Banner designed by Ninh Quốc Bảo 73

Nhân ngày Lễ Memorial Day 2024, Gia Đình Quốc Gia Nghĩa Tử xin Vinh Danh và Tưởng Nhớ đến các cựu giáo sư đã từng dạy tại các trường Quốc Gia Nghĩa Tử và đã ra đi từ trước đến nay.

In Memoriam

Trong hai năm 2022 và 2023 riêng QGNT Saigon có 6 cựu giáo sư ra đi:

- Thầy Ngô Quang Chương mất ngày 13 tháng 4 năm 2022 tại Việt Nam thọ 92 tuổi.
- Thầy Nguyễn Khánh Do mất ngày 5 tháng 10 năm 2022 tại Hoa Kỳ thọ 82 tuổi.
- Cô Trần Thị Kim Oanh mất ngày 6 tháng 2 năm 2023 tại Hoa Kỳ thọ 78 tuổi.
- Thầy Huỳnh Hữu Tâm mất ngày 10 tháng 3 năm 2023 tại Việt Nam thọ 84 tuổi.
- Cô Phan Trương Trắc mất ngày 11 tháng 10 năm 2023 tại Việt Nam thọ 88 tuổi.
- Cô Nguyễn Thị Ngọc Nga mất ngày 1 tháng 12 năm 2023 tại Canada thọ 79 tuổi.

Trang Nhà xin đăng lại các hình ảnh và các bài viết của các cựu học trò đến quý thầy cô: Nguyễn Khánh Do, Nguyễn Thị Ngọc Nga và Phan Trương Trắc mà trang nhà thu thập được từ Diễn Đàn Gia Đình QGNT.


Hình chụp quý thầy cô tại ĐH gd QGNT 2011 (Thầy Nguyễn Khánh Do đứng thứ tư, từ bên trái nhìn vào)

 

Cô Nguyễn Thị Ngọc Nga

 


Hình chụp cô Nga thứ nhì từ bên trái

 


Hình chụp cô Nga thứ nhất từ bên trái

 


Hình chụp cô Nga thứ nhì từ bên trái

 

Cô Nga là giáo sư hướng dẫn lớp ̣đệ tứ

 

 

Cô Phan Trương Trắc

 


Học trò thăm cô Trắc

 

 

 

Thầy Nguyễn Khánh Do

Hình thầy chụp trong ĐH 2015

 

Tưởng nhớ Thầy
“Thiện Nhân- Nguyễn Khánh Do"

Kính Thầy:
Nghiệp duyên đã hết, dứt nợ trần ai.
Thầy thanh thản ra đi về miền miên viễn,
Hình hài đó Thầy hiến dâng cho Khoa Học
Chẳng tiếc nuối, ngại ngùng, để giúp cho người, cho đời thêm tốt thêm tươi.

Nhớ khi xưa:
Với bảng đen, phấn trắng. Nơi học đường, Thầy giảng dậy tận tâm.
Đem những sự hiểu biết, kinh nghiệm của bản thân truyền lại cho lũ trẻ.
Những học trò Nghĩa Tử của Quốc Gia, thiếu Mẹ, mất Cha.
Thầy không quản ngại công lao, tâm lực.
Sáng sáng dậy cho trẻ hiểu những điều căn bản, chiều chiều lại kèm trẻ luyện đề thi.
Chỉ mong những học trò được kim bảng đề danh, có đủ trí, đủ lực để thành nhân, giúp thân, giúp đời, giúp nước.
Tận lực, tận tâm Thầy đã làm tròn câu “Lương Sư Hưng Quốc”. Công ơn ấy học trò chẳng khi nào quên được.

Cố gắng dồi mài kinh sử, để mong thành người tốt, như ý nguyện của ân sư.
Vẫn mong cho quốc thái, dân an, để thầy trò mãi vui vầy xum họp,

Nhưng than ôi:
Vận nước đổi thay. Quốc phá, gia vong, nhà tan, cửa nát, trường xưa cũng chẳng còn tên như cũ.
Tan đàn, sẩy nghé, thầy, trò đào nạn, lưu lạc khắp bốn phương.
Hải giác, thiên nhai, người ở chân trời, kẻ nơi góc biển. Tưởng chừng như chẳng bao giờ được gặp lại nhau.

Nào hay: Hoàng thiên hữu nhãn.
Trời cao kia hãy còn có mắt, nên lại cho thầy trò tương phùng nơi đất khách
Quốc Gia Nghĩa Tử lại xum họp trùng phùng.
Đại hội bao lần lại gặp được ân sư. Vui, mừng thầy trò ôn lại bao chuyện cũ.
Dù tuổi hạc đã thêm năm, thêm tháng, Thầy cười hiền dáng dấp vẫn như xưa.
Tạm biệt, chia tay học trò vẫn nhớ, mong được gặp lại Thầy thêm nhiều lần nữa.

Nhưng than ôi, con tạo kia thật trớ trêu, sinh ly tử biệt chẳng chừa một ai.
“Thiện Nhân” xa rời trần thế đa đoan, để lại

bao nỗi ai hoài cho học trò và người thân thích.

Hôm nay đây:
Thầy đã rời cõi tạm, không còn màng đến chuyện thị phi. Ngoài tử sinh, Thầy thoát vòng tục lụy.
Tiếc thương Thầy trong dạ sầu bi, nhưng nghĩ cho cùng “Sinh là ký, mà Tử là quy. Mạng ấy yểu, mà Danh ấy thọ”.

Thầy tuy khuất, nhưng tên tuổi Thầy muôn năm vẫn rạng.
Chốn an bình, vĩnh cửu, xin nguyện cầu cho hương linh Thầy sớm được siêu thoát, yên nghỉ ngàn thu.

Kính bái biệt Thầy

Lưu Văn Phúc (Q-73)

 


Thầy Do đã tham dự tất cả các đại hội QGNT, chỉ trừ hai đại hội 2019 và 2023. Hình chụp tại đại hội 1992 và anh em Ninh Toản.

 

 

Năm 65 lên đệ nhị, lớp tôi bắt đầ̀u được thầy Nguyễn Khánh Do dạy toán. Thuộc loại ôm đèn đỏ trường kỳ nên tôi luôn ngồi cuối lớp để tránh bị thầy gọi lên bảng và nhất là tiện đường cúp cua. Với dáng dấp khỏe mạnh, vẻ mặt ̣điển trai, thông thái, thầy Do là một người có sức thu hút mạnh /charisma/ với người đối diện, lại vui tính, dí dỏm. Thầy hay kể những chuyện tếu, đôi khi độc đáo làm học sinh thích thú thêm. Vượt trên tất cả là sự tận tâm lo lắng cho học sinh của thầy.

Là giáo sư dạy môn toán, thầy dạy toán cho tất cả các lớp ban A, B và C bậc đệ nhị cấp. Nhưng riêng ban B rất nặng về toán, thầy đã đặc biệt “bơm nước” cho nhóm học sinh này bằng một câu "để đời" : “ khi mấy đứa ban A tới gần, các em phải vẽ ngay 1 vạch phía trước chận lại rồi nói tụi bay phải đứng xa ra 1 bước ; còn nếu là ban C thì phải bắt đứng xa tới 2 bước. Cả lớp bò ra cười và cảm thấy ban B mình ngon lắm, tự tin về quyết định đúng khi chọn toán, môn học khai sáng trí tuệ, cách suy luận . . . (Xin các bạn ban A, C, D đừng buồn. Tôi cũng học ban A hồi xưa, và từng nghe một anh bạn vừa là thi sĩ lẫn Gs Việt Văn “vận dụng đòn tâm lý” dặn học sinh là nếu gặp dân ban B thì phải kêu tụi nó uống vài ngụm nước trước khi nói chuyện cho bớt khô khan)

Thầy cũng kể chuyện hồi xưa thi Tú Tài rất khó. Như môn toán chẳng hạn phải thi 2 phần : phần viết và phần vấn-đáp. Kỳ đó khi thầy thi toán, xong phần viết, thầy được qua vấn đáp. Và hôm đó thầy vô lớp thi vấn đáp sớm. Trong lớp mới loe ngoe vài mạng rải rác ngồi trước, ngồi sau, bàn giám khảo còn trống trơ. Nghĩ bụng chắc giám khảo chưa vô thầy bèn nói to :
- “à . . . hôm nay nghe nói thằng Võ Thế Hào sẽ thi vấn đáp tụi mình !”
Mọi người im lặng không ai nói gì. Nên nhớ hồi đó ông Võ Thế Hào là giáo sư dạy toán và đồng thời là tác giả của nhiều sách toán học, tức ông ta thuộc loại sư phụ toán.

Một lúc sau chuông reo báo hiệu giờ thi bắt đầu, một người nhỏ nhắn ăn mặc giản dị ngồi sẵn từ bên dưới lớp bước lên ngồi vô bàn giám khảo. Thầy tá hoả thì ra người đó chính là giáo sư Võ Thế Hào, người làm giám khảo thi vấn đáp hôm đó. Ông Hào ngồi dưới từ sớm, đã nghe thầy Do nói một câu xanh rờn về mình : “thằng Võ Thế Hào” . Dĩ nhiên thầy được ông giám khảo Hào thân tặng nguyên cả buồng chuối. Kỳ Tú Tài sau thì thầy đậu liền.

Cả lớp mọi người cười rộn, cười khoái chí đến có thể vỗ đùi về chuyện thầy đi thi và đụng độ với ông giám khảo. Nhưng nghĩ lại nó chứng tỏ hồi còn đi học thầy cũng thuộc loại học sinh phá phách. Triết lý của câu chuyện là các trò ơi đừng có quậy vì thầy cũng thuộc loại vua quậy, không ai qua mặt được thầy đâu, lo học hành đàng hoàng đi.

Nhắc đến sự tân tâm dạy học của thầy, một đồng môn rất thân đã kể : khoảng 3 tháng trước kỳ thi Tú Tài 1 hay 2, thầy kêu học sinh vô thêm buổi chiều để thầy kèm thêm toán. Không rõ thầy dạy kèm tất các lớp như thế hay chỉ chỉ kèm vài lớp yếu toán hoặc bị gián đoạn vịêc học trong thời kỳ biến động chính trị, xuống đường liên miên của miền Nam giữa thập niên 60.

Vài dòng kể sơ về những ngày thầy dạy học ngày xưa ở trường Q chúng ta, kính mong thầy luôn vui cười, rộng bước thênh thang trên cõi vĩnh hằng.

DN

 

Thầy về nơi cõi vĩnh hằng

Tiễn Thầy về cõi vĩnh hằng
Trăng thanh gió mát đầu ghềnh thác cao

Nhớ Thầy dạy toán như thơ :
Không gian, lượng giác, ngắn dài, parabol . . .

” Sin thì sincos , cossin
Cos thì coscos, sinsin dấu trừ ”

Nhờ thơ học toán vui hơn :

” Tang thì Tang hợp với Tang.
Nằm trên số một, tích Tang, dấu trừ.”

” Cháo phổi” * thầy múc ngất ngư
Chúng con nhớ mãi công thầy hy sinh

DN

Chú thích : * nghề dạy học được ví như đi bán cháo phổi.

 


Thầy Do rất ít chụp hình. Đây là tấm duy nhất có thầy Do chụp trước 75 mà trang nhà tìm được.

 

Tiễn Thầy ...

Người đã rời cõi tạm
Quay về chốn vô ưu
Không còn điều danh lợi
Chẳng biết chữ sân si
Kinh cầu như gió mát
Tiễn bước người ra đi

TN

 


Ngày sẽ Rạng

Kính viếng Thầy Nguyễn Khánh Do

Rồi chiều cũng sẽ tàn sau ngọn núi,

Ánh tà dương chìm xuống cuối chân trời

Và sương khói lan đầy trên sóng nước

Khi linh hồn bay vút đến ngàn khơi

Đời là mộng hay ta đi trong mộng?

Từ bình minh cho đến hết hoàng hôn

Nhìn sao lặn đêm tàn ngày sắp rạng

Mới hiểu rằng mình rất đỗi cô đơn

Ôi ngày tháng bỗng trở nên rất nặng

Oằn hai vai quá khứ với tương lai

Gánh hiện tại mà quên hoài hiện tại

Ôm mãi trong tâm một nỗi cảm hoài

Thôi rũ xuống cả một đời mộng ảo

Thôi buông luôn ước vọng với hoài mong

Như giọt nước tan thành mây thành khói

Chờ ngày lên tươi sáng ánh mai hồng

phan nhật tân

Q.70

 

Mùa thu tưởng nhớ Thầy

A teacher affects eternity; he can never tell where his influence stops. —Henry Brooks Adams

Cách nay vài hôm nhận được hung tin Thầy tôi đã giã từ cõi tạm, lòng bồi hồi khó tả, vì biết sẽ chẳng còn cơ hội gặp lại vị ân sư sau gần 50 năm chia cách…Bây giờ là mùa thu, mùa lá phong đổi màu tuyệt đẹp, nhưng cũng là lúc vô số lá vàng của nhiều loại cây khác thi nhau rơi rụng nhắc nhở lẽ vô thường trong thế gian này… Thầy tôi thong dong sang cõi vĩnh hằng, chọn ra đi khi tiết trời chớm thu lại về trên đất khách. …

Với tôi, mùa thu niên khóa 1970-1971 là khởi điểm khó quên của một niên học mới với nhiều háo hức lẫn âu lo, vì sẽ được tiếp nhận bao bài vở, kiến thức cần thiết từ các thày cô, hầu chuẩn bị cho cuộc thi tú tài 1 sau khi niên học kết thúc.

Lớp 11B2 toàn nam sinh năm ấy được học môn toán với Thầy, vị giáo sư trẻ tuổi được nhiều anh chị lớp trên kính quý mỗi khi nhắc đến tên. Trong buổi học đầu tiên, cảm tưởng sâu đậm nhất, mà sau bao nhiêu năm dài tôi chưa quên, là Thầy tôi có phong cách một..nhà nho của một thuở xa xôi nào, hơn là dáng vẻ một vị giáo sư Toán học thời đại. Thầy ăn nói điềm đạm, chậm rãi, tuy rất nghiêm nghị nhưng không hề xa cách học trò, nhất là luôn luôn quan tâm đến sự học tập của chúng tôi, kể cả sau giờ học, và về mọi vấn đề chứ chẳng chỉ thu hẹp trong các kiến thức của bộ môn toán. Lắm lúc tôi thầm nghĩ phải chi Thầy tôi sinh ra độ bốn, năm thập niên trước thì chắc hẳn đất nước mình sẽ có thêm một vị… đồ nho nổi tiếng với không ít môn sinh thành đạt chăng ?

Do vận nước nổi trôi, thày trò tôi đều phải phiêu bạt, mất tin nhau. Có lúc tôi cũng bị đời đưa đẩy vào nghề godautre, và cũng phụ trách môn học giống như Thầy. Trong khoảng thời gian đi dạy học rất ngắn đó, mỗi lần lên lớp, tôi lại nhớ đến lòng tận tụy trong việc truyền bá kiến thức uyên bác của Thầy và tự nhủ sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ hằng ngày theo tấm gương đó…

Rồi số phận tiếp tục long đong, cộng với bao nghiệt ngã sau cảnh quốc phá gia vong, tôi trở thành thuyền nhân, rồi đi định cư xứ người. Vượt qua bao cam go, xây dựng lại cuộc sống mới, khi mọi sự tạm bình ổn tôi tinh cờ được biết là Thầy tôi cũng đang sống tại Mỹ, tuy rất xa, và hình như Thầy nay chọn ngòi bút, thay cho phấn trắng, để tiếp tục trao gửi những hoài bão khi hoạt động trong giới báo chí hải ngoại.

Phong thái của một nhà giáo dục mang đậm nét nho học ngày nào dường như chẳng hề suy giảm trong môi trường thông tin phức tạp tại đất nước tiến bộ hàng đầu này, Thầy tôi từng có bài công khai lên án mạnh mẽ, sắc bén và đầy thuyết phục, nhà văn HHT vì vị này đã tỏ ra kém cẩn trọng, thiếu tôn kính một số danh nhân lịch sử trong hai phần phiếm luận ông từng cho phổ biến nhiều nơi. Nghĩ lại “biến cố” đó, tôi bỗng nhớ mấy dòng thơ dào dạt khí tiết kẻ sĩ của cụ Đồ Chiểu: “…Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm – Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” để càng nể phục khả năng chấp bút cùng sự dứt khoát lập trường của vị Thầy từng dạy dỗ mình…

Mới đây, tôi còn được biết thêm đôi điều về Thầy, từ người thân của ông. Theo đó, sau khi đưa gia đình đi tỵ nạn CS vào thời điểm tháng tư 1975 đầy biến động, Thầy quyết định trở lại trường và hoàn tất chương trình cao học (Master) ngành toán, trước khi chọn công việc là chuyên gia thảo chương (Computer programmer) cho đến khi về nghỉ hưu.

Tuy nhiên, có lẽ tâm tư Thầy tôi còn nặng với thiên chức nhà giáo nên tuy không chọn tiếp tục nghề dạy học nơi xứ người, ông đã tham gia làng báo, chắc để có thêm một môi trường giúp chuyển tải các thông điệp tich cực mà Thầy muốn chia sẻ đến nhiều đồng hương. Từ đó, tuy chỉ trong một số năm khá ngắn ngủi, bút hiệu “Thiện Nhân” – dành cho những bài viết mang tính nghiêm cẩn – và “Vịt Gàn” sử dụng cho loạt phiếm luận nặng tính thời sự, đã xuất hiện, hoặc trên tờ báo do Thầy phụ trách chủ biên, hoặc trên các mạng truyền thông khác. Nhất quán về nội dung của những bài Thầy viết là sự ca ngợi nét đẹp của lòng tử tế, của truyền thống văn hóa Việt Nam…, và triệt để đả phá mọi cái xấu, cái ác bất kể do ai và từ đâu đến.

Có lẽ vì lắm nỗi lao đao, cay đắng đi kèm với nghiệp làm báo, thời gian Thầy tham gia lãnh vực ấy không dài, chắc do nơi đấy đa phần là chốn mà hắc-bạch, chính-tà khó phân định rõ, và bị không ít thành phần bất xứng thao túng, bởi phương tiện phổ biến thông tin ngày nay quá đơn giản, mà ảnh hưởng tức thời lại rộng rãi khắp nơi.

Nhưng cho dù “….dăm eo sèo nhân thế, chưa phai lòng say mê..” nên Thầy vẫn tiếp tục vai trò cao quý khi xưa của nhà mô phạm tận tụy với nghề. Thầy giữ liên lạc thường với nhiều học trò cũ, luôn sẵn lòng góp ý, giúp đỡ cho bao lớp môn sinh nay trôi dạt khắp nơi. Mối tình sư đệ cao đẹp ấy hình như chỉ càng sâu đậm hơn với thời gian…

Trong quãng đời học sinh vào nửa thế kỷ trước, tôi may mắn được theo học Thầy trong vòng một năm, hay đúng ra là trên dưới 9 tháng, mà từ Thầy tôi học được nhiều điều, ngoài các kiến thức toán học, là cung cách sống, lối ứng xử, mà tuy không nằm trong chương trình dạy chính thức, lại là những hành trang quý giá cho riêng tôi trong suốt cuộc đời. Ngạn ngữ Nhật Bản có câu “Được thọ giáo dù chỉ một ngày với bậc lương sư còn hơn ngàn ngày chăm chỉ tự học”. Với tôi, không chỉ vỏn vẹn một ngày, tôi có nhiều thuận duyên nên nhận được sự giáo huấn nơi Thầy trong mấy trăm ngày và còn tiếp tục thừa hưởng bao lợi lạc cho đến tận bây giờ.

Nhớ đến Thầy trong một đêm mùa thu trở gió, tôi chợt hồi tưởng lại thuở học trò, nhớ mái trường, nhớ quê hương, cùng bè bạn ngày xưa. Ai còn ? ai mất ? và rồi đây tất cả sẽ là… “những người trăm năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?”…

Kính bái biệt Thầy – Giáo sư Nguyễn Khánh Do – và cầu mong hương linh Thầy sớm siêu thoát.

Hoàng Việt Tuấn Học trò niên khóa 1970-1971 Trung học Quốc Gia Nghĩa Tử Sàigòn


Thầy Nguyễn Khánh Do đã dậy tôi môn lượng giác năm đệ nhị B1, niên khóa 1969-1970 trường QGNT. Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ được công thức Sin(A+B) và Cos(A+B), qua câu thơ thầy dậy:

"Sin thì sincos, cossin
Cos thì coscos, sinsin dấu trừ"
( Sin(A+B) = sinAcosB+cosAsinB và
Cos(A+B) = cosAcosB-sinAsinB )

Thầy dậy rất tận tâm và đặc biệt với chúng tôi, những học trò hầu hết mồ côi cha, thầy đã phát không những bài học quay roneo, mà thầy đã soạn cho những lớp dậy luyện thi của thầy.

Lần đầu tôi gặp lại Thầy tại Đại Hội Quốc Gia Nghĩa Tử (ĐH) 2005, và tình thầy trò trở nên thân thiết từ ĐH 2007. Từ đó, có nhiều dịp được thưa chuyện với thầy. Thầy là một trong những thầy cô quan tâm và gắn bó với trường QGNT nhất.

Thầy thuờng viết thư và gọi điện thoại khuyến khích, cùng cho những lời khuyên bảo, chỉ dẫn những việc cần làm và ủng hộ tiền bạc cho gd QGNT. Trong thư và qua điện thoại, thầy rất khiêm nhượng và rất cẩn trọng trong việc xưng hô, dù người đối diện chỉ là học trò của mình.
ĐH2017, không thấy thầy cho biết có tham dự hay không? Gọi điện thoại thưa chuyện với Thầy, Thầy cho biết không thể tham dự vì sức khỏe rất yếu.

Trong câu chuyện, thầy tâm sự thêm, đại ý: Như anh biết, tôi đã tham dự mọi ĐH QGNT từ trước đến nay, vì tôi rất quý các anh chị; chỉ vì lý do sức khỏe làm tôi không thể tham dự được lần này. Mong các anh chị thông cảm và chúc Đại Hội thành công.

Khi nhà thầy bên Houston bị ngập vì bão, thầy khá buồn vì nhiều sách vở, tài liệu quý bị hư hại. Cất lại nhà không được bao lâu thì cô mất; đây có lẽ là 1 trong những nỗi buồn lớn nhất trong đời thầy!

Thầy gần như không giao tiếp với bên ngoài sau ngày cô mất. May mắn nói chuyện trên phone với thầy được 1 lần, thầy nói bây giờ trí nhớ rất kém và xin lỗi sẽ không nhận điện thoại những lần sau. Có 1 vài anh chị hỏi thăm về thầy, tôi có cho số phone, nhưng dường như thầy không trả lời.

Qua Nguyễn Xuân Dũng, 1 người bạn QGNT, quen được nhiều các anh cùng khóa 4/72 Thủ Đức với Dũng và thuờng được các anh ấy rủ họp mặt. Cách nay khoảng 2 tháng, tụ họp ở nhà Nguyễn Công Đa. Biết Dũng và tôi học QGNT, nên anh Đa hỏi có biết GS Nguyễn Khánh Do không?

Được hỏi "trúng đài" về người Thầy yêu kính của mình, tôi kể cho anh Đa biết đó là thầy tôi và kể lại những kỷ niệm đã có với Thầy. Nghe xong câu chuyện, anh Đa cho biết thầy Do chính là chú ruột của anh và kể sơ về tình trạng sức khỏe của Thầy. Anh Đa cũng cho biết thêm thầy Nguyễn Xuân Nghiên (1 GS dậy luyện thi khá nổi tiếng môn vật lý ở SG trước năm 1975) cũng là chú. Quả là trái đất tròn.

Nguyện cầu hương linh Thày sớm được siêu sinh tịnh độ
Học trò của Thầy
P.M.Đ

 

Anh Đốc nhắc lại bài thơ lượng giác gợi lại nhiều kỷ niệm với thầy và óc khôi hài rất tế nhị của thầy. Thầy dường như đã đọc được sự ngang bướng cố chấp bất mãn trường kỳ của tôi lúc tuổi thành niên nên đã hướng dẫn tôi rất khéo léo phù hợp.

Câu thơ lượng giác tiếp theo mà tôi còn nhớ và đem áp dụng trong chương trình đại học, cao học, và nghề nghiệp là: Tang thì Tang hợp với Tang. Nằm trên số một, tích Tang, dấu trừ.

Đầu năm đệ nhất thầy hỏi cả lớp: Các em muốn tôi dậy cách nào trong 2 phương pháp. Cuối năm thi đậu mà vẫn dốt hay cuối năm giỏi toán nhưng chưa chắc thi đậu.

Đỗ Ngọc Vinh thay mặt cả lớp xin thầy dạy cả hai phương pháp. Và thầy giải thích phải học thêm luôn cả buổi chiều với thầy mới kịp cho 2 phương pháp học này.

Một lần khác thầy chấm và phê bình bài của tôi bằng mực đỏ chằng chịt đọc mãi không ra, tôi đành phải mang bài mình lên nhờ thầy giải thích. Thầy tủm tỉm giải thích: Chữ bẩn, văn chương lủng củng, câu què câu cụt, lần sau cho zero luôn!

Tôi về chỗ ngồi và chợt hiểu thấu ý nghĩa câu: Gậy ông đập lưng ông. Đại hội 2003 tôi có nhắc lại với thầy chuyện này thì thầy cười vang giải thích: Tôi là giáo sư toán không phải giáo sư Việt văn nên làm gì có thể cho hay trừ điểm văn chương. Cuối niên khóa thầy đưa riêng cho tôi mượn một cuốn sách toán để học luyện thi thêm.

Nhờ những giáo huấn nhẹ nhàng khéo léo của thầy Do mà tôi cố gắng học cả toán và văn chương triết học để khỏi phụ lòng thầy.

Có lần thầy viết sai trên bảng. Tôi nhắc thầy. Thầy sửa lại và nói: Tôi chỉ muốn thử xem các em còn thức hay ngủ gật.

Lần sau khi thầy viết sai trên bảng, tôi nhắc: Dạ thưa thầy em vẫn còn thức ạ.

Thầy không nói gì, nhưng buổi học kế đến, trước khi dạy toán, thầy kể cho cả lớp nghe chuyện Nhà Hoạ Sĩ và Người Thợ Đóng Giày. Tôi hiểu ngụ ý sâu sắc của câu chuyện này và không bao giờ nhắc thầy và chú trọng tới những lỗi nhỏ của người khác sau này.

Còn rất nhiều kỷ niệm với thầy Do và ảnh hưởng sâu đậm đến bản chất quan trọng của tôi đã được thầy uốn nắn đào luyện, nhưng viết tới đây thì chợt thấy mờ nhoà cay cay trong mắt.

Kính tưởng nhớ thầy tôi.

Vô Cùng Thương Tiếc Và Thành Kính Phân Ưu Cùng Gia Đình Thầy Nguyễn Khánh Do. Nguyện Xin Hương Linh Thầy Về Miền Thanh Nhàn Vĩnh Cửu. GĐ Phạm Văn Oanh

 

Kính tiễn biệt Thầy – Thầy Tôi

Tôi học Thầy Nguyễn Khánh Do môn toán năm Đệ Nhị (lớp 11B3) niên khoá 70-71; vốn không phải là một học sinh chăm chỉ và “trí thông minh” cũng thuộc loại vừa phải nên suốt thời gian Trung học, học lực của tôi chỉ “thường thường bậc trung”. Năm đó, được Thầy dậy môn Hình học không gian và Lượng giác; với tôi: sin cos là một điều gì rất là khó hiểu, nên đành phải học thuộc lòng mấy cái “mẹo” để làm bài. Riêng với môn Hình học không gian, tôi lại cảm thấy thích thú nên cũng không đến nỗi nào dù vẫn “dốt và lười”. Không biết có phải nhờ phương cách giảng dạy của Thầy không? Điều này chắc phải nhờ các bạn cùng lớp, nhất là các bạn học khá cho ý kiến vậy!!! Cá nhân tôi chỉ nhớ Thầy rất “dí dỏm” trong lúc giảng bài, đưa ra nhiều thí dụ cụ thể rất thú vị, dễ nhớ. . . . . .Nhiều năm qua, gặp lại Thầy trong những kỳ Đại Hội QGNT tại hải ngoại, dù không có dịp tiếp xúc trực tiếp, tôi vẫn cảm nhận nơi Thầy những nét duyên dáng của ngày xưa. Điều này, một lần nữa, cho tôi một xác tín khi vô tình đọc được một số bài viết của Thầy; những bài thơ sắc bén về xã hội, con người, . . . . . thuộc loại “trào phúng” tại hải ngoại với Bút danh: Thiện Nhân Nguyễn Khánh Do.

Thời gian sau này, nghe tin Thầy không được khoẻ, tránh giao tiếp nhiều; từ khi Cô mất hầu như không còn có tin tức rõ ràng về Thầy nữa.

Được tin Thầy mất, chuyện gì phải đến đã đến!!! Kính mong Thầy thanh thản, an nhiên.

Học trò của Thầy.

Phạm Hữu Thừa Q72

 

(Đọc thêm các bài khác xin click link Báo Trống Đồng bên dưới)