DZĂNG NGHỆ - DZĂNG GỪNG
Những Nỗi Buồn và chữ Buồn trong Nhạc Việt Nam
Con người càng lớn tuổi càng có thêm nhiều nỗi buồn; giống như bức hình này, đến nơi rồi nỗi buồn sẽ vơi đi. Nhưng thật ra thì ngay khi còn trẻ người ta cũng có hay được nghe những nỗi buồn khác nhau:
- Còn nhớ lúc còn bé tiểu học, ban đêm trời mưa nằm ngủ bỗng nghe qua radio bài hát :" Không biết đêm nay vì sao tôi buồn, buồn vì trời mưa hay bão trong tim. đã mấy thu qua tôi vẫn đi tìm..." Không nhớ là mùa thu người ca sỹ này đi tìm cái gì; còn buồn vì trời mưa thì cũng dễ hiểu thôi; chứ buồn vì "mưa bão trong tim" thì hiểu chết liền.
Thời gian này cũng có bài khá là phổ thông " Xuyên lá cành trăng lên lều vải ????"
- Phải nói là nền tân nhạc VN đã ảnh hưởng rất nhiều cho giới trẻ học sinh tiểu và trung học nhất là nhỡng đứa chịu khó nghe radio; biết thêm được những nỗi buồn đâu đâu, do các lời nhạc hay các tên của bài nhạc có nhắc đển chữ "BUỒN".
- Còn nhớ thời trung học có một loạt các bài về tuổi mới lớn như:" Tuồi Ngọc ", "Tuổi Thần Tiên:, "Tuổi Mười Ba" do các ca sỹ tuổi mười mấy như Thái Hiền, Thái Thảo ...ca quá hay với những âm điệu vui tươi, lạc quan yêu đời.
- Rồi tự nhiên một buổi sáng nọ vừa ngủ dậy thì nghe một bài nhạc do Thanh Lan ca :" Buồn ... đã tới rồi, một buổi sáng ....Nhớ bé thơ cùng chơi, nấu nướng hay nhảy dây ...." Lời bài nhạc bé thơ trẻ con dễ thương như thế, nhưng có cái tựa là "Tuổi Biết Buồn". Nghe ...."Buồn đã tới rồi..." thì bà con liệu mà dzọt cho nhanh, chứ mà Buồn nó văng miểng trúng mình thì mệt lắm. Phải mà "Tiền ... đã tới rồi" thì là quá đã.
- Rôi có hai bài hát của Trịnh Công Sơn : "Lời Buồn Thánh", "Tuổi Đá Buồn". Buồn đã mệt rồi, buồn Thánh nữa thì không hiểu nổi ... còn đá mà cũng buồn thì không biết còn cái gì không buồn nữa không.
- Bài “Hoài Cảm" của Cung Tiến có điệu buồn nhè nhẹ mang máng và réo rắt đoạn giữa được mở đầu bằng :"Chiều Buồn, len lén trong tim....."
- Qua tới chuyện tình yêu tình cảm thì nhạc sỹ lão thành Phạm Duy có bài :"Chuyện Tình Buồn"; phổ thơ Phạm Văn Bình, có những câu :” Năm Năm rồi không gặp, Từ khi em lấy chồng....”
Cũng có một bài từa tựa cũng phổ thơ: “Hai năm tình lận đận, hai đứa cùng xanh xao.." nghe quá dữ.
-Cũng nhạc Phạm Duy, phổ thơ bài “Mộ Khúc”, có câu:
“..Hôm nay trời nhẹ lên cao
Ô hay chẳng hiểu vì sao tôi buồn,,,,”
- Có một bài không nhớ tựa có câu đầu là: " Buồn ơi ta xin chào mi, khi người yêu đã bỏ ta đi..." Còn nhớ có đi xem cine có cái tựa là "Bon Jour Tristesse", Tristesse lại là tên của bài nhạc classic của Chopin. Bài nhạc cổ điển cho piano này chắc là nghe buồn lắm nên người ta mới đặt tên Tristesse. Nên "Buồn Ơi Chào Mi." có thể tác giả lấy ý từ phim cine này chăng???
Mà Chào mi trong tiếng Việt cũng có nghĩa là Hello Buồn hay Bye Buồn; ai muốn hiểu sao thì hiểu.
- Rồi về các mùa cũng có bài "Buồn Tàn Thu" của Văn Cao. NGhe bài này, qua Thái Thanh mới thấy cái buồn dữ dội, cái buồn có thễ làm tàn cả một mùa thu. Còn có bài không có chữ Buồn nhưng nghe cũng buồn là bài "Sầu Đông." Mùa đông cũng có bài : "Bài Thánh Ca Buồn" hát về lễ Noel rất là được ưa chuộng, năm nào cũng được nghe mỗi dịp Giáng Sinh.
- Các ngày trong tuần thì có bài "Chủ Nhật Buồn". Bài này thì lấy ý theo bài :"Sombre Dimanche" của Tây, một bài rất là hay và nổi tiếng.
- Về hoa thì có bài "Nỗi Buồn Hoa Phượng" Lòng xao xuyến, mỗi khi hoa phượng rơi, nhớ lại câu chuyện buồn....
- Nếu anh chị nào đi xe đò Saigon - Dalat trước 75, sẽ nhớ khi xe đò sắp vô thành phố, thì anh lơ xe cho phát bài “Thành Phố Buồn”. “....Thành phố buồn, nhớ không em, ngày chủ nhật, ngày của chúng mình...” nghe mà rầu thúi ruột, chỉ muốn quay về lại Saigon. Đà lạt, thành phố mơ mộng, thành phố tình yêu....đẹp như thế mà người ta gọi là “Thành Phố Buồn”.
-Ta có “Thành Phố Buồn” thì cũng có tỉnh buồn qua bài :” Đêm Buồn Tỉnh Lẻ”
Nhưng có một bài hát tác giả nhấn mạnh chữ Buồn là bài “Tình Khúc Buồn” của Ngô Thụy Miên. Còn nhớ năm 1981-1982 tại trại tỵ nạn bên Phi Luật Tân có quán cà phê chuyên để băng nhạc Ngô Thụy Miên, có anh bạn ngồi uống cà phê, mỗi khi nghe bài “Tình Khúc Buồn” này, anh lẩm nhẩm hát theo :
“..Em như giọt rượu nồng
Dìu ta vào cuộc mộng
Em như vạt lụa đào
Quyện ta lời thì thào
Sẽ qua đi ngày tháng
Tình rồi cũng xa xưa....
....Buồn
Hát lẩm nhẩn rồi khi đến chữ “Buồn” anh ta lại hát lớn ....Buồn, khiến ai cũng trong bàn cũng giật mình. Khi hát chữ “Buồn” khuôn mặt anh lộ vẻ rất đau khổ như muốn khóc....trông còn buồn hơn là " Lên xe tiễn em đi, chưa bao giờ buồn thế, trời mùa đông Paris, suốt đời làm chia ly.."
Nhìn anh từ xa có người nói anh đúng là mẫu “ Người Di Tản Buồn” hay ít ra cũng là “Người Tỵ Nạn Buồn..”
-Ở hải ngoại sau này Nhạc sỹ Ngọc Trọng có bài :”Buồn Vương Màu Áo”.
- Nhạc sỹ QGNT Trần Quảng Nam cũng có bài :”Nỗi Buồn Cỏ Sâu” mà ta ít có dịp nghe qua.
Sơ sơ về các bài nhạc có tựa đề hay có chữ “Buồn” trong bài nhạc, còn về con người chắc chúng ta còn nhớ trong các mục “Kết Bạn Tâm Thư” , “Tìm Bạn Thư Tín” thì thế nào ta cũng bắt gặp các lời rao có câu :” Nghiêm và Buồn; Buồn nhiều hơn vui, xấu đẹp tùy người đối diện...”.
Thiệt ra chữ “Buồn” cũng có những nghĩa không “buồn” tí nào như: “Buồn Cười; Buồn ngủ gặp chiếu manh; Buồn Buồn là nhột khi ai cù léc mình.v.v....
Tiếng Việt có nhiều chữ cùng một cách viết mà lại có các nghĩa khác nhau như chữ “Buồn”, chữ “Chào” có nghĩa trái ngược nhau. Hello hay goodbye.
Có cặp tình nhân kia đang đi chơi, anh chàng thích quá, hứng khởi hỏi cô nàng: “ Em có chịu lấy anh không?” Cô nàng hơi ngạc nhiên và trả lời chàng :’ Em ấy hả, lấy anh thì em xin chịu...”
Các bạn thử đoán xem, nghe cô nàng nói vậy, anh chàng sẽ phản ứng ra sao??? Chịu hay không chịu???
Không biết là năm nào thì coi được trên TV Truyền Hình VN băng tần số 9, ca sỹ Lệ Thu ca bài “Ngậm Ngùi” và sau đó một bài nữa là bài “Hương Xưa”. Bài Ngậm Ngùi thì nghe lần đầu tiên, còn bài Hương Xưa của Cung Tiến thì đã có nghe qua nhưng không nhớ là do ca sỹ nào hát.
Nghe hai bài này thất thật là hay. Lệ Thu có cái tài ngoài kỹ thuật giọng ca còn diễn tả được cái hồn của bài nhạc khiến người nghe như cảm được và hòa mình vào cái ý tưởng, cái tâm tình của nhạc sỹ khi họ viết ra bài nhạc.
.........Năm 1968-1969 thì có tin qua báo chí hay đài phát thanh là ca sỹ Lệ Thu sẽ hát độc quyền cho phòng trà Queen Bee ở Sài gòn. Còn nhớ là vì năm đó tụi này học lớp đệ ngũ 9. Thời gian này có tin Jo Marcel và những ca sỹ khác từ Pháp về Saigon, trong đó có Tiny Young hay Thiên Hương. Trong lớp đệ ngũ 9 này có một nữ sinh trông giống như Thiên Hương, cũng cao và có mái tóc đàng sau để dài, đàng trước cắt ngang trán nhìn y chang.
Không biết việc Jo Marcel về Saigon có làm dấy nên phong trào giới trẻ ở Saigon bắt đầu tập tành nghe nhạc ngoại quốc nhạc Pháp hay nhạc Mỹ hay không? Chắc là không vì trong lớp đệ ngũ đã có những học sinh bọc những cuốn vở của mình bằng hình của các ban nhạc như ban Monkees của một nữ sinh, ban Rolling Stones của một nam sinh.
Thời gian đó qua đài truyền hình Mỹ băng tần số 11 có show của ban nhạc The Monkees, show có bốn anh chàng trong ban nhạc qua những đoạn phim tếu tếu và thỉnh thoảng kèm một bài nhạc do ban nhạc chơi trên sân khấu. Chỉ nhớ được mỗi một bài là “Day dream believer” của ban này.
Riêng bạn nam sinh này thì dịch tên ban nhạc Rolling Stones là “ những hòn đá lăn lóc” rất là sát nghĩa. Lăn lóc như vậy đó mà cho tới bây giờ hơn nửa thập kỷ mà ban nhạc vẫn còn sống chưa nhăn răng. Còn nhớ là cái bao vở này chụp ban nhạc đang trình diễn ban đêm hay sao đó mà chỉ thấy ánh sáng phần giữa nơi ban nhạc đứng, còn sân khấu mênh mông chung quanh thì trùm cả một màu đen, khiến một lần có giáo sư cầm cuốn vở giơ cao cho cà lớp thấy và nói: “Này này sao mà đen quá thế này....”
.........Rồi cho tới khi nghe nói Lệ Thu vượt biên. Khoảng năm 1981 trên trại tỵ nạn thuộc đảo Pula Bidong vì dân tỵ nạn ở rải rác trên đảo nên người ta bắt các loa chung quanh để khi cần thông báo tin tức thì cả đảo có thể nghe được. Cứ tới buổi tối khoảng 8, 9 giờ là bà con lại được nghe bài “ Thuyền Viễn Xứ” do Lệ Thu hát. Tưởng tượng ngồi ngay bờ biển nhìn ra xa, nghe thuyền viễn xứ ...tìm về đường CỐ LÍ, CỐ LÍ xa xôi...Sau này mới hiểu hai chữ Cố Lí là Làng quê xưa.
.........Rồi “ Mười Năm Tình Cũ”, còn nhớ sau khi phát hành băng nhạc cassette này. Tôi và tác giả mang băng lên tiệm Mekong ở thành phố Sacramento chào hàng. Khi tôi mang băng vô tiệm, tác giả ngồi trên xe nói với theo: “Mày nhớ mở cho họ nghe bài đầu nghe mày...” Bài đầu, ngay mặt A là bài Mười Năm Tình Cũ do Lệ Thu hát.
.....Rồi vài năm sau không nhớ năm nào, nhà thờ ở San Jose có tổ chức văn nghệ gì đó có ca sỹ Lệ Thu, lần đó lần đầu tiên mới thấy Lệ Thu hát.