc của bác sĩ Kaptchuk được thuật lại là khi ông dùng và so sánh cả hai phương cách điều trị châm cứu và Tây dược cho 270 bệnh nhân có cùng các chứng đau tay vai và cùi chỏ rất trầm trọng.
Một nửa số các bệnh nhân này được điều trị bằng khoa châm cứu, và nửa còn lại được uống thuốc giảm đau. Trong vòng hai tuần lễ, đa số các bệnh nhân đều cảm thấy bớt đau hay khỏi hẳn, nhưng cũng có một phần ba các bệnh nhân bị các phản ứng phụ của thuốc và làm độc vì kim châm; có những bệnh nhân bị sưng vù vì kim làm độc hay bị dị ứng do uống thuốc không thể ngồi dậy. Đa số những người được châm cứu cảm thấy công hiệu giảm đau có hiệu quả hơn những người được uống thuốc. Các phản ứng và làm độc cũng như các lợi ích bệnh nhân cảm nhận so ra không khác gì những điều bác sĩ và nhân viên của ông cảnh giác các bệnh nhân trước khi điều trị cho họ.
Điều kỳ lạ nhất nằm ở chỗ là trong thí nghiệm này, tất cả 270 bệnh nhân này được cho uống thuốc giả làm bằng bột bắp và không hề bị kim châm thủng da như họ tưởng. Công hiệu và dị ứng với thuốc hay kim châm cứu đều tự cơ thể và tâm lý họ phát sinh. Hiện tượng này rất phổ thông quen thuộc trong Tây y và có tên gọi Placebo. Bộ Thực Phẩm Y Dược của Hoa Kỳ đã sử dụng hiện tượng này trong các cuộc chứng minh thử công hiệu thuốc mới trước khi cho phép phát hành.
Placebo gốc La-tinh có nghĩa là Sẽ Có Lợi. Sự khác thường trong thí nghiệm của bác sĩ Kaptchuk nằm ở chỗ những người bị nhiễm độc hay dị ứng với cả hai cách điều trị Đông Tây.
Hiện tượng này có tên gọi là Nocebo gốc La-tinh có nghĩa là Sẽ Có Hại. Một đặc điểm khác là sự theo dõi các bệnh nhân bằng PET và fMRI cho thấy những người bị ảnh hưởng của Placebo và Nocebo có những tác động sinh hoạt não bộ và hệ thần kinh giống hệt như những người được điều trị bằng thuốc thật. Nhưng ngoài sự ảnh hưởng vùng trong óc mang tính giảm đau nhức, những người bị phản ứng xấu Nocebo còn tác động thêm vùng trí nhớ và lo âu của não bộ. Khảo nghiệm cơ thể những người có khả năng tự chữa hay tự hại cho thấy họ có một số gen đặc biệt. Đồng thời các nhà khảo cứu cũng tìm ra cách tạm thời chặn khả năng này bảng cách cắt liên lạc tới phần điều trị đau nhức tiết ra chất dopamine của óc.
Những khám phá này hứa hẹn nhiều cải tiến trong việc chọn người tình nguyện thử thuốc cho tới cách điều trị khác biệt cho bệnh nhân có khả năng tự liên lạc cho não bộ và tự chữa … trong tương lai.
Những khám phá mới lạ trên chứng minh sự trực tiếp ảnh hưởng giữa Thân và Tâm giải thích vô số những thắc mắc những hiện tượng trước nay, nhưng cũng gợi nên nhiều nghi vấn thắc mắc mới và những dự án đầy hứa hẹn cho y khoa. Một trong những nghi vấn phát nguồn từ hiện tượng Nocebo vì ám chỉ người có khả năng Placebo cũng là người có khả năng liên lạc với não bộ để tự chữa nhưng cũng có thể tự hại. Khả năng này vì vậy có nhiều lợi ích cho người lạc quan yêu đời hơn là người có khuynh hướng bi quan yếm thế.
Các thí nghiệm đo nhịp óc của những người tình nguyện ngồi thiền cho thấy họ có thể giảm nhịp óc xuống dạng Alpha 7-13 nhịp, và nhịp óc càng thấp thì hoạt động não bộ càng ít và nhường hay dành nhiên liệu dưỡng khí cho các sinh hoạt bồi dưỡng trị thương.
Nghi vấn ở đây là các bậc thiền sư tập luyện tu luyện thường nhật thì khi thiền định nhịp óc của họ xuống còn bao nhiêu và có được những ích lợi gì? Phải chăng đó là lý do các võ sĩ kiếm sĩ xạ thủ của Nhật bản và của các môn phái võ lâm đã biết dùng thiền định thiền pháp để luyện công, trị thương và giữ gìn sức khỏe?
Phải chăng các nhân vật có võ công khi vận khí trị thương làm cho nhịp điện thấp xuống trí não bớt làm việc nhường khí huyết vận hành qua các hệ thống cơ thể cung cấp nhu liệu và dưỡng khí để cấu tạo các hóc môn cần thiết?
Phải chăng các bậc tôn sư hay chưởng môn khi tìm hay tuyển chọn đồ đệ có tư chất là tìm những ứng viên có khả năng tương tự như Placebo có khí cốt hầu dễ dàng biến sự luyện tập thành phản xạ hay trách nhiệm của tiềm thức và não bộ? Khi luyện tập hay cố gắng chịu đựng, con người đi ngược với những khuyến cáo của não bộ và hệ thần kinh, gián tiếp trực tiếp thông tin hay ảnh hưởng bộ chỉ huy não bộ để đạt những mục tiêu từ võ công thể lực bắp thịt hay các tài nghệ … thì Tâm đóng vai trò chủ động hay Cơ Thể buộc Tâm phải đi theo? Luyện tập tu luyện có đạt được khả năng hay phát sinh những gen cho Placebo chăng?
Các món ăn các phương thuốc trị các căn bệnh từ cảm mạo tới ung thư được truyền khẩu hay gởi nhau trên mạng qua điện thơ có công dụng cho mọi người mọi giới hay còn thiếu nhiều điều kiện nhiều yếu tố? Người phát bệnh vì thiếu sinh tố có lợi gì khi toa thuốc gia truyền gồm các độc tố nhằm kích thích hệ miễn nhiễm?
Khả năng Placebo thông tin cho não bộ có công hiệu gì khi cơ thể không có những nhu liệu cần thiết cho việc điều trị? Các bệnh nhân bị bác sĩ chê chỉ còn chờ chết nhưng theo các toa thuốc phương cách mách bảo mà khỏi bệnh thì do niềm tin mãnh liệt còn nước còn tát hay cách này cách khác đã đánh thức kích thích phục hồi hệ miễn nhiễm hoạt động hữu hiệu trở lại?
Phải chăng sống lạc quan yêu đời yêu người, dùng không khí nước uống trong lành, giữ cho khí huyết lưu thông, ăn uống đơn giản nhưng đa dạng điều độ, nghỉ ngơi cả Thân và Tâm theo lịch trình tự nhiên và Thiên nhiên là những điều dễ làm và ngăn ngừa bệnh tật hữu hiệu nhất từ ngàn xưa cho tới nay? Thân Tâm An Lạc phải chăng luôn nằm trong tầm tay của chúng ta?
Phạm Văn Oanh QGNT73
Hạnh Phúc và Tiền Bạc - Phạm Văn Oanh