Đặc san Đại Hội QGNT2015 với dạng PDF có thể download với hai ấn bản sau:
Đặc San QGNT 2015 ̣(đọc từng trang trên tablets)
Đặc San QGNT 2015-S (đọc hai trang như đọc tạp chí, dùng laptops hay màn hình lớn)
Designed by Ninh Quốc Bảo QGNT73
LỜI NGỎ
Cứ mỗi lần họp mặt, là một lần Đặc San ra mắt. Như mỗi độ Xuân sang là một lần “làm” báo. Từ báo quyển (Đặc San Xuân) đến báo treo tường (Bích Báo), những dòng chữ viết ghi lại sinh hoạt trong một khoảng thời gian hữu hạn mà trí nhớ sẽ chóng nhoà phai nếu không có dịp ngồi xuống, dàn trải ra trên giấy trắng, kể lại những buồn vui thơ dại mà bất cứ tuổi nào cũng có lần va vấp.
Như dòng sông trôi chảy, ngoài cái mênh mông cuồn cuộn của nước, còn cái mát lạnh, cái ngọt ngào; còn những cánh lục bình tản mạn, những con đò dọc ngang xuôi ngược trong cõi nhân gian, nơi có những tấm lòng xúc cảm vì làn gió ban chiều, vầng sương buổi sớm, bình minh trên sông hay hoàng hôn cuối bãi hoặc đêm khuya trăng chếch ngang trời. Như khi nước liền với nước, chiếc lá giữa dòng bị sóng xô triều dạt xua đẩy đến những bến bờ xa lạ của năm châu, thì những tâm tình ấy làm sao trút cạn trong thời khoảng mong manh của những lần hội ngộ. Huống chi đã bốn mươi năm, từ độ lìa bỏ trường xưa, rời xa quê cũ, những chồng chất của kỷ niệm và hồi ức đã làm mỗi người ngày thêm cằn cỗi hư hao. Thế thì xem như đó là một lý do cần thiết để những ai còn viết được nên viết, những ai chưa nói hết hãy tỏ bày.
Chủ đề của lần hội ngộ bốn mươi năm lìa bỏ trường xưa là CHA, duyên khởi của cuộc hội tụ hơn năm mươi năm trước của những đứa trẻ từ bốn phương thôn xóm sông hồ. Chúng ta sẽ nghe kể lại về những hình bóng nhạt nhoà trong dòng đời phiêu bạt, nhưng vẫn đậm nét trong trí nhớ trẻ thơ, thứ trí nhớ khó mờ phai theo ngày tháng. Chúng ta sẽ đọc lại những dòng xúc cảm về không gian thân thiết vây quanh những đứa bé cô đơn năm cũ, những ngậm ngùi về sự thăng trầm mà từng người đã trải qua, những cố gắng để sinh tồn trong phút giây còn mất của từng mảnh đời người.
Vậy đó, trang giấy đã mở, dòng mực đã sẵn sàng. Chúng ta hãy cùng nhau đọc và cùng nhau ghi lại, một lần nữa nhé!
BBT Đặc San QGNT 2015
Lời Kêu Gọi Ủng Hộ Quảng Cáo
Quý anh chị thân mến,
Cũng như các quyển Đặc San , Kỷ Yếu QGNT ....hai năm ra 1 lần trước đây, để có ngân khoản chi phí cho việc in ấn, Ban Biên Tập và Ban Tổ chức ...tìm các nhà bảo trợ, mạnh thường quân..bằng cách đăng các trang quảng cáo cho cơ sở cuả các quý vị này trong tờ Đặc San.
- Ban Biên Tập ước mong sẽ nhận được sự giúp đỡ trước tiên là cuả các QGNT, quý anh chị nào có cơ sở business muốn quảng bá cho độc giả biết về cơ sở cuả min`h, xin liên lạc với chúng tôi.
- Tháng bảy cũng là dịp sinh viên, học sinh ...vưà ra trường tốt nghiệp...nên cũng là 1 dịp cho quý anh chị gởi lời chúc mừng đến ...anh chị cha mẹ cuả em sinh viên đó trên tờ Đặc san QGNT mà min`h có thể lưu trữ thời gian lâụ
- Sau đây là giá quảng cáo trên tờ Dac San QGNT2013, và sẽ áp dụng cho tờ Dac San QGNT 2015. Quý anh chị có thể coi mẫu trong cuốn Kỷ Yếu QGNT2013
- $400 cho 1 trang màu
- $200 cho 1/2 trang màu
- $150 cho 1 trang đen trắng
- $100 cho 1/2 trang đen trắng.
Ban Tổ chức Đại hội sẽ chứng nhận INVOICE cho từng thân chủ nếu có yêu cầụ
Sẽ kính tặng các quyển Đặc San cho các thân chủ quảng cáọ
Các quảng cáo, lời chúc mừng... sẽ được trang trọng trình bày trong mục : "Ân Nhân - Mạnh Thường Quân" trên website quocgianghiatụcom.
Quý anh chị ó thể gởi mẫu quảng cáo dã design sẵn (PDF hay JPG format) hay các chi tiết và artworks muốn dùng cho trang quảng cáo về trước ngày 15/6/2015.
Ðã Có 1 QGNT ủng hộ cho trang bià trong, in màụ
Chân thành cám ơn quý anh chị
BBT
Ông Té Lầu ơi,
Ông viết như vậy thì còn ai dám viết tiếp theo. Thầy Nguyễn Khánh Do gọi kiểu viết này là "mặc áo thụng vái nhau". Tôi da mặt mỏng, không dám mặc "complet" chường mặt lên sân khấu, nên đeo bình hơi lặn hoài. Ngặt cái mấy chỗ trốn bị bà con biết hết nên phải trồi lên.
Nói về thơ, tôi có lần tâm sự với ông, đọc thơ của Bằng Lăng, Minh Chí rồi, tôi mắc cở không dám ngồi xuống viết, về văn có Kim Thanh, phóng sự, truyện ngắn có anh Diễm thì phải, đó là mấy người tôi may mắn biết được, cò biết bao nhân tài ẩn mặt tôi chưa kịp đọc qua.
Chẳng qua, tôi quen chuyện làm báo, ăn thua mình gan, mượn hoa cúng Phật, trước làm bổn phận, sau cũng giải khuây. Chớ ông cũng hay " đời tôi như nhánh sông già, chảy không tới biển thành sa mạc buồn" khôn nhà dại chợ mà thôi.
Tôi cũng đang kẹt, ý thì có mà tứ thì không. Viết về cha mình mà thêm dầu mỡ hành ngò ắt là không phải, nếu y chang mà kể thì khô khốc đọc không trôi, vò đầu riết óc o sói sòi sọi, mà cũng chưa biết hạ bút từ đâu.
Bà con mình làm ơn cứu bồ, hôm nay là gần hết tháng 3 rồi, còn có hơn sáu mươi ngày, ngó coi dài mà cái vèo quay qua quay lại là tới ngày lên khuôn đó.
Đôi hàng vắn tắt làm tin vậy.
thân mến,
phan nhật tân
Tôi yêu cái văn phong của anh Phan Nhật Tân, nội lực hiển hiện trên từng con chữ, cách ngắt câu chuẩn mực của dấu chấm dấu phẩy, ngọt sắc như ..... đường gươm Nguyên Bá, thể hiện cái phong thái điềm tỉnh luôn có nơi anh. Và trên tất cả, cái tố chất chân - thiện - mỹ bàng bạc cùng khắp những gì anh viết, theo đúng nghĩa của hai chữ văn chương. Gặp nhau trong dịp 2013, tôi có hỏi về việc vắng bóng thơ văn của anh trên diễn đàn, anh trả lời sau một hơi thuốc dài ..... nhiều người viết hay cho diễn đàn rồi, mình dành thì giờ cho chuyện khác (!) . Tôi nhìn anh như một dấu hỏi, lại thêm một hơi thuốc dài trước khi anh kê ra vài tên của các thành viên kèm theo những ý khen .
Nào có thể dễ dàng như thế, muốn không xay lúa thì phải bồng em, anh Tân và anh Thanh Hải Âu nhận vai BBT DS2015, chung tay với ngài webmaster Mai Viết Khánh .
Anh Tân ơi, thật ngẫu nhiên khi hai anh em mình cùng lúc có chung ý nghĩ về dòng sông, anh thì đang soạn lời ngỏ đến các thành viên, em thì đang đếm từng cây số và thấy các áp phích cổ động vận động của giới nông gia California ..... có nước là có tiền ..... nước chảy tới đâu, việc làm theo tới đó .....
Tuy cùng nghĩ như nhau, nhưng còn xa lắm em mới theo kịp chân anh. Dòng sông lớn của anh chất chứa những mảng đời trôi dạt khắp nơi, không như con sông nhỏ của em chỉ có hai người bơi . Tự mình xấu hổ, nhưng em phải trình với niên trưởng, để tự anh định tội đặt tên.
Em đưa anh đến nơi bắt đầu của một dòng sông.
Và từ đó,
anh đưa em đến nơi cuối cùng của một dòng sông.
Mình lặng thinh bên nhau,
dõi bước theo nhịp đập của từng con sóng vỗ.
Anh không cần làm thơ.
Thế giới đã có Tagore là thi sứ tình yêu,
biến sợi tóc thơm nhỏ của em hoá thành con sông lớn,
miên man và bất tận.
Ngay cả khi dòng sông bị xoá tên trong đại dương,
tiểu ngã thoát thai hoà vào đại ngã,
mình vẫn luôn có nhau.
Em đưa anh đến nơi bắt đầu của một dòng sông.
Anh đưa em đến nơi cuối cùng của một dòng sông.
Mình sánh bước theo nhịp đập của từng con sóng vỗ.
Em bảo anh làm thơ.
Ừ, anh sẽ làm thơ.
Một bài thơ ngắn, vô thanh vô ngôn.
Hãy nhìn sâu trong mắt anh,
em sẽ thấy bài thơ ba chữ !
Vậy hén, xem như em xong việc hiệu triệu mời gọi các thành viên QGNT viết cho chủ đề CHA của DS2015, viết luôn những gì mà hồi đó ba còn sống nếu thấy mình bày đặt viết như thế là ..... bị đòn !
Xin làng viết QGNT hãy tuôn sông, để BBT DS2015 tha hồ chèo vớt .
Love / Nguyễn Trọng Phương.
Chào cả nhà,
Hôm nay là rằm tháng giêng, kết thúc mùa lễ Tết theo phong tục cổ truyền Việt Nam, dù rằng ăn chơi thì còn dài dài đến hết ngày ba mươi. Nên xin bàn vào việc chính là thực hiện Đặc San 2015.
Tối hôm trước viết bài lời ngỏ, thì sáng hôm sau lúc 8 giờ, Té Lầu đã lù lù xuất hiện gọi tôi ra uống cà phê để bàn chuyện báo, làm tôi giật mình! Hóa ra trong đêm chàng đã cùng Hải Âu ngâm sa mạc rồi. Nghĩa là vào thời buổi văn chương xuống giá, chữ nghĩa phai nhòa, thông tin chạy nhất là loại mì ăn liền có hình ảnh minh họa, phải gan lắm mới rủ nhau làm "báo." Nhất là về một chủ đề rất cô đọng và khó viết.
Lòng Cha thương con không kém thua tình Mẹ. Nhưng bản tính của đàn ông trong xã hội ngày xưa ít khi tỏ lộ bên ngoài, hoặc nếu có cũng cứng rắn,gãy gọn,nên con cái thường kính mà ít mến. Hơn nữa, với chiến cuộc và công vụ bên mình, thời gian Cha con gần nhau thật ngắn ngủi, viết về một điều mình ít kinh nghiệm quả thật khó khăn!
Cũng may mà đa số chúng ta đều đã có dịp làm Cha làm Mẹ, chúng ta có thể qua cảm nhận riêng của mình bây giờ phóng rọi trở lại hình ảnh của người Cha năm cũ.
Cho đến nay ít nhất đã có một bài viết về gương hy sinh của một người Cha đã cứu được tính mạng của một số đông đồng bào, được viết lại bởi một nhân chứng khi sự việc xảy ra chỉ là một cậu bé lên mười.
Còn rất nhiều chuyện về những người là QGNT nhưng chưa kịp được công nhận, vì Cha của họ hy sinh vào những giờ cuối của cuộc chiến.
Ngoài cài sườn chính là những bài viết về Cha, ngoài mặt trận hay trong gia đình, dĩ nhiên không thể thiếu những bài viết khác, vì Đặc San sẽ không chỉ là một bức tượng để tôn vinh, mà cần có những chi tiết để chúng ta đến gần và tìm hiểu, thân cận. Sẽ có góc của trường của lớp, của Hiệu Đoàn, Nội Trú, sân thể thao, thư viện, và cả những lần picnic dã ngoại nữa
Xin viết và gửi về, chúng ta sẽ cùng nhau sắp xếp lại cho gọn gàng, hợp lý, để có một kỷ niệm đẹp lúc tuổi già.
Rất mong những cây bút ngày xưa một thời vẫy vùng trên các trang Đặc San và Bích Báo trở lại cùng giấy mực, và chúng ta chắc chắn sẽ làm được một tờ báo hay và đẹp ít ra cũng như ngày xưa đã có.
Thân chúc sức khoẻ và bình an đến cả nhà.
phan nhật tân.
Một số các đặc san, giai phẩm QGNT trước và sau 75
Chủ Đề Các Đặc San và Đại Hội Quốc Gia Nghĩa Tử
1992: Đặc San và Đại Hội : Vinh Danh Các Thầy Cô - Trở Về Trường Cũ
1993: Đặc San và Đại Hội: Nối Lại Vòng Tay
1995: Đặc san: Mẹ Việt Nam - không có đại hội
2003: Đại Hội Tương Phùng - Đặc San: Tương Lai và Hy Vọng
2005: Đặc San và Đại Hội: 30 Năm Nhìn Lại 1975-2005
2007: Đặc San và Đại Hội: Vẫn Giữ Niềm Tin
2009: Đại Hội: Ngày Hội QGNT - Đặc San: Vẫn Giữ Niềm Tin
2011: Đại Hội và Đặc San: Nối Chặt Vòng Tay
2013: Lễ Kỷ Niệm và Kỷ Yếu: 50 Năm QGNT 1963 - 2013
Tập Văn Thơ : Một Thời Để Nhớ
2015: Đại Hội và Đặc San: Cha
Chào Cả Nhà,
Hôm nay là ngày đầu tháng sáu. Nghĩa là ngày bắt đầu tổng kết bài vở cho ĐSQGNT2015.
Ngoài phần chính chủ đề, chúng ta có phần dành cho trường cũ nhưng hơi thiếu chút tình xưa. Có phần biên khảo về sức khoẻ và làm sao để yên tâm sống khoẻ. Có góc của bạn bè các niên khoá cũ. Có góc của nội trú ngày xưa và cũng có góc của sinh hoạt ngày nay. Có những khoảng xanh mát và vui nhộn, và cũng có những khoảng tối xám buồn thương. Cho tưởng nhớ và ngậm ngùi.
Bốn mươi năm dòng sông chảy, cố tuôn tràn ước mơ buổi đăng trình từ những hạt tuyết tan trên đỉnh non cao thành cuồng lũ qua ghềnh qua thác, rồi thư thả hiền hòa qua làng xóm thôn trang mong chạm tới vị mặn se môi của biển. Ở đó đất và trời gặp nhau trên một đường cong phẳng cho tầm mắt nghỉ ngơi, cho tấm lòng buông thả.
Song cũng có những nhánh sông bị vùi quên hoặc ngủ quên trong thinh vắng, thành rạch cạn rêu mờ hay héo khô dần như doi cát lấp. Nên tiếng sóng vỗ trên sông và tiếng sóng vỗ ngoài bãi biển thường kèm theo những tiếng thở dài, vì mình mệt mỏi hay vì ta luyến tiếc cho nhau.
Nhưng giọt nước đầu non cũng phải chia đôi để chảy về hai bên triền núi, nên phân kỳ là chuyện tất nhiên của vũ trụ nhân sinh. Ước mong gặp lại giữa biển khơi để cùng hoá thân thành mây trắng trả lại cho đầu non giọt tuyết tinh tuyền sẽ là nguyện vọng chung, cứu cánh chung của tất thảy chúng ta một khi còn quyến luyến cuộc phong trần bạn lữ.
Vậy thì cứ hẹn thầm cùng nhau nhé, một lần nào đó gặp lại nhau trên dòng đời vẫn chảy trôi. Có thể chẳng còn nhận ra nhau: xưa nay người đẹp và danh tướng, chẳng để ai kia thấy bạc đầu; song vẫn tin rằng trong mỗi bước ta đi luôn có những mắt nhìn theo cổ vũ, khuyến khích và ủi an nâng dắt. Có thế ta mới can đảm mà tiếp bước, mà chỗi dậy, vươn lên. Hẹn với nhau như vậy nhé!
Và vào tháng bảy năm 2015, Đặc San sẽ hân hạnh gặp lại tất cả mọi người. Chỉ cần ta không quên Đặc San, Đặc San sẽ không quên ai cả.
Cám ơn tất cả các anh chị em đã đóng góp bài vở cho Đặc San 2015, đã giúp đỡ bằng cách này hay cách khác để Đặc San 2015 lại có mặt như một kỷ niệm cho chặng đường chúng ta đã cùng đi ròng rã bốn mươi năm.
TM BBT ĐS2015
phan nhật tân
Cách Thức Gởi Bài:
Bài vở xin gởi trước ngày 31/5/2015 và gởi về một trong các điạ chỉ email sau:
- Anh Phan Nhật Tân: cmrphan@yahoo.com
- Anh Thanh Nguyễn: haiau54@yahoo.com
- Anh Mai Viết Khánh: qgnt2003@yahoo.com
- Kính mong nhận được bài vở của quý thầy cô và quý anh chị.
BBT Đặc san QGNT 2015
Chào Cả Nhà,
Hôm nay BBT đã nhận thêm một số bài thơ và văn của Kim Thanh. Xin cảm ơn đã đóng góp cho Đặc San 2015. Cũng thành thật xin lỗi vì đã khơi dậy vết thương lòng trong mỗi người chúng ta, dù thời gian đã phai nhạt ít nhiều, song mỗi lần nhắc đến, chắc không tránh khỏi khoé mắt cay cay, tấc lòng thổn thức.
Bốn mươi năm đã qua, tuy kết thúc của cuộc diện không như điều chúng ta mong ước, nhưng càng ngày càng có nhiều người, kể cả kẻ nghịch thù và những người phản bội, cảm nhận được sự hy sinh cao quý, vì nước vì dân của cha anh chúng ta. Trong niềm tưởng tiếc ngậm ngùi chúng ta cũng cảm thấy thầm kiêu hãnh được là con em của những người đã sống trọn vẹn cho lý tưởng ngươi trai thời chinh chiến.
Điều đáng quý hơn là không vì những khó khăn của đời sống bủa vây, chúng ta đã vượt qua và đứng vững, củng cố và hoàn thiện chính mình, tạo lập một nền tảng mới vững chắc cho con em mai sau.
Ước rằng trên con đường trước mặt, anh chị em chúng ta sẽ tay trong tay thực hiện được thêm nhiều dự án hữu ích cho đàn sau.
Xin cảm ơn tất cả.
Tình thân ,
pnt
Hello anh Phương Té Lầu và quý anh chị
- Layout bài vở cho đẹp thì in màu nguyên quyển Đặc San là đẹp ngaỵ
-Nói giỡn (mà thiệt) chơi cho vui chứ quan trọng (theo thiển ý cá nhân) là phần bài vở sao cho hay để người đọc khi cầm quyển Đặc San trên tay cảm thấy không phí thời giờ.
- Đặc San QGNT hai năm ra 1 lần nên thường chú trọng vào chủ đề và không ngoài mục dích đó, Đặc San 2015 sẽ có một số bài chủ lực và các bài phụ lục liên quan với chủ đề.
- Đặc san cũng chú trọng về phương diện thông tin hữu ích (informative) để độc giả có thể học hỏi thêm điều gì đó hữu ích cho cuộc sống cuả mình và gia đình ???
- Không thể không đề cập tới phương diện giải trí, văn nghệ...hay các sinh hoạt tự do khác cho người đọc thoải mái đầu óc sau khi "nghiền ngẫm" các bài chủ đề.
- Vì là tổ chức cựu học sinh trường học, cho nên cũng có những quý anh chị muốn viết về những kỷ niệm về trường lớp, thầy cô, bạn bè ....thời còn đi học dưới mái trường thân yêu nàỵ..
Anh Phương và quý anh chị có thể gởi các bài viết về Ban Biên Tập để BBT có thể đọc và chuẩn bị cho phần kỹ thuật (retype, spelling, dấu chấm câu, dấu hỏi dấu ngã .v.v..) trước khi mang qua phần design và layout trang.(bắt đầu 1 tháng 6)
Bài vở xin gởi trước ngày 31/5/2015 và gởi về một trong các điạ chỉ email sau:
- Anh Phan Nhật Tân: cmrphan@yahoọcom
- Anh Thanh Nguyễn: haiau54@yahoọcom
- Anh Mai Viết Khánh: qgnt2003@yahoọcom
- Kính mong nhận được bài vở của quý thầy cô và quý anh chị.
BBT Đặc san QGNT 2015
Thú thật tôi cũng muốn viết về Bố tôi, 1 người tôi rất sợ hồi nhỏ, nhưng kính phục và yêu mến khi lớn, hiểu cuộc sống hơn. Cái khổ như anh Tân tâm sự, làm sao có thể đưa những chuyện hư cấu, thêm thắt về Bố mình vào "văn chương" cho được!
Thêm nữa bản thân không có khiếu về cách bố cục, thuờng dàn trải, không nêu bật được trọng tâm, thiếu chiều sâu gạn lọc. Một bài, thuờng phải sửa đi, viết lại 4, 5 lần mới cảm thấy hơi tàm tạm. Hôm nay, vẫn chưa có chữ nào, không biết có bài gửi cho Đặc San hay không?
Văn sĩ và thi sĩ trong gd Q. viết, tôi thích rất nhiều. Kể tên cũng cả trang giấy. Văn chương cũng như âm nhạc, có những người ái mộ văn sĩ này, người ái mộ thi sĩ kia. Mỗi người có những "gu" nhất định về sự thuởng ngoạn.
Xin ace Q. mạnh dạn góp 1 tay với anh Tân, anh Thanh và anh Khánh cho đặc san của chúng ta.
Thân mến,
Đốc
(03.01.2015) – Phan Thiết –
“Em nào mà gặp Soeur này, chắc chắn sẽ xin đi tu thôi”. Người bạn cùng đi với chúng tôi thốt lên như vậy. Hẳn tôi không nghĩ như thế nhưng một ngày làm việc với nhau, người Nữ Tu này đã để lại nơi tôi nhiều cung bậc cảm xúc.
Người bạn cùng đi với chúng tôi nói tiếp: “Con đã rất quen với các cơ sở từ thiện, đến nhiều nơi, gặp nhiều người, con muốn nói đến sự quen thuộc, nhưng Soeur này để lại trong con nhiều ấn tượng mạnh mẽ, quả thật diệu kỳ”.
Đúng vậy, với các “thành tích”: nuôi các chị em mang thai ngoài ý muốn, nuôi các cháu cô nhi, quy tụ nâng đỡ người già neo đơn, kẻ nghèo khó, mỗi ngày phục vụ 300 tô cháo ở bệnh viện, chôn cất các thai nhi bị phá bỏ… là những hình thức bác ái quen thuộc. Khó khăn có, gian lao có, thách thức có, nhất là công viêc Bảo Vệ Sự Sống những năm khởi đầu khi hiếm có nơi nào làm. Nhưng những khó khăn ấy nhờ ơn Chúa, với thời gian và lòng quảng đại của nhiều người, sẽ không đến nỗi là những ngăn trở hiểm nguy cho lắm đối với chị. Trong sứ mạng của chị, chị cũng đã vượt qua.
Nhưng rồi, cách đây vài năm, qua thông tin của dân chúng, chị biết có vài ngôi mộ vùi dập thân xác những người vượt biển chết trôi dạt vào bờ. Người ta bắt đầu cần đất bờ biển để làm du lịch. Không ai là thân nhân của những người xấu số, chị đứng ra nhận rồi cải táng về nghĩa trang Giáo Xứ, ngày ngày thăm viếng, đốt một nén nhang cho ấm áp hương hồn. Tin này truyền đi trong dân chúng quanh vùng. Và thế là một ngày “duyên nợ” lại đến. Người ta dẫn chị đến một ngọn đồi với cái tên thật thơ mộng, “Đồi hoa sim”. Hàng trăm ngôi mộ đất hoàng tàn của những người lính Việt Nam Cộng Hòa năm xưa. Những trận đánh khốc liệt của những ngày tháng tư năm 75, cuộc tan hàng vội vã bỏ lại phía sau những anh em đồng đội đã gục ngã… Rồi thất trận ly tán bốn phương, những ngôi mộ đất rơi vào quên lãng, âm thầm lặng lẽ u buồn theo năm tháng…
Rồi lại một nghĩa trang khác của một trại lính, cũng vậy, lác đác vài chục ngôi mộ, trại lính năm xưa chỉ còn là cỏ dại, cô quạnh với những cành sim khô khốc…
Rồi lại một trại tù cải tạo, người ta phát hiện ra vài ngôi mộ năm chơ vơ giữa đồng cát. Trại tù đã giải thể, bỏ lại cánh đồng vắng những kẻ chết rũ tù chẳng biết tự bao giờ !
Chị đã bật khóc nhiều lần khi kể lại cho chúng tôi nghe. Chị dẫn chúng tôi đến từng ngôi mộ, kể lể chi tiết, rằng khi đào lên bên trong còn những gì. Thật khó, hơn 400 ngôi mộ vô danh, chị ghi lại lý lịch từng ngôi mộ, cái này xác còn cuốn trong Poncho, cái này đôi giầy còn nguyên vẹn, cái này có răng vàng, cái này còn cái đinh niken ở ống chân… May mắn có tất cả 74 ngôi mộ bên dưới còn giữ được chiếc thẻ bài của người lính.
Với các chi tiết có được, chị ghi chép cẩn thận và bày tỏ với chúng tôi nỗi trăn trở làm cách nào đây để thân nhân từng người lính này biết được nơi an nghỉ của họ, làm cách nào để những con người đã nằm xuống có ngày nhận được những nén nhang từ tay người thân của mình cắm trên phần mộ… Chị không mong ước gì hơn và hoàn toàn không có một mục đích nào khác ngoài việc quy tập anh em, cầu kinh khấn nguyện và cùng anh em ngóng đợi người thân… Tôi đi dọc theo những hàng mộ xây dựng thẳng tắp ngay ngắn, xin lỗi chị, dưới con mắt của người biết chút ít về nghệ thuật kiến trúc, tôi thấy việc xây dựng mộ khá thô vụng xét về kiểu dáng, về chất liệu cũng như mầu sắc, nhưng tôi khâm phục chị và các cộng tác viên vô cùng. Làm sao một phụ nữ mỏng manh bình dị như thế, một Nữ Tu lẽ ra bằng lòng với câu kinh tiếng kệ trong bốn bức tường Tu Viện, chị lại xông pha sương gió làm gì, nhận lấy những gian lao khốn khó làm gì, đối đầu với bao rủi ro hiểm nguy đến từ một chế độ quá nhiều ác cảm và phân biệt đối xử làm gì, và bởi đâu chị lại kiên trì âm thầm thực hiện được một công việc quá to lớn như vậy ? Cánh đàn ông chúng tôi có thể biết làm đấy, nhưng có dám làm, có dám chịu trách nhiệm ? Người ta chỉ bằng lòng dừng lại với việc “cầu cho các linh hồn mồ côi”, thế thôi, chớ có dại làm gì ảnh hưởng đến các hoạt động mục vụ khác, thậm chí có khi người ta còn nại đến… vì lợi ích Dân Chúa ! Thật buồn…
Thấy tôi ngạc nhiên về những cành hoa tươi cắm đều trên các phần mộ, chị giải thích: “Có một vị ân nhân ở Đà Lạt, đôi ba ngày lại gởi xuống một giỏ hoa tươi, chúng con chỉ việc nhặt nhạnh rồi cắm vào các ngôi mộ, nhang thì chúng con thắp mỗi ngày”. Vùng giáp biển nên gió thổi rất mạnh, một cái giếng được đào bên rìa nghĩa trang, cứ vài ngày thì các ngôi mộ được bơm nước rửa sạch bụi bặm. Một bức tường cao được xây dựng để ngăn trâu bò len vào giẫm đạp. Lại có hai người thường xuyên ngoài nghĩa trang đến để dọn dẹp quang quẻ sạch sẽ cũng như tiếp tục chôn cất các thai nhi.
Một ngày làm việc trôi qua với nhiều cảm xúc, chúng tôi quây quần quanh nhau để lắng đọng tâm hồn cùng với lời cầu kinh cho những người đã nằm xuống, ráng chiều đã rực lên, gió hoàng hôn đã bắt đầu những cơn quần quật. Mọi người lặng thinh với không gian và với chính mình. Trên đường về không ai bảo ai, lòng như trùng xuống ngậm ngùi, chạnh nhớ một bài hát của Trịnh:
“Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây, Đã vui chơi trong cuộc đời này, Đã bay cao trong vòm trời đầy, Rồi nằm xuống, không bạn bè, không có ai, Không có ai, từng ngày, không có ai đời đời Ru anh ngủ vùi, mùa mưa tới trong nghĩa trang này có loài chim thôi !
May quá, ở nghĩa trang này, không chỉ có chim trời và hoa dại, mà vẫn luôn có đó một chị Nữ Tu ân cần tận tụy và những con người tốt bụng chăm sóc gần gũi các anh…
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 26.12.2014
Tôi thèm lắm biết không em chút tình phụ tử
Mà chúng mình nhiều kẻ mất từ lâu!
Thưở lớn khôn, cái lúc biết vui sầu
Biết trống vắng, nghe có gì thiếu thốn (?)
Những trẻ chung quanh, những nhà lối xóm
Có cả hai, người mẹ lẫn người cha
Bên mâm cơm buổi tối ấm mái nhà
Cha trở bước xum vầy vui câu chuyện
Tôi hỏi mẹ ... mắt mờ đi quyến luyến
Rồi lặng thinh bao phủ cả bữa cơm!
Tôi làm quen trò chuyện những vui buồn
Cùng thân phụ trên bàn thờ, di ảnh
Đôi lúc chợt thấy mẹ hiền hiu quạnh
Lau hình cha mắt bỗng thoáng mơ màng
Chắc lúc ấy trong lòng bao chuyện cũ
Vụt hiện về cùng nỗi nhớ miên man ...
Những đêm khuya bấc lụn, ngọn đèn tàn
Mẹ trăn trở, dường như lau ngấn lệ?!
Những lúc ấy tôi ước ao vô kể
Phải chi cha còn sống để ủi an!
TN
40 năm nhìn lại
nghe bên những tàn phai
lời dân kêu ai oán
chủ nghĩa…ôi mỉa mai!
quẳng được chắc sẽ ..vui?!
những trăn trở ngậm ngùi
bao ước mơ, ướm mộng
mãi quẩn quanh quay lùi
bên thay đổi có không
bên vận nước long đong
tháng tư về nghe ngóng
cho đau xót trong lòng
thuơng lắm quê xa xưa
dẫu dân bị lọc lừa
vẫn tin trời sẽ sáng
cầu vòng sau cơn mưa…..
M.Phượng